Thành viên HĐQT và Ban kiểm soát ra mắt Đại hội đồng cổ đông lần thứ nhất

Quyết tâm của Hancorp được thể hiện rõ khi ngay năm đầu tiên cổ phần hóa khi đặt mục tiêu 5 tháng cuối năm 2014 đạt doanh thu 1.004,7 tỷ đồng, lợi nhuận 64,64 tỷ đồng, cổ tức chi trả 6%.

Phát huy năng lực cốt lõi

Mục tiêu trên hoàn toàn có cơ sở bởi trong bối cảnh đặc biệt khó khăn đối với các DN xây dựng, nhưng kết quả sản xuất kinh doanh trong những tháng đầu năm của Hancorp vẫn đạt được kết quả khả quan. 7 tháng đầu năm 2014, TCty (Cty mẹ) đạt doanh thu 1.054 tỉ đồng (đạt 52% kế hoạch năm), chỉ đạo các Cty con, Cty liên kết hoàn thành giá trị sản xuất kinh doanh 4.765 tỉ đồng(đạt 56% kế hoạch năm).

TCty đã trực tiếp tham gia dự thầu 30 công trình và đã trúng thầu 5 công trình với giá trị 860 tỷ đồng, trong đó gói thầu số 07 - ĐHTL thi công xây lắp giảng đường - KTX Trường ĐH Thủy Lợi với giá trị hơn 600 tỷ đồng. Ngoài ra, TCty hiện đã và đang tập trung chỉ đạo và trực tiếp thi công một số công trình trọng điểm như: Bệnh viện Nhi TW, Văn phòng Quốc hội, Bệnh viện Sóc Trăng, gói thầu 05 các công trình kiến trúc của DEPO Dự án Đường sắt trên cao Nhổn – ga Hà Nội, gói thầu 6.2 cải tạo 4 hồ thoát nước Dự án Thoát nước cải tạo môi trường Hà Nội, trụ sở Tòa phúc thẩm TAND tối cao Hà Nội…


Phối cảnh dự án khu Ngoại giao đoàn

Hiện nay, thế mạnh lớn của Hancorp là thi công nhà cao tầng, siêu cao tầng với nhiều tầng hầm. TCty là đơn vị duy nhất nắm giữ công nghệ thi công tường bê tông cốt thép cao bằng phương pháp cốp pha trượt, cốp pha leo. Một trong những thành công tiêu biểu, khẳng định vị thế của DN trên thị trường là thi công tường nghiêng hình chóp cụt ngược tại Phòng họp chính nhà Quốc hội mới. Đây là kỹ thuật khó, chưa có DN nào khác có khả năng và áp dụng trong thi công. Bên cạnh đó, Hancorp được quản lý một quỹ đất có tổng diện tích lên tới 2,1 triệu m2, trong đó phần diện tích đất thuộc quyền khai thác, quản lý sử dụng và theo dõi còn lại của TCty là 1.091.786,31 m2.

Theo đại diện lãnh đạo Hancorp: Với vị thế là một trong những DN đầu ngành trong lĩnh vực thi công xây lắp và nhà đầu tư về hạ tầng và khu đô thị mới - nhà ở, sau khi hoàn thành việc đổi mới, sắp xếp lại và cổ phần hóa các DN trực thuộc, TCty xây dựng Hà Nội đã tiến hành cổ phần hóa Cty mẹ kết hợp tái cơ cấu tổ chức, phương thức quản trị DN và quy chế quản lý theo các thông lệ quốc tế. Hoạt động kinh doanh sau cổ phần hóa của TCty là tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh chính, phát huy tốt các nguồn lực, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và năng lực cạnh tranh trên thị trường.

Chiến lược mới

Việc Hancorp triển khai tái cấu trúc DN được coi là một bước đi chiến lược trong những nỗ lực vượt qua khó khăn chung của thị trường, đồng thời khẳng định uy tín, năng lực vốn có.

Trên thực tế, ngay từ đầu tháng 1/2014, phương án cổ phần hóa Hancorp đã được phê duyệt. Việc IPO cũng đã được thực hiện thành công. Sau IPO, phương án cổ phần hóa Hancorp một lần nữa được Bộ Xây dựng điều chỉnh vào đầu tháng 6/2014, với vốn điều lệ 1.410 tỷ đồng, trong đó Nhà nước nắm giữ 98,83% vốn điều lệ. Việc Hancorp chuyển từ TCty nhà nước sang Cty cổ phần, đồng thời thực hiện thành công Đại hội đồng cổ đông lần thứ nhất vừa là thách thức nhưng cũng là cơ hội cho TCty. Bởi, Hancorp phải tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược để đa dạng hóa sở hữu, giảm tỷ lệ sở hữu vốn của Nhà nước, sản xuất - kinh doanh hiệu quả để sớm niêm yết trên thị trường chứng khoán.

Ngay sau khi có phương án tiến trình cổ phần hóa, Hancorp cũng đang nỗ lực thực hiện tái cơ cấu, với một trong những nhiệm vụ trọng tâm là thoái vốn đầu tư ngoài ngành.

Ngay sau khi có phương án tiến trình cổ phần hóa, Hancorp cũng đang nỗ lực thực hiện tái cơ cấu, với một trong những nhiệm vụ trọng tâm là thoái vốn đầu tư ngoài ngành. 7 tháng đầu năm, TCty đã thoái vốn được gần 130 tỷ đồng tại Cty cổ phần Đèo Cả (53 tỷ đồng) và Cty Ngôi sao An Bình (77 tỷ đồng). Hancorp cũng đang tiếp tục hoàn thành việc thoái vốn tại Cty cổ phần Thủy điện Quế Phong với số tiền 81 tỷ đồng. Theo kế hoạch thoái vốn 5 tháng cuối năm 2014, Cty sẽ tiếp tục thoái vốn 134,9 tỉ đồng.

Không chỉ cải thiện các chỉ tiêu trong ngắn hạn, Hancorp còn đặt ra các mục tiêu dài hơi và lộ trình cụ thể cho 3 năm tiếp theo. Theo đó, tổng doanh thu 2.468 tỉ đồng năm 2015 sẽ tăng lên 3.226 tỉ đồng vào năm 2017, lợi nhuận trước thuế tương ứng là 152 tỉ đồng và 179 tỉ đồng; Nâng mức chi trả cổ tức từ 7% năm 2015 lên 9% vào năm 2017.

Để đạt được các mục tiêu trước mắt cũng như lâu dài, Hancorp cho biết: Ngoài việc thực hiện tốt công tác thị trường, triển khai đầu tư, hoàn thiện các dự án, Hancorp sẽ phải tập trung vào công tác tổ chức và đổi mới DN; Kiện toàn tổ chức từ lãnh đạo TCty đến các phòng ban cho phù hợp với mô hình mới trên nguyên tắc gọn nhẹ và hiệu quả. Đồng thời triển khai thành lập một vài đơn vị hạch toán phụ thuộc để thực hiện nhiệm vụ trực tiếp xây lắp tại các dự án đầu tư của TCty với mục địch nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, thành lập Cty cổ phần khu vực phía Nam trên cơ sở chi nhánh của TCty tại TP HCM để thực hiện công tác xây lắp tại khu vực này. Đồng thời, hoàn thiện các văn bản, quy chế của TCty cho phù hợp với mô hình mới là Cty cổ phần. Đặc biệt, tích cực đẩy nhanh tiến độ thực hiện thoái vốn để phục vụ cho hoạt động sản xuất chính của TCty theo đề án tái cơ cấu TCty đã được Bộ Xây dựng phê duyệt…

“Với đôi ngũ cán bộ quản lý năng động, sáng tạo, đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật có trình độ nghiệp vụ và lực lượng công nhân lành nghề, cùng với các trang thiết bị hiện đại, đồng bộ, đặc biệt với định hướng chiến lược và lộ trình thực hiện tái cấu trúc phù hợp dựa trên tiềm lực vốn có chính là chìa khóa để Hancop phát triển mạnh mẽ trong tương lai” - đại diện lãnh đạo Hancorp khẳng định.