Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2016

Tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2016, Chính phủ yêu cầu từng Bộ, ngành, địa phương phải đề ra giải pháp hữu hiệu, quyết tâm hành động, nhất quán trong thực hiện chủ trương, chính sách, kiên quyết không thay đổi mục tiêu... để tạo chuyển biến rõ nét về tăng trưởng kinh tế trong những tháng cuối năm 2016.

Cụ thể, Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chủ tịch UBND cấp tỉnh triển khai thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ, giải pháp đã nêu trong các Nghị quyết của Chính phủ, các văn bản chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, thường xuyên kiểm tra tình hình thực hiện và chịu trách nhiệm trực tiếp trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về kết quả thực hiện; tiếp tục chỉ đạo quyết liệt cải cách thủ tục hành chính gắn với xây dựng Chính phủ điện tử; cải tiến và công khai quy trình, thủ tục, điều kiện kinh doanh; tăng cường trách nhiệm giải trình của cơ quan hành chính, người đứng đầu; thực hiện ngay việc thiết lập kênh để lắng nghe ý kiến phản ánh của người dân và doanh nghiệp để kịp thời tiếp thu, phục vụ tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp.

Các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực quyết liệt thực hiện các giải pháp, bảo đảm tăng trưởng của từng ngành, từng lĩnh vực; chủ động theo dõi tình hình, tập trung tháo gỡ khó khăn, kịp thời xử lý những bất cập của ngành, lĩnh vực quản lý; đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước, nhất là các doanh nghiệp lớn; niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán trước khi thoái vốn nhà nước, bảo đảm theo cơ chế thị trường, công khai, minh bạch và tránh thất thoát vốn nhà nước.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện tốt chức năng điều phối chính sách chung của Chính phủ. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khoá, kiểm soát lạm phát, ổn định giá trị đồng tiền Việt Nam.

Bộ Tài chính quyết liệt chỉ đạo chống thất thu, nợ đọng thuế, tăng thu ngân sách nhà nước; đánh giá hiệu quả các chính sách ưu đãi thuế; công khai thông tin nộp thuế của các doanh nghiệp lớn, trong đó có các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài; phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương liên quan đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư, tránh tập trung thanh toán vào thời điểm cuối năm.

Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương phải có giải pháp rõ hơn để thúc đẩy tăng trưởng công nghiệp; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu; chỉ đạo bảo đảm cung ứng đủ hàng hóa dịp cuối năm.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập trung thực hiện đẩy nhanh tái cơ cấu nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới; đẩy mạnh thu hút doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao tham gia sản xuất các mặt hàng nông sản có tiềm năng, lợi thế, giá trị gia tăng cao; đẩy mạnh nuôi trồng thủy sản; kiểm soát tình hình nhập lậu gia súc, gia cầm, bảo vệ sản xuất trong nước, phòng chống dịch bệnh...

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Công Thương nâng cao hiệu quả công tác quảng bá, xúc tiến du lịch thông qua các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài; xây dựng kế hoạch, giải pháp cụ thể khắc phục những bất cập, tồn tại trong công tác quản lý nhà nước về du lịch thời gian qua, báo cáo Thủ tướng trong tháng 9/2016.

Đồng thời, Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương tiếp tục thực hiện tốt các chính sách trợ giúp xã hội, ưu đãi người có công, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội; xây dựng phương án mở rộng thị trường xuất khẩu lao động.

Bộ Y tế tập trung chỉ đạo kiểm soát các bệnh có khả năng lây lan cao trong mùa mưa, lũ; tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh; chấn chỉnh, xử lý nghiêm cán bộ y tế thiếu trách nhiệm gây hậu quả; xây dựng mô hình bác sĩ gia đình trong khám chữa bệnh, phục vụ Nhân dân; phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm; sớm công bố mức độ an toàn của hải sản tại 4 tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển.

Bộ Giáo dục và Đào tạo chuẩn bị tốt các điều kiện cho năm học mới 2016 - 2017; không để học sinh, sinh viên không được đến trường vì thiếu tiền học phí.

Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND tỉnh Hà Tĩnh khẩn trương làm rõ trách nhiệm liên quan đến vụ việc công ty trách nhiệm hữu hạn gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh xả thải gây ô nhiễm môi trường biển. Ban Chỉ đạo khắc phục sự cố môi trường biển miền Trung chỉ đạo tập trung hỗ trợ người dân ở các địa phương bị ô nhiễm môi trường biển khôi phục sản xuất trên cơ sở công khai, công bằng, đúng đối tượng, kịp thời gian, có biện pháp tuyên truyền để Nhân dân hiểu về chủ trương và giải pháp của Đảng và Nhà nước.

Bộ Nội vụ phải kiên quyết sa thải công chức, viên chức không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; thể hiện quyết tâm xây dựng đội ngũ công chức có chất lượng; tinh giản biên chế gắn với nâng cao chất lượng thực thi công vụ, phù hợp với đề án vị trí việc làm...

Chính sách phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt đề án “Chính sách phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng, gắn phát triển kết cấu hạ tầng trong nước với mạng lưới hạ tầng trong các liên kết khu vực”.

Mục tiêu của Đề án hướng tới năm 2020 đảm bảo cơ bản hình thành khung kết nối hạ tầng ASEAN theo chương trình tổng thể kết nối ASEAN, đặc biệt là hạ tầng giao thông, đồng thời kết nối được một cách tương đối đồng bộ mạng hạ tầng trong nước với khung hạ tầng kết nối khu vực ASEAN, nhất là các tuyến trục chính thuộc các hành lang Đông Tây; xây dựng đồng bộ hạ tầng giao thông trong nước, gắn kết chiến lược phát triển giữa các ngành nhằm phát triển vận tải đa phương thức, đưa Việt Nam trở thành cửa ngõ kết nối Đông Nam Á tới Ấn Độ Dương; hài hòa hóa một bước căn bản về các chính sách thương mại, đầu tư và xuất nhập cảnh với các quốc gia trong khu vực đảm bảo giao thương thuận lợi, nâng cao hiệu quả đầu tư kết cấu hạ tầng nói chung và hạ tầng kết nối khu vực nói riêng.

Đề án đưa ra những định hướng chính sách phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng, gắn phát triển kết cấu hạ tầng trong nước với mạng lưới hạ tầng trong các liên kết khu vực; những giải pháp thực hiện hiệu quả phát triển kết cấu hạ tầng kết nối khu vực.

Theo định hướng, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông trong nước được xây dựng đồng bộ, hiện đại trên cơ sở sử dụng nguồn lực hợp lý để đầu tư có trọng tâm, trọng điểm; ưu tiên các công trình có tính lan tỏa, đảm bảo kết nối các phương thức vận tải, các trung tâm kinh tế lớn, các vùng kinh tế trọng điểm, các cửa ngõ, đầu mối giao thông quan trọng gắn với với mạng lưới hạ tầng giao thông trong các liên kết khu vực.

Kết cấu hạ tầng năng lượng trong nước phát triển đồng bộ; thực hiện đúng tiến độ các nhà máy điện theo Quy hoạch điện lực quốc gia được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; ưu tiên các nhà máy có công suất từ 1.000 MW trở lên; phát triển cân đối công suất nguồn trên từng miền: Bắc, Trung, Nam; ưu tiên phát triển nguồn điện năng lượng mặt trời, điện gió; nghiên cứu đưa nhà máy thuỷ điện tích năng vào vận hành phù hợp với sự phát triển của hệ thống điện.

Chính sách phát triển đồng bộ hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông trong nước là phát triển mạnh hệ thống kết nối đa dạng với quốc tế, hình thành siêu xa lộ thông tin trong nước và liên kết quốc tế. Tiếp tục phát triển vệ tinh viễn thông; xây dựng khu công nghệ thông tin trọng điểm quốc gia; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, khai thác, vận hành hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội và toàn bộ nền kinh tế. Coi thúc đẩy phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu trong lộ trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong từng ngành, từng lĩnh vực. Phát triển mạnh công nghiệp công nghệ thông tin, thúc đẩy ngành công nghiệp phần mềm phát triển nhanh, bền vững; nâng cao năng lực làm chủ công nghệ và hiệu lực, hiệu quả quản lý hệ thống hạ tầng thông tin; bảo đảm an toàn, an ninh thông tin, chủ quyền quốc gia về không gian mạng...

Bảo tồn di tích Những địa điểm Khởi nghĩa Yên Thế

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án Bảo tồn, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Những địa điểm Khởi nghĩa Yên Thế tại tỉnh Bắc Giang (Giai đoạn 1).

Theo đó, sẽ đầu tư tu bổ, tôn tạo, phục dựng một số hạng mục tại 5 điểm di tích trọng điểm, quan trọng gắn với các sự kiện trọng đại của cuộc Khởi nghĩa Yên Thế hiện đang trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng, trong hệ thống 41 điểm di tích thuộc Quy hoạch tổng thể Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Những địa điểm Khởi nghĩa Yên Thế tại tỉnh Bắc Giang đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1537/QĐ-TTg ngày 29/8/2014 và đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định.

Cụ thể, với quần thể di tích đồn Phồn Xương và đền Thề (huyện Yên Thế), bồi thường, giải phóng mặt bằng; cắm mốc ranh giới bảo vệ di tích đồn Phồn Xương và đền Thề; phục dựng ngôi đình 3 tầng mái ở phía trước khu vực đền Thề trên cơ sở ảnh tư liệu; phục hồi một số hạng mục chính của đồn Phồn Xương, trên cơ sở ảnh tư liệu của người Pháp, bao gồm: Phục hồi cổng thành và một đoạn tường thành, hào thành ở phía Đông và phía Nam đồn Phồn Xương; phục dựng một dãy nhà ở tiêu biểu của nghĩa quân Yên Thế bên trong đồn; xây mới đền thờ Hoàng Hoa Thám và nghĩa quân Yên Thế ở phía sau khu vực đền Thề và đồn Phồn Xương.

Còn với khu lưu niệm danh nhân Hoàng Hoa Thám (huyện Tân Yên), tu bổ, tôn tạo hạng mục chùa Trũng, trên cơ sở kiến trúc gốc hiện còn; xây dựng mới cổng vào khu di tích; cải tạo, nâng cấp sân đình Trũng, đường nội bộ và xây dựng mới đoạn đường nối từ đường làng vào khu di tích.

Xây dựng mới cổng Tam quan và đoạn đường nối từ cổng tam quan đến sân chùa; nâng cấp tu bổ sân, đường nội bộ trong khu di tích (Khu di tích lịch sử văn hoá chùa Kem (huyện Yên Dũng)); tu bổ, tôn tạo đại đình và hậu cung di tích đình Nội (huyện Tân Yên); tu bổ, tôn tạo, phục hồi đại đình và hậu cung di tích đình Đông (huyện Việt Yên); phục hồi 2 gian bên của nhà đại đình theo đúng quy mô kiến trúc cũ.

Dự án được thực hiện trong 5 năm (2017 - 2021) với tổng mức đầu tư dự kiến 98,944 tỷ đồng.

Dự án bảo tồn, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Những địa điểm Khởi nghĩa Yên Thế tại tỉnh Bắc Giang (Giai đoạn 1) nhằm bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Những địa điểm Khởi nghĩa Yên Thế; từng bước hình thành kết nối các điểm di tích về cuộc khởi nghĩa Yên Thế với các di tích khác trong vùng, góp phần làm phong phú thêm hệ thống di tích của tỉnh Bắc Giang.

Bên cạnh đó, tri ân và tôn vinh người anh hùng dân tộc Hoàng Hoa Thám cùng các tướng lĩnh và nghĩa quân trong công cuộc đấu tranh chống lại kẻ thù xâm lược; khơi dậy đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, phát huy truyền thống yêu nước và lòng tự hào dân tộc cho các thế hệ người Việt Nam.

Đồng thời, hình thành nên một điểm du lịch độc đáo, đặc sắc cho du khách trong nước và quốc tế đến tham quan, nghiên cứu, tìm hiểu về truyền thống đấu tranh giữ nước của người dân Bắc Giang nói riêng và của dân tộc Việt Nam nói chung, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bắc Giang trong thời gian tới.

Xây dựng chợ nông thôn mới tại Khu tái định cư Phong Thử 1 (Quảng Nam)

Thủ tướng Chính phủ đồng ý việc hỗ trợ tỉnh Quảng Nam không quá 12 tỷ đồng từ nguồn vốn Dự án đường cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi để đầu tư xây dựng chợ nông thôn mới tại Khu tái định cư Phong Thử, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.

Thủ tướng Chính phủ lưu ý, phần kinh phí còn lại UBND tỉnh Quảng Nam chịu trách nhiệm cân đối ngân sách địa phương và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để thực hiện. Thủ tướng Chính phủ giao các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giao thông vận tải xử lý cụ thể theo quy định.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND tỉnh Quảng Nam chỉ đạo chủ đầu tư rà soát quy mô các hạng mục công trình, bảo đảm phù hợp với khả năng cân đối vốn và nhu cầu thiết thực phục vụ sinh kế của người dân vùng bị ảnh hưởng của Dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi; lập, phê duyệt và tổ chức thực hiện dự án theo quy định hiện hành, sớm hoàn thành đưa vào sử dụng, chịu trách nhiệm về hiệu quả đầu tư của dự án.

Xem xét từng trường hợp chuyển đơn vị sự nghiệp công lập từ DNNN về CQHCNN

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa có ý kiến chỉ đạo về việc chuyển các đơn vị sự nghiệp công lập từ doanh nghiệp nhà nước về trực thuộc các cơ quan hành chính nhà nước.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập khi cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước theo đúng quy định tại Nghị định số 189/2013/NĐ-CP ngày 20/11/2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 59/2011/NĐ-CP ngày 18/7/2011 của Chính phủ về chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần.

Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc chuyển đơn vị sự nghiệp công lập từ doanh nghiệp nhà nước về trực thuộc cơ quan hành chính nhà nước trong từng trường hợp cụ thể.

Xây dựng giải pháp cụ thể nhằm quản lý chặt chẽ Quỹ BHXH

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ các cơ chế, giải pháp cụ thể nhằm quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả và bền vững Quỹ bảo hiểm xã hội, trước hết là cân bằng thu chi, gắn với lộ trình tăng phí bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội.

Đây là một trong những nội dung tại Thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tại buổi làm việc với Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

Thông báo nêu rõ, về bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế, triển khai thực hiện các Nghị quyết số 19 trong mấy năm gần đây, công tác bảo hiểm xã hội đã chuyển biến tích cực, đạt được những kết quả bước đầu căn bản như đã rà soát, cắt giảm nhiều thủ tục hành chính không còn phù hợp, rút ngắn thời gian hoàn thành thủ tục nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người lao động, áp dụng công nghệ thông tin, kết nối mạng giữa các cơ quan bảo hiểm xã hội của 63 tỉnh, thành phố, tạo lập cơ sở dữ liệu bảo hiểm xã hội tập trung của cả nước.

Tuy nhiên, lưới an sinh xã hội của nước ta còn lạc hậu, bảo hiểm y tế chưa bao phủ đến toàn dân, bảo hiểm xã hội mới đạt khoảng 23-25%. Thực trạng này đòi hỏi Bảo hiểm xã hội Việt Nam và các bộ, ngành liên quan cần tập trung chỉ đạo, thực hiện có hiệu quả hơn nữa các giải pháp đã đề ra nhằm tăng diện bao phủ bảo hiểm y tế và bảo hiểm xã hội.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất các giải pháp cụ thể nhằm tăng số người tham gia bảo hiểm xã hội, trước hết là đối với số lao động có hợp đồng lao động, vận động người không tham gia quan hệ lao động tham gia bảo hiểm xã hội.

Bảo hiểm xã hội Việt Nam phối hợp với Bộ Y tế tiếp tục thực hiện các giải pháp tăng diện bao phủ bảo hiểm y tế đồng thời tăng chất lượng dịch vụ bảo hiểm y tế theo lộ trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Về y tế cơ sở, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế tập trung chỉ đạo các địa phương thực hiện phân loại y tế cơ sở và có cơ chế phù hợp đối với từng nhóm. Hoàn thành sớm cơ chế phù hợp, nhất là về tài chính đối với trạm y tế xã, phường để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân tại địa phương (tương tự như bác sĩ gia đình); khẩn trương bổ sung danh mục thuốc, vật tư y tế được sử dụng tại trạm y tế xã; phối hợp với Bộ Tài chính, Bảo hiểm xã hội Việt Nam bãi bỏ, sửa đổi các quy định hạn chế vai trò của trạm y tế xã, phường (như quy định Quỹ khám chữa bệnh BHYT tại trạm y tế xã tối thiểu bằng 10% và tối đa không vượt quá 20% quỹ khám chữa bệnh BHYT ngoại trú tính trên số thẻ đăng ký ban đầu… ); có cơ chế để sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất của các trạm y tế ven các đô thị, có thể cho bác sĩ giỏi thuê, mượn để mở phòng khám chữa bệnh.

Phải sử dụng hiệu quả nguồn ngân sách nhà nước (kể cả ODA) đầu tư cho y tế cơ sở, trước mắt tập trung triển khai tại các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.

Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã nỗ lực chỉ đạo thực hiện kết nối các cơ sở khám chữa bệnh với Bảo hiểm xã hội. Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam khẩn trương hoàn thành các danh mục dịch vụ, thuốc, vật tư y tế sử dụng trong bảo hiểm y tế; đẩy mạnh việc tuyên truyền, tập huấn thay đổi nhận thức trước hết là đối với cán bộ y tế, tăng cường minh bạch và kỷ luật kỷ cương trong thực hiện kết nối, liên thông giữa khám chữa bệnh và bảo hiểm y tế. Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam tiến hành kiểm tra việc thực hiện kết nối tại một số cơ sở khám chữa bệnh, chấn chỉnh và xử lý kịp thời các vi phạm; lưu ý việc bảo đảm an toàn, an ninh thông tin trên môi trường mạng.

Bảo hiểm xã hội Việt Nam chủ động sử dụng nguồn lực hiện có để tin học hóa, hiện đại hóa bảo hiểm xã hội. Cần phối hợp với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội trong xây dựng, thực hiện các dự án tin học hóa công tác Bảo hiểm xã hội (kể cả dự án vay vốn ODA của Ngân hàng thế giới cho Chương trình tổng thể hiện đại hóa Bảo hiểm xã hội như đề nghị của Bảo hiểm xã hội Việt Nam).

Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bảo hiểm xã hội khẩn trương có quy định, hướng dẫn và triển khai gói tin học cơ bản cho các cơ sở khám chữa bệnh.

Nâng cấp Bệnh viện Y học cổ truyền tại 3 tỉnh

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án Nâng cấp Bệnh viện Y học cổ truyền tại 3 tỉnh: Hà Giang, Lào Cai và Quảng Ninh sử dụng viện trợ không hoàn lại của Trung Quốc.

Dự án trên được thực hiện trong 3 năm (2016 - 2019) với nguồn vốn viện trợ không hoàn lại 25 triệu Nhân dân tệ (tương đương 90 tỷ đồng), vốn đối ứng 30 tỷ đồng.

Mục tiêu của Dự án nhằm nâng cấp cơ sở hạ tầng, trang thiết bị y tế cho Bệnh viện y học cổ truyền tại 3 tỉnh: Lào Cai, Hà Giang và Quảng Ninh, đảm bảo nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân.

Kết quả chủ yếu của Dự án là cải tạo, sửa chữa và nâng cấp phòng khám và các phòng, khoa chức năng; cung cấp trang thiết bị; đào tạo nâng cao năng lực chuyên môn cho cán bộ y tế./.