PGS, TS. Ngô Thị Tuyết Mai

Dương Phương Thảo, Lê Quỳnh Anh, Nguyễn Thị Minh Hoạt, Nguyễn Phương Trang

Trường Đại học Kinh tế Quốc dân

Tóm tắt

Nghiên cứu thực nghiệm sử dụng mô hình Knowledge - Capital mở rộng với nguồn dữ liệu mảng của 14 quốc gia thành viên của Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) để đánh giá tác động của RCEP đến thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam. Kết quả nghiên cứu cho thấy, 3 nhân tố có ảnh hưởng hưởng tích cực gồm: Sự khác biệt về kỹ năng; Độ mở về mặt thương mại; Biến giả RCEP và 3 nhân tố có ảnh hưởng tiêu cực lần lượt là: Kích thước nền kinh tế; Sự tương đương về kích thước nền kinh tế; Khoảng cách địa lý đến khả năng thu hút FDI vào Việt Nam khi thực hiện RCEP. Trên cơ sở phân tích, bài viết đề xuất một số hàm ý chính sách nhằm tăng cường thu hút FDI vào Việt Nam trong thời gian tới khi RCEP ngày càng có hiệu lực.

Từ khóa: FDI, RCEP, FTA, ASEAN, thương mại, mô hình Knowledge - Capital

Summary

The empirical study uses the extended Knowledge - Capital model with panel data of 14 member countries of the Regional Comprehensive Economic Partnership (RCEP) to evaluate the impact of RCEP on foreign direct investment (FDI) attraction into Vietnam. Research results show that 3 factors have a positive influence including: Differences in skills; Trade openness; The dummy variable RCEP, and the three factors that have a negative influence include: Size of the economy; Similarity in economic size; Geographic distance. Based on analysis, the article proposes some policy implications to increase FDI attraction into Vietnam in the coming time as RCEP becomes more and more effective.

Keywords: FDI, RCEP, FTA, ASEAN, trade, Knowledge - Capital model

GIỚI THIỆU

RCEP là hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa 10 nước thành viên ASEAN và 5 đối tác của ASEAN là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand. Hiệp định được ký kết vào ngày 15/11/2020 và chính thức có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2022. RCEP được coi là FTA lớn nhất thế giới với thị trường rộng lớn, chiếm khoảng 30% dân số thế giới và 30% GDP toàn cầu (VCCI, 2021).

RCEP có nội dung toàn diện bao gồm: cắt giảm thuế quan, quy tắc chất lượng, tiêu chuẩn kỹ thuật, điều khoản tiếp cận thị trường. Việc thực thi RCEP sẽ mở thêm cơ hội cho Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu, tham gia các chuỗi giá trị mới trong khu vực và tăng cường thu hút FDI. Cơ hội tăng tốc thu hút FDI sẽ lớn hơn, nhất là khi Việt Nam đang nỗ lực xây dựng nhiều cơ chế, chính sách vượt trội để đón đầu dòng vốn FDI đang dịch chuyển. Ngoài ra, việc thực thi RCEP cũng tạo nên khuôn khổ pháp lý ràng buộc trong khu vực về chính sách thương mại, đầu tư, sở hữu trí tuệ, thương mại điện tử... tạo ra sân chơi công bằng trong khu vực và nhờ đó hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là việc thực thi RCEP có tác động như thế nào đến thu hút FDI vào Việt Nam? Cần phải có những giải pháp chính sách gì để tăng cường thu hút FDI vào Việt Nam trong thời gian tới? Để trả lời cho những câu hỏi này, nhóm tác giả thực hiện nghiên cứu tác động của RCEP đến thu hút FDI vào Việt Nam.

CƠ SỞ LÝ THUYẾT VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Cơ sở lý thuyết

RCEP được xây dựng trên 3 trụ cột là: thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ và thương mại điện tử. Khác với Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), RCEP không thiết lập tiêu chuẩn chung về lao động và môi trường, cũng không buộc các nước phải cam kết mở cửa các ngành dịch vụ và các lĩnh vực khác của một quốc gia thành viên vốn được đánh giá là còn hạn chế. RCEP chỉ thông qua cắt giảm hàng rào thuế quan và phi thuế quan nhằm xây dựng thị trường thương mại tự do thống nhất gồm 15 nước để bảo đảm đây là một hiệp định thương mại mới, ưu tiên tự do hóa thương mại hơn là tạo nên một cuộc cạnh tranh thương mại. Với quy mô GDP gần 27.000 tỷ USD, RCEP được kỳ vọng sẽ trở thành “lá bài’ quan trọng để thu hút FDI vào Việt Nam. Tuy nhiên, việc tận dụng được cơ hội từ RCEP và hạn chế những thách thức để Việt Nam có thể thu hút FDI, thì cần phải phát huy nội lực và cải thiện khả năng tiếp cận thị trường.

Trong những năm gần đây, đã có rất nhiều các nghiên cứu lý thuyết và thực nghiệm về thương mại quốc tế tập trung vào động cơ để các công ty đa quốc gia (Multinational enterprises - MNEs) ra quyết định đầu tư vào một quốc gia. Có thể chia các nghiên cứu này theo 3 dòng chính: (i) Mô hình động cơ chiều ngang, hay còn được gọi là Horizontal FDI (H-FDI) với nghiên cứu ban đầu của Markusen và Venables (1998); (ii) Mô hình động cơ chiều dọc - vertical FDI (V-FDI) trong các nghiên cứu của Helpman và Krugman (1985); (iii) Mô hình Knowledge-Capital là mô hình kết hợp, trong đó đã bao gồm cả mô hình FDI chiều dọc và FDI chiều ngang (Markusen và Maskus, 2001).

Trong thực tế để có đủ thông tin để phân biệt 2 loại hình V-FDI và H-FDI là rất khó, nên mô hình Knowledge-Capital đã kết hợp cả 2 loại động lực, chiều ngang và chiều dọc, để phân tích các nhân tố làm ảnh hưởng đến FDI. Trong mô hình Knowledge-Capital cơ bản, Carr và cộng sự (2001) đã chứng minh, chi phí thương mại có tác động tích cực đến luồng vốn FDI khi mà sự khác biệt về kỹ năng giữa nước đầu tư và nước nhận đầu tư là không đáng kể. Trong khi đó, chi phí thương mại lại có tác động tiêu cực đến luồng vốn FDI khi mà sự khác biệt về kỹ năng tăng lên. Điều này cho thấy rằng, khi chi phí thương mại đi xuống, thì sự giảm sút của H-FDI sẽ cao hơn sự tăng lên của V-FDI trong trường hợp có ít sự khác biệt về kỹ năng giữa quê nhà và nước nhận đầu tư. Ngược lại, khi sự khác biệt về kỹ năng giữa 2 nước cao, thì khi chi phí thương mại giảm xuống, V-FDI sẽ tăng nhanh hơn sự giảm sút của vốn H-FDI. Bên cạnh đó, mô hình Knowledge-Capital có ưu điểm là không yêu cầu bộ dữ liệu quá lớn, các tham số kỹ thuật được đảm bảo tính cập nhật, có thể được sử dụng để đánh giá các tác động của RCEP đến FDI trong nhiều giai đoạn khác nhau.

Mô hình nghiên cứu

Nghiên cứu kế thừa mô hình Knowledge-Capital của Carr và cộng sự (2001) với các biến độc lập liên quan đến đặc điểm của từng quốc gia bao gồm kích thước của nền kinh tế, thương mại và chi phí đầu tư và tham khảo việc bổ sung biến độc lập Hiệp định đầu tư song phương (BIT) từ nghiên cứu của Egger và Pfaffermayr (2004). Trong nghiên cứu này, nhóm nghiên cứu bổ sung biến RCEP trên cơ sở gộp biến BIT và Hiệp định thương mại tự do (FTA), để đề xuất mô hình Knowledge-Capital mở rộng như sau:

Nghiên cứu tác động của RCEP đến thu hút FDI vào Việt Nam

Trong đó i, j, t tương ứng là quốc gia đối tác của Việt Nam, Việt Nam và yếu tố thời gian trong dữ liệu.

Biến phụ thuộc, dskijt là luồng vốn FDI từ các quốc gia đối tác vào Việt Nam.

Các biến độc lập, đại diện cho kích thước nền kinh tế của các cặp quốc gia đối tác và Việt Nam. Biến, Sgdpijt thể hiện sự tương đương về kích thước nền kinh tế giữa quốc gia đối tác và Việt Nam. Giá trị simiijt càng cao, thì kích thước nền kinh tế của quốc gia đối tác và Việt Nam càng gần nhau. Biến distijt thể hiện sự khác biệt về kỹ năng giữa quốc gia đối tác và Việt Nam. RCEP là biến giả và có giá trị bằng 1 nếu quốc gia đối tác và Việt Nam đã có ký kết RCEP tại năm t. OPEN thể hiện độ mở về mặt thương mại của các quốc gia đối tác và Việt Nam. Độ mở về mặt thương mại được đo bằng tỉ lệ % của tổng giá trị xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ so với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của một quốc gia. tt,e ijt tương ứng sẽ là hiệu ứng cố định theo thời gian và sai số của mô hình. Chi tiết về biến độc lập và biến phụ thuộc sử dụng trong mô hình được trình bài tại Bảng 1.

Bảng 1: Giải thích các biến sử dụng trong mô hình

Nghiên cứu tác động của RCEP đến thu hút FDI vào Việt Nam

Nguồn: Kết quả nghiên cứu của nhóm nghiên cứu

Các giả thuyết nghiên cứu được đưa ra như sau:

H1: Kích thước nền kinh tế có tác động tích cực đến Vốn FDI vào Việt Nam.

H2: Sự tương đương về kích thước nền kinh tế có tác động tích cực đến Vốn FDI vào Việt Nam.

H3: Sự khác biệt về kỹ năng có tác động tích cực đến Vốn FDI vào Việt Nam.

H4: RCEP có tác động tích cực đến Vốn FDI vào Việt Nam.

H5: Độ mở về mặt thương mại có tác động tích cực đến Vốn FDI vào Việt Nam.

H6: Khoảng cách địa lý có tác động tiêu cực đến Vốn FDI vào Việt Nam.

Phương pháp nghiên cứu

Về phương pháp ước lượng, fixed effect (FE) hoặc random effect (RE) thường được dùng để ước lượng mô hình với dữ liệu bảng. Tuy nhiên, trong mô hình này, việc sử dụng FE không còn khả thi, vì nhóm có sử dụng nhiều biến giả. Do đó, nhóm cũng đã sử dụng Hausman test để kiểm tra về tính khả thi khi sử dụng RE để ước lượng, nhưng kết quả kiểm tra khẳng định việc ước lượng bằng RE sẽ dẫn đến các sai lệch trong kết quả với p- value của Hausman test < 0,05.

Với những lý do trên, nhóm nghiên cứu quyết định sử dụng pooled OLS để ước lượng mô hình. Để tăng độ tin cậy và giảm độ chênh lệch của mô hình, nhóm nghiên cứu sử dụng thêm biến giả thời gian. Cùng với đó, biến độc lập trễ 1 năm được sử dụng để ước lượng mô hình nhằm tăng độ tin cậy và giảm độ chênh lệch của mô hình. Ngoài ra, các hiện tượng tương quan chéo (cross- correlation), hiện tượng tự tương quan (autocorrelation) và hiện tượng phương sai không đồng nhất (heteroskedasticity) có khả năng sẽ tồn tại trong dữ liệu bảng, khi đó sai số chuẩn được tính theo cách thông thường sẽ bị lệch dẫn đến giá trị t-statistic không chính xác. Để khắc phục các hiện tượng này, nhóm nghiên cứu sẽ áp dụng phương pháp tính sai số chuẩn robust trong Stata.

Dữ liệu sử dụng trong nghiên cứu này bao gồm 140 quan sát từ 14 quốc gia thành viên của RCEP trong giai đoạn 2013-2022. Nhóm nghiên cứu lựa chọn giai đoạn này nhằm xem xét các dữ liệu từ trước khi RCEP có hiệu lực, đến khi RCEP được đàm phán, ký kết và thực thi.

KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN

Thống kê mô tả biến

Thống kê mô tả các biến tại Bảng 2 cho thấy, biến fdi có giá trị trung bình là 4,234, giá trị thấp nhất là 0,3 và giá trị cao nhất là 13,899. Như vậy, giữa các biến có sự cách biệt đáng kể về mức giá trị trung bình và độ lệch chuẩn trong mỗi biến của mô hình giữa giá trị lớn nhất với nhỏ nhất là không cao.

Bảng 2: Thông kê mô tả các biến sử dụng trong mô hình

Biến

Quan sát

Trung bình

Độ lệch chuẩn

Giá trị nhỏ nhất

Giá trị lớn nhất

fdi

140

4,234286

1,741816

1,1

8,6

sgdp

140

13,89957

1,73182

11,21

16,98

simi

140

-2,611429

1,093818

-4,5

-,75

dsk

140

2,431786

0,7536838

0,63

4,37

OPEN

140

1,085643

0,3312397

0,65

3,08

dist

140

3,325686

0,3242662

2,60206

3,929419

RCEP

140

0,3

0,459903

0

1

Nguồn:Kết quả xử lý dữ liệu của nhóm nghiên cứu trên Stata 14

Mối quan hệ tương quan giữa các biến

Kết quả phân tích cho thấy, hệ số tương quan giữa biến FDI và các biến độc lập giao động từ -0,5197 đến 0,6834 (Bảng 3). Trong đó, các biến (GDP, simi, dist) có mối quan hệ tương quan ngược chiều với FDI. Các biến còn lại (dsk, OPEN, RCEP) có mối quan hệ tương quan cùng chiều với FDI. Ngoài ra, hệ số tương quan giữa các cặp biến độc lập đều < 0,8, nên hiện tượng đa cộng tuyến có thể sẽ không xảy ra trong quá trình chạy mô hình hồi quy.

Bảng 3: Ma trận tương quan giữa các biến

fdi

sgdp

simi

dsk

OPEN

dist

RCEP

fdi

1

sgdp

-0,0429

1

simi

-0,5197

-0,0491

1

dsk

0,6834

0,0431

0,1058

1

OPEN

0,1039

0,0823

-0,1080

-0,1449

1

dist

-0,1026

0,0022

-0,0243

0,0084

0,1049

1

RCEP

0,2700

-0,1299

-0,0501

-0,0389

0,0918

-0,0000

1

Nguồn: Kết quả xử lý dữ liệu của nhóm nghiên cứu trên Stata 14

Kết quả mô hình hồi quy

Kết quả mô hình hồi quy OLS cho thấy, F(6, 133) = 326,28 và Prob > F = 0,0000, nên chấp nhận giả thuyết mô hình có giá trị dự đoán biến phụ thuộc (FDI) thông qua các biến độc lập (GDP, simi, dsk, OPEN, dist, RCEP). R2 điều chỉnh = 0,9335, nên sự biến thiên của biến phụ thuộc được giải thích bởi 93,35% các biến độc lập trong mô hình. Hay có thể nói, mô hình có thể giúp giải thích khoảng từ 93,35% sự biến thiên của luồng Vốn FDI vào Việt Nam giai đoạn 2013- 2022 (Bảng 4).

Bảng 4: Kết quả ước lượng pooled OLS

Số quan sát = 140

F (6, 133) = 326,28

Prob > F = 0,0000

R2 = 0,9364

R2 điều chỉnh = 0,9335

Root MSE = 0,44913

fdi

Ước lượng hệ số

Sai số chuẩn

t

P>|t|

khoảng tin cậy 95%

sgdp

-0,0859479

0,0223485

-3,85

0,000

-0,1301525

-0,0417434

simi

-0,9252671

0,0352577

-26,24

0,000

-0,9950056

-0,8555287

dsk

1,806133

0,051413

35,13

0,000

1,70444

1,907826

OPEN

0,8064978

0,1183844

6,81

0,000

0,5723382

1,04657

dist

-0,7476413

0,1181901

-6,33

0,000

-0,9814167

-,5138659

RCEP

0,09321407

0,0840968

11,08

0,000

0,7658005

1,098481

_cons

-0,0482638

0,5223137

-0,09

0,927

-1,08138

0,9848525

Nguồn: Kết quả xử lý dữ liệu của nhóm nghiên cứu trên Stata 14

Kết quả Bảng 4 cũng cho thấy, các biến đều có tác động đến Vốn FDI và đều có ý nghĩa thống kê.Các biến có tác động đến nguồn vốn FDI vào Việt Nam có thể chia làm 2 nhóm:

Nhóm 1: Nhóm các yếu tố tác động tiêu cực đến nguồn vốn FDI vào Việt Nam (có xu hướng tác động ngược chiều).

- Kích thước nền kinh tế của các cặp quốc gia đối tác và Việt Nam (sgdp): Khi các yếu tố khác không đổi, sgdp tăng lên 1%, sẽ làm cho dòng vốn vào Việt Nam giảm đi 0,0859%.

- Sự tương đương về kích thước nền kinh tế giữa quốc gia đối tác và Việt Nam (simi): Khi các yếu tố khác không đổi, simi tăng lên 1% dẫn đến nguồn vốn FDI vào Việt Nam giảm đi 0,925%.

- Khoảng cách địa lý giữa quốc gia đối tác và Việt Nam (dist): Khi các yếu tố khác không đổi, dist tăng lên 1%, sẽ làm nguồn Vốn FDI vào Việt Nam giảm đi 0,748%.

Nhóm 2: Nhóm các yếu tố tác động tích cực đến nguồn vốn FDI vào Việt Nam (có xu hướng tác động cùng chiều).

- Sự khác biệt về kỹ năng giữa quốc gia đối tác và Việt Nam (dsk): Khi các yếu tố khác không đổi, dsk tăng lên 1% dẫn đến nguồn vốn FDI vào Việt Nam tăng lên 1,806%. Điều này cho thấy, đa số các nhà đầu tư nước ngoài chọn đầu từ vào Việt Nam bởi yếu tố lực lượng lao động với tay nghề thấp và giá rẻ nhằm khai thác lợi thế chi phí sản xuất.

- Độ mở thương mại (OPEN): Khi các yếu tố khác không đổi, OPEN tăng lên 1% sẽ làm nguồn vốn FDI vào Việt Nam tăng lên 0,806%. Có thể thấy, độ mở của nền kinh tế giữ vai trò quan trọng trong việc thu hút nguồn vốn FDI vào Việt Nam. Vì vậy, Chính phủ nên có các chính sách sẵn sàng chào đón thương mại, đồng thời cho phép nhập khẩu một cách thuận lợi.

- Biến giả RCEP: Khi tham gia RCEP, nguồn vốn FDI vào Việt Nam tăng lên đáng kể.

Kiểm định tính bền vững của kết quả

Với kết quả ước lượng có ý nghĩa thống kê trong các mô hình nghiên cứu được đề xuất, phương pháp pooled OLS vẫn có thể gặp phải vấn đề nội sinh, do có sự tự tương quan trong biến phụ thuộc là Vốn FDI vào Việt Nam. Chính vì vậy, nghiên cứu tiến hành xem xét thêm các biến trễ của biến độc lập bằng phương pháp pooled OLS, nhằm hạn chế sự tác động ngược lại của biến phụ thuộc đến các biến độc lập trong mô hình.

Bảng 5: Kết quả ước lượng bằng biến trễ của biến giải thích

Biến giải thích

Pooled OLS

L.sgdp

-0,0892***

(-3,61)

L.simi

-0,917***

(-23,68)

L.dsk

1,794***

(32,29)

L.dist

-0,735***

(-5,64)

L.Open

0,790***

(5,40)

L.Rcep

0,954***

(9,33)

_cons

0,0237

(0,04)

Thống kê t trong ngoặc đơn

* p < 0,05, ** p < 0,01, *** p < 0,001

Nguồn: Kết quả nghiên cứu của nhóm nghiên cứu

So sánh kết quả giữa Bảng 4 và Bảng 5 cho thấy, việc sử dụng biến trễ của biến độc lập trong ước lượng mô hình không làm thay đổi rõ rệt về mặt kết quả. Các hệ số của các biến giải thích trong Bảng 5 đều có cùng dấu như trong Bảng 4 và có độ lớn gần như tương đương. Điều này đã khẳng định thêm tính bền vững của kết quả nghiên cứu.

KẾT LUẬN VÀ KHUYẾN NGHỊ CHÍNH SÁCH

Kết quả nghiên cứu cho thấy, các yếu tố ảnh hưởng đến khả năng thu hút Vốn FDI vào Việt Nam trong bối cảnh thực hiện RCEP có thể được chia thành 2 nhóm: (i) Nhóm các yếu tố có có ảnh hưởng tích cực gồm: Sự khác biệt về kỹ năng giữa quốc gia đối tác và Việt Nam (dsk), Độ mở thương mại (OPEN), biến giả RCEP; (ii) Nhóm các yếu tố ảnh hưởng tiêu cực gồm: Kích thước nền kinh tế của các cặp quốc gia đối tác và Việt Nam (sgdp), Sự tương đương về kích thước nền kinh tế giữa quốc gia đối tác và Việt Nam (simi), Khoảng cách địa lý giữa quốc gia đối tác và Việt Nam (dist).

Trong nhóm yếu tố tích cực, tác động dẫn truyền của RCEP đến thu hút vốn FDI vào Việt Nam phần lớn từ sự khác biệt về Kỹ năng lao động giữa quốc gia đối tác và Việt Nam (dsk). Do đó, có thể giải thích mức tăng nhanh hơn 1,806% của dòng FDI vào Việt Nam chủ yếu là các nhà đầu tư nước ngoài khai thác các lợi thế yếu tố lực lượng lao động với tay nghề thấp và giá rẻ nhằm khai thác lợi thế chi phí sản xuất. Bên cạnh đó, trong số các yếu tố tiêu cực, Sự tương đương về kích thước nền kinh tế giữa quốc gia đối tác và Việt Nam (simi) cũng có tác động lớn tới thu hút vốn FDI, cho thấy kích thước nền kinh tế của nước đối tác càng gần với Việt Nam thì khả năng quyết định đầu tư càng thấp.

Kết quả nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, RCEP có tác động tích cực, đẩy mạnh dòng vốn FDI vào Việt Nam. Với các cam kết về mở cửa thị trường trong lĩnh vực hàng hóa, dịch vụ, đầu tư và hài hòa hóa quy tắc xuất xứ giữa tất cả các bên tham gia, cũng như tăng cường các biện pháp tạo thuận lợi thương mại, RCEP sẽ tạo cơ hội để phát triển các chuỗi cung ứng mới trong khu vực, nhờ đó kích thích đầu tư phát triển chuỗi cung ứng, cũng như giảm các rào cản thương mại và cải thiện khả năng tiếp cận thị trường đối với hàng hóa và dịch vụ, thu hút các công ty nước ngoài tham gia vào một thị trường ASEAN hội nhập hơn, từ đó thúc đẩy dòng vốn FDI vào Việt Nam.

Như vậy, sau gần 40 năm thực hiện đường lối đổi mới và hội nhập quốc tế, Việt Nam đã thu hút được đáng kể dòng vốn FDI, tạo đà cho tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội, tạo việc làm cho hàng triệu người lao động. Tuy nhiên, theo báo cáo đánh giá môi trường đầu tư của Việt Nam mới đây của U.S. Department of State (2023), thì mặc dù tỷ lệ dòng vốn FDI vào Việt Nam tương đối cao so với các nước trong khu vực, nhưng Việt Nam vẫn phải đối mặt với một số thách thức đáng kể về môi trường đầu tư cần phải được khắc phục, đó là: Thủ tục hành chính còn rườm rà, phức tạp; Kỹ năng của người lao động còn hạn chế; Công nghiệp hỗ trợ kém phát triển; Các doanh nghiệp FDI thiếu thông tin về môi trường pháp lý Việt Nam.

Từ kết quả mô hình và nghiên cứu môi trường đầu tư hiện nay của Việt Nam, nhóm nghiên cứu đề xuất một số khuyến nghị chính sách nhằm tăng cường thu hút FDI vào Việt Nam trong thời gian tới, gồm:

Thứ nhất, cần tăng cường công tác tuyên truyền, tập huấn để doanh nghiệp hiểu và biết cách tận dụng các cơ hội, giảm thiểu những thách thức trong quá trình thực thi FTA/RCEP.

Thứ hai, tăng cường đào tạo chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ và tính kỷ luật cho lực lượng lao động, đặc biệt là lao động làm việc trong những ngành ưu tiên thu hút FDI, phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế và đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp FDI.

Thứ ba, xây dựng cơ chế khuyến khích, ưu đãi thỏa đáng để phát triển công nghiệp hỗ trợ; đồng thời, thúc đẩy liên kết giữa các doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp FDI cùng tham gia vào chuỗi cung ứng khu vực.

Thứ tư, đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư nước ngoài. Trong đó cần đánh giá tính hiệu quả trong xúc tiến đầu tư nước ngoài qua các bộ tiêu chí cụ thể. Chú trọng xúc tiến đầu tư các tập đoàn có vốn lớn, công nghệ hiện đại, sạch đến đầu tư tại Việt Nam./.

Tài liệu tham khảo

1. Bae, Chankwon and Hyeyoon Keum (2013), The Impact of FTAs on FDI in Korea, World Economy Update, 3(19), 1-6.

2. Baltagi, Badi H., Egger, Peter., and Pfaffermayr, Michael (2008), Estimating regional trade agreement effects on FDI in an interdependent world", Journal of Econometrics, Elsevier, 145(1-2), 194-208.

3. Blomström, Magnus., and Kokko, Ari (1999), Regional integration and foreign direct investment: A conceptual framework and three cases, Policy Research Working Paper Series 1750, The World Bank.

4. Büthe and Milner (2014), Foreign Direct Investment and Institutional Diversity in Trade Agreements: Credibility, Commitment, and Economic Flows in the Developing World, 1971–2007, World Politics, 66(1), 88-122.

5. Carr, D., J. Markusen, and K. Maskus (2001), Estimating the knowledge-capital model of the multinational enterprise, American Economic Review, 91(3), 693-708.

6. Egger, P., and M. Pfaffermayr (2004), The impact of bilateral investment treaties on foreign direct investment, Journal of Comparative Economics, 32(4), 788-804.

7. Hà Lâm Oanh, Lê Thị Bích, Lê Ngọc Nhân, Vương Ngọc Ái (2020), Tác động của các Hiệp định thương mại tự do đến thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam, Tạp chí Khoa học Thương mại, số 167, 3-15.

8. Hà Văn Sự và Nguyễn Thu Thuỷ, (2021), Tác động của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương đến chuyển dịch dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam, Tạp chí Kinh tế và Phát triển, số 287, 35-44.

9. Helpman, Elhanan, and Krugman, Paul (1985), Market structure and international trade, MIT Press Cambridge.

10. Hoàng Thanh Hiền, Huỳnh Thị Diệu Linh, (2019), Tác động của Hiệp định Thương mại tự do đến vốn FDI tại Việt Nam giai đoạn 2005-2017, Tạp chí Khoa học kinh tế, số 7(2), 24-36.

11. Jang Y. J. (2011), The impact of Bilateral Free Trade Agreements on Bilateral Foreign Direct Investment among Developed Countries, The World Economy, 34(9), 1628-1651.

12. Kim, Young-Han, (2007), Impacts of regional economic integration on industrial relocation through FDI in East Asia, Journal of Policy Modeling, 29(1), 165-180.

13. Kox H.L.M, Romagosa H. R. (2020), How Trade and Investment Agreements Affect Bilateral Foreign Direct Investment: Results from a Structural Gravity Mode, World Economy, 43(12), 3203-3242.

14. Li, Qiaomin, Scollay, Robert., and Maani, Sholeh, (2016), Effects on China and ASEAN of the ASEAN-China FTA: The FDI perspective, Journal of Asian Economics, 44, 1-19.

15. Markusen, J. and A. Venables (1998), Multinational Firms and the New Trade Theory, Journal of International Economics, 46(2), 183-203.

16. Medvedev, Denis (2012), Beyond Trade: The Impact of Preferential Trade Agreements on FDI Inflows, World Development, Elsevier, 40(1), 49-61.

17. Moon, J. (2009), The Influence of Free Trade Agreement on Foreign Direct Investment: Comparison with non-FTA countries, retrieved from http://fdhawks.bol.ucla.edu/20090529_1.pdf.

18. Neary, J Peter (2002), Foreign direct investment and the single market, The Manchester School, 70(3), 291-314.

19. Thangavelu, S. M., Findlay, C. (2011), The Impact of Free Trade Agreements on Foreign Direct Investment in the Asia-Pacific Region, in Findlay, C. (ed.), ASEAN+1 FTAs and Global Value Chains in East Asia.

20. The U.S. Department of State (2024), 2023 Investment Climate Statements: Vietnam, retrieved from https://www.state.gov/reports/2023-investment-climate-statements/vietnam/.

21. VCCI (2021), Tóm lược Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực RCEP, Nxb Công Thương.

22. https://fia.mpi.gov.vn/

23. https://worldbank.org/

24. www.trungtamwto.vn

25. https://www.gso.gov.vn/

26. http://www.timeanddate.com

Ngày nhận bài: 16/3/2024; Ngày phản biện: 10/4/2024; Ngày duyệt đăng: 15/4/2024