Từ lâu, câu ca "Dù ai đi ngược về xuôi/Nhớ ngày Giỗ Tổ mùng Mười tháng Ba" đã in sâu vào tâm thức mỗi người dân đất Việt khi tới Đền Hùng. Tuy nhiên, việc làm thế nào để tăng lượng khách du lịch tới đây đang là vấn đề còn phải tiếp tục tìm câu trả lời. Tác giả Quách Anh Tuấn và Đặng Xuân Phi sẽ có những phân tích sâu hơn trong bài viết "Thu hút khách du lịch đến Khu di tích lịch sử Đền Hùng".

Cũng về đề tài phát triển du lịch, nhóm tác giả Nguyễn Thị Anh Đào, Nguyễn Hải Quân và Phạm Minh Hoàng với bài "Sự hài lòng của du khách tới chất lượng dịch vụ du lịch tại Khu du lịch Hồ Núi Cốc" đã có những nghiên cứu công phu, qua đó đề xuất giải pháp giữ chân và thu hút du khách tới đây nhiều hơn nữa, nâng cao sự hài lòng của du khách.

Trong những năm qua, Nghệ An đã và đang trở thành điểm đến khá ấn tượng, hấp dẫn của các nhà đầu tư, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt được những kết quả tích cực. Mặc dù vậy, theo đánh giá của các chuyên gia, Nghệ An vẫn chưa khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của Tỉnh. Việc áp dụng tư duy quản trị marketing vào hoạt động thu hút FDI của địa phương sẽ mang lại làn sóng đầu tư mạnh mẽ vào Nghệ An. Thực trạng này là như thế nào sẽ được tác giả Lê Việt Hùng nêu rõ hơn trong bài "Áp dụng quản trị marketing để thu hút FDI vào địa phương - Trường hợp tỉnh Nghệ An".

Việc thu hút vốn đầu tư phát triển nông nghiệp ở tỉnh Thanh Hóa trong thời gian qua đã có những dấu hiệu tích cực. Theo đó, lượng vốn đầu tư vào nông nghiệp ngày càng tăng, chất lượng vốn ngày càng được cải thiện. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, thu hút vốn đầu tư vào lĩnh vực này chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, cũng như đóng góp của ngành nông nghiệp vào phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh. Giải pháp nào để khắc phục vấn đề này sẽ được nêu trong bài "Thanh Hóa đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư vào phát triển nông nghiệp" của nhóm tác giả Lê Thị Bình và Nguyễn Thị Huyền.

Cùng cả nước thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới, sau 5 năm (2011-2015), diện mạo vùng nông thôn tỉnh Đồng Nai đã có nhiều chuyển biến tích cực. Đến cuối năm 2015, có 91/133 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Với kết quả này, tỉnh Đồng Nai là một trong những địa phương có số xã hoàn thành chương trình nông thôn mới nhiều nhất cả nước. Điều này sẽ được tác giả Phạm Văn Quốc và Nguyễn Thành Công nêu cụ thể hơn trong bài "Những điểm sáng trong xây dựng nông thôn mới ở Đồng Nai".

Thực tiễn cho thấy, chính sách đẩy mạnh việc trao quyền tự chủ cho các trường đại học công lập là hoàn toàn đúng đắn. Tuy nhiên, việc thực hiện cơ chế tự chủ tài chính của các trường này ở Việt Nam hiện nay vẫn đang gặp những khó khăn cả trên phương diện thực tiễn lẫn cơ chế chính sách. Tác giả Phan Hồng Hải sẽ có phân tích cụ thể thực tiễn này trong bài "Một số vấn đề về cơ chế tài chính tại các trường đại học công lập hiện nay".

Tạp chí chuyên đề số tháng 3/2015 còn nhiều bài nghiên cứu về các mặt kinh tế, xã hội tại nhiều ngành, địa phương với các góc nhìn khác nhau sẽ đem đến cho bạn đọc nội dung bổ ích./.