Từ khóa: báo cáo tài chính, Trung Quốc và Hàn Quốc, kế toán, doanh nghiệp

Summary

The objective of this study is to summarize the experiences in maintaining financial reporting quality, typically lessons from China, and Korea. From those experiences, the study discusses some suggestions for Vietnam in improving the quality of financial statements so that businesses and investors can access accounting information in the most accurate way.

Keywords: financial statements, China, Korea, accounting

GIỚI THIỆU

BCTC là bảng báo cáo gồm có các thông tin kinh tế, tài chính của tổ chức, được trình bày theo quy chuẩn, quy định của chuẩn mực kế toán và chế độ kế toán. BCTC cung cấp các dữ liệu như: dòng tiền, nợ, vốn, tài sản, lưu chuyển tiền tệ, kết quả hoạt động kinh doanh và các thông tin về hội đồng quản trị, lãnh đạo DN, hoạt động kinh doanh và phát triển của DN. Tuy nhiên, trong quá trình thực thi các chế độ kế toán và kiểm toán, luôn có những sai sót nhất định liên quan đến BCTC và do đó, có thể ảnh hưởng tới các quyết định đầu tư của DN, khả năng thu hút các cổ đông đầu tư vào DN.

Vì vậy, cần có một khung pháp lý đồng bộ nhằm ngăn chặn và phòng ngừa các hành vi gian lận, sai lệch nhằm trục lợi và xa hơn là tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, minh bạch, giúp các DN phát triển, nhà đầu tư có thể đưa ra quyết định đầu tư phù hợp.

CÁC NGHIÊN CỨU TRÊN THẾ GIỚI VỀ HOÀN THIỆN CHẤT LƯỢNG BCTC TRONG DN

Kinh nghiệm của Trung Quốc

Theo nghiên cứu của Liu và cộng sự (2021), các DN, đặc biệt là DN sản xuất và khai thác, tiêu thụ hầu hết các nguồn lực của xã hội và đồng thời có ảnh hưởng tới hoạt động quản trị nhà nước của Chính phủ. Chính phủ Trung Quốc luôn yêu cầu các DN có công bố thông tin liên quan tới hoạt động sản xuất và sử dụng các nguồn lực trong xã hội, các thông tin thể hiện ở các BCTC nhằm có thể chuyển tải tới nhà nước, nhà đầu tư và là cơ sở quản lý hiệu quả nguồn lực xã hội. Trung Quốc nhấn mạnh tới khả năng nâng cao nhận thức và tiếp cận thông tin giúp cho các bên nâng cao khả năng chất lượng BCTC. Vì chất lượng thông tin có ảnh hưởng không chỉ tới thị trường vốn, mà còn ảnh hưởng tới sự giám sát của thị trường, đồng thời là động lực để định hướng DN và xã hội phát triển chất lượng.

Liu và cộng sự (2021) còn cho rằng, lý thuyết các bên liên quan và lý thuyết tín hiệu ủng hộ việc tiếp cận thông tin và giúp cho các bên liên quan có khả năng tiếp cận để giám sát và nâng cao chất lượng BCTC. Trường hợp tại Trung Quốc cũng cho thấy, khi gia tăng tiếp cận thông tin tại các DN ngoài nhà nước có khả năng làm tăng chất lượng BCTC. Điều này phản ánh sự minh bạch của DN tư nhân thường mang lại hiệu quả cao hơn so với DN nhà nước do những ràng buộc về chính trị, nên các DN này thường khó công bố thông tin một cách hoàn hảo hơn. Ngoài ra, quá trình này giúp giảm chi phí sàng lọc thông tin nhà đầu tư và cơ quan quản lý, giúp cho nhà đầu tư có quyết định đầu tư tốt hơn và cải thiện hiệu quả quản lý, thúc đẩy thay đổi xanh của xã hội.

Cũng có quan điểm cho rằng, sự tham gia của các nhà đầu tư tổ chức có ảnh hưởng đến chất lượng BCTC, do nhà đầu tư tổ chức thường hoạt động tương đối chuyên nghiệp, nên họ có đủ năng lực, khả năng trong đánh giá, giám sát và phân tích tình hình hoạt động tài chính DN, trong đó có chất lượng BCTC. Chan và cộng sự (2014) cho rằng, trong khoảng thời gian từ năm 2005 đến năm 2007, tổng giá trị ròng của các quỹ tương hỗ Trung Quốc đã tăng từ 58,6 tỷ USD lên 236,3 tỷ USD. Hai lợi ích chính mà các quỹ tương hỗ mang lại cho các nhà đầu tư cá nhân: Thứ nhất, đa dạng hóa rủi ro đầu tư và chuyên môn để giám sát các công ty mà họ đầu tư và từ đó cải thiện tình hình tài chính trong DN; Thứ hai, giúp cho các nhà đầu tư tổ chức như quỹ tương hỗ phục vụ như một cơ chế quản trị bên ngoài và nhờ đó nó có thể giúp nâng cao chất lượng BCTC tại Trung Quốc, vốn là nơi được đánh giá là thị trường mới nổi và đồng thời nơi bảo vệ nhà đầu tư và thực thi pháp luật còn yếu.

Ngoài ra, kinh nghiệm của Trung Quốc cũng cho thấy, gia tăng hoạt động kiểm soát có thể hạn chế hành vi cơ hội của người quản lý do có sự tách biệt giữa quyền sở hữu và quyền kiểm soát, có thể làm giảm sự bất đối xứng thông tin giữa các nhà quản lý và nhà đầu tư bên ngoài. Khi các kiểm toán viên trao đổi với người sử dụng BCTC thông qua ý kiến thể hiện trong báo cáo kiểm toán, khi kiểm toán viên đưa ra cảnh báo về bất kỳ các vấn đề kế toán đáng ngờ nào mà họ phát hiện chính là một biểu hiện giúp cho cải thiện chất lượng BCTC thấp.

Kinh nghiệm của Trung Quốc còn thể hiện ở việc các quỹ tương hỗ có ảnh hưởng hơn các nhà đầu tư cá nhân, mà theo Chan và cộng sự (2014) cho rằng, quá trình ảnh hưởng này sẽ giúp cho hiệu quả hơn trong việc ngăn chặn các giám đốc điều hành chiếm đoạt các nhà đầu tư và thao túng thu nhập như một sự che đậy, điều này sẽ làm giảm tỷ lệ ý kiến kiểm toán bị sửa đổi. Hơn nữa, điều này hàm ý rằng, các quỹ tương hỗ tạo thành một phần quan trọng của cơ chế quản trị bên ngoài ở các nước mới nổi, và tác động này được kiểm soát bởi quyền sở hữu và kiểm soát của nhà nước, giúp làm hài hòa giữa lợi ích các bên và gia tăng hiệu quả thực thi BCTC trong DN.

Kinh nghiệm của Hàn Quốc

Kinh nghiệm của Hàn Quốc đối với cải thiện chất lượng BCTC gắn liền với sự kiện nước này áp dụng Chuẩn mực kế toán tài chính quốc tế (IFRS) vào năm 2011, Key và Kim (2020) cho rằng, áp dụng chuẩn mực mới này giúp cho Hàn Quốc có khả năng hội nhập sâu rộng vào môi trường quốc tế thông qua chuẩn mực kế toán mang tính chất phổ biến và ưa chuộng, đặc biệt hữu ích cho các DN có hoạt động đầu tư và giao thương quốc tế. Trong trường hợp của Hàn Quốc, khi áp dụng đã dẫn tới sự thay đổi hoạt động của DN và cho thấy thu nhập của DN và giá cổ phiếu đã tăng lên sau khi áp dụng IFRS. Những đóng góp khi áp dụng IFRS là lý do tại sao mức độ phù hợp về giá trị của thu nhập tăng lên và do đó, kế toán chất lượng cao hơn giúp giải thích mức độ liên quan của giá trị cao hơn.

Kinh nghiệm của Hàn Quốc cũng khẳng định điều quan trọng là phải hiểu ý nghĩa của việc áp dụng IFRS ở các quốc gia có môi trường thể chế, kinh tế, chính trị và kế toán khác với môi trường tương đối khác với các quốc gia châu Âu, là nơi sử dụng tương đối phổ biến chuẩn mực kế toán quốc tế. Khi áp dụng tại Hàn Quốc, các DN cần có sự linh hoạt trong áp dụng chuẩn mực này để tận dụng những lợi thế của IFRS và từ đó gia tăng khả năng hội nhập của DN. Có thể giải thích rằng, bắt đầu từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997 ở Hàn Quốc đã dẫn đến những thay đổi đáng kể trong môi trường kinh doanh và kinh doanh của đất nước và Ủy ban Chuẩn mực Kế toán Hàn Quốc (KASB) cho rằng, đó là một yếu tố chính trong việc áp dụng đầy đủ IFRS để có thể giúp nước này có khả năng cải thiện tính minh bạch kế toán của các tổ chức Hàn Quốc và điều này thể hiện ý chí mạnh mẽ của Hàn Quốc trong việc tham gia vào phong trào quốc tế hướng tới một bộ tiêu chuẩn kế toán toàn cầu chất lượng cao. Do đó, KASB cho rằng, nhiều bên đã tham gia vào quá trình này và như được đánh dấu bằng một cam kết mạnh mẽ để thực hiện thành công, họ cùng hiểu rõ hơn về tác động của IFRS đối với chất lượng kế toán sẽ giúp những người thiết lập chuẩn mực kế toán quốc tế đánh giá liệu họ có đang hoàn thành mục tiêu của mình. Hơn nữa, các cơ quan quản lý và các bên khác, bao gồm cả các nhà đầu tư, cũng nên quan tâm đến tác động của IFRS đối với các biện pháp kế toán. Do đó, sự tham gia vào IFRS của nước này cho thấy cam kết mạnh mẽ đối với việc triển khai thành công chuẩn mực tài chính quốc tế và minh bạch, đồng thời cho thấy chất lượng kế toán tăng lên sau khi áp dụng IFRS, những lợi ích này có tác động tích cực đến thị trường vốn và môi trường kế toán của Hàn Quốc.

Một khía cạnh khác có ảnh hưởng tới chất lượng BCTC tại Hàn Quốc, cũng là một bài học cho nhiều quốc gia khác, Huh và cộng sự (2021) cho rằng, mức độ đầu vào của kiểm toán hệ thống thông tin có ảnh hưởng đến chất lượng kiểm toán. Bởi lẽ, hầu hết các quy trình kinh doanh ngày nay được thực hiện trong môi trường hệ thống thông tin và sự phụ thuộc vào những hiểu biết kinh doanh từ hệ thống này đang tăng lên nhanh chóng, do đó, tầm quan trọng của kiểm toán dựa trên công nghệ thông tin cũng đang tăng lên trong kiểm toán bên ngoài. Đặc biệt trong lĩnh vực kế toán, những rủi ro không thể tưởng tượng được như cơ sở dữ liệu và hệ thống bị hack và vi phạm mạng có thể làm gia tăng tội phạm tài chính và mất lòng tin nghiêm trọng vào dữ liệu kế toán và do đó có ảnh hưởng tới chất lượng BCTC. Do đó, các quốc gia đã đưa ra yêu cầu kiểm toán viên DN thực hiện kiểm toán toàn diện hơn về công nghệ thông tin nhằm kiểm soát hệ thống và BCTC và điều tương tự cũng diễn ra tại Hàn Quốc khi họ khuyến nghị các công ty kiểm tra tác động của công nghệ thông tin đối với quy trình kiểm toán và thuê chuyên gia phát hiện các rủi ro kiểm toán có thể phát sinh từ việc sử dụng hệ thống công nghệ thông tin. Khi ngày càng có nhiều tập đoàn ở Hàn Quốc và các nơi khác tích hợp đầy đủ các hoạt động kinh doanh của họ vào các hệ thống thông tin, chẳng hạn như hệ thống hoạch định nguồn lực DN, các kế hoạch kiểm toán kế toán ngày càng được thiết để có thể đáp ứng được tình hình mới khi thực hiện kiểm toán hiệu quả hơn trước những rủi ro mới.

Trong phát triển kinh tế như hiện nay, môi trường thông tin ngày càng đa dạng, nhưng cũng tiềm ẩn những rủi ro. Để đáp ứng với môi trường hệ thống thông tin DN ngày càng tinh vi trong việc tạo dữ liệu kế toán, các công ty kiểm toán đang thực hiện kiểm toán hệ thống thông tin bên cạnh kiểm toán thông thường nhằm có thể nâng cao chất lượng BCTC, điều này cũng được thực hiện tại Hàn Quốc. Kinh nghiệm của Hàn Quốc cho thấy, nhân viên kiểm toán có tác động tới khả năng hoàn thiện chất lượng BCTC, điều này phản ánh chất lượng BCTC phụ thuộc vào chất lượng kiểm toán và khả năng ứng phó trước các loại rủi ro mới do việc sử dụng công nghệ thông tin trong các DN. Đặc biệt, những yêu cầu của DN niêm yết trong công bố thông tin, hoàn thiện chất lượng BCTC theo yêu cầu có khả năng cải thiện tình hình tài chính trong DN và có khả năng tiếp cận được các chuẩn mực kiểm toán quốc tế.

MỘT SỐ HÀM Ý CHO VIỆT NAM

Việt Nam đang hội nhập sâu rộng vào kinh tế thế giới, trong đó các DN và nhà đầu tư đã gặp các vấn đề về gian lận, sai lệch trong thực hiện BCTC và từ đó, làm ảnh hưởng tới hoạt động của DN và nền kinh tế. Ngoài chuẩn mực kế toán Việt Nam, các DN trong nước cũng đang tiếp cận với IFRS và do đó, giúp cho các DN có thể gia tăng khả năng hội nhập và thương mại quốc tế, đồng thời hoàn thiện chất lượng BCTC ở cấp độ cao, có tiêu chí cao hơn và khả năng quản trị rủi ro cao hơn.

Do đó, nhằm hoàn thiện chất lượng BCTC tại Việt Nam trong thời gian tới, theo tác giả, cần lưu ý một số vấn đề sau:

Một là, Việt Nam nên tạo hành lang pháp lý giúp cho các DN có thể triển khai rộng rãi các chuẩn mực kế toán tài chính quốc tế.

Hai là, chuẩn mực kế toán trong nước cần có sự thay đổi để có thể phù hợp hơn với các tiêu chí của chuẩn mực kế toán tài chính quốc tế, từ đó, gia tăng nhanh hơn quá trình hội nhập của DN nói riêng và kinh tế Việt Nam nói chung.

Ba là, Việt Nam tiếp tục cải thiện hệ thống thông tin BCTC, gia tăng quản trị rủi ro, tăng tính minh bạch của thông tin để giúp cho nhà đầu tư, DN có khả năng tiếp cận thông tin tài chính kế toán một cách hoàn hảo nhất.

Bốn là, Chính phủ cần tăng cường giám sát các trường hợp gian lận trong BCTC, nhằm giảm thiểu rủi ro cho nhà đầu tư trong quá trình tiếp cận thông tin tài chính DN./.

Huỳnh Thị Thanh Trúc - Trường Đại học Thủ Dầu Một

(Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo số 28, tháng 10/2023)


Tài liệu tham khảo

1. Chan, A. L.-C., Ding, R., Hou, W. (2014), Does mutual fund ownership affect financial reporting quality for Chinese privately-owned enterprises?, International Review of Financial Analysis, 36, 131-140, https://doi.org/https://doi.org/10.1016/j.irfa.2014.02.004.

2. Huh, B. G., Lee, S., Kim, W. (2021), The impact of the input level of information system audit on the audit quality: Korean evidence, International Journal of Accounting Information Systems, 43, https://doi.org/https://doi.org/10.1016/j.accinf.2021.100533.

3. Key, K. G., Kim, J. Y. (2020), IFRS and accounting quality: Additional evidence from Korea, Journal of International Accounting, Auditing and Taxation, 39, https://doi.org/https://doi.org/10.1016/j.intaccaudtax.2020.100306.

4. Liu, C., Su, K., Zhang, M. (2021), Water disclosure and financial reporting quality for social changes: Empirical evidence from China, Technological Forecasting and Social Change, 166, https://doi.org/https://doi.org/10.1016/j.techfore.2021.120571.