Cụ thể, về nguyên tắc sử dụng dự phòng vốn trái phiếu chính phủ giai đoạn 2012-2015, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo ưu tiên bố trí cho một số dự án cấp bách đang được triển khai bằng nguồn vốn trái phiếu chính phủ giai đoạn 2012 – 2015, để sớm hoàn thành đề án, dự án hoặc hoàn thành hạng mục dự án, đưa vào sử dụng phát huy hiệu quả đầu tư, đáp ứng kịp thời nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và cải thiện đời sống nhân dân, nhất là ở các vùng khó khăn, miền núi.

Về phương án sử dụng dự phòng vốn trái phiếu chính phủ giai đoạn 2012-2015, Thủ tướng Chính phủ đồng ý với đề xuất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đồng thời, giao Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.

Căn cứ ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ: Tài chính, Giáo dục và Đào tạo, Quốc phòng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan liên quan tổ chức triển khai thực hiện theo quy định.

Được biết, tổng số vốn trái phiếu chính phủ giai đoạn 2012-2015 là 5.524,181 tỷ đồng.

Trước đó vào tháng 4/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định về việc giao kế hoạch vốn trái phiếu chính phủ bổ sung giai đoạn 2014-2016 cho các dự án dự kiến hoàn thành năm 2014-2015.

Theo đó, trong giai đoạn 2014-2016, hơn 18.000 tỷ đồng vốn trái phiếu chính phủ sẽ phân bổ cho 2 bộ (Giao thông vận tải, Y tế) và 23 tỉnh, thành phố để hoàn thành các dự án liên quan đến lĩnh vực giao thông, thủy lợi, y tế trong năm 2014-2015.

23 tỉnh, thành phố được giao kế hoạch vốn trái phiếu chính phủ bổ sung gồm: Lạng Sơn, Bắc Kạn, Phú Thọ, Bắc Giang, Hòa Bình, Lai Châu, Hưng Yên, Hà Nam, Ninh Bình, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên, Ninh Thuận, Bình Thuận, Kon Tum, Lâm Đồng, Sóc Trăng, An Giang, Cà Mau./.