Hệ thống hộ khẩu đang tạo ra sự không công bằng trong xã hội?

Trong quá trình xây dựng báo cáo, nhóm nghiên cứu đã thực hiện một cuộc khảo sát hộ gia đình và nghiên cứu định tính vào năm 2015 ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Bình Dương và Đắk Nông với mục đích bao gồm tất cả các hộ gia đình trong mẫu khảo sát, không phân biệt tình trạng cư trú và đăng ký hộ khẩu.

Kết quả khảo sát cho thấy, có ít nhất 5,6 triệu người dân tại địa bàn điều tra không có hộ khẩu thường trú ở nơi họ cư trú (và chỉ đăng ký tạm trú), bao gồm 36% dân cư của TP. Hồ Chí Minh và 18% dân cư ở Hà Nội.

Những người không có hộ khẩu thường trú làm việc chủ yếu ở khu vực tư nhân, phần lớn trong lĩnh vực chế tạo và chiếm tới 3/4 tổng số lao động trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư ở nước ngoài ở các tỉnh thành khảo sát (TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Bình ương và Đắk Nông).

Xét về lợi ích vật chất và từ góc độ thị trường lao động, những người đăng ký tạm trú không gặp phải bất lợi, ngoại trừ việc họ khó có cơ hội làm việc cho khu vực công.

Song báo cáo cũng chỉ ra, những người đăng ký tạm trú tiếp tục gặp khó khăn trong tiếp cận các dịch vụ, đặc biệt về học hành, bảo hiểm y tế cho trẻ em và trong các thủ tục dân sự như đăng ký xe máy, chứng nhận giấy tờ... Các bằng chứng định tính cho thấy chưa có sự nhất quán trong các chính sách cho phép người đăng ký tạm trú nhận được trợ giúp xã hội. Người tạm trú ít có khả năng xuất hiện ở “danh sách hộ nghèo” so với người thường trú nhưng nhìn chung, tỷ lệ rơi vào danh sách hộ nghèo và nhận được trợ giúp xã hội là thấp ở những nơi có người tạm trú, cho dù điều này không phụ thuộc vào tình trạng hộ khẩu.

70% người dân ở các khu vực khảo sát tin rằng hệ thống hộ khẩu đã hạn chế quyền của những người dân không có hộ khẩu và cần giảm bớt những hạn chế này.

Một số nhà hoạch định chính sách lo ngại rằng nới lỏng hệ thống hộ khẩu sẽ dẫn đến tăng quy mô nhập cư vào các trung tâm đô thị, gây căng thẳng cho các dịch vụ công và ngân sách của các thành phố tiếp nhận. Tuy nhiên, xem xét nghiên cứu các tác động về doanh thu và những khoản chuyển nguồn, tác động ngân sách ròng dường như là tích cực hoặc chỉ có tác động tiêu cực ở mức tối thiểu.

Hệ thống hộ khẩu đã hạn chế quyền của những người dân không có hộ khẩu và cần giảm bớt những hạn chế này

Hai rào cản chính

Có hai loại hình rào cản đối với việc có được hộ khẩu thường trú.

Loại thứ nhất bao gồm các yêu cầu chính thức, như thời gian cư trú tạm thời ở thành phố (hai năm ở phần lớn các khu vực và ba năm ở Hà Nội), cũng như quy định rằng những người đăng ký phải ở trong các nhà có diện tích tối thiểu theo đầu người.

Rào cản thứ hai là các yêu cầu về giấy tờ mà nhiều người khó đáp ứng. Mức độ lót tay liên quan đến hộ khẩu không rõ ràng: trong các phỏng vấn định tính, nhiều người cho biết họ phải chi trả những khoản tiền lớn để thay đổi tình trạng hộ khẩu trong khi đó kết quả từ khảo sát định lượng hộ gia đình lại cho thấy các khoản chi trả này chỉ xảy ra ở một số ít người được khảo sát. Một nửa số người đăng ký tạm trú cho biết họ có ý định ở lại tỉnh/thành phố và hầu như là tất cả nhóm đều bày tỏ mong muốn sẽ có được hộ khẩu thường trú.

Có khá nhiều người hiện vẫn ở trong tình trạng đăng ký tạm trú nhiều năm dù họ mong muốn chuyển sang hộ khẩu thường trú. Điều này cho thấy các rào cản để thay đổi tình trạng này vẫn còn rất phổ biến.

Hướng tới giảm bớt gánh nặng về thủ tục trong đăng ký hộ khẩu

Theo Báo cáo, có hai lựa chọn tương hỗ thích hợp để cải cách hệ thống hộ khẩu, đó là:

(i) Giảm bớt khó khăn khi đăng ký hộ khẩu thường trú. Nếu việc đăng ký hộ khẩu thường trú có thể thực hiện nhanh nhóng và không tốn kém, đây sẽ không còn là rào cản đối với việc tiếp cận dịch vụ.

(ii) Rút ngắn (hoặc bãi bỏ) yêu cầu về thời hạn cư trú trước khi người dân có thể đăng ký thường trú, cũng như hạn chế những yêu cầu đặt ra bởi chính quyền địa phương đối với người nộp đơn đăng ký thường trú

Báo cáo nhấn mạnh, hướng thứ hai để cải cách hệ thống là loại bỏ những khác biệt trong việc tiếp cận dịch vụ giữa những người đăng ký tạm trú và thường trú. Việc này có thể phần nào đạt được thông qua áp dụng đối với một số biện pháp dịch vụ cụ thể cùng với việc làm rõ và thực thi các quy định hiện hành. Việc chỉ định cơ sở y tế có thể hoàn toàn được tách khỏi tình trạng cư trú để những người đăng ký tạm trú có thể lựa chọn cơ sở y tế nơi họ sinh sống. Những yêu cầu về đăng ký thường trú trong việc tuyển dụng công chức Nhà nước cần được bãi bỏ và những quy định của Chính phủ chẳng hạn như trong đăng ký xe máy cần được mở rộng áp dụng đối với cả đối tượng đăng ký tạm trú.

Trên thực tế, Chính phủ cũng đã thực hiện những biện pháp ban đầu nhằm tìm ra một hệ thống thay thế cho hệ thống hộ khẩu. Chính phủ đang thiết lập một cơ sở dữ liệu quốc gia về dân số và thẻ căn cước công dân với số căn cước được gắn với cơ sở dữ liệu này. Dữ liệu quốc gia với những thông tin cơ bản về mỗi cá nhân, bao gồm giới tính, dân tộc và tình trạng hôn nhân. Dữ liệu này cũng cung cấp thông tin nơi thường trú cũng như nơi cư trú hiện tại. Hệ thống này sẽ hỗ trợ việc xác định mục đích khác nhau của các chương trình của Chính phủ.

Mặc dù hệ thống này tự thân nó không phải là cải cách hệ thống đăng ký hộ khẩu, nhưng song song với hai phương hướng cải cách nêu trên, hệ thống mới sẽ giúp giảm bớt gánh nặng về thủ tục hành chính và chi phí tài chính cho cả Chính phủ và công dân trong việc đăng ký hộ khẩu./.