Một trong những nội dung quan trọng tại dự thảo Nghị định số 177/2013/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giá (sửa đổi) đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến đó là chuyển thẩm quyền hướng dẫn, tổ chức thực hiện một số mặt hàng bình ổn giá từ Bộ Tài chính sang các bộ chuyên ngành.

Trên cơ sở bổ sung quy định về thẩm quyền áp dụng biện pháp bình ổn giá của Bộ Công Thương, dự thảo Nghị định sửa đổi điểm a, khoản 2 và khoản 3, Điều 6, Nghị định 177, chuyển từ Bộ Tài chính sang Bộ Công Thương tiếp nhận và rà soát biểu mẫu đăng ký giá và hướng dẫn đối với mặt hàng sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi theo đề xuất của Bộ Tài chính nêu trên.

Theo cơ quan tài chính, dự thảo Nghị định đã sửa đổi thẩm quyền hướng dẫn chi tiết mặt hàng bình ổn giá theo hướng viết rõ nghĩa hơn, nhưng không làm thay đổi nội dung mà các bộ, ngành hướng dẫn chi tiết mặt hàng bình ổn giá.

Cùng với đó, dự thảo Nghị định sửa đổi theo hướng Bộ Y tế hướng dẫn danh mục mặt hàng bình ổn giá đối với giá sữa dành cho trẻ em dưới 06 tuổi, Bộ Y tế sẽ đồng gửi Bộ Công Thương và Bộ Tài chính giám sát.

Song song với các sửa đổi trên, dự thảo nghị định sửa đổi cũng bổ sung thêm các biện pháp bình ổn giá thuộc thẩm quyền của Bộ Công Thương và Bộ Y tế để tăng thêm các công cụ điều tiết giá đối với mặt hàng bình ổn giá do các bộ chịu trách nhiệm hướng dẫn.

Bổ sung thêm biện pháp định giá cụ thể, giá tối đa, giá tối thiểu, khung giá thuộc thẩm quyền của Bộ Y tế quy định tại khoản 4, Điều 7.

Trước đó, Bộ Tài chính cho biết, mặt hàng sữa dành cho trẻ em dưới 06 tuổi đã được Chính phủ đưa vào thực hiện bình ổn giá. Đây cũng là mặt hàng duy nhất từ khi Luật Giá và Nghị định 177 có hiệu lực thi hành đã được Chính phủ chỉ đạo thực hiện chủ trương và các biện pháp bình ổn giá. Việc triển khai thực hiện bình ổn giá sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi thời gian qua đã đạt được kết quả tốt, giúp ổn định mặt bằng giá sữa trên thị trường, giảm gánh nặng chi phí bất hợp lý cho người tiêu dùng do giá sữa tăng quá cao bất hợp lý, đảm bảo an sinh xã hội, ổn định tình hình xã hội. Tuy nhiên, việc triển khai và phối hợp giữa các cấp ban, ngành từ Trung ương tới địa phương vẫn gặp nhiều khó khăn.

Mặt hàng sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi gồm nhiều thương hiệu, chủng loại khác nhau và khi bắt đầu thực hiện biện pháp bình ổn giá, danh mục này do Bộ Y tế quản lý, nhưng chưa được ban hành.

Còn Bộ Công Thương quản lý cơ quan tham tán thương mại ở nước ngoài, qua đó có thể nắm được tình hình giá sữa nhập khẩu của các thị trường, diễn biến giá, nguồn cung thị trường thế giới và đồng thời có hệ thống cơ quan quản lý thị trường, quản lý cạnh tranh. Do đó, khi Bộ Tài chính chủ trì thực hiện bình ổn giá sữa nêu trên phụ thuộc nhiều vào công tác phối hợp của các bộ chuyên ngành. Tại địa phương, sở tài chính được UBND tỉnh giao chủ trì triển khai, hướng dẫn công tác bình ổn giá sữa lúc đầu cũng gặp nhiều vướng mắc do chưa có Danh mục mặt hàng sữa do Bộ Y tế quản lý, việc kiểm tra, giám sát các tổ chức, cơ sở kinh doanh sữa trên địa bàn tỉnh rất khó khăn và phải dựa vào cơ quan quản lý thị trường.

Trên cơ sở thực tiễn điều hành, quản lý giá sữa trong thời gian vừa qua cho thấy, vai trò của Bộ Công Thương rất quan trọng, từ khâu nhập khẩu đến khâu lưu thông sữa trên thị trường do hơn 70% nguồn cung sữa bột trong nước là nguồn sữa nhập khẩu.

Theo đó, ngày 10/09/2015, Bộ Tài chính đã có Tờ trình số 132/TTr-BTC kiến nghị Chính phủ giao nhiệm vụ quản lý giá sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi sang Bộ Công Thương và đã được Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đồng ý về chủ trương, trên cơ sở sửa đổi, bổ sung Nghị định 177 để khắc phục những bất cập nảy sinh và phù hợp với những quy định mới sau khi Luật Phí, lệ phí được Quốc hội thông qua.

Nhìn chung, việc chuyển quản lý giá sữa sang Bộ Công Thương là hợp lý. Bởi, Bộ này có vai trò quan trọng từ khâu nhập khẩu đến khâu lưu thông sữa trên thị trường, với hơn 70% nguồn cung sữa bột trong nước là nguồn sữa nhập khẩu.

Tuy nhiên, việc giao Bộ Y tế hướng dẫn danh mục mặt hàng bình ổn giá đối với giá sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi và gửi Bộ Công Thương và Bộ Tài chính giám sát liệu có một lần nữa lại gây nên hiện tượng phân phối trách nhiệm quản lý, để rồi trong quá trình thực hiện lại “đá bóng trách nhiệm” lẫn nhau giữa 3 bộ?

Trên thực tế, hiện nay, các bộ, ngành hiện nay vẫn đang phải "đá bóng" trách nhiệm trước việc quản lý chất độc gây ung thư salbutamol và điều hành giá xăng dầu và trước đó là vấn đề quản lý giá sữa trẻ em.

Thiết nghĩ, Chính phủ phải có vai trò điều tiết, chỉ đạo sự phối hợp giữa các bộ, ngành, không thể để các ngành đùn đẩy cho nhau và cần quy rõ trách nhiệm chính cho 1 bộ để dễ quy trách nhiệm quản lý./.