Những chính sách nổi bật

Tăng trưởng kinh tế - một trong các mục tiêu chủ chốt - đã được lồng ghép vào các chính sách kinh tế quan trọng nhất của Việt Nam là Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội (PTKTXH) 2011-2020 và Kế hoạch PTKTXH 5 năm 2016-2020, cũng như trong các chương trình hành động, nghị quyết của Chính phủ hoặc của Quốc hội về PTKTXH.

Chiến lược PTKTXH 2011-2020 đặt mục tiêu đạt tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 7-8%/năm. Tuy nhiên, trong điều kiện kinh tế toàn cầu có nhiều biến động, nền kinh tế Việt Nam giai đoạn 2011-2015 chỉ tăng trưởng bình quân 5,9%/năm, Chính phủ đã điều chỉnh mục tiêu Kế hoạch PTKTXH 2016-2020 xuống còn 6,5-7%/năm.

Yêu cầu tăng trưởng có chất lượng được thể hiện cụ thể qua các chỉ tiêu trong Chiến lược 2011-2020, làm cơ sở cho việc tổ chức thực hiện và theo dõi đánh giá: Phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân 7%-8%/năm. GDP năm 2020 theo giá so sánh bằng khoảng 2,2 lần so với năm 2010; GDP bình quân đầu người theo giá thực tế đạt khoảng 3.000 USD. Tỷ trọng các ngành công nghiệp và dịch vụ chiếm khoảng 85% trong GDP. Giá trị sản phẩm công nghệ cao và sản phẩm ứng dụng công nghệ cao đạt khoảng 45% trong tổng GDP. Giá trị sản phẩm công nghiệp chế tạo chiếm khoảng 40% trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp. Nông nghiệp có bước phát triển theo hướng hiện đại, hiệu quả, bền vững, nhiều sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động; tỷ lệ lao động nông nghiệp khoảng 30%-35% lao động xã hội. Yếu tố năng suất tổng hợp đóng góp vào tăng trưởng đạt khoảng 35%; giảm tiêu hao năng lượng tính trên GDP còn 2,5%-3%/năm. Thực hành tiết kiệm trong sử dụng mọi nguồn lực.

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh giai đoạn 2013-2020 , trong đó quy định trong giai đoạn 2013-2015, tập trung lành mạnh hóa tình trạng tài chính của các tổ chức tín dụng; cơ cấu lại căn bản, triệt để và toàn diện hệ thống các tổ chức tín dụng để đến năm 2020 phát triển được hệ thống các tổ chức tín dụng đa năng theo hướng hiện đại, hoạt động an toàn, hiệu quả vững chắc nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu về các dịch vụ tài chính, ngân hàng của nền kinh tế.

Có thể thấy, tăng năng suất thông qua chuyển dịch cơ cấu kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng là những vấn đề thuộc ưu tiên cao nhất trong Chương trình nghị sự của Chính phủ trong giai đoạn hiện nay và được nhấn mạnh trong các chính sách kinh tế quan trọng nhất, như: Chiến lược PTKTXH 2011-2020, Chiến lược phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011-2020, Kế hoạch PTKTXH 2016-2020.

Quan điểm phát triển trong Chiến lược PTKTXH 2011-2020 hoàn toàn đồng nhất với mục tiêu phát triển bền vững 8, theo đó “Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, coi chất lượng, năng suất, hiệu quả, sức cạnh tranh là ưu tiên hàng đầu, chú trọng phát triển theo chiều sâu, phát triển kinh tế tri thức.”

Quán triệt quan điểm này, Chiến lược nhấn mạnh trọng tâm của hoạt động khoa học công nghệ (KHCN) phải được hướng vào phục vụ công nghiệp hoá, hiện đại hoá, phát triển theo chiều sâu góp phần tăng nhanh năng suất, chất lượng, hiệu quả và nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Kế hoạch PTKTXH 5 năm 2016-2020 khẳng định lại một lần nữa nội dung của mục tiêu PTBV 8 về đổi mới mô hình tăng trưởng, kết hợp hiệu quả phát triển chiều rộng với chiều sâu, chú trọng phát triển chiều sâu, tăng cường ứng dụng tiến bộ KHCN, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực trong và ngoài nước, không ngừng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh. Đồng thời, đặt ra mục tiêu “năng suất lao động xã hội bình quân giai đoạn 2016-2020 tăng 4-5%/năm”.

Nghị quyết số 05-NQ/TW của Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã thông qua một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Trong đó, đề ra một số mục tiêu cụ thể: “Tốc độ tăng năng suất lao động bình quân hằng năm cao hơn 5,5%; tốc độ tăng năng suất nội ngành đóng góp hơn 60% vào tăng năng suất lao động năm 2020”; “TFP đóng góp vào tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016 - 2020 khoảng 30 - 35%”.

Đánh giá cao tầm quan trọng của doanh nghiệp trong phát triển kinht ế - xã hội, hàng loạt chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đã được triển khai.

Nổi bật là Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/05/2016 về Hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, theo đó Nhà nước có chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp: (i) Cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp; (ii) tạo dựng môi trường thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo; (iii) bảo đảm quyền kinh doanh, quyền bình đẳng tiếp cận nguồn lực và cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp; (iv) giảm chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp; (iv) bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp.

Nghị quyết số 76/2014/QH13 ngày 24/6/2014 về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020 cũng đưa ra hàng loạt chính sách ưu đãi về đất đai, thuế, tín dụng, hỗ trợ thị trường nhằm thu hút doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển, tạo việc làm cho lao động tại chỗ. Đặc biệt, Nghị quyết nhấn mạnh việc tăng nguồn vốn tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo, hộ cận nghèo.

Chương trình Khuyến công quốc gia đến năm 2020 tập trung vào đào tạo nghề, hỗ trợ nâng cao năng lực, xây dựng thương hiệu sản phẩm, hỗ trợ tham gia hội chợ, triển lãm trong và ngoài nước; xúc tiến thương mại; tư vấn trợ giúp thành lập doanh nghiệp, đầu tư, sản xuất kinh doanh, liên doanh, liên kết; hướng dẫn, hỗ trợ tiếp cận các chính sách ưu đãi của Nhà nước.

Thủ tướng Chính phủ cũng ban hành Đề án Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa để phát triển các cụm liên kết ngành trong chuỗi giá trị khu vực nông nghiệp nông thôn (Quyết định số 644/QĐ-TTg ngày 5/5/2014) với các giải pháp hỗ trợ và nâng cao khả năng cạnh tranh cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa nông thôn Việt Nam tham gia và phát triển mạng lưới liên kết, sản xuất, kinh doanh và dịch vụ trong chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp.

Đề án Nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế (Quyết định số 1726/QĐ-TTg ngày 5/9/2016) bao gồm các giải pháp nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng đối với cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp (trong đó có doanh nghiệp vừa và nhỏ); và các chính sách về cấp tín dụng đối với các doanh nghiệp siêu nhỏ.

Cùng với tăng trưởng kinh tế bền vững, mục tiêu về việc làm bền vững đã được lồng ghép vào một số chiến lược liên quan đến lao động, bình đẳng giới, thanh niên; thể hiện rõ tinh thần đối xử bình đẳng giữa nam và nữ, cũng như nhấn mạnh mục tiêu tạo việc làm đối với thanh niên.

Chiến lược Hội nhập quốc tế về lao động và xã hội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã đặt mục tiêu đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, trong đó có thúc đẩy thực hiện chương trình việc làm bền vững; tăng cơ hội việc làm có chất lượng cho người lao động; thực hiện bình đẳng giới, ưu tiên thu hẹp khoảng cách giới, xóa dần định kiến và bất bình đẳng giới trong đời sống xã hội, nhất là trong việc làm ở vùng nông thôn, vùng nghèo, vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Năm 2010, Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020 được ban hành đã tập trung giảm khoảng cách giới trong lĩnh vực kinh tế, lao động, việc làm; tăng cường tiếp cận các nguồn lực kinh tế và thị trường lao động cho phụ nữ nghèo ở nông thôn, phụ nữ người dân tộc thiểu số.

Cùng năm đó, Chiến lược Phát triển thanh niên giai đoạn 2011-2020 được ban hành, đặt mục tiêu mỗi năm giải quyết việc làm cho ít nhất 600.000 thanh niên, trên 80% thanh niên được tư vấn về nghề nghiệp và việc làm; giảm tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên đô thị xuống dưới 7% và giảm tỷ lệ thiếu việc làm của thanh niên nông thôn xuống dưới 6%. Trong đó nêu rõ, Nhà nước, người sử dụng lao động và xã hội có trách nhiệm tham gia giải quyết việc làm, bảo đảm cho mọi người có khả năng lao động đều có cơ hội có việc làm; được làm việc cho bất kỳ người sử dụng lao động nào và ở bất kỳ nơi nào mà pháp luật không cấm.

Chính sách hỗ trợ việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm cũng đã quy định các chính sách hỗ trợ việc làm cho thanh niên, như: đào tạo nghề sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, công an nhân dân, thanh niên tình nguyện; hỗ trợ lập nghiệp, khởi sự doanh nghiệp; hỗ trợ từ Quỹ quốc gia về việc làm. Các hình thức hỗ trợ đa dạng, gồm: cho vay ưu đãi để lập nghiệp; hỗ trợ đào tạo nghề, miễn giảm học phí; hỗ trợ thủ tục pháp lý, thông tin; kỹ năng…

Luật Lao động (2012) và Luật An toàn và vệ sinh lao động (2015) quy định chi tiết các điều khoản về bảo vệ quyền lao động và đảm bảo môi trường làm việc an toàn cho tất cả người lao động. Người sử dụng lao động, người lao động, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động trong quá trình lao động; bảo đảm quyền của người lao động được làm việc trong điều kiện an toàn, vệ sinh lao động. Đặc biệt, Luật lao động có hẳn một chương riêng đối với lao động nữ và 5 điều dành cho lao động giúp việc gia đình (thuộc khu vực phi chính thức).

Vẫn còn những hạn chế, thiếu hụt

Có thể thấy, Việt Nam đã ban hành tương đối đầy đủ các chính sách về tăng tưởng và việc làm. Tuy nhiên, các chính sách liên quan tới SDG 8 vẫn còn một số thiếu hụt cần được hoàn thiện. Một số khái niệm của các mục tiêu của Liên hợp quốc không thuộc nhóm chỉ tiêu thường đề cập trong văn bản của Việt Nam, hoặc chưa được hiểu một cách đầy đủ.

Ví dụ: Việt Nam thường đặt ra mục tiêu tăng trưởng GDP (chỉ tiêu về kinh tế) mà ít khi đề cập đến tăng trưởng GDP/người (là chỉ tiêu bao quát cả khía cạnh xã hội là tăng trưởng dân số) và đây cũng chưa phải là một chỉ tiêu kế hoạch, dù có thể tính toán chỉ tiêu này dựa trên số liệu về GDP và dân số.

Các mục tiêu của Việt Nam phần lớn là có tính tổng hợp quốc gia, chưa thể hiện khía cạnh phát triển bao trùm (inclusive), chưa nhấn mạnh nhóm yếu thế. Một số chỉ tiêu giám sát đánh giá do Liên hợp quốc đề xuất chưa được thu thập một cách hệ thống và không có số liệu ở Việt Nam như dấu chân nguyên liệu, tiêu dùng nguyên liệu nội địa chi tiết theo các phân nhóm ngành quốc gia và quốc tế.

Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về việc làm còn thiếu tính hệ thống và đồng bộ. Hầu hết các quy định pháp luật cụ thể về việc làm được thể hiện trong các Nghị định, Quyết định, Thông tư hướng dẫn thi hành..., nên tính pháp lý chưa cao, gây nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai.

Một số quy định pháp luật về việc làm còn mang nặng tính tuyên ngôn pháp lý, hoặc tính định hướng, dự báo; phản ánh chưa đầy đủ những nhu cầu của xã hội và chưa phù hợp với đối tượng tác động, các chế tài còn chưa đủ độ mạnh cần thiết nên hiệu quả áp dụng không cao.

Điểm đáng quan ngại là chính sách về việc làm hiện nằm rải rác, tản mát ở nhiều văn bản (như: Bộ luật Lao động, Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, Luật Người khuyết tật….), xuất hiện sự chưa đồng bộ giữa các văn bản cả về nội dung và thời gian gây lúng túng cho việc tổ chức thực hiện. Ví dụ: như chính sách việc làm cho người khuyết tật được quy định không thống nhất trong Bộ luật Lao động năm 1994 và Luật Người khuyết tật năm 2010.

Chính sách việc làm hiện nay chủ yếu mới chú trọng đến tạo việc làm (càng nhiều việc làm càng tốt), chưa chú trọng đến chất lượng việc làm cho nên tính ổn định, bền vững trong việc làm và hiệu quả tạo việc làm còn thấp.

Hiện nay, mới chỉ có chính sách tạo việc làm chung và cho một số đối tượng đặc thù chưa có chính sách việc làm theo ngành, vùng kinh tế nên sự chuyển dịch cơ cấu lao động còn chậm, lao động chủ yếu làm trong lĩnh vực nông nghiệp hoặc khu vực phi chính thức có năng suất lao động và hiệu quả kinh tế thấp.

Một số định hướng cần quan tâm thực hiện

Để vượt qua những khó khăn, thách thức thực hiện thành công tiêu phát triển bền vững (SDG) 8 “Đảm bảo tăng trưởng kinh tế bền vững, toàn diện, liên tục, tạo việc làm đầy đủ, năng suất và việc làm tốt cho tất cả mọi người”, trong thời gian tới cần tập trung hoàn thiện chính sách về tăng trưởng và việc làm bền vững.

Đó là, cần đẩy nhanh tốc độ và thực hiện có hiệu quả Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh giai đoạn 2013-2020. Phát triển kinh tế tri thức, gắn phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế xanh.

Đẩy mạnh tăng cường chất lượng thực sự của tăng trưởng kinh tế, không thể phát triển bằng mọi giá. Tăng trưởng kinh tế phải đặt trong mối quan hệ với chất lượng của phát triển, giảm thiểu tác động tới môi trường, sự suy thoái nguồn tài nguyên, hủy hoại nền văn hóa dân tộc và mọi sự "trả giá" về phát triển, nhất là với lớp người "yếu thế"...

Xóa bỏ các rào cản, chính sách, các biện pháp hành chính can thiệp trực tiếp vào thị trường và sản xuất kinh doanh, tạo ra bình đẳng trong tiếp cận nguồn lực xã hội, trọng tâm là vốn, đất đai, cơ hội kinh doanh ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của kinh tế tư nhân. Tạo sự tiến bộ, công bằng trong “đầu vào”, “đầu ra” của nền kinh tế, từ tạo sự công bằng giữa các thành phần kinh tế tới việc phân phối kết quả lao động, vốn và trí tuệ sáng tạo... Đấu tranh chống làm giàu phi pháp, tham nhũng, thể hiện thiếu công bằng và tiến bộ của phát triển nền kinh tế.

Để nền kinh tế có thể hòa nhập, không bị bỏ lại phía sau trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Chính phủ cần đổi mới phương thức thu hút đầu tư nước ngoài, tập trung thu hút các nhà đầu tư nước ngoài hàng đầu thế giới, các nước nắm giữ công nghệ nguồn có năng lực quản trị hiện đại, năng lực cạnh tranh cao đầu tư vào Việt Nam, tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp nội địa. Đầu tư nâng cấp và đổi mới công nghệ, nhanh chóng nắm bắt và áp dụng các thành tựu khoa học, công nghệ của Cách mạng công nghiệp 4.0 vào phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển theo chiều sâu.

Tăng cường huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực trong và ngoài nước. Có quy hoạch, chiến lược và chính sách hợp lý để thúc đẩy phân bố các nguồn đầu tư và sử dụng hợp lý nguồn lực quốc gia giữa các vùng miền; giải quyết quan hệ hài hòa và lan tỏa phát triển giữa xây dựng các "đầu tàu" kinh tế với quan tâm tới phát triển ở các địa phương có khó khăn, nhất là vùng sâu, vùng xa... không để khoảng cách thu nhập doãng ra quá lớn, cũng như hưởng thụ các giá trị văn hóa, tinh thần cũng như vật chất (chuyển từ nghèo lương thực, thực phẩm sang nghèo đa chiều).

Đặc biệt, cần phát huy vai trò của các chính sách xã hội trong việc xây dựng một hệ thống phúc lợi xã hội nhằm bảo đảm sự hài hòa trong phân phối lợi ích do tăng trưởng kinh tế đem lại; hạn chế sự gia tăng khoảng cách giàu nghèo. Có giải pháp hợp lý để tạp lưới bảo trợ xã hội trong an sinh xã hội, phòng chống các rủi ro với các tầng lớp cư dân trong nước trước các biến động bất thường.

Bên cạnh đó, cần hoàn thiện cơ chế chính sách để phát triển đồng bộ, liên thông thị trường lao động cả về quy mô, chất lượng lao động và cơ cấu ngành, nghề. Có cơ chế chính sách để định hướng chuyển dịch lao động, phân bố hợp lý lao động theo vùng.

Xây dựng và thực hiện thành công Chiến lược quốc gia về nâng cao năng suất lao động của Việt Nam với mục tiêu chung và cụ thể trong từng giai đoạn để năng suất lao động của Việt Nam bắt kịp các nước trong khu vực…/.