Ngày 19/07/2015, trong chuyến công tác tại Tây Nguyên, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân cùng Đoàn công tác Trung ương đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng về tình hình phát triển các Hợp tác xã nông nghiệp tại địa phương.

Trong chuyến đi Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân và đoàn công tác Trung ương đã có cuộc khảo sát Tổ hợp tác Hương Sắc Đà Lạt tại Tổ 3 (thôn Quảng Hiệp, xã Hiệp Thạnh, huyện Đức Trọng) một trong những Tổ hợp tác thuộc Công ty TNHH Hoa Mặt Trời (Đ/c: thôn Phú Tân, xã Phú Hội, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng) và làm việc với Công ty TNHH Hoa Mặt Trời.

Đây là công ty kinh doanh đầu tư sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được thành lập năm 2004. Với mong muốn có được một lượng hàng hóa hoa lan Vũ Nữ lớn, chất lượng cao cạnh tranh trên thị trường thế giới và xuất khẩu bằng đường biển giá rẻ, năm 2011 công ty đã chuyển giao kỹ thuật, tổ chức liên kết với hơn 40 hộ nông dân và một tổ Hợp tác trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng chuyên sản xuất hoa lan Vũ Nữ cắt cành xuất khẩu với tổng diện tích 21,4 ha.

Phía công ty cung cấp dịch vụ giống cây trồng bảo đảm tiêu chuẩn và một số dịch vụ đầu vào thiết yếu, hướng dẫn chuyển giao kỹ thuật cho Tổ hợp tác và các hộ nông dân và đóng vai trò là đầu mối tập trung sản phẩm, đóng gói, bảo quản, vận chuyển và thực hiện xuất khẩu. Phía Tổ hợp tác và các hộ nông dân đầu tư cơ sở hạ tầng (nhà lưới, hệ thống tưới, đất đai), trồng và chăm sóc hoa, sản phẩm hoa sau khi thu hoạch được tập trung vận chuyển về xưởng đóng gói. Hiện công ty TNHH Hoa Mặt Trời giải quyết việc làm cho 70 lao động với tiền lương hàng tháng từ 4 đến 4,5 triệu đồng/người/tháng…

Bên cạnh những kết quả đạt được, thì vẫn còn rất nhiều khó khăn mà các hợp tác xã nông nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh nói chung và Công ty TNHH Hoa Mặt Trời nói riêng gặp phải.

Tại buổi làm việc, Uỷ ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng cũng đề nghị Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam kiến nghị với Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương một số nội dung như sớm ban hành nghị định về phát triển kinh tế tập thể cho lĩnh vực nông nghiệp; bố trí ngân sách để thực hiện đầu tư kết cấu hạ tầng vùng sản xuất (giao thông, thủy lợi) tạo điều kiện thuận lợi và giảm chi phí sản xuất cho các hợp tác xã, tổ hợp tác; tăng mức hỗ trợ trực tiếp cho các hợp tác xã trong giai đoạn thành lập; bố trí ngân sách hỗ trợ địa phương phát triển kinh tế tập thể; đồng thời tiếp tục quan tâm hỗ trợ kinh phí để phát triển các hợp tác xã trong những năm tới; có cơ chế, chính sách mạnh mẽ hơn trong việc hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể như chính sách đào tạo cán bộ quản lý nhà nước về kinh tế tập thể.

Trước thực trạng tiếp cận vốn vay ưu đãi của các Hợp tác xã vẫn còn nhiều vướng mắc, ông Nguyễn Thiện Nhân đề nghị tỉnh, các sở, ngành phải xem xét lại thủ tục hành chính nhằm tạo điều kiện cho các Hợp tác xã vay vốn sản xuất, kinh doanh. Tỉnh, huyện xem xét bố trí quỹ đất để các Hợp tác xã sớm có trụ sở làm việc. Ông Nguyễn Thiện Nhân cũng đề nghị Liên minh Hợp tác xã, Ban Kinh tế Trung ương rà soát lại các cơ chế, chính sách trong việc hỗ trợ địa phương, các Hợp tác xã phát huy hiệu quả...

Trong buổi làm việc với nhóm liên kết tại Công ty TNHH Hoa Mặt Trời là nhóm Di Linh (gồm ba anh em: Cao Xuân Sơn, Cao Đông Hải và Cao Đông Bình) cho biết, ngay từ năm 2012, công ty đã ký hợp đồng đặt mua cây giống từ Đài Loan.

Đầu năm 2013, Nhóm liên kết đã tiến hành xây dựng nhà lưới theo thiết kế kỹ thuật của Đài Loan và nguyên vật liệu làm nhà lưới phần lớn đều nhập ngoại. Quy mô ban đầu của ba anh em chỉ trồng thử 7.500 m2 nhà lưới, với 100.000 chậu hoa.

Quy trình trồng Lan Vũ Nữ bắt buộc phải theo sản xuất công nghệ cao. Nghĩa là, ngoài hệ thống nhà lưới, hệ thống nước tưới được thiết kế tưới tự động; nước phải được xử lý qua các công đoạn (lấy từ giếng khoan nước ngầm rồi lắng, lọc…) thành nước “siêu sạch” để tưới cho hoa; xịt thuốc cũng bằng máy phun tự động; người ra, vào vườn hoa phải dùng dép riêng…

Tất cả các trang trại hoa trong Nhóm nông dân liên kết phải được sản xuất, chăm sóc theo cùng một quy trình chung để chuẩn hóa chất lượng sản phẩm. Và sản phẩm sau khi thu hoạch đều được tập trung về một nơi để xử lý, trước khi xuất khẩu hoặc tiêu thụ trong nước.

Báo cáo thêm những thành tựu đạt, nhóm nghiên cứu cho biết, năm 2015, Lan Vũ Nữ bắt đầu cho thu hoạch, sản phẩm được thị trường đánh giá là hoa đẹp, chất lượng hoàn hảo và khác với Đài Loan là ở đây, nhờ khí hậu thích hợp, lan đã cho ra hoa liên tục quanh năm. Riêng trang trại hoa của nhóm Di Linh đã xuất bán trên 10.000 cành cho thị trường Nhật Bản.

Sau chuyến hàng xuất khẩu đầu tiên sang thị trường Nhật, được bạn hàng và các chuyên gia Nhật, Đài Loan đánh giá là hoa đẹp và chất lượng cao, ba anh em cùng với Nhóm liên kết đã liên tục xuất thêm 5 chuyến hàng (5 containeurs) sang Nhật (mỗi chuyến hàng từ 25.000 đến 40.000 cành lan Vũ nữ).

Đều đặn định kỳ hàng tuần, cả Nhóm xuất bằng đường máy bay sang thị trường Úc 1 chuyến/tuần (5.000 cành/chuyến). Sắp đến, nhóm liên kết trồng hoa lan Vũ Nữ phát triển thêm thị trường, như: Thái Lan, Singapore, Lào, Campuchia… Đây quả thật là tín hiệu đáng mừng cho thị trường xuất khẩu Lan Vũ Nữ và cũng là mô hình kinh tế trang trại cần được nhân rộng không chỉ trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng và còn phát triển ở các tỉnh thành trên cả nước./.