Tin học hóa trong khám chữa bệnh BHYT

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng vừa có ý kiến chỉ đạo về việc thực hiện tin học hóa trong khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT).

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế chịu trách nhiệm tin học hóa trong thực hiện khám bệnh, chữa bệnh BHYT và chuyển dữ liệu khám bệnh, chữa bệnh BHYT này đến cơ quan bảo hiểm xã hội để giám định thanh toán.

Bảo hiểm xã hội Việt Nam chịu trách nhiệm tin học hóa trong thực hiện giám định thanh toán khám bệnh, chữa bệnh BHYT từ dữ liệu do các cơ sở thực hiện khám bệnh, chữa bệnh BHYT chuyển đến.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Y tế, Tổng Giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam thuê dịch vụ công nghệ thông tin để thực hiện việc tin học hóa BHYT theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 và các văn bản có liên quan.

Bảo hiểm Xã hội Việt Nam thanh toán kinh phí thuê dịch vụ công nghệ thông tin thực hiện việc tin học hóa tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh BHYT từ quỹ dự phòng BHYT cho đến khi giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh BHYT có kết cấu chi phí công nghệ thông tin được ban hành.

Bộ trưởng Bộ Y tế, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam khẩn trương hoàn thành các nội dung về tin học hóa BHYT; phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan chỉ đạo thực hiện tin học hóa BHYT trên cả nước xong trước ngày 31/12/2015 theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

BHYT là chính sách quan trọng được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm đối với sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân về bảo đảm tài chính cho việc khám, chữa bệnh của người dân.

Nhằm bảo đảm thuận lợi cho nhân dân trong việc khám bệnh, chữa bệnh BHYT; minh bạch quyền lợi của người tham gia BHYT, cũng như giám sát, kiểm tra, quản lý khám, chữa bệnh, thanh toán BHYT, ngăn chặn việc lợi dụng, lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT, việc thực hiện tin học hóa BHYT đóng vai trò rất quan trọng cần phải triển khai quyết liệt.

Quy trình vận hành liên hồ chứa lưu vực sông Trà Khúc và lưu vực sông Kôn - Hà Thanh

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Trà Khúc và Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Kôn - Hà Thanh.

Theo đó, hàng năm, các hồ trên lưu vực các sông trên phải vận hành theo nguyên tắc thứ tự ưu tiên.

Cụ thể, trong mùa lũ phải: 1- Đảm bảo an toàn công trình; 2- Góp phần giảm lũ cho hạ du; 3- Đảm bảo dòng chảy tối thiểu trên sông và nhu cầu sử dụng nước tối thiểu ở hạ du; 4- Đảm bảo hiệu quả phát điện.

Trong mùa cạn phải: 1- Đảm bảo an toàn công trình; 2- Đảm bảo dòng chảy tối thiểu trên sông và nhu cầu sử dụng nước tối thiểu ở hạ du; 3-Đảm bảo hiệu quả phát điện.

Mùa lũ được quy định từ ngày 1/9 đến ngày 15/12. Mùa cạn từ ngày 16/12 đến ngày 31/8 năm sau.

Nguyên tắc vận hành các hồ giảm lũ

Nguyên tắc vận hành các hồ giảm lũ cho hạ du không cho phép sử dụng phần dung tích hồ từ cao trình mực nước dâng bình thường đến cao trình mực nước lũ kiểm tra để điều tiết lũ khi các cửa van của công trình xả chưa ở trạng thái mở hoàn toàn, trừ trường hợp đặc biệt theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ hoặc Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai.

Khi vận hành giảm lũ cho hạ du phải tuân thủ theo quy định về trình tự, phương thức đóng, mở cửa van các công trình xả đã được cấp có thẩm quyền ban hành, bảo đảm không được gây lũ nhân tạo đột ngột, bất thường đe dọa trực tiếp đến tính mạng và tài sản của nhân dân khu vực ven sông ở dưới hạ du hồ chứa.

Trong thời kỳ mùa lũ, khi chưa tham gia vận hành giảm lũ cho hạ du, mực nước các hồ chứa không được vượt mực nước cao nhất trước lũ, trừ một số trường hợp quy định.

Trong quá trình vận hành phải thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin về tình hình thời tiết, mưa, lũ; mực nước tại các trạm thủy văn, mực nước, lưu lượng đến hồ và các bản tin dự báo tiếp theo để vận hành, điều tiết cho phù hợp với tình hình thực tế.

Khi kết thúc quá trình giảm lũ cho hạ du phải đưa dần mực nước hồ về cao trình mực nước cao nhất trước lũ, trừ một số trường hợp quy định.

Kế hoạch hành động phát triển ngành công nghiệp ô tô

Kế hoạch hành động phát triển ngành công nghiệp ô tô và phụ tùng ô tô thực hiện Chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam Nhật Bản hướng đến năm 2020, tầm nhìn 2030 vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành.

Mục tiêu đến năm 2020 duy trì hoạt động sản xuất, lắp ráp và tạo ra giá trị trong nước đến sau 2018; tăng trưởng lành mạnh nhu cầu ô tô trong nước, phù hợp với điều kiện về hạ tầng cơ sở, tránh gây tác động xấu đến môi trường, xã hội; thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ của công nghiệp ô tô; cắt giảm chi phí sản xuất, chi phí hậu cần, và giá bán xe; hội nhập với mạng lưới sản xuất khu vực và toàn cầu dựa trên lợi thế cạnh tranh của Việt Nam.

Kế hoạch hành động nêu rõ, về điều chỉnh các loại thuế, phí và lệ phí liên quan đến ô tô, từ năm 2015, duy trì ổn định lâu dài các chính sách thuế, phí và lệ phí liên quan đến ô tô (SCT/OT/VAT; phí duy tu, bảo dưỡng đường bộ, phí môi trường…) với lộ trình thuế, phí nội địa ổn định trong vòng 10 năm; điều chỉnh lại giá trị tính thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xe sản xuất trong nước và xe nhập khẩu cho hợp lý.

Đơn giản hóa thủ tục xuất nhập khẩu và vận chuyển linh kiện, phụ tùng từ các nhà cung cấp chế xuất để phục vụ thị trường nội địa. Giảm thuế nhập khẩu đối với các phụ tùng, linh kiện ô tô chưa sản xuất được ở trong nước, và định kỳ rà soát, điều chỉnh danh mục phụ tùng, linh kiện ô tô được giảm thuế nhập khẩu.

Về phát triển công nghiệp hỗ trợ, bổ sung công nghiệp ô tô và phụ tùng ô tô vào danh mục các sản phẩm cơ khí trọng điểm khuyến khích phát triển; bổ sung một số linh kiện, phụ tùng ô tô vào danh mục các sản phẩm công nghệ cao; bố trí nguồn vốn nhất định từ Quỹ phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ để cho các doanh nghiệp vay đầu tư trang thiết bị sản xuất trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ phục vụ công nghiệp ô tô với lãi suất, thời hạn vay ưu đãi và nới lỏng điều kiện thế chấp. Nghiên cứu, đề xuất phát triển các cụm liên kết (cluster) công nghiệp ô tô nhằm tận dụng sự tập trung công nghiệp hiện có của các doanh nghiệp hoạt động trong công nghiệp ô tô, và định hướng rõ ràng cho những dự án, nhà đầu tư mới.

Về phát triển nguồn nhân lực, tiến hành rà soát, khảo sát các cơ sở đào tạo kỹ thuật (đại học, cao đẳng, trung cấp, cơ sở đào tạo nghề, …); rà soát, sửa đổi các nội dung giáo trình đào tạo cho phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp, có sự tham vấn chặt chẽ với doanh nghiệp; nghiên cứu, đề xuất ưu đãi, chính sách hỗ trợ thúc đẩy công tác đào tạo liên tục và tiếp nhận thực tập sinh tại các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam; thực thi việc cấp giấy chứng nhận tay nghề trong ngành công nghiệp ô tô (đặc biệt trong sản xuất phụ tùng, linh kiện); xây dựng chương trình phát triển nguồn nhân lực công nghiệp ô tô với sự hợp tác, hỗ trợ của doanh nghiệp và tổ chức nước ngoài.

Vật liệu nổ CN Việt Nam hướng tới thân thiện môi trường

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt quy hoạch phát triển ngành Vật liệu nổ công nghiệp Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 với quan điểm xây dựng, phát triển ngành Vật liệu nổ công nghiệp theo hướng bền vững, trở thành một ngành công nghiệp tiên tiến, thân thiện với môi trường.

Mục tiêu là đáp ứng đủ các loại vật liệu nổ công nghiệp truyền thống, tiến tới cung ứng một số loại vật liệu nổ công nghiệp mạnh, sử dụng cho một số lĩnh vực đặc thù, an toàn và thân thiện môi trường; phân bố hợp lý cơ cấu sản phẩm, lực lượng sản xuất và theo vùng lãnh thổ; hoàn thiện cơ chế, chính sách quản lý nhà nước đối với ngành Vật liệu nổ công nghiệp theo hướng luật hóa các quy định hiện hành, tạo hành lang pháp lý đầy đủ và có tính hệ thống cho quản lý và phát triển ngành.

Không phát triển thêm dây chuyền sản xuất thuốc nổ TNT

Theo quy hoạch, đối với nhóm sản phẩm vật liệu nổ công nghiệp có chứa TNT, sẽ không phát triển thêm và không nâng công suất đối với những dây chuyền sản xuất thuốc nổ trong thành phần có TNT kể cả sử dụng vật liệu nổ công nghiệp tái chế từ vật liệu nổ phế thải có chứa TNT. Đến năm 2020, thuốc nổ TNT chỉ sử dụng không quá 3% so với tổng lượng sản xuất và tiêu thụ trong nước.

Đối với nhóm sản phẩm vật liệu nổ công nghiệp phục vụ ngành dầu khí thì nghiên cứu đầu tư sản xuất một số chủng loại thuốc nổ và phụ kiện nổ phục vụ ngành dầu khí trên cơ sở nghiên cứu, phát triển từ những dây chuyền sẵn có như đạn bắn vỉa, dây nổ và kíp nổ, đến năm 2020 và 2030 đáp ứng được tương ứng 20% và 50% nhu cầu trong nước.

Còn nhóm sản phẩm vật liệu nổ công nghiệp phục vụ khai thác lộ thiên thì đầu tư sản xuất thuốc nổ nhũ tương rời, nhũ tương an toàn, chất lượng cao, tăng thời gian chịu nước, sức công phá mạnh, có thể thay thế hiệu quả các loại thuốc nổ có chứa TNT.

Đến năm 2016, sản xuất được thuốc nổ Hecxozen

Nhóm sản phẩm vật liệu nổ công nghiệp phục vụ khai thác trong hầm lò thì phát triển các sản phẩm thuốc nổ công nghiệp theo hướng tăng sức công phá, giảm khói, khí bụi và sản phẩm có kích thước phi tiêu chuẩn phục vụ khai thác trong các mỏ có yêu cầu đặc biệt như mỏ vàng, kim loại. Các sản phẩm phụ kiện nổ công nghiệp đáp ứng yêu cầu đặc biệt như độ bền kéo, va đập, độ tin cậy khi các hầm lò khai thác ngày càng sâu, địa hình phức tạp.

Về nhóm nguyên liệu chính, sản xuất ổn định dây chuyền nitrat amôn (NH4NO3) là nguyên liệu chủ yếu sản xuất thuốc nổ, chủ động cung ứng cho các cơ sở sản xuất thuốc nổ. Đến năm 2016, đáp ứng 100% nhu cầu nitrat amôn để sản xuất thuốc nổ trong nước và cung cấp đủ nhu cầu cho sản xuất nông nghiệp; đầu tư sản xuất một số loại tiền chất thuốc nổ khác là các hóa chất lưỡng dụng như natri nitrat (NaNO3), kali nitrat (KNO3) phục vụ ngành Vật liệu nổ công nghiệp.

Đồng thời, Quyết định cũng đặt ra mục tiêu là đến năm 2016, sản xuất được thuốc nổ Hecxozen cho mồi nổ công nghiệp và Hecxozen siêu mịn cho dây dẫn tín hiệu nổ. Đến năm 2020, sản xuất được thuốc nổ TEN thay thế hàng dự trữ quốc gia.

Kéo dài thời hạn thẻ đi lại của doanh nhân APEC

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định 54/2015/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế về việc cấp và quản lý thẻ đi lại của doanh nhân APEC (thẻ ABTC) ban hành kèm theo Quyết định 45/2006/QĐ-TTg. Một trong các điểm mới của Quyết định này là kéo dài thời hạn thẻ ABTC từ 3 năm lên 5 năm.

Quyết định 54/2015/QĐ-TTg nêu rõ, thẻ ABTC có thời hạn sử dụng 5 năm, kể từ ngày cấp và không được gia hạn; trường hợp thẻ ABTC hết thời hạn sử dụng sẽ được cấp thẻ mới.

Các trường hợp được xét cấp thẻ ABTC

Quyết định 54/2015/QĐ-TTg quy định cụ thể các trường hợp được xét cấp thẻ ABTC. Cụ thể:

1. Doanh nhân Việt Nam đang làm việc tại các doanh nghiệp nhà nước (DNNN): a) Chủ tịch Hội đồng thành viên, Chủ tịch Cty, Tổng Giám đốc TCty do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm; b) Thành viên Hội đồng thành viên; Tổng giám đốc, Phó Tổng giám đốc; Giám đốc, Phó giám đốc các DN, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế; Giám đốc, Phó giám đốc các ngân hàng hoặc chi nhánh ngân hàng; c) Kế toán trưởng, Trưởng phòng, Phó trưởng phòng các DN, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, ngân hàng; Trưởng chi nhánh của DN hoặc chi nhánh ngân hàng.

2. Doanh nhân Việt Nam đang làm việc tại các DN được thành lập hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam: a) Chủ DN tư nhân, Chủ tịch Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng thành viên, Chủ tịch Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc hoặc Giám đốc công ty; b) Chủ tịch Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc hợp tác xã hoặc liên hợp tác xã; c) Kế toán trưởng, Trưởng phòng trong các DN; Trưởng chi nhánh của các DN và các chức danh tương đương khác.

3. Cán bộ, công chức, viên chức có nhiệm vụ tham gia các hoạt động của APEC: a) Bộ trưởng, Thứ trưởng các Bộ, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có nhiệm vụ tham dự các cuộc họp, hội nghị và các hoạt động về hợp tác, phát triển kinh tế của APEC; b) Cán bộ, công chức, viên chức có nhiệm vụ tham dự các cuộc họp, hội nghị, hội thảo và các hoạt động khác của APEC; c) Trưởng đại diện, Phó đại diện cơ quan đại diện thương mại Việt Nam tại các nước và vùng lãnh thổ thành viên APEC.

4. Trong trường hợp cần thiết, theo đề nghị của cấp có thẩm quyền, Bộ trưởng Bộ Công an có thể xét, cấp thẻ ABTC cho những người không thuộc các đối tượng trên.

Thẩm quyền xét cho sử dụng thẻ ABTC

Thẩm quyền xét cho sử dụng thẻ ABTC cũng có một số nội dung được sửa đổi. Cụ thể, đối với doanh nhân Việt Nam đang làm việc tại các DNNN là Chủ tịch Hội đồng thành viên, Chủ tịch Cty, Tổng Giám đốc TCty do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm; Bộ trưởng, Thứ trưởng các Bộ, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có nhiệm vụ tham dự các cuộc họp, hội nghị và các hoạt động về hợp tác, phát triển kinh tế của APEC có nhu cầu sử dụng thẻ ABTC phải được Thủ trưởng cơ quan, DN nơi công tác thông báo đề nghị cấp thẻ bằng văn bản (theo Quyết định 45/2006/QĐ-TTg, các trường hợp này do Thủ tướng Chính phủ xét cho phép sử dụng thẻ ABTC).

Các trường hợp còn lại có nhu cầu sử dụng thẻ ABTC phải được Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Chủ tịch Hội đồng thành viên do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm xét, cho phép sử dụng thẻ.

Doanh nhân làm việc tại các DN do Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ thành lập nhưng đã được cổ phần hóa, không còn vốn nhà nước chi phối thì do Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi DN đặt trụ sở xét, cho phép sử dụng thẻ ABTC.

Quyết định 54/2015/QĐ-TTg có hiệu lực thi hành từ ngày 15/12/2015. Thẻ ABTC được cấp trước ngày 1/9/2015 còn thời hạn sẽ được tiếp tục sử dụng cho đến khi hết thời hạn ghi trong thẻ.

Xử lý phản ánh về quản lý xe vận tải nhập khẩu

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao các Bộ: Công Thương, Giao thông vận tải, Khoa học và Công nghệ rà soát, xử lý theo thẩm quyền thông tin phản ánh trên Báo Quân đội nhân dân liên quan đến việc quản lý xe vận tải nhập khẩu.

Trước đó, Báo Quân đội nhân dân có phản ánh thông tin liên quan đến việc quản lý xe vận tải nhập khẩu. Theo phản ánh, từ năm 2014, số lượng xe ô tô nhập khẩu, nhiều nhất là xe tải, xe đầu kéo tăng đột biến. Riêng xe tải có thùng lượng nhập đã tăng hơn 10 lần cùng kỳ năm 2013. Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 6 tháng đầu năm 2015, Việt Nam nhập siêu 3,75 tỷ USD, bằng 4,8% kim ngạch xuất khẩu, xấp xỉ giới hạn được Quốc hội phê chuẩn là 5%. Một trong những nguyên nhân gây nhập siêu là do nhập khẩu ô tô tăng quá nhanh.

Cũng theo phản ánh của Báo Quân đội nhân dân, do những “lỗ hổng” về công tác quản lý, nên đã xuất hiện một số loại xe, dòng xe có vấn đề về chất lượng, làm bùng phát xe quá tải, phá hủy đường sá, gây nhiều tai nạn giao thông nghiêm trọng. Trong khi đó, công tác quản lý Nhà nước về quản lý xe nhập khẩu còn nhiều bất cập, chưa đúng với Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Về vấn đề trên, Phó Thủ tướng giao các Bộ: Công Thương, Giao thông vận tải, Khoa học và Công nghệ rà soát, xử lý theo thẩm quyền đối với những thông tin thuộc lĩnh vực phụ trách của Bộ, đồng thời thông tin cho Báo Quân đội nhân dân biết./.