Thông tin này được TS. Nguyễn Văn Thuật, Phó Tổng biên tập phụ trách Tạp chí Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội đưa ra tại diễn đàn khoa học “Việc làm, tiền lương và năng suất lao động ở Việt Nam trong bối cảnh cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0” do Tạp chí Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội (Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tổ chức sáng 31/10/2018, tại Hà Nội.

Toàn cảnh Diễn đàn

Lao động không có trình độ chuyên môn kỹ thuật sẽ bị đào thải

Tại diễn đàn, TS. Trần Hồng Quang, Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia cho biết, nước ta có lực lượng lao động dồi dào (ước khoảng 56 triệu người), năng suất lao động và GDP bình quân đầu người đang có xu hướng tăng. Cụ thể, năng suất lao động toàn nền kinh tế năm 2017 tăng 6% so với năm 2016; GDP bình quân đầu người đạt 53,5 triệu đồng năm 2017, cao hơn gần 5 triệu đồng so với năm 2016.

Bên cạnh đó, sự phát triển của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) đã tác động mạnh đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội nước ta. Trong đó, lĩnh vực lao động, việc làm ngày càng bị tác động mạnh mẽ bởi sự phát triển nhanh chóng và vượt bật của khoa học và công nghệ nói chung, sự phát triển của trí tuệ nhân tạo và công nghệ robot, công nghệ tự động hóa… nói riêng. Những thành tựu của cuộc CMCN 4.0 đã giải phóng sức lao động của con người các công việc nặng nhọc đang được chuyển giao cho máy móc, sản xuất với hiệu quả và năng suất cao hơn.

Tuy nhiên, Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia cho rằng, bên cạnh những mặt tích cựu, thì cuộc CMCN 4.0 cũng đan xen cả những thách thức nhất định, đó là vấn đề thất nghiệp và bất bình đẳng trong thu nhập có nguy cơ gia tăng nhanh. Đồng thời, các công việc sẽ đòi hỏi những lao động có tiềm năng về tư duy trí tuệ, lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao hơn. Những lao động không có trình độ chuyên môn kỹ thuật sẽ bị đào thải.

Phân tích thêm về vấn đề này, TS. Nguyễn Văn Thuật cho biết, Việt Nam là một quốc gia đang hội nhập quốc tế sâu rộng và nền kinh tế có độ mở cao, nhưng lao động nước ta chỉ “vàng” về số lượng, chứ chưa “vàng” về chất lượng bởi có gần 77% lực lượng lao động không có trình độ chuyên môn kỹ thuật.

Trong khi đó, dưới sự tác động của cuộc CMCN 4.0, cầu lao động giản đơn sẽ ngày càng giảm mạnh. Những lao động giản đơn sẽ chỉ có thể đảm nhận những công việc mang tính chất dịch vụ phục vụ nhu cầu thiết yếu. Trong khi hiện nay, lực lượng lao động giản đơn ở Việt Nam là chiếm tỷ lệ khá cao khoảng 43 triệu người.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, với khoảng 43 triệu lao động giản đơn hiện nay thì phần lớn không phải là lao động làm công ăn lương trong khu vực chính thức, mà chủ yếu là lao động nông nghiệp, lao động tự do và lao động trong khu vực phi chính thức, có công việc không ổn định và thu nhập thấp.

Hơn nữa, số lao động giản đơn hằng năm của Việt Nam gần như không giảm hoặc giảm rất chậm, giảm không đáng kể trong giai đoạn từ năm 2012-2017. Cụ thể, năm 2017 lực lượng lao động đã tăng thêm 2,9 triệu người so với năm 2012, trong khi lao động giản đơn chỉ giảm 0,5 triệu người năm 2017 so với năm 2012.

“Đây thật sự là một báo động “đỏ” đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của nước ta trong bối cảnh cuộc CMCN4.0, bởi lực lượng lao động giản đơn vẫn còn quá đông và chưa có dấu hiệu giảm nhanh trong suốt hàng thập kỷ qua”, TS. Nguyễn Văn Thật nhận định.

Đồng quan điểm, PGS, TS. Vũ Quang Thọ, Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn cho biết thêm, thị trường lao động Việt Nam hiện nay vẫn chủ yếu và phổ biến là cung và cầu lao động kỹ năng thấp. 46 triệu lao động Việt Nam (lao động chưa qua đào tạo) đứng trước nguy cơ mất cơ hội tham gia những công việc có mức thu nhập cao, bị đe dọa thay thế bởi robot, trang thiết bị công nghệ thông minh.

Do đó, nếu người lao động không thích ứng kịp với những yêu cầu của cuộc CMCN 4.0, thì sẽ dễ đẩy người lao động rơi vào tình trạng thất nghiệp, mất việc làm và nhiều hệ quả xã hội khác.

Chính sách giáo dục cần thay đổi để đáp ứng nhu cầu kỹ năng mới của CMCN 4.0

Đề xuất một số giải pháp với thị trường lao động Việt Nam trong bối cảnh cuộc CMCN 4.0, PGS. TS Vũ Quang Thọ cho rằng, cần tăng cường công tác truyền thông, nâng cao nhận thức của toàn xã hội, các cơ quan, doanh nghiệp, người lao động về bản chất, nội dung và yêu cầu của CMCN 4.0, tác động của nó đến nền kinh tế nói chung và thị trường lao động nói riêng.

Đồng thời, hoàn thiện hệ thống pháp luật về lao động – việc làm theo hướng vừa tích cực có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ người lao động trong đào tạo và tái đào tạo để thích ứng với bối cảnh mới.

Bên cạnh đó, cần đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục nghề nghiệp, nâng cao hiệu quả, chất lượng giáo dục nghề nghiệp; đồng thời, cần hoàn thiện hệ thống thông tin thị trường lao động và nâng cao chất lượng dự báo thị trường lao động, đặc biệt là dự báo nhu cầu lao động của các doanh nghiệp, các ngành nghề phổ biển.

Còn theo PGS, TS. Bùi Văn Huyền, Viện Kinh tế (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh), thì chính sách giáo dục của Việt Nam cần được thay đổi để đáp ứng nhu cầu kỹ năng mới của cuộc CMCN 4.0. Cần áp dụng kết hợp công nghệ dữ liệu cỡ lớn và công nghệ học tập của máy móc để có được một chính sách đảm bảo an sinh xã hội trong vòng đời của người dân.

Ngoài ra, đưa công nghệ trí tuệ nhân tạo trong quản lý lao động và kết nối việc làm giữa người lao động và doanh nghiệp; xây dựng nền tảng số cho chính sách an sinh xã hội đem lại việc làm cho người lao động ở nhiều trình độ kỹ năng khác nhau; đồng thời, định hình mô hình an sinh xã hội mới của Việt Nam…/.