Kỳ họp thứ 4, sáng 25/10, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Quốc hội đã thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Quy hoạch.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Quy hoạch

Giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Quy hoạch

Tại phiên họp, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Quy hoạch.

Ông Vũ Hồng Thanh cho biết, trên cơ sở Tờ trình bổ sung số 362/TTr-CP ngày 31/8/2017 và 385/TTr-CP ngày 15/9/2017 của Chính phủ về dự án Luật Quy hoạch, ngày 18/9/2017, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến về dự án Luật này.

Trên cơ sở ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đã tiếp thu, hoàn thiện và có báo cáo số 431/BC-CP ngày 13/10/2017về dự án Luật Quy hoạch. Ủy ban thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Cơ quan chủ trì thẩm tra, Cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Quy hoạch gồm 6 Chương, 72 Điều và 02 Phụ lục.

Ông Vũ Hồng Thanh báo cáo, có ý kiến đề nghị làm rõ quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn có thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Quy hoạch không; đề nghị làm rõ quy hoạch của các thành phố trực thuộc trung ương thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật này hay Luật Quy hoạch đô thị.

Về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, việc lập quy hoạch đô thị, nông thôn đã được quy định ở luật riêng (Luật Quy hoạch đô thị, Luật xây dựng), tuy nhiên, để bảo đảm tính hệ thống, khoản 4 Điều 6 của dự thảo Luật quy định quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh.

Ngoài ra, xin bổ sung một Điều 29 mới về quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn, theo đó việc lập, thẩm định, phê duyệt, thực hiện, điều chỉnh quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn thực hiện theo quy định của pháp luật về quy hoạch đô thị, pháp luật về xây dựng và chỉ có hiệu lực khi được tích hợp vào quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh.

Việc công bố, công khai quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn thực hiện theo quy định của Luật này, pháp luật về quy hoạch đô thị và pháp luật về xây dựng.

Để làm rõ phạm vi điều chỉnh của Luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung cụm từ “hệ thống quy hoạch quốc gia” vào phạm vi điều chỉnh, theo đó Luật Quy hoạch là luật quy định chung, quy định trình tự lập, thẩm định, quyết định hoặc phê duyệt, công bố, thực hiện, điều chỉnh, giám sát, đánh giá, kiểm tra, thanh tra hệ thống quy hoạch quốc gia tại Điều 5 của dự thảo Luật; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động quy hoạch.

Về điều khoản chuyển tiếp (Điều 70) và điều khoản thi hành (Điều 72), báo cáo cho biết, qua rà soát, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin bổ sung danh mục gồm 25 Bộ Luật và Luật tại Phụ lục 2 của dự thảo Luật Quy hoạch.

Việc sửa các quy định liên quan đến quy hoạch tại 25 Bộ Luật và Luật này về cơ bản liên quan đến quy trình và thẩm quyền lập, thẩm định, phê duyệt và điều chỉnh các loại quy hoạch để bảo đảm đồng bộ với Luật Quy hoạch, do vậy, kiến nghị Quốc hội cho phép bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 dự án mộtluật để sửa đồng thời các luật này theo hướng chia nhóm các luật theo ngành, lĩnh vực, mà các bộ quản lý.

Hiện nay, Thủ tướng Chính phủ cũng đã giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành tập hợp, rà soát nhằm xác định phương án sửa chữa. Việc sửa đổi như vậy là khả thi và đảm bảo có hiệu lực cùng với Luật Quy hoạch theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Một luật khung rõ nét, phức tạp nhất từ trước đến nay

Đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) nhận định, đây là một luật khung rõ nét, phức tạp nhất từ trước đến nay nhưng cũng đầu tiên áp dụng một giải pháp kỹ thuật tích hợp tiên tiến, phức tạp.

Vấn đề cốt lõi ở đây vẫn chính là kỹ thuật công nghệ và chuyên môn từ đội ngũ chuyên gia hệ thống đến năng lực của các thành viên Hội đồng thẩm định, thẩm tra và đặc biệt là do tích hợp đa ngành nên cơ chế làm việc, hợp tác, phản biện, giải quyết các vấn đề liên quan đến xung đột lợi ích địa phương trong quy hoạch ngành, vùng để lựa chọn phương án hình thành cơ sở dữ liệu tối ưu trong một khoảng thời gian không dài.

”Theo tôi là một thách thức rất lớn, chỉ có tính độc lập, khách quan và đủ năng lực chuyên môn của các thành viên hội đồng mới không biến luật này thành kết quả của phép cộng các quy hoạch tồn tại hiện nay”, ông Nhân khẳng định.

Điều đại biểu này băn khoăn là luật này liên quan đến nhiều luật mà thời gian không có nhiều để nghiên cứu sâu.

Đại biểu Võ Đình Tín (tỉnh Đắk Nông) đề nghị, không nên quy hoạch sử dụng kinh phí từ nguồn vốn đầu tư công cho hoạt động quy hoạch. Vì trong Luật Đầu tư công và các văn bản hướng dẫn không quy định cụ thể về kinh phí lập quy hoạch và sử dụng kinh phí từ vốn đầu tư công. Việc xây dựng hoạt động đầu tư công hàng năm trên cơ sở kế hoạch đầu tư công trung hạn, dự thảo luật quy định sử dụng vốn đầu tư công trong lập quy hoạch sẽ gây khó khăn trong việc lập và điều chỉnh quy hoạch, đề nghị tiếp tục sử dụng nguồn vốn từ sự nghiệp kinh tế như hiện nay.

Về xử lý vi phạm tại Điều 62 quy định về xử lý vi phạm, vị đại biểu đề nghị, bổ sung quy định về xử lý đối với những quy hoạch treo, quy hoạch chậm tiến độ không còn phù hợp với thực tế.

Đại biểu Hoàng Văn Cường - TP Hà Nội thể hiện sự đồng tình với bản giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tôi thấy bản dự thảo quy hoạch đã được chuẩn bị rất công phu, khá hoàn chỉnh, đã giải quyết được hầu hết các yêu cầu đặt ra tại kỳ họp trước.

”Vì vậy, tôi rất mong Quốc hội sẽ thông qua tại kỳ họp này để chuẩn bị cho chiến lược giai đoạn 2021-2030. Đồng thời, nhân đây tôi xin đề nghị Chính phủ cần sớm có chỉ đạo quyết liệt, khẩn trương các khâu chuẩn bị, rà soát và lập các quy hoạch theo luật trong đó có nhiều quy hoạch là lập lần đầu trước đây chưa có ngay sau khi Quốc hội thông qua chứ không nên chờ đến ngày 01/01/2019 khi luật có hiệu lực chúng ta mới làm.

”Bởi vì, nếu chúng ta không tích cực, khẩn trương thì tôi rất e ngại rằng bước vào kỳ chiến lược 2021 - 2030 mà các quy hoạch cũ thì hết hiệu lực theo luật này nhưng quy hoạch mới thì lại chưa được lập, khi đó đầu tư sẽ thực hiện dựa vào đâu", ông Cường chia sẻ.

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (tỉnh Bến Tre) cho rằng, những quy định về vùng trời còn mang tính rất hình thức. Bởi vì, chưa làm rõ quy hoạch vùng trời là gì, chưa định nghĩa về quy hoạch vùng trời.

Các đại biểu cơ bản tán thành dự thảo Luật

Phát biểu kết thúc phiên họp, Phùng Quốc Hiển - Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, trong phiên họp thảo luận tại hội trường hôm nay đã có 24 đại biểu phát biểu ý kiến đã phát biểu làm rõ một số vấn đề mà đại biểu quan tâm.

Nhìn chung ý kiến các vị đại biểu cơ bản tán thành ý kiến trong báo cáo giải trình, tiếp thu chỉnh lý dự thảo Luật Quy hoạch của Thường vụ Quốc hội, song có nhiều ý kiến đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo rà soát các điều khoản để đảm bảo tính thống nhất, tính khả thi, tính cụ thể của dự án luật, tránh xung đột khi tổ chức thực hiện.

Một số nội dung cụ thể về phạm vi điều chỉnh và hệ thống quy hoạch quốc gia có ý kiến nhất trí với phạm vi điều chỉnh của Luật Quy hoạch bao gồm các quy hoạch phát triển liên quan đến kết cấu hạ tầng sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường trong hệ thống quy hoạch quốc gia tương tự và mối quan hệ như dự thảo luật.

Song, lại có ý kiến chưa đồng tình với ý kiến này.

Có ý kiến đề nghị phải rà soát thêm các quy định về quy hoạch vùng trời, quy định này chưa rõ và cũng có một số đề nghị rà soát để làm sao Luật Quy hoạch tránh vi phạm cơ chế thị trường.

Vấn đề thứ hai là nhiều ý kiến đóng góp về thứ tự quy hoạch, phân loại quy hoạch, về quan hệ giữa các loại quy hoạch, về thứ bậc, về nguyên tắc, nội dung của các loại quy hoạch. Do vậy, đề nghị rà soát lại các Điều 4, Điều 6, Điều 22, Điều 23, Điều 27, Điều 28, Điều 29, Điều 30 và có ý kiến đề nghị bỏ Điều 30 nhưng cũng có ý kiến đề nghị nên giữ nguyên Điều 30 này. Cũng có nhiều ý kiến đề nghị có quy hoạch thủ đô và có ý kiến đề nghị có quy hoạch khu kinh tế đặc biệt.

Thứ ba, còn nhiều ý kiến còn băn khoăn về vấn đề tích hợp các loại quy hoạch, về việc sử dụng công nghệ thông tin và dữ liệu quốc gia trong tích hợp. Việc giao nhiệm vụ tích hợp cho các địa phương, các ngành và có điểm chưa hợp lý cần phải chỉnh sửa. Có ý kiến đề nghị lưu ý về vấn đề chi phí đầu tư cho quy hoạch.

Thứ tư, có ý kiến đóng góp về nội dung quy hoạch, nhất là quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn. Về tiêu chuẩn và quy chuẩn của quy hoạch. Có nhiều ý kiến đồng tình với các quy định về nội dung quy hoạch từ Điều 23 đến Điều 28 của dự thảo luật theo hướng giao Chính phủ hướng dẫn chi tiết nội dung các loại quy hoạch. Nhưng cũng có ý kiến đề nghị cần phải quy định cụ thể ngay trong luật, không giao cho Chính phủ.

Thứ năm, có nhiều ý kiến góp ý về căn cứ lập quy hoạch, về quy trình lập quy hoạch như Điều 15 và Điều 16 về thẩm quyền của Quốc hội, của Chính phủ, của Thủ tướng Chính phủ, của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân các cấp trong tổ chức và thẩm định phê duyệt quy hoạch.

Thứ sáu, có ý kiến đề nghị rà soát lại Điều 14 về các hành vi bị cấm, Điều 61 về thanh tra, Điều 62 về xử lý vi phạm.

Thứ bảy, có ý kiến đề nghị phải quy định về vấn đề lấy ý kiến cộng đồng dân cư, đề nghị cho cộng đồng dân cư được tự quy hoạch tại khu vực của mình và công khai vấn đề quy hoạch.

Thứ tám, về điều khoản chuyển tiếp thì các ý kiến cũng đều đồng tình là có quy định tại Điều 70, 71 và Điều 72 của dự thảo luật để sửa đổi các quy định pháp luật có liên quan đảm bảo đồng bộ để cho Luật Quy hoạch được thực hiện.

Tuy vậy, vẫn có nhiều ý kiến băn khoăn đề nghị làm rõ sửa thì sửa điều nào, ở luật nào và ý kiến lo lắng về thời gian lập quy hoạch từ cao đến thấp có thể ảnh hưởng đến quá trình tổ chức thực hiện.

Cũng có ý kiến tham gia vào nghị quyết, trong này đề nghị không nên có nghị quyết về thi hành Luật Quy hoạch mà quy định luôn trong Điều 70 cũng như Điều 71 và Điều 72.

“Các ý kiến thảo luận của các vị đại biểu Quốc hội đã được Ban thư ký Quốc hội ghi chép và phản ánh đầy đủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghiêm túc tiếp thu và giải trình đồng thời chỉ đạo Ủy ban Kinh tế Quốc hội và các cơ quan soạn thảo tiếp thu hoàn thiện dự thảo luật trước khi trình Quốc hội thông qua”, Phỏ Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh./.