Toàn cảnh phiên chất vấn và trả lời chất vấn

Có nhiều tiến bộ trong quá trình xây dựng luật

Báo cáo của Bộ Tư pháp co biết, từ đầu nhiệm kỳ khóa XIV đến nay, Bộ này đã tham mưu cho Chính phủ xây dựng và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội 3 Đề nghị về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh: Các Chương trình năm 2017, 2018 (đã được Quốc hội thông qua) và Chương trình năm 2019 (Tờ trình của Chính phủ số 43/TTr-CP, ngày 28/02/2018).

Thực hiện các Chương trình nêu trên, cùng với Chương trình năm 2016, Quốc hội đã thông qua 32 luật, nghị quyết (28 luật, 04 nghị quyết); Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua 01 pháp lệnh, 01 nghị quyết do Chính phủ trình.

Về tiến độ, Bộ Tư pháp và các bộ, cơ quan ngang bộ đã có nhiều cố gắng để tham mưu, giúp Chính phủ trình Đề nghị về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, các dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết cơ bản bảo đảm tiến độ theo quy định của Luật năm 2015 và các Nghị quyết của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh (Đề nghị của Chính phủ về Chương trình năm 2019 đã được trình trước ngày 01/3/2018).

Một số dự án Luật đã được cơ quan chủ trì soạn thảo chủ động, tích cực đẩy nhanh tiến độ trình như dự án Luật Cảnh sát biển (thuộc Chương trình năm 2018, trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5 đã được Bộ Quốc phòng trình Chính phủ thông qua từ rất sớm, tháng 12/2017).

Chất lượng các dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết cơ bản được bảo đảm. Các dự án Chính phủ trình, sau khi phối hợp với các Cơ quan thẩm tra của Quốc hội chỉnh lý, hoàn thiện dưới sự chỉ đạo của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, đều được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua với tỷ lệ cao (hầu hết các dự án luật đều được thông qua với tỷ lệ trên 80%, có dự án được thông qua với tỷ lệ 100% đại biểu có mặt biểu quyết thông qua như Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi).

Có những dự án luật từ khi trình đến khi họp chỉ báo trước 2 ngày

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, báo cáo cho biết, vẫn còn tình trạng phải điều chỉnh Chương trình (năm 2016 có 12 dự án được lùi, rút khỏi Chương trình; năm 2017 có 9 dự án được lùi, rút khỏi Chương trình).

Trong quá trình lập Chương trình, một số dự án chưa được nghiên cứu, tính toán kỹ về phạm vi điều chỉnh, tác động của chính sách trong dự án luật. Chất lượng một số dự án luật chưa được Quốc hội đánh giá cao. Có dự án phải chuyển từ quy trình 2 kỳ thành 3 kỳ họp như Luật Tố cáo (sửa đổi), Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi).

Bên cạnh đó, vẫn còn một số trường hợp gửi hồ sơ dự án luật, pháp lệnh cho Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, Đại biểu Quốc hội chậm so với quy định; có dự án sát Phiên họp thẩm tra, Phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoặc Kỳ họp của Quốc hội mới gửi hồ sơ, nên các Ủy ban của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các vị Đại biểu Quốc hội có ít thời gian để nghiên cứu. Ví dụ: Gần đến ngày khai mạc Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, vẫn còn 4/15 hồ sơ dự án luật chưa được gửi các đại biểu Quốc hội.

Chất lượng thẩm định tuy đã từng bước được nâng cao, nhưng chưa đồng đều, đôi khi chưa chú trọng đúng mức đến tính khả thi, tính hợp lý của các chính sách và quy định trong dự thảo văn bản.

Trong một số trường hợp, ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp chưa đánh giá đầy đủ, cụ thể về các nguồn lực, điều kiện bảo đảm thi hành do hồ sơ đề nghị, dự án, dự thảo luật, pháp lệnh, nghị quyết gửi thẩm định nhưng không có đầy đủ thông tin.

Việc đánh giá mức độ tương thích giữa nội dung của chính sách trong đề nghị, dự án, dự thảo với các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên còn hạn chế.

Dẫn chứng thực tế, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, “có những dự án Luật từ khi trình đến khi họp chỉ được báo trước 2 ngày”; về chất lượng, nhiều dự án luật có nhiều vấn đề lớn; nhiều báo cáo tổng kết hình thức, không ký, không đóng dấu; đánh giá tác động chỉ có khoảng nửa trang, không có chứng minh kèm theo; thời gian và sự tham gia của các bộ, ngành còn hình thức.

“Có những bộ, ngành thường xuyên ủy quyền cho Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế cho ý kiến ghi 3 dòng là đồng ý, mà nếu cần, chúng tôi cũng có thể nêu danh được”, đại biểu Lê Thị Nga thẳng thắn. Ngoài ra, một số dự án Luật chưa có dự thảo Nghị định hướng dẫn kèm theo, chưa được lấy ý kiến của các đối tượng chịu tác động của các chính sách…

Có trách nhiệm người đứng đầu các bộ, ngành

Trước thực trạng này, đại biểu Lê Thị Nga đề nghị “Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long và Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng chấn chỉnh tình trạng này”.

Khẳng định đại biểu Lê Thị Nga đã đánh giá “rất chính xác, đích đáng” tình hình về hồ sơ, thủ tục trình các dự án Luật, Bộ trưởng Lê Thành Long nói rằng, “ở đây có trách nhiệm người đứng đầu các bộ, ngành khi trình hồ sơ dự án luật không đúng tiến độ, không bảo đảm quy trình”.

Vì trên thực tế, Quốc hội đã có Nghị quyết liên quan đến xây dựng văn bản pháp luật. Còn xét về nhiệm vụ chính trị, “các bộ trưởng, trưởng ngành không thực hiện đúng chức trách của mình trong công tác xây dựng pháp luật” - Bộ trưởng Lê Thành Long chỉ rõ - “đây sẽ là một cơ sở quan trọng để các Đại biểu Quốc hội đánh giá khả năng hoàn thành vai trò, nhiệm vụ của các Bộ trưởng khi tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm”.

Bộ trưởng Lê Thành Long cũng cho biết, trong các phiên họp thường kỳ, chuyên đề của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu rất rõ các bộ trưởng, trưởng ngành phải là người trực tiếp chỉ đạo công tác xây dựng văn bản, chịu trách nhiệm về việc trình không đúng thời hạn, không đúng tiến độ, không bảo đảm chất lượng dự án luật.

Trên thực tế, Chính phủ cũng có xem xét việc kiểm điểm trách nhiệm, đôn đốc, nhắc nhở các trưởng ngành trong các phiên họp của Chính phủ, công bố công khai các dữ liệu về văn bản pháp luật xây dựng chậm và nợ đọng.

Có hay không tình trạng lợi ích nhóm, lợi ích ngành?

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) đặt câu hỏi: Bộ Tư pháp là cơ quan được giao chức năng thẩm định các văn bản quy phạm pháp luật. Đề nghị, Bộ trưởng cho biết có hay không tình trạng lợi ích nhóm, lợi ích ngành trong văn bản của bộ, ngành, địa phương?

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Lê Thành Long cho rằng, sử dụng thuật ngữ “lợi ích nhóm” e rằng là khái quát hơi mạnh.

Nhưng thực tế, dù quy trình làm luật hiện nay cơ bản đã ổn, thì cơ quan chủ trì soạn thảo bằng cách này hay cách khác, có phần dành thuận lợi hơn cho ngành mình.

Những văn bản có biểu hiện cục bộ thường được thể hiện qua việc đưa các quỹ, tổ chức, chế độ, chính sách trong đạo luật không phải chuyên ngành và đề ra một số điều kiện tham gia thị trường.

Đề cao vai trò, tinh thần trách nhiệm của Bộ trưởng

Để khắc phục các hạn chế trên, Bộ trưởng Lê Thành Long đề nghị Chính phủ, các Bộ trưởng có liên quan tập trung chỉ đạo để thực hiện các giải pháp đã đề ra nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế. Trong đó, tập trung vào một số vấn đề sau đây:

- Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan khẩn trương tổ chức sơ kết, tổng kết, nghiên cứu, đề xuất những nội dung cần sửa đổi, bổ sung của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Trong thời gian chưa sửa Luật, các cơ quan cần tiếp tục thực hiện đúng quy định của Luật, nhất là các quy định về xây dựng nội dung chính sách, đánh giá tác động chính sách, lấy ý kiến, thẩm định chính sách… việc lập đề nghị về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, nhất là Chương trình năm 2019, điều chỉnh Chương trình năm 2018.

- Chính phủ dành thời gian thỏa đáng để thảo luận tập thể, xem xét, quyết định về nội dung chính sách lớn, vấn đề ý kiến khác nhau, hồ sơ của từng dự án luật để trình Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội; kiên quyết không đưa ra trình Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội các dự án không bảo đảm hồ sơ, chất lượng, tính khả thi, không đủ nguồn lực thực hiện.

“Thà ít mà tốt, còn hơn nhiều mà không bảo đảm tính khả thi”, người đứng đầu Bộ Tư pháp đề xuất.

Người đứng đầu Bộ Tư pháp cũng cho rằng, cần tăng cường công tác phối hợp giữa các bộ, cơ quan ngang bộ, giữa các bộ, cơ quan ngang bộ với các cơ quan của Quốc hội trong quá trình soạn thảo, đôn đốc, chỉnh lý, trình các dự án luật, pháp lệnh nhằm bảo đảm sự thống nhất về nội dung các dự án, dự thảo, hạn chế tình trạng các dự án, dự thảo trình Quốc hội, nhưng các cơ quan vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau, dẫn đến phải lùi thời hạn trình.

Thường xuyên tổ chức giao ban về công tác xây dựng pháp luật giữa Ủy ban Pháp luật, các cơ quan của Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Bộ Tư pháp và Văn phòng Chính phủ trong việc rà soát, đôn đốc chuẩn bị các dự án, đề án trình Quốc hội để báo cáo kết quả đến lãnh đạo Quốc hội và Thường trực Chính phủ.

Đề cao vai trò, tinh thần trách nhiệm của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, xác định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong bảo đảm tiến độ, hồ sơ, thủ tục, chất lượng các dự án, dự thảo văn bản (bao gồm cả việc ban hành văn bản quy định chi tiết); lấy kết quả thực hiện công tác này là một trong những căn cứ để Quốc hội xem xét, đánh giá mức tín nhiệm khi Quốc hội tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.

Tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác xây dựng pháp luật, nhất là đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác pháp chế ở bộ, ngành và địa phương.

Tăng cường vai trò và hoạt động pháp chế các bộ, ngành, địa phương trong công tác triển khai thi hành luật, pháp lệnh và soạn thảo, ban hành văn bản pháp luật.

Quan tâm lấy ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, đối tượng chịu tác động của văn bản để bảo đảm sự phù hợp với thực tiễn.

­Đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật bằng nhiều hình thức sinh động, phong phú và thiết thực hơn; nâng cao ý thức tôn trọng, tuân thủ và chấp hành pháp luật, góp phần đưa pháp luật sớm đi vào cuộc sống, nhất là các văn bản mới ban hành; thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, theo dõi việc thực hiện gắn với triển khai Bộ Tiêu chí đánh giá hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật./.