Là một doanh nghiệp lớn chuyên sản xuất phân bón và hóa chất đã đóng góp to lớn và thể hiện rõ vai trò lịch sử của cả một quá trình phát triển của đất nước, Công ty Supe phốt phát và Hóa chất Lâm Thao đã xứng đáng được Đảng và Nhà nước tặng thưởng ba lần danh hiệu Anh hùng và nhiều phần thưởng cao quý khác. Tuy nhiên, vấn đề môi trường và hậu quả ô nhiễm môi trường lại được đặt ra vô cùng cấp thiết và mang tính toàn cầu. Bởi vậy, sự ô nhiễm môi trường của Công ty là không thể tránh khỏi do quá khứ để lại. Việc khắc phục nó không phải là bây giờ mới đặt ra mà nó đã được triển khai từ rất sớm. Chúng ta cũng phải thừa nhận với nhau rằng: Công nghệ càng lạc hậu, cũ kỹ thì ô nhiễm môi trường sẽ càng lớn. Giải quyết tận gốc ô nhiễm môi trường rất cần có giải pháp đồng bộ và có sự quan tâm của cả cộng đồng, xã hội.
Vấn đề ô nhiễm môi trường ở Công ty Supe phốt phát và Hóa chất Lâm Thao hiện nay lại không phải do công nghệ mà cái chính là tồn tại bãi thải xỉ do quá khứ để lại. Về công nghệ, để khắc phục sự vi phạm thải khí SO2 vượt tiêu chuẩn cho phép vào môi trường dưới hai lần, ngay từ tháng 12 năm 2006 và cho tới nay, Công ty đã tập trung đầu tư các dự án cải tạo dây chuyền sản xuất axít từ công nghệ tiếp xúc đơn hấp thụ một lần sang tiếp xúc kép hấp thụ hai lần với mục đích là để xử lý khí SO2, SO3 đạt tiêu chuẩn môi trường cho phép. Như vậy, cả ba dây chuyền sản xuất axít của Công ty đã xử lý thành công và hàm lượng khí thải SO2, SO3 đều đạt tiêu chuẩn cho phép về môi trường theo tiêu chuẩn Việt Nam. Đây là một cố gắng rất lớn của Công ty về đầu tư cải tiến công nghệ nhằm xử lý tận gốc chất thải khí vượt tiêu chuẩn cho phép. Hơn nữa, nó còn giúp cho việc nâng cao hiệu suất sản xuất axít Sunphuric phục vụ cho nhu cầu phát triển của nền kinh tế và phục vụ cho nhu cầu sản xuất trong Công ty.
Về khắc phục vi phạm quản lý rác thải sinh hoạt và rác thải công nghiệp, cho tới nay Công ty đã ký hợp đồng xử lý với Công ty TNHH Nhà nước một thành viên xử lý và chế biến chất thải Phú Thọ và xử lý đúng quy cách theo Luật bảo vệ môi trường.



Về khắc phục vi phạm xả nước thải vượt tiêu chuẩn môi trường cho phép từ 2 đến dưới 5 lần; ngay từ năm 2008, Công ty đã tập trung đầu tư dự án xử lý và xây dựng hệ thống tuần hoàn nước thải công nghiệp với tổng kinh phí khoảng 47 tỷ đồng nhằm xử lý triệt để và tuần hoàn tái sử dụng nước thải vào sản xuất.
Hiện nay, hai hạng mục của dự án là xử lý tuần hoàn nước thải công nghiệp và xử lý giải nhiệt cưỡng bức đã đưa vào sử dụng và tạo ra hệ thống tuần hoàn nước tái sử dụng để làm mát các dây chuyền sản xuất axít. Hiện chỉ còn một hạng mục cuối cùng là trạm xử lý và tuần hoàn nước thải các dây chuyền sản xuất Supe Lân đang thải tạm thời được xử lý bằng phương pháp trung hòa (dùng vôi) để đạt độ pH rồi lắng cặn mới thải ra môi trường với tổng lưu lượng 30 - 40m3/h (dưới 1.000m3/ ngày đêm). Hiện nay, Công ty đang tiếp tục cùng với nhà thầu đưa ra phương án xử lý phù hợp và khả thi nhất nhằm sớm hoàn thiện hạng mục này.
Bên cạnh đó, Công ty đang thực hiện hàng loạt các giải pháp nhằm thu hồi toàn bộ các nguồn nước thải bề mặt còn lại để đưa vê hồ tuần hoàn trong Công ty để tái sử dụng vào sản xuất. Như vậy, tất cả nguồn nước thải sẽ được xử lý để tái sử dụng sẽ được hoàn thiện trong năm nay. Công ty đã mạnh dạn bỏ ra khoảng 80 tỷ đồng để đầu tư cho xử lý ô nhiễm môi trường.
Vấn đề cuối cùng là khắc phục vi phạm quản lý chất thải nguy hại không đúng quy định và không lập hồ sơ đăng ký có phát sinh chất thải nguy hại. Như vậy, nguồn ô nhiễm chính hiện nay lại nằm ở bãi thải xỉ Pyrít trong quá trình sản xuất a xít. Bãi thải xỉ này do quá khứ để lại bởi hiện nay Công ty đã chuyển đổi công nghệ từ đốt quặng Pyrít sang đốt lưu huỳnh (S) nguyên tố hóa lỏng nên không còn sinh ra xỉ Pyrít nữa. Nhưng vấn đề xử lý bãi xỉ này như thế nào thì lại vượt quá khả năng của Công ty. Trước mắt, Công ty đã và đang tập trung xử lý bằng cách vét xỉ ở dưới thấp lên cao để lưu giữ, bảo quản; xây kè và tường chắn xung quanh bải xỉ để hạn chế nước ngấm xuống hồ vùng đệm; lấp đất và trồng cây xanh xung quanh; thu gom nước về hồ tuần hoàn... Tất cả đã hạn chế đáng kể nước ngấm từ bãi xỉ xuống hồ vùng đệm của Công ty. Được sự giúp sức của các cấp chính quyền và các cơ quan chức năng, đặc biệt là UBND tỉnh, Sở Tài nguyên - Môi trường, đến nay Công ty đã hoàn thiện lại hồ sơ và đề nghị cấp sổ đăng ký chủ nguồn thải chất nguy hại.
Để xử lý triệt để bãi thải xỉ, Công ty đã ký hợp đồng với Công ty cổ phần chế biến khoáng sản Vĩnh Phú nhằm khai thác, xử lý, chế biến xỉ tại chỗ để sử dụng làm nguyên liệu cho sản xuất thép. Đây là dự án khả thi nhất và nếu dự án này được khẩn trương triển khai thì sẽ xử lý triệt để tận gốc nguồn gây ô nhiễm chất thải nguy hại.
Bên cạnh những nỗ lực, cố gắng của Công ty, một công việc cũng rất cần được nhắc tới là tiến hành công tác quan trắc theo định kỳ mỗi năm hai lần theo đúng cam kết đã ký với cơ quan chức năng về đánh giá tác động môi trường tại Công ty.
Tóm lại, sau thời gian làm việc tại Công ty, chúng tôi đã có dịp đi khảo sát tại một số nơi mà Công ty đã làm như: Hệ thống hồ tuần hoàn để tái sử dụng nước thải phục vụ cho sản xuất; các dây chuyền công nghệ sản xuất axít; hệ thống nước thải tại phân xưởng Supe lân, khu bãi thải xỉ; hệ thống cây xanh; hệ thống kè, đập và tường chắn xung quanh bãi xỉ; hệ thống hồ vùng đệm... Tất cả đang chứng minh về sự nỗ lực, quyết tâm và mong muốn của Công ty để xử lý triệt để tận gốc mọi nguồn gây ô nhiễm môi trường và hướng tới sự phát triển bền vững trong tương lai không xa. Và Công ty cũng rất cần phải có sự quan tâm, giúp đỡ của các cấp chính quyền từ Trung ương tới các bộ, ngành và tới các cấp chính quyền, các cơ quan chức năng từ tỉnh đến các địa phương./.