Từ khóa: chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu, Việt Nam, ASEAN

SUMMARY

The Global Competitiveness Index (GCI) is a comprehensive assessment index measuring a country's competitiveness at a point in time. Recognizing its position compared to other countries in the world through GCI helps a country see its advantages and disadvantages compared to other countries. The article analyzed Vietnam's GCI index in 2018 and 2019, contributing to identifying the changes in Vietnam's competitiveness over the years compared to other ASEAN countries and the shortcomings, thereby proposing some recommendations to further improve the competitiveness of Vietnam in the future.

Keywords: the global competitiveness index, Viet Nam, ASEAN

ĐẶT VẤN ĐỀ

Lợi thế so sánh về thương mại có thể đánh giá được thế mạnh của quốc gia về một mặt hoặc một lĩnh vực sản xuất hàng hóa cụ thể. Từ đó, cũng có thể phần nào đánh giá mức độ phát triển kinh tế của quốc gia đó. Tuy nhiên, để đánh giá được toàn diện về mọi mặt kinh tế, văn hóa, xã hội, chính trị…, cũng như ảnh hưởng của kinh tế vĩ mô, vi mô và các lợi thế tự nhiên tới năng lực cạnh tranh từng quốc gia, thì không chỉ đơn thuần dùng lợi thế so sánh để đánh giá được. Trong bối cảnh đó, GCI ra đời. Đây là chỉ số đánh giá toàn diện các ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của một quốc gia tại một thời điểm. Việc nhìn nhận được vị thế của mình so với các nước trên thế giới thông qua GCI giúp các nước thấy được bất lợi và lợi thế của mình so với các quốc gia còn lại, từ đó có những chính sách và biện pháp nhằm cải thiện điểm số của mình.

GIỚI THIỆU VỀ CHỈ SỐ GCI

Chỉ số GCI do Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) phát triển đã được sử dụng làm tiêu chuẩn để đo lường mức độ cạnh tranh của một quốc gia. GCI đánh giá và xếp hạng quốc gia trên toàn thế giới về những nền tảng kinh tế vi mô, kinh tế vĩ mô tạo nên năng lực của quốc gia đó.

Trước năm 2017, GCI được WEF tiếp cận trên 12 trụ cột: Thể chế; Cơ sở hạ tầng; Môi trường kinh tế vĩ mô; Y tế và giáo dục cơ bản; Giáo dục và đào tạo bậc cao; Hiệu quả thị trường hàng hóa; Hiệu quả thị trường lao động; Trình độ phát triển của thị trường tài chính; Tiềm năng công nghệ; Quy mô thị trường; Trình độ kinh doanh và Năng lực đổi mới, sáng tạo. WEF chia 12 trụ cột này vào 3 nhóm: Nhóm chỉ số về yêu cầu cơ bản; Nhóm chỉ số nâng cao hiệu quả; Nhóm nhân tố đổi mới và tinh thông. Tuy nhiên, sau năm 2017, do sự thay đổi về thị trường và sự phát triển của thế giới, nên WEF đã xem xét và sửa đổi các trụ cột để phù hợp với thị trường mới hiện nay. Cụ thể, 12 trụ cột được sắp xếp vào 4 nhóm mới, trình bày tại Hình 1. Với cách tiếp cận này, chỉ số GCI có cách tính điểm mới, từ 0 đến 100 (tốt nhất, điểm tới hạn).

Hình 1: Các trụ cột trong chỉ số GCI

Chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu của Việt Nam và các nước ASEAN
Nguồn: WEF và tổng hợp của nhóm tác giả

Chỉ số GCI của WEF dựa trên số liệu kinh tế được chính các quốc gia tham gia khảo sát công bố, hay dữ liệu từ kết quả khảo sát hàng năm về ý kiến các doanh nghiệp và chuyên gia kinh tế của WEF, cũng như từ các nguồn, báo cáo khác.

PHÂN TÍCH CHỈ SỐ GCI CỦA VIỆT NAM VÀ CÁC NƯỚC ASEAN

Từ năm 2020 đến nay, do ảnh hưởng của đại dịch Covid–19, nên các đánh giá và báo cáo xếp hạng GCI không được công bố chi tiết như các năm trước đây. Do vậy, các phân tích trong nghiên cứu này sẽ tham chiếu đến kết quả của báo cáo GCI năm 2019. Kết quả cụ thể được trình bày như sau:

Nhóm môi trường kinh doanh

Bảng 1: Các trụ cột trong nhóm môi trường kinh doanh của Việt Nam và các nước ASEAN

Năm 2018

Năm 2019

Điểm

Xếp hạng/140 quốc gia

Điểm

Xếp hạng/141 quốc gia

Trụ cột 1. Thể chế

Việt Nam

49,5

94

49,8

89

Singapore

80,7

3

80,4

2

Thái Lan

55,1

60

54,8

67

Brunei

58,3

45

58,3

50

Indonesia

57,9

48

58,1

51

Malaysia

68,7

24

68,6

25

Philippines

48,3

101

50,0

87

Campuchia

41,9

126

41,9

123

Lào

44,5

119

42,8

119

Trụ cột 2. Cơ sở hạ tầng

Việt Nam

65,4

75

65,9

77

Singapore

95,7

1

95,4

1

Thái Lan

69,7

60

67,8

71

Brunei

71,3

54

70,1

58

Indonesia

66,8

71

67,7

72

Malaysia

77,9

32

78,0

35

Philippines

59,4

92

57,8

96

Campuchia

51,7

112

54,9

106

Lào

57,5

99

59,2

93

Trụ cột 3. Ứng dụng công nghệ thông tin

Việt Nam

43,3

95

69,0

41

Singapore

85,2

4

87,1

5

Thái Lan

56,6

64

60,1

62

Brunei

76,2

17

75,4

26

Indonesia

61,1

50

55,4

72

Malaysia

69,1

32

71,6

33

Philippines

54,8

67

49,7

88

Campuchia

44,4

92

55,4

71

Lào

42,7

96

44,2

102

Trụ cột 4. Ổn định môi trường kinh tế vĩ mô

Việt Nam

75

64

75

64

Singapore

92,6

42

99,7

38

Thái Lan

89,9

48

90

43

Brunei

73,7

81

74,3

87

Indonesia

89,7

51

90,0

54

Malaysia

100

1

100

33

Philippines

90,0

43

90,0

55

Campuchia

74,4

74

74,9

75

Lào

68,5

110

69,7

113

Nguồn: WEF (2018, 2019)

Bảng 1 cho thấy, trong cả 2 năm 2018 và 2019, vị trí của Việt Nam luôn dao động ở vị trí thứ 6-7 trong khối ASEAN. Trụ cột Thể chế dù tăng 5 bậc ở bảng xếp hạng toàn bộ các nước trên thế giới, nhưng trong khu vực ASEAN, Việt Nam lại tụt 1 hạng, từ vị trí thứ 6 (năm 2018) xuống vị trí thứ 7 (năm 2019). Cụ thể, năm 2018, trụ cột Thể chế của Việt Nam cao hơn Lào, Campuchia, Philippines. Sang năm 2019, Philippines đã vượt Việt Nam để vươn lên vị trí thứ 6. Mặc dù không có sự chuyển biến đáng kể trong trụ cột này, nhưng thứ hạng của Việt Nam vẫn tương đối cao so với các nước trên thế giới nói chung và các nước ASEAN nói riêng, cho thấy Việt Nam là một nước có mức độ ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội rất cao.

Với trụ cột Ứng dụng công nghệ thông tin, Việt Nam có sự cải thiện vượt bậc. Năm 2018, Việt Nam xếp thứ 8 trong tổng số 9 quốc gia ASEAN và chỉ cao hơn Lào. Tuy nhiên, chỉ sau 1 năm, thứ hạng của Việt Nam đã tăng thêm 4 bậc từ vị trí thứ 8 lên vị trí thứ 4 và chỉ sau: Singapore, Brunei và Malaysia.

Khác với 2 trụ cột trên, trụ cột Cơ sở hạ tầng và Ổn định môi trường kinh tế vĩ mô vẫn giữ nguyên thứ hạng thứ 6 trong 9 nước ASEAN có mặt trong bảng xếp hạng. Cụ thể, ở trụ cột Cơ sở hạ tầng, cả 2 năm Việt Nam đều cao hơn Philippines, Campuchia và Lào. Còn ở trụ cột Ổn định môi trường kinh tế vĩ mô, cả 2 năm Việt Nam đều cao hơn Campuchia, Lào và Brunei.

Nhóm nguồn nhân lực

Ở nhóm nguồn nhân lực, giai đoạn 2018-2019, Việt Nam có sự tiến bộ ở trụ cột Kỹ năng. Tuy nhiên, đối với trụ cột Sức khỏe, thì lại có sự sụt giảm nhẹ về điểm số.

Bảng 2: Các trụ cột trong nhóm nguồn nhân lực của Việt Nam và các nước ASEAN

Năm 2018

Năm 2019

Điểm

Xếp hạng

Điểm

Xếp hạng

Trụ cột 5. Sức khỏe

Việt Nam

81

68

80,5

71

Singapore

100

1

100

1

Thái Lan

87,3

42

88,9

38

Brunei

85,9

50

81,8

62

Indonesia

71,7

95

70,8

96

Malaysia

82,6

62

81,2

66

Philippines

67,6

101

65,6

102

Campuchia

62,9

104

64,8

105

Lào

59,6

107

60,9

109

Trụ cột 6. Kỹ năng

Việt Nam

54,3

97

57

93

Singapore

76

20

78,8

19

Thái Lan

63

66

62,3

73

Brunei

66

58

67

59

Indonesia

64,1

62

64

65

Malaysia

74,2

24

72,5

30

Philippines

62,9

67

63,7

67

Campuchia

41

121

42,7

120

Lào

49,5

105

51,3

104

Nguồn: WEF (2018, 2019)

Bảng 2 cho thấy, trụ cột Sức khỏe năm 2018 đạt số điểm khá cao (81,0 điểm), đứng thứ 5 trong số các nước ASEAN. Nhưng đến năm 2019, trụ cột này giảm 0,5 điểm. Khi quan sát điểm số trụ cột Sức khỏe của các nước trong khu vực ASEAN cho thấy, tình hình chung của các nước đều bị tụt điểm số giống nước ta. Nhìn nhận một cách khách quan, thì điểm số của trụ cột Sức khỏe của Việt Nam vẫn đang khá cao. Điều này cho thấy, tỷ lệ nhóm tuổi khỏe mạnh - nhóm tuổi lao động lớn và chứng minh được sự tiềm năng to lớn của nguồn nhân lực Việt Nam.

Khi quan sát điểm số của trụ cột Kỹ năng ở Việt Nam có thể thấy, trụ cột này có điểm số khá thấp, chỉ đạt 54,3 điểm năm 2018 và đứng thứ 97 trên tổng số 140 quốc gia trên thế giới, đứng thứ 7 trong khối ASEAN, chỉ trên Lào và Campuchia. Đến năm 2019, điểm số của trụ cột Kỹ năng ở Việt Nam đã tăng lên 57,0 điểm và tăng 4 hạng so với năm 2018. Tuy nhiên, điểm số và thứ hạng ở năm 2019 vẫn khá thấp so với các quốc gia trong khu vực ASEAN nói riêng và cả thế giới nói chung.

Nhóm thị trường

Quan sát nhóm thị trường của Việt Nam so với các quốc gia khác trong khu vực ASEAN có thể thấy rằng, điểm số của nhóm thị trường của Việt Nam trong các năm 2018-2019 xếp ở vị trí thứ 6, chỉ đứng trên 3 nước là Brunei, Campuchia và Lào.

Năm 2018, trụ cột Thị trường lao động và Thị trường hàng hóa của Việt Nam có mức điểm khá thấp (lần lượt là 55,6 và 52,1 điểm), xếp ở vị trí thứ 8 so với các nước trong khu vực ASEAN, chỉ hơn Campuchia, kém xa vị trí đứng đầu là Singapore tới 24,6 điểm ở trụ cột Thị trường lao động và 29,1 điểm ở trụ cột Thị trường hàng hóa. Sang năm 2019, hai trụ cột này đều tăng 1 hạng trong khu vực ASEAN lên vị trí thứ 7, song vẫn kém vị trí đứng đầu Singapore tới 23 điểm ở trụ cột Thị trường lao động và 27,2 điểm ở trụ cột Thị trường hàng hóa. Qua đó cho thấy, khả năng cạnh tranh của thị trường sản phẩm và dịch vụ của Việt Nam vẫn còn khá thấp so với các nước trong khu vực nói riêng và toàn cầu nói chung.

Ở trụ cột Hệ thống tài chính, điểm số của Việt Nam tăng từ 62,3 điểm năm 2018 lên 63,9 điểm năm 2019, nhưng vẫn xếp vị trí thứ 6 trong khu vực ASEAN, chỉ đứng trước Lào, Campuchia và Brunei. Việt Nam cách nước đứng đầu khu vực Singapore khoảng 27 điểm.

Trụ cột Quy mô thị trường của Việt Nam có thứ hạng cao nhất trong nhóm thị trường. Năm 2018, Việt Nam xếp thứ 5 trong khu vực ASEAN, sau Indonesia, Thái Lan, Malaysia và Singapore; nhưng đến năm 2019, Việt Nam đã vượt Sigapore để vươn lên vị trí thứ 4.

Nhìn chung, ở nhóm thị trường, vị thế của Việt Nam so với khu vực nằm ở nhóm trung bình, các trụ cột đều cải thiện điểm và thứ bậc. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn còn cách vị trí thứ nhất khu vực một khoảng điểm rất lớn.

Nhóm hệ sinh thái đổi mới sáng tạo

Hình 2 và 3 cho thấy, trong nhóm hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, điểm số của Việt Nam ở 2 trụ cột chỉ tăng nhẹ, Việt Nam chỉ hơn điểm Campuchia và Lào, cách xa Singapore là quốc gia có điểm số đứng đầu khu vực ASEAN ở nhóm hệ sinh thái đổi mới sáng tạo.

Hình 2: Điểm số và thứ hạng của trụ cột 11

Chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu của Việt Nam và các nước ASEAN
Nguồn: WEF (2018, 2019)

Hình 3: Điểm số và thứ hạng của trụ cột 12

Chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu của Việt Nam và các nước ASEAN
Nguồn: WEF (2018, 2019)

KẾT LUẬN VÀ KHUYẾN NGHỊ

Kết luận chung

Qua phân tích chỉ số GCI các năm 2018-2019 của Việt Nam có thể thấy, Việt Nam không để bất cứ một trụ cột nào rớt xuống nhóm thấp. 12 trụ cột của Việt Nam được phân theo 4 nhóm từ tốt đến trung bình như sau:

Trong năm 2018

Nhóm rất tốt (1-27): Không có trụ cột nào.

Nhóm tốt (28-55): Quy mô thị trường.

Nhóm khá (56-83): Cơ sở hạ tầng; Ổn định môi trường vĩ mô; Sức khỏe; Năng lực đổi mới sáng tạo.

Nhóm trung bình (84-111): Thể chế; Ứng dụng công nghệ thông tin; Kỹ năng; Thị trường hàng hóa; Thị trường lao động; Hệ thống tài chính; Sự năng động của doanh nghiệp.

Trong năm 2019

Nhóm rất tốt (1-27): Quy mô thị trường.

Nhóm tốt (28-55): Không có trụ cột nào.

Nhóm khá (56-83): Cơ sở hạ tầng; Ứng dụng công nghệ thông tin; Ổn định môi trường vĩ mô; Sức khỏe; Thị trường hàng hóa; Thị trường lao động; Hệ thống tài chính; Năng lực đổi mới sáng tạo.

Nhóm trung bình (84-111): Thể chế; Kỹ năng; Sự năng động của doanh nghiệp.

Khi nhìn vào từng nhóm, có thể thấy sự thay đổi theo chiều hướng tích cực từ nhóm thấp lên nhóm cao hơn của một số trụ cột. Tổng cộng có 5/12 trụ cột thay đổi như sau:

- Có 4 trụ cột thay đột từ nhóm trung bình lên nhóm khá: Ứng dụng công nghệ thông tin (tăng 54 hạng); Thị trường hàng hóa (tăng 23 hạng); Thị trường lao động (tăng 7 hạng); Hệ thống tài chính (tăng 30 hạng).

- Có 1 trụ cột thay đổi từ nhóm tốt lên nhóm rất tốt: Quy mô thị trường (tăng 3 hạng).

Bên cạnh việc các trụ cột có sự thay đổi tích cực, thì vẫn còn 7/12 trụ cột không có quá nhiều sự thay đổi, thậm chí có trụ cột thay đổi theo chiều hướng tiêu cực. Chính vì sự tăng điểm số trong các trụ cột không có sự đồng đều, nên Việt Nam cần tiếp tục nỗ lực nhiều hơn để cải thiện tất cả 12 trụ cột.

Khuyến nghị

Để nâng cao chỉ số GCI của Việt Nam, cần thực hiện một số giải pháp sau:

Một là, nâng cao năng lực đổi mới công nghệ và tăng cường đào tạo nhân lực chuyên môn. Cần tập trung vào đào tạo nhân lực chuyên môn để nâng cao năng lực đổi mới công nghệ, đặc biệt là trong các ngành công nghệ cao. Nỗ lực xây dựng một môi trường để hỗ trợ sự phát triển của các doanh nghiệp công nghệ, từ đó giúp Việt Nam nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và thúc đẩy nền kinh tế phát triển, vươn lên và cạnh tranh mạnh mẽ hơn nữa.

Hai là, Chính phủ cần tăng cường quản lý, giám sát và đánh giá hiệu quả các dự án, công trình để tránh tình trạng lãng phí tài nguyên, thiếu minh bạch và tham nhũng. Đồng thời, cần đẩy mạnh việc áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý dự án, giúp cho khâu quản lý chính xác và hiệu quả hơn. Ngoài ra, cần tăng cường phát triển hạ tầng giao thông, đặc biệt là hạ tầng giao thông kết nối với các quốc gia trong khu vực. Song hành với những điều đó, phải thúc đẩy việc sử dụng các nguồn năng lượng sạch và hiệu quả, nhất là năng lượng mặt trời và năng lượng gió để tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường hiệu quả hơn.

Ba là, đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật số, đồng thời cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các lĩnh vực kinh tế, để tăng hiệu quả sản xuất và cải thiện năng lực cạnh tranh kỹ thuật số.

Bốn là, tiếp tục thúc đẩy các chính sách nhằm nâng cao tính minh bạch và khả năng giám sát trong các hoạt động tài chính. Đẩy mạnh cải cách hành chính công và giảm bớt quy định phi lý để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, tăng tính minh bạch, hiệu quả và tính khả dụng của hệ thống hành chính công.

Năm , đẩy mạnh đầu tư vào giáo dục và đào tạo để cải thiện chất lượng nguồn nhân lực và tăng cường năng lực cạnh tranh. Đây là một trong những yếu tố quan trọng để tăng cường năng lực lao động và cải thiện độ tuổi trung bình của lực lượng lao động Việt Nam. Đồng thời, tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp để đảm bảo rằng, giáo dục và đào tạo đáp ứng nhu cầu thực tế của thị trường lao động.

Sáu là, Chính phủ cần tăng cường quản lý môi trường và tài nguyên để bảo vệ môi trường sống và tài nguyên thiên nhiên, đồng thời tạo thuận lợi cho doanh nghiệp thực hiện các hoạt động sản xuất và kinh doanh bền vững./.

Nguyễn Thị Hương Lan, Trương Ngọc Tuấn Tới, Trần Thị Như Quỳnh

Khoa Kinh tế - Quản lý, Trường Đại học Thăng Long

(Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 19, tháng 7/2023)


TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Đào Công Thành (2023), Nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam trong tình hình mớihttps://tapchicongthuong.vn/bai-viet/nang-cao-chi-so-nang-luc-canh-tranh-quoc-gia-cua-viet-nam-trong-tinh-hinh-moi-89787.htm.

2. Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ (2021), Báo cáo năng lực cạnh tranh của Việt Nam từ đánh giá của nhà đầu tư nước ngoài và Báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu 4.0.

3. Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (2018), Tìm hiểu chỉ số năng lực cạnh tranh 4.0 (GCI 4.0) của WEF.

4. WEF (2018, 2019), The Global Competitiveness Report.