Xử phạt Vinatas trong vụ nước mắm nhiễm asen

Ngày 26/5/2017, Cục quản lý thị trường thuộc Bộ Công thương ra quyết định xử phạt hành chính Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng (VINASTAS) 15 triệu đồng vì vi phạm Luật An toàn Thực phẩm. Kèm theo quyết định buộc thu hồi để tiêu hủy tài liệu, ấn phẩm về kết quả hoạt động khảo sát nước mắm mà Vinatas đã vi phạm khi công bố.

Trước đó, vào tháng 10/2016 trên website của Hội, Vinatas bất ngờ công bố kết quả khảo sát nước mắm sản xuất theo phương pháp truyền thống nhiễm arsen (thạch tín).

Công bố này cũng nhấn mạnh các mẫu nước mắm có độ đạm càng cao, tỉ lệ mẫu có hàm lượng arsen tổng vượt ngưỡng quy định càng tăng, nhằm ám chỉ sự độc hại của nước mắm truyền thống.

Tuy nhiên, loại arsen trong nước mắm, thực chất là arsen hữu cơ, hoàn toàn không có hại cho người sử dụng.

Công bố của Vinatas gây hoang mang trong dư luận, gây hiểu lầm cho người tiêu dùng và thiệt hại cho ngành sản xuất nước mắm truyền thống.

Tổ chức này được xác định vi phạm là phát hành tài liệu, ấn phẩm thông tin, giáo dục, truyền thông về an toàn thực phẩm không chính xác, không đúng sự thật gây ảnh hưởng xấu về dư luận xã hội.

Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều thắc mắc từ dư luận chưa được giải đáp. Chẳng hạn, mục đích Vinatas tiến hành khảo sát và công bố? Có hay không doanh nghiệp đứng đằng sau vụ việc này?....

Thu thuế bán hàng qua mạng, có người bị truy thu hơn 9 tỷ đồng

Vào tháng 3/2017, Cục Thuế TP.HCM đã soạn thảo kế hoạch phối hợp với các sở, ban ngành về việc thu thuế bán hàng qua mạng và kiến nghị áp dụng ngay trong tháng 4.

Hàng chục ngàn tài khoản Facebook, website… kinh doanh hàng hóa, dịch vụ tại TP.HCM nằm trong diện phải kê khai đăng ký thuế.

Dù đến hạn kê khai, nhưng rất nhiều chủ tài khoản vẫn bặt vô âm tín. Dù vậy Cục thuế TP.HCM vẫn quyết làm đến cùng. Rất nhiều cá nhân kinh doang qua mạng bị truy thu thuế. Đình đám nhất, có cá nhân bị truy thu thuế tới 9,1 tỷ đồng.

Hàng loạt mặt hàng nông sản rơi vào khủng hoảng thừa phải kêu gọi giải cứu

Nhiều mặt hàng nông sản như dưa hấu tại Quảng Ngãi, chuối tại Đồng Nai, heo tại khắp các vùng miền… rơi vào khủng hoảng thừa, giá rẻ như cho nhưng cũng chẳng có người mua.

Dưa hấu, chuối… còn chưa đầy 1.000 đồng/kg, chín đầy ruộng mà không thấy ai mua. Nông dân phải chặt bỏ làm thức ăn cho gia súc. Giá heo thịt cũng rẻ như rau, gọi bán mà không có người mua. Người nuôi khắp nơi tự giết mổ heo mang đi bán.

Nguyên nhân của những đợt khủng hoảng thừa nông sản này đều do các ngành hàng phụ thuộc vào các mối xuất khẩu tiểu ngạch sang thị trường Trung Quốc.

TP. Hồ Chí Minh thực hiện truy xuất nguồn gốc thịt heo

TP. Hồ Chí Minh là địa phương đầu tiên trên cả nước áp dụng quy định truy xuất nguồn gốc thịt heo trên thị trường thông qua việc gắn vòng truy xuất.

Theo đó, bất cứ một con heo xuất phát từ tỉnh thành, địa phương nào… muốn đưa về TP.HCM tiêu thụ phải được gắn vòng truy xuất ở hai chân sau của heo.

Chiếc vòng này có mã QR được khai báo thông tin chủ trại, thương lái, cán bộ thú y, tiểu thương…Những thông tin được Sở Công thương kỳ vọng có thể kiểm soát được nguồn gốc, đường đi của từng miếng thịt heo từ trại nuôi đến tay người tiêu dùng.

Tuy nhiên, đề án này sau khi nhiều tháng thử nghiệm và vận hành chính thức đều không đạt được kết quả như mong muốn. Nguyên nhân được người chăn nuôi, thương lái, tiểu thương… giải thích là việc đeo vòng gây tốn kém, trong khi khó đem lại hiệu quả vì việc khó thẩm định được thông tin khai báo có chính xác hay không.

Dù vấp phải những trở ngại, song Sở Công thương TP.HCM khẳng định, bằng mọi giá sẽ vẫn duy trì đề án này.

Cuộc chiến” giữa taxi truyền thống với taxi công nghệ

Cuộc chiến giữa taxi truyền thống với taxi công nghệ như Grab, Uber tiếp tục nóng lên khi các hãng xe taxi truyền thống liên tục tố cáo các hãng taxi công nghệ dành hết thị phần.

Không dừng lại ở những cuộc “khẩu chiến”, một số hãng taxi lớn như Vinasun còn xuất hiện cả những khẩu hiệu phản đối Uber – Grab.

Trong khi đó, cơ quan quản lý nhà nước còn lúng túng trong việc quản lý loai hình dịch vụ sử dụng công nghệ này.

Việc chưa xác định rõ ràng các hãng taxi công nghệ là một loại hình dịch vụ vận tải hay là một đơn vị cung cấp phần mềm dẫn đến sự lúng túng trên.

Trong khi đó, một số nước châu Âu đã ra phán quyết, Uber, Grab là loại hình vận tải, và họ áp cơ chế quản lý dành cho một doanh nghiệp vận tải nhằm đảm bảo sự công bằng giữa các doanh nghiệp cùng lĩnh vực, ngành nghề.

Tin 50% số heo ra thị trường TP. Hồ Chí Minh bị chích thuốc an thần

Gần 5.000 con heo tại cơ sở giết mổ Xuyên Á (Củ Chi), cơ sở giết mổ lớn nhất TP. Hồ Chí Minh bị bắt quả tang đang được chích thuốc an thần trước khi giết mổ.

Hàng ngàn con heo tại lò mổ Xuyên Á bị chích an thần trước khi đem đi giết mô.

Mục đích của việc làm sai trái này được các thương lái giải thích là giúp quá trình vận chuyển, giết mổ heo được dễ dàng. Thịt heo sau khi giết mổ giữ được độ tươi lâu hơn.

Đồng thời, nhiều con heo được chích thuốc an thần sau đó bị bơm nước trực tiếp vào cơ thể nhằm tăng trọng lượng, thu lời bất chính.

Các nhà khoa học cảnh báo, thịt heo tồn dư chất an thần có thể bị các triệu chứng hạ huyết áp, lừ đừ, không tập trung, tăng cân, khô miệng, táo bón, dị ứng, buồn ngủ, trầm cảm kéo dài, giảm khả năng điều hòa thân nhiệt...

Đặc biệt càng nguy hiểm hơn đối với trẻ em, người già và những người có tiền sử về bệnh tim mạch, gan, thận…

Việc chích an thần cho heo được cơ quan chức năng nhận định đã diễn ra một thời gian dài, tại nhiều địa phương.