Thông tin này được công bố tại Tọa đàm Phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức ngày 22/08/2017 tại Hà Nội.

Tỷ lệ người tham gia bảo hiểm xã hội phát triển chậm

Tính đến tháng 06/2017, cả nước mới có hơn 13,4 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc và BHXH tự nguyện, chiếm khoảng 24% lực lượng lao động, tăng 6,8 % so với cùng kỳ năm 2016. Tuy nhiên, kết quả này còn khoảng cách khá xa so với mục tiêu của Nghị quyết 21 do Bộ Chính trị đề ra vào năm 2020, cả nước có 50% lực lượng lao động, tương đương với khoảng 27 triệu người tham gia BHXH.

Đánh giá về tỷ lệ người tham gia bảo hiểm xã hội, ông Vũ Quang Thọ, Viện trưởng Viện Công nhân Công đoàn, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, đây là sự cố gắng rất lớn của các cơ quan tuyên truyền và các cơ quan thực hiện chính sách. Tuy nhiên, kết quả đã đạt được trong thời gian qua vẫn khiêm tốn. Bởi Nghị quyết của Bộ Chính trị đặt ra từ nay đến 2020 thì chúng ta phải đạt được 50% số người làm công hưởng lương tham gia BHXH, nhưng thực tế bây giờ mới đạt được một nửa.

Tính đến hết tháng 06/2017, cả nước chỉ có 13,4 triệu người lao động được tham gia bảo hiểm xã hội

Như vậy, quãng đường đi còn rất ngắn, nhưng phần việc cần phải làm còn khá nhiều. Song, đây là cố gắng lớn của các cơ quan chính sách và tuyên truyền. Bởi gần ¼ lực lượng lao động tham gia BHXH là một nỗ lực lớn vì việc vận hành chính sách BHXH mới trải qua một thời gian ngắn.

Đáng chú ý, thời gian qua, số lượng người tham gia BHXH tăng lên nhưng không nhiều và thiếu bền vững. Bởi do khó khăn chung của nền kinh tế, một số lượng lao động đã tham gia BHXH đã phải “rút” khỏi thị trường lao động và muốn nhận chế độ BHXH một lần. Đặc biệt, theo thống kê của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cho thấy, trung bình mỗi năm có khoảng 600-700 nghìn người nhận BHXH một lần. Nếu trừ số người tăng từ việc tham gia BHXH và số người nhận BHXH một lần sẽ thấy số thực tăng không đáng kể.

Cũng theo ông Quang Thọ, điều mà người lao động ngần ngại lớn nhất là mức đóng BHXH. Theo nhiều người lao động, đồng tiền kiếm được rất quan trọng. Chỉ cần chênh lệch 10.000 đồng cũng có thể khiến người lao động chuyển từ công ty này sang công ty khác. Chính vì thế, mức đóng theo nhiều người lao động hiện trên 10% là cao. Tuy nhiên, nếu so với nhiều nước khác thì mức đóng này không cao.

Ông Quang Thọ nhấn mạnh, nhiều người lao động khi bị ngừng việc luôn muốn được thanh toán ngay số tiền BHXH chứ không muốn kéo dài, chưa tính tới lợi ích lâu dài.

Trước thực tế này, ông Đỗ Ngọc Thọ, Phó trưởng Ban Thực hiện chính sách BHXH, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho rằng, số lượng đối tượng tham gia BHXH tăng như trên chưa đáp ứng với kỳ vọng của chính sách, cách xa với mục tiêu của Nghị quyết 21.

Ngoài ra, ông Đỗ Ngọc Thọ cũng chỉ ra nguyên nhân của tình trạng bảo hiểm xã hội phát triển chậm. Theo ông Ngọc Thọ, một phần là do điều kiện kinh tế xã hội thời gian qua còn khó khăn khiến việc chuyển dịch cơ cấu lao động từ khu vực phi chính thức sang khu vực chính thức còn chậm và số lao động tham gia quan hệ lao động không tăng nhiều.

Bên cạnh đó, do tình trạng khó khăn, nhiều doanh nghiệp phải giải thể hoặc thu hẹp quy mô dẫn tới cắt giảm lao động. Số doanh nghiệp tăng mới nhiều nhưng quy mô chủ yếu là nhỏ hoặc siêu nhỏ, nên quy mô sử dụng lao động ít.

Chưa kể, ý thức tuân thủ pháp luật của một bộ phận chủ sử dụng lao động còn kém. Cùng với đó, cơ chế kiểm soát và cưỡng chế việc tuân thủ pháp luật BHXH cũng còn bất cập.

Ông Đỗ Ngọc Thọ chỉ ra, việc chưa kiểm soát được quá trình khai báo của doanh nghiệp dẫn đến việc không nắm được số lao động tham gia BHXH bắt buộc để giám sát, công tác thanh tra của ngành lao động, thương binh và xã hội còn chưa thường xuyên do thiếu nhân lực. Trong khi đó, ngành BHXH mới được giao thêm chức năng thanh tra nên việc vào cuộc chưa nhiều.

Đáng chú ý, tại một số địa phương, vì mục tiêu thu hút đầu tư nên chưa thực sự quyết liệt xử lý những vi phạm BHXH. Đặc biệt, một số người lao động vì mưu sinh trước mắt mà không dám đấu tranh với vi phạm.

Đâu là giải pháp?

Trước hiện trạng trên, theo các khách mời, thời gia tới BHXH Việt Nam cần triển khai nhiều giải pháp hữu hiệu để phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội. Ông Đỗ Ngọc Thọ cho rằng:

Thứ nhất, là phối hợp với ngành lao động và các Bộ, Ngành liên quan xây dựng và trình Chính phủ Đề án giao chỉ tiêu chính thức cho các địa phương.

Thứ hai, cơ quan BHXH sẽ phối hợp chặt chẽ với cơ quan Thuế để xác định số người lao động đang làm việc thực tế tại các doanh nghiệp mà có đóng thuế.

Thời gia tới BHXH Việt Nam cần triển khai nhiều giải pháp hữu hiệu để phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội

Thứ ba, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người sử dụng lao động thấy trách nhiệm pháp lý của mình trong việc đảm bảo quyền lợi tham gia BHXH cho người lao động. Còn về phía người lao động, cần tuyên truyền để biết và hiểu rõ hơn cái quyền lợi của mình khi tham gia BHXH.

Ngoài ra, đối với những doanh nghiệp không tuân thủ quy định về đóng BHXH cho người lao động thì hiện đã có chế tài xử lý, nếu người sử dụng lao không đăng ký cho người lao động thì là trốn đóng, mà trốn đóng thì sẽ bị xử lý theo pháp luật. Còn những trường hợp mà vi phạm nhiều lần kéo dài thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 216 của Bộ Luật hình sự.

Bổ sung về giải pháp, ông Vũ Quang Thọ cho rằng, cần có nhiều cách tuyên truyền vận động hiệu quả hơn để người dân hiểu được những lợi ích thiết thực khi tham gia BHXH và tin tưởng tham gia. Bởi BHXH là hình thức tiết kiệm an toàn và bảo đảm lợi ích lâu dài. Vì vậy, phải tuyên truyền cho chủ sử dụng lao động hiểu được vấn đề này, vì bảo hiểm cho người lao động chính là bảo hiểm cho chính doanh nghiệp, chính mình.

Bên cạnh đó, cần phối hợp với chính quyền địa phương để thông tin rộng rãi tới nhân dân và người lao động. Nếu làm được như vậy, thì BHXH sẽ bao phủ đến các đối tượng cần thực hiện. Đồng thời phải làm tốt hơn công tác kiểm tra giám sát, không gây phiền hà cho người tham gia BHXH để lấy lại lòng tin của người dân.

Ngoài việc tuyên truyền, ngành BHXH Việt Nam cần nỗ lực hơn trong việc đơn giản hóa, hiện đại hóa quy trình thủ tục BHXH để tránh gây phiền cho doanh nghiệp và người dân.

Ông Đỗ Ngọc Thọ cũng gợi ý, khi doanh nghiệp, người dân khi tới làm việc với các cơ quan BHXH gặp các biểu hiện cản trở, gây phiền hà, từ chối tiếp nhận đều có thể yêu cầu bộ phận tiếp nhận đưa ra phiếu hướng dẫn hoặc phải có văn bản trả lời. Trong trường hợp còn bức xúc, thì có thể phản ánh trực tiếp với người có thẩm quyền tại đường dây nóng để giải quyết./.