Uber, Grab tạo “cú hích” để doanh nghiệp taxi Việt Nam thay đổi
Đây là thông tin được ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải, Bộ Giao thông Vận tải đưa ra tại Bàn tròn trực tuyến của báo Vietnamnet, diễn ra trong 3 ngày từ 10-12/07/2017.
Taxi truyền thống đã mất khoảng 30-40% thị phần
Phát biểu tại Bàn tròn trực tuyến, TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách, Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội, sự xuất hiện của Uber, Grab đã làm thay đổi toàn bộ thị trường vận tải taxi. Nhìn từ quyền lợi người tiêu dùng, thì họ đã được lợi nhiều bởi chính sách giá cả, chủ động cung đường đi, cách thức đi lại an toàn, không cần sử dụng tiền mặt và không phải lo lắng quá nhiều về nhân thân người lái xe taxi bởi đã có data thông tin của Uber và Grap.
Tuy nhiên, nhìn từ góc độ của taxi truyền thống, thì chủ yếu bị ảnh hưởng theo hướng tiêu cực. Bởi đơn giản là thị trường chỉ có như vậy, bỗng có một nhóm khác vào cạnh tranh trong khi người tiêu dùng lại đa dạng hoá lựa chọn của mình. Vì thế, các hãng taxi có phản ứng khác nhau. Có hãng thì thay đổi để tốt hơn, cập nhật thêm các phần mềm, nhưng có những hãng lại phản đối rất mạnh mẽ.
Các vị đại biểu tham gia Bàn tròn trực tuyến của báo Vietnamnet |
Đồng tình với ý kiến trên đại diện cho taxi truyền thống, ông Đỗ Quốc Bình, Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội cho rằng, sau 17 tháng thí điểm 2 loại hình dịch vụ trên, thị trường taxi mới bắt đầu xảy ra rất nhiều việc liên quan tới các phản ứng của doanh nghiệp taxi.
Đến nay, Hiệp hội taxi Hà Nội ước tính thị phần đã bị mất khoảng 30-40%. Điều này dẫn tới thảm cảnh cho các lái xe, là những người lái cho các hãng taxi truyền thống, có những người đầu tư xe, có những người chạy thuê... rơi vào tâm lý bất ổn. Bởi vì, sự cạnh tranh này ảnh hưởng đến nồi cơm của họ.
Do chính sách không đảm bảo cạnh tranh lành mạnh
Nguyên nhân dẫn đến việc taxi truyền thống bị ảnh hưởng nhiều, theo ông Bình là do chính sách không đảm bảo cạnh tranh lành mạnh.
Đưa ra hàng loạt các ví dụ chứng minh hiện nay, taxi truyền thống có nhiều điều kiện kinh doanh hơn Grab và Uber, ông Bình cho biết, sau 17 tháng thí điểm Uber, Grab, số lượng xe taxi bùng nổ lên tới con số 40.000 xe. Trong khi các hãng taxi đã bị hạn chế số xe từ cách đây cả chục năm rồi.
“Chính vì không cân sức, một bên sử dụng cách khác so với hoạt động thuần tuý kinh doanh. Kinh doanh là có tính lời lãi nhưng ở đây, họ không tính đến lời lãi (Uber, Grab- PV) thì đương nhiên, các hãng taxi với việc bị trói buộc quá nhiều điều kiện kinh doanh thì sẽ bị mất thị phần”.
Ông Bình còn cho biết, doanh nghiệp taxi truyền thống đều phải có Ban An toàn giao thông, với khẩu hiệu "Tính mạng con người là trên hết" để hàng ngày kiểm tra xe rất chặt chẽ, từ đảo lốp, thay dầu, vì sợ gây ra tai nạn.
Trong khi đó, trong 17 tháng thí điểm tại Việt Nam, bao nhiêu xe hợp đồng (Grab, Uber) đã vi phạm thời gian 4 tiếng lưu hành liên tục, rồi bị xử lý rút giấy phép như xe taxi truyền thống, rồi thu phù hiệu? Rồi bao nhiêu xe gây tai nạn?
Ngoài ra, để thu hút người tiêu dùng, thu hút lái xe chạy, vì mục đích tăng định danh giá trị của công ty lên, Uber, Grab sẵn sàng đốt tiền, hạ giá, khuyến mãi.
“Kinh doanh gì mà không biết đi 10.000 đồng 5km, tức 2.000 đồng/km. Rõ ràng, giá cước mà 2.000 đồng/km là có vấn đề”.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Đức Thành khẳng định sự so sánh đó là khập khiễng, bởi đây là cạnh tranh giữa 2 nhóm ngành khác nhau, chứ không phải là nội ngành. Ví dụ, các công ty taxi với nhau phải cạnh tranh với nhau, ví dụ hãng taxi Mai Linh cạnh tranh với hãng taxi Vinasun, doanh nghiệp này phải làm sao để tốt hơn doanh nghiệp kia. Đó là các doanh nghiệp cùng ngành, là 1 trong 5 ngành dịch vụ vận tải theo Luật đã công bố. Các nhà quản lý ở Bộ Giao thông Vận tải phải quản lý theo Luật, tức là theo chuẩn đó rồi.
Giờ, Uber, Grab xuất hiện có thể gọi là một ngành mới. Bởi, trước đây, chưa có ứng dụng công nghệ Uber, Grab thì ngành xe hợp đồng đó nằm riêng, không động chạm gì đến taxi. Như việc khách ở Hà Nội cần đi Chùa Hương thì cứ thuê xe ký hợp đồng riêng và việc đó không cạnh tranh gì với các hãng taxi.
Nhưng vì công nghệ của thế giới thay đổi và tiến triển, Uber, Grab xuất hiện đã làm cho ngành này, tức ngành xe hợp đồng lấn sân sang ngành taxi, khiến các hãng taxi thấy bị ảnh hưởng.
Trong khi đó, đại diện cho Bộ Giao thông Vận tải, ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải lại khẳng định các điều kiện kinh doanh giữa xe taxi và xe hợp đồng (Uber, grab) là bình đẳng.
Ông Ngọc cho biết, vai trò của Uber, Grab, chỉ là trung gian trong kinh doanh hiện đại. Ngày nay, người ta chỉ tập trung trong chuỗi sản xuất kinh doanh hiện đại, khâu nào tạo ra giá trị gia tăng cao và thuộc chuyên môn cao thì người ta sẽ làm. Cái nào bên ngoài làm tốt hơn thì sẽ đi thuê.
Trường hợp này, có thể hiểu bản chất chính là các đơn vị kinh doanh vận tải taxi đang thuê bên ngoài một dịch vụ kết nối nhanh hơn, để tính toán được xe nào đến đón khách thì lợi ích nhất và họ trả tiền cho dịch vụ thuê ngoài đó. Nếu như chúng ta không chấp nhận thuê ngoài đó thì khái niệm logictis sẽ không phát triển. Đó là xu thế của thế giới.
Cho nên, Uber, Grab không có trách nhiệm về xe, cái xe như thế nào là do chủ xe phải chịu trách nhiệm. Họ cũng không có trách nhiệm đối với lái xe, vì lái xe là do đơn vị vận tải chịu trách nhiệm. Họ chỉ chịu trách nhiệm về phần cung cấp thông tin thôi, như đang cung cấp mà ngừng, hoặc đáng lẽ điều xe tới điểm A thì lại điều tới điểm B... thì không được.
“Như vậy, theo Luật Giao thông đường bộ, Nghị định 86, Thông tư 63, tôi khẳng định là các điều kiện kinh doanh giữa các xe taxi và xe hợp đồng này là bình đẳng. Các xe hợp đồng nhờ ứng dụng công nghệ phần mềm mới nên được quản lý chặt chẽ hơn”, ông Ngọc cho biết.
Về vấn đề quy hoạch xe, để đảm bảo công bằng, Thủ tướng Chính phủ, và Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã đồng ý việc các sở giao thông vận tải phải quy hoạch số lượng các phương tiện vận tải, trong đó có xe hợp đồng, vì vậy, điều đó sắp tới sẽ được làm.
“Còn về vấn đề đường cấm, thì hiện nay, có những con đường vì lý do chật chội nên cấm xe taxi. Tuy nhiên, về sau này, cần phải cấm thêm các xe hợp đồng dưới 9 chỗ ngồi cho bình đẳng”, ông Ngọc cho biết.
Uber, Grab “buộc” taxi truyền thống phải thay đổi
Tại bàn tròn, ông Trần Bảo Ngọc đưa thông tin, hiện nay, taxi truyền thống cũng đang thay đổi để cạnh tranh. Bây giờ, có 9 đơn vị đang tham gia thí điểm về xe hợp đồng điện tử này (kể cả Uber, Grab). Trong đó, có những đơn vị chính là các hãng taxi lớn như Vinasun, Mai Linh.
Vui mừng trước thông tin này, ông Nguyễn Đức Thành cho biết, có 7 doanh nghiệp Việt đã phát triển phần mềm mới. Đó là tín hiệu rất đáng quý và nó có được chính là nhờ giai đoạn cho thí điểm Uber, Grab.
“Khi Uber, Grab đến, các nhà kinh doanh ở Việt Nam thấy họ làm mưa làm gió quá thì mình cũng phải vào đó. Có thể chính họ là đến từ các hãng xe truyền thống. Tôi cảm thấy một tương lai là có thể họ sẽ không chỉ cạnh tranh ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, mà một ngày nào đó họ có thể sang cả Lào, Campuchia. Thị trường tiến hoá như vậy là nhờ Uber, Grab”, ông Thành cho biết.
Theo đó, ông Thành cho rằng, bây giờ, Việt Nam phải nghĩ duy trì như thế nào để tạo môi trường tốt hơn cho 7 hạt mầm kia phát triển. Vì thế, việc thử nghiệm Uber, Grab này cần tiếp tục được duy trì chứ không nên đóng sập cửa lại.
Trong khi đó, ông Đỗ Quốc Bình lại cho rằng, kể cả có công nghệ như Uber và Grab thì taxi truyền thống cũng không theo kịp, bởi phần mềm không phải là cái quyết định, mà vấn đề là có tiềm lực để khuyến mãi cho khách hàng hay không?
“Hiện nay, Grab có thể được khuyến mãi từ 30.000 đồng - 50.000 đồng, một chuyến như vậy hầu hết là free (miễn phí). Vậy thì liệu các đơn vị taxi có cho free được không?”, ông Bình đặt câu hỏi.
Theo đó, ông Bình cho rằng, để bình đẳng phải yêu cầu các hãng xe hợp đồng điện tử như Uber, Grab phải khai giá cho đầy đủ như taxi truyền thống. Phải tránh việc vì dùng mô hình hợp đồng, trong hợp đồng có thể thay đổi giá và không ai quản lý giá đó hết, trong khi, nếu là taxi truyền thống thì bị quản lý giá kiểm tra giá rất chặt chẽ.
Tuy nhiên, ông Thành lại cho rằng, các hãng taxi là riêng lẻ, tìm thấy lợi nhuận từ việc có nhiều khách hàng đi xe, có nhiều xe tham gia. Thế nhưng, các hãng này (Uber, Grab), trò chơi của họ có thể không phải là lợi nhuận trước mắt mà là giá trị công ty. Thôi thì, đó là trò chơi của họ, là chiến lược của mỗi công ty, chúng ta không thể ngăn cản và Chính phủ không có quyền can thiệp. Vì họ chọn cuộc chơi như vậy và họ có cách ứng xử riêng.
Thế nhưng, ông Thành cũng cho rằng, cuộc chơi nào cũng không thể mãi mãi được. Có thể bây giờ, Uber, Grab đang tài trợ, khuyến mại..., nhưng khi vượt qua giới hạn mà Luật Cạnh tranh quy định, thì Bộ Công Thương sẽ phải vào cuộc, rà soát một cách khoa học để làm rõ vấn đề và họ sẽ bị can thiệp. Thế những, nếu không vượt qua giới hạn của Luật, thì đó là quyền của họ. Họ có quyền tự do kinh doanh. Tuy nhiên, người được lợi cuối cùng vẫn là người tiêu dùng, vì họ được trợ giá bởi chính sách đó.
Về phía đại diện Bộ Giao thông Vận tải, ông Trần Bảo Ngọc cho biết, ngay trong cuộc đối thoại doanh nghiệp vừa qua, lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải cũng đã trao đổi với các doanh nghiệp là sẽ chủ động làm việc với các bộ ngành liên quan, trong đó có Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, Bộ Công thương, Cục Quản lý cạnh tranh… để chia sẻ thông tin, bàn bạc tạo ra một mạng lưới quản lý nhằm tạo ra một môi trường cạnh tranh bình đẳng và lành mạnh giữa xe hợp đồng với xe hợp đồng, giữa xe hợp đồng với xe taxi và giữa các loại hình khác nhau.
Theo ông Ngọc, khi đã bàn thảo xong thì các cơ quan nhà nước sẽ hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật để đảm bảo cho sự bình đẳng này.
Ví dụ như: năm 2008, Việt Nam chưa thể có khái niệm về Uber hay Grab, cho nên luật không có những quy định về vấn đề này là điều đương nhiên. Tuy nhiên, bây giờ có rồi, thì sẽ nghiên cứu để bổ sung những quy định phù hợp đưa vào, tạo điều kiện cho cả hai loại này đều có thể thuận lợi trong quá trình ứng dụng công nghệ thông tin.
“Không phải chỉ có xe hợp đồng ứng dụng công nghệ thông tin đâu, xe taxi cũng ứng dụng công nghệ thông tin để cùng phát triển với mục tiêu cuối cùng là vì quyền lợi cuả người dân, vì mục tiêu quản lý của nhà nước và mục tiêu vì sự phát triển của doanh nghiệp”, ông Ngọc nhấn mạnh./.
Bình luận