Chiều 14/11, trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 31 và các hội nghị cấp cao liên quan, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự EAS lần thứ 12 (với 8 nước đối tác Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia, New Zealand, Hoa Kỳ và Nga).

Tại hội nghị, các nước tiếp tục khẳng định đây là diễn đàn hàng đầu của các nhà lãnh đạo bàn các vấn đề chiến lược về chính trị-an ninh và phát triển kinh tế ở khu vực, đồng thời cũng là cơ chế hợp tác quan trọng do ASEAN sáng lập với sự tham gia của hầu hết các nước lớn trên thế giới.

Các nhà lãnh đạo nhất trí thúc đẩy hợp tác trên nhiều lĩnh vực và tăng cường vai trò của diễn đàn, đặc biệt trong định hình cấu trúc khu vực mở, cân bằng, minh bạch và hoạt động dựa trên luật lệ. Trên tinh thần đó, tại hội nghị lần này, các nhà lãnh đạo đã thông qua trên nguyên tắc việc bổ sung “hợp tác biển” thành lĩnh vực ưu tiên mới của EAS với mục tiêu tăng cường hợp tác giữa các thành viên EAS trong chia sẻ thông tin, nghiên cứu khoa học và bảo vệ môi trường biển và ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống trên biển (như vấn đề cướp biển, cướp có vũ trang, tội phạm xuyên quốc gia, ô nhiễm biển, tại nạn hàng hải...).

Các nhà lãnh đạo nhất trí thúc đẩy hợp tác trên nhiều lĩnh vực

Các nước cũng trao đổi sâu về tình hình quốc tế và khu vực, bày tỏ quan ngại về diễn biến trên Bán đảo Triều Tiên, ở Biển Đông và tình hình ở Bang Rakhine của Myanmar trong thời gian gần đây.

Đánh giá về tình hình thế giới nói chung và khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương nói riêng đang đứng trước những thử thách lớn hơn bao giờ hết, với hàng loạt các thách thức mới nổi tác động trực tiếp đến an ninh và ổn định của toàn thế giới như sự lan rộng của chủ nghĩa khủng bố và bạo lực cực đoan, các vấn đề xuyên biên giới, an ninh mạng, mua bán người, biến đổi khí hậu... các nhà lãnh đạo cho rằng các nước cần phải cùng nhau cam kết hợp tác ứng phó và nỗ lực thực hiện mục tiêu chung duy trì hoà bình, ổn định và phát triển của khu vực.

Đáng chú ý, tại hội nghị lần này, các nhà lãnh đạo đã nhất trí thông qua 4 tuyên bố EAS về “Chống rửa tiền và chống tài trợ chủ nghĩa khủng bố”, “Chống lan truyền tư tưởng khủng bố”, “Vũ khí hoá học” và “Hợp tác giảm nghèo”, thể hiện cam kết cao của từng quốc gia thành viên nhằm kịp thời xử lý các thách thức nổi lên ở khu vực và trên toàn cầu vì an ninh, thịnh vượng và tương lai chung của người dân.

Tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, ASEAN cũng như các nước khác trong khu vực và trên thế giới đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức, trong đó có chủ nghĩa khủng bố và bạo lực cực đoan, vấn đề phổ biến vũ khí hạt nhân, an ninh mạng và an ninh biển... Thủ tướng cũng chia sẻ quan ngại về tình hình Bán đảo Triều Tiên, nhất là các vụ thử tên lửa đạn đạo và hạt nhân vừa qua, đe dọa môi trường hòa bình, ổn định ở khu vực.

Trong bối cảnh đó, Thủ tướng đã nhấn mạnh các định hướng hợp tác EAS thời gian tới: Tăng cường đối thoại và hợp tác thực chất; xây dựng cấu trúc khu vực mở, cân bằng, minh bạch, dựa trên luật lệ; tăng cường vai trò của EAS trong xử lý các thách thức khu vực; hoan nghênh việc EAS đưa hợp tác biển trở thành lĩnh vực ưu tiên mới.

Về vấn đề Biển Đông, Thủ tướng khẳng định lại lập trường đã được ASEAN thống nhất, trong đó có các nguyên tắc được nêu tại Thông cáo chung Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao lần thứ 50 (8/2017).

Thủ tướng hoan nghênh việc ASEAN và Trung Quốc thông qua khung Bộ quy tắc COC vào tháng 8 vừa qua và khẳng định việc cần thiết thúc đẩy đàm phán một COC mang tính khả thi, ràng buộc pháp lý và phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982, nhằm góp phần duy trì Biển Đông hòa bình, ổn định lâu dài và bền vững.

Cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có các cuộc gặp với Thủ tướng Nga Medvedev, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte và Thủ tướng Ấn Độ Narenda Modi.

Tại cuộc gặp giữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với Thủ tướng Nga Medvedev, hai nhà lãnh đạo bày tỏ vui mừng về những bước phát triển tích cực của quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Liên bang Nga, tin cậy chính trị giữa hai nước được tăng cường, trao đổi thương mại tiếp tục tăng trưởng tích cực, kim ngạch 9 tháng đầu năm 2017 tăng 26% so với cùng kỳ năm 2016, kim ngạch thương mại Việt Nam - Liên minh Kinh tế Á- Âu cũng tăng 23,5%. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng bày tỏ cảm ơn tới Chính phủ và nhân dân Nga về sự chia sẻ, cảm thông và hỗ trợ thiết thực dành cho các nạn nhân của cơn bão Dambri.

Hai Thủ tướng nhất trí cần đẩy mạnh triển khai các biện pháp nhằm phát huy các tiềm năng hợp tác to lớn giữa hai nước, mở rộng trao đổi thương mại và đầu tư giữa hai nước, trong đó chú trọng hơn nữa hợp tác nông nghiệp. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị phía Nga sớm cấp phép cho các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu thủy sản đã được cơ quan quản lý chất lượng của Việt Nam chứng nhận đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sang Nga.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Nga Medvedev

Thủ tướng Nga Medvedev nhất trí và khẳng định phía Nga sẽ tăng nhập khẩu các sản phẩm thủy hải sản của Việt Nam đáp ứng quy định của Liên minh Kinh tế Á - Âu. Hai Thủ tướng nhất trí tiếp tục phối hợp thúc đẩy kênh thanh toán song phương bằng đồng nội tệ nhằm tạo điều kiện cho giao dịch thương mại. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đề nghị và Thủ tướng Nga Medvedev nhất trí Nga sẽ xem xét nhằm tạo thuận lợi cho việc đưa công dân Việt Nam sang Nga lao động.

Hai nhà lãnh đạo nhất trí tiếp tục tăng cường hợp tác hiệu quả trong các lĩnh vực năng lượng, quốc phòng-an ninh, thông tin truyền thông và sử dụng khoảng không vũ trụ vì mục đích hòa bình, tiếp tục tăng cường các hoạt động giao lưu văn hóa; hỗ trợ, tạo điều kiện cho việc quảng bá du lịch. Thủ tướng Nga Medvedev mời doanh nghiệp Việt Nam tham gia Triển lãm quốc tế Ekaterinburg năm 2018. Hai nhà lãnh đạo nhất trí về việc hai nước tăng cường phối hợp tại các diễn đàn đa phương khu vực và toàn cầu.

Nhân dịp này, Thủ tướng Nga Metvedev đã mời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sớm thăm Nga. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã vui vẻ nhận lời.

Trong cuộc gặp giữa Tổng thống Duterte và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, hai nhà lãnh đạo trao đổi về các biện pháp triển khai các nội dung hợp tác hai bên đã nhất trí trong hội đàm song phương giữa Tổng thống Duterte và lãnh đạo Việt Nam nhân dịp tham dự Tuần lễ Cấp cao APEC 2017.

Hai bên nhất trí duy trì thường xuyên các chuyến thăm và tiếp xúc cấp cao và các cơ chế hợp tác song phương; tăng cường trao đổi thương mại, phối hợp trong các lĩnh vực phòng chống ma túy và các loại tội phạm khác, hợp tác an ninh biển…

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị hai bên tích cực triển khai các thỏa thuận đã có, trong đó có thỏa thuận thương mại gạo. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đề nghị Tổng thống Philippines chỉ đạo các cơ quan chức năng của Philippines tiếp tục quan tâm, có biện pháp đảm bảo an toàn cho các thuyền viên Việt Nam và xử lý dứt điểm các vụ việc liên quan đến thuyền viên thời gian vừa qua.

Hội kiến với Thủ tướng Narendra Modi, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chúc mừng Ấn Độ đạt được nhiều thành tựu ấn tượng trong phát triển kinh tế-xã hội thời gian qua, khẳng định chính sách nhất quán của Việt Nam luôn coi trọng phát triển quan hệ hữu nghị truyền thống và Đối tác chiến lược toàn diện với Ấn Độ. Thủ tướng Narendra Modi đánh giá cao những thành tựu của Việt Nam trong công cuộc phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập quốc tế; khẳng định tiếp tục coi Việt Nam là một trong những trụ cột của chính sách Hướng Đông của Ấn Độ.

Hai Thủ tướng bày tỏ vui mừng về những phát triển tích cực trong quan hệ hai nước, nhất là trong Năm Hữu nghị Việt Nam-Ấn Độ 2017 kỷ niệm 45 năm quan hệ ngoại giao, 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược và năm đầu tiên đưa quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện đi vào triển khai, với nhiều hoạt động thiết thực và có ý nghĩa.

Hai bên đã trao đổi các biện pháp nhằm thúc đẩy mạnh quan hệ hợp tác song phương; nhất trí thúc đẩy hợp tác quốc phòng, với việc Ấn Độ tăng cường chia sẻ công nghệ và cung cấp tín dụng quốc phòng cho Việt Nam.

Trao đổi về những diễn biến gần đây tại Biển Đông, hai Thủ tướng nhất trí về tầm quan trọng của việc bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, đề cao việc tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS-1982), tôn trọng các tiến trình ngoại giao và pháp lý, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế./.