Máy bay – một sản phẩm thuộc mô hình sản xuất đa quốc gia

Phân bổ và kiểm soát tốt giá trị thặng dư

Một trong những lợi thế có thể dễ dàng thấy được của mô hình sản xuất đa quốc gia là sự chuyên môn hóa trong sản xuất, phân phối, và kiểm soát giá trị thặng dư. Các công ty đa quốc gia chủ yếu đến từ các quốc gia phát triển – nơi thường chịu trách nhiệm cho các công đoạn tạo ra nhiều giá trị thặng dư nhất là thiết kế, marketing và phân phối. Trong khi đó, các quốc gia khác sẽ là nơi sản xuất các linh kiện và lắp ráp sản phẩm của họ, tạo ra thành phẩm cuối cùng. Tuy cách làm này gây ra những thâm hụt về thương mại khi nhập thành phẩm ngược về quốc gia của công ty mẹ, nhưng xét về giá trị thặng dư, đây là nước đi chiến lược. Đơn cử là chiếc điện thoại Iphone – một sản phẩm mà Mỹ chiếm tới 66% giá trị gia tăng. Ngược lại, Trung Quốc – nơi cho ra sản phẩm cuối cùng chỉ đóng góp 7 USD cho một chiếc Iphone 3G giá 500USD

Giá trị thặng dư của các quốc gia 1 chiếc Iphone 3G, năm 2009

Tận dụng được nguồn nhân công giá rẻ

Một trong những lí do khiến các công ty mở rộng và chuyển đổi sang mô hình sản xuất đa quốc gia chính là tận dụng nguồn nhân công giá rẻ tại các quốc gia đang phát triển. Tuy vậy, điều này cũng mang lại lợi ích cho cả hai bên, khi các nước đang phát triển cũng được hưởng lợi từ nguồn vốn FDI cũng như các công nghệ, kĩ thuật do các công ty đa quốc gia mang lại, chưa kể đến lượng việc làm khổng lồ các công ty này tạo ra cũng sẽ tác động tích cực đến nền kinh tế. Sản phẩm thì có giá thành rẻ hơn và đôi khi còn được hưởng những ưu đãi về thuế suất khi sản phẩm được xuất khẩu đi các nước khác từ các quốc gia đang phát triển này thay vì từ quốc gia phát triển nơi đặt tổng hành dinh của công ty mẹ.

Kéo dài được vòng đời sản phẩm

Người tiêu dùng ở các quốc gia phát triển thường có thu nhập cao hơn và do đó, thường đòi hỏi sản phẩm mới nhất, được cập nhật thường xuyên. Vậy những sản phẩm còn lại sẽ đi về đâu. Câu trả lời chính là các nước thuộc thế giới thứ ba hoặc các quốc gia đang phát triển. Đơn cử, một chiếc điện thoại Iphone 4 có thể đã không còn được người tiêu dùng tại các quốc gia giàu có bỏ tiền ra mua nữa, nhưng nếu nó sang một quốc gia đang hoặc kém phát triển khác, nó vẫn sẽ được nhiều người tiêu dùng lựa chọn.

Những chiếc Iphone đời cũ vẫn rất được ưa chuộng tại các quốc gia đang phát triển

Nói tóm lại, mô hình sản xuất đa quốc gia là xu thế tất yếu của việc toàn cầu hóa. Đồng thời, nó cũng mang lại rất nhiều lợi ích cho các doanh nghiệp và tập đoàn đa quốc gia. Với tốc độ phát triển và đẩy mạnh toàn cầu hóa hiện nay của nhiều quốc gia trên thế giới, sẽ còn có nhiều công ty mở rộng chuỗi sản xuất của mình ra các quốc gia khác, tạo nên những sản phẩm được chuyển tiếp qua nhiều giai đoạn, tại nhiều nước khác nhau.