Nhận định, đánh giá trong văn kiện phải có tính khái quát, có tầm nhìn tổng kết 35 năm đổi mới
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã chỉ đạo như vậy khi chủ trì cuộc họp của Tiểu ban sáng 7/2.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tại cuộc họp của Tiểu ban sáng 7/2
Cuộc họp cho ý kiến vào dự thảo văn kiện Đại hội XIII, trước khi trình Bộ Chính trị xem xét thông qua, kịp thời gửi đại hội đảng bộ cấp cơ sở đóng góp ý kiến theo đúng kế hoạch.
Tham dự cuộc họp có các thành viên Tiểu ban: Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; nhiều Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, lãnh đạo các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương và các thành viên Tổ Biên tập.
Ông Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Tổ trưởng Tổ Biên tập trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến của Tổ Biên tập về ý kiến của Trung ương và Báo cáo tiếp thu, giải trình của Bộ Chính trị tại Hội nghị Trung ương 11 để hoàn thiện dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội XIII của Đảng và Báo cáo 10 năm thực hiện Cương lĩnh 2011.
Tại cuộc họp, các thành viên Tiểu ban cơ bản nhất trí với các dự thảo Báo cáo đã được bổ sung, chỉnh sửa, đồng thời tiếp tục đóng góp ý kiến để hoàn thiện thêm một bước dự thảo Báo cáo Chính trị (đầy đủ và tóm tắt), dự thảo Báo cáo 10 năm thực hiện Cương lĩnh 2011, tập trung vào những nội dung mới về chủ đề, phương châm của Đại hội; tình hình và những kinh nghiệm rút ra sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII; quan điểm, tư tưởng chỉ đạo; mục tiêu và định hướng phát triển; định hướng tiếp tục đổi mới các ngành, lĩnh vực chủ yếu; các nhiệm vụ trọng tâm và khâu đột phá chiến lược.
Tiểu ban Văn kiện ghi nhận, hoan nghênh những nỗ lực của Tổ Biên tập đã khẩn trương, nghiêm túc tiếp thu, hoàn thiện dự thảo các văn kiện, đáp ứng được các mục tiêu, yêu cầu đề ra; rà soát, chỉnh sửa cả về nội dung và hình thức, làm rõ nội hàm các khái niệm, nội dung, vấn đề, bảo đảm sự nhất quán, phù hợp hơn về mục tiêu phát triển, các đột phá chiến lược; chắt lọc, tổng hợp, đề xuất gợi ý một số nội dung cần tập trung thảo luận tại đại hội đảng bộ cơ sở.
Tiểu ban Văn kiện yêu cầu Tổ Biên tập nghiêm túc tiếp thu ý kiến của các thành viên Tiểu ban, khẩn trương hoàn chỉnh các dự thảo văn kiện, đặc biệt là bản tóm tắt dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội XIII của Đảng, xin ý kiến Bộ Chính trị để kịp thời phục vụ đại hội đảng bộ cơ sở vào đầu tháng 3 tới.
Tiểu ban Văn kiện yêu cầu các thành viên Tiểu ban và Tổ Biên tập tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Tiểu ban Kinh tế-Xã hội, Tiểu ban thi hành Điều lệ Đảng nghiêm túc lắng nghe, nghiên cứu chắt lọc các ý kiến đóng góp của đại hội đảng bộ các cấp và nhân dân, nhất là ý kiến góp ý của các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các nhà khoa học, nhà quản lý… để tiếp tục hoàn thiện, nâng cao chất lượng dự thảo Báo cáo Chính trị, bảo đảm đúng tầm của một Báo cáo trung tâm trình Đại hội XIII của Đảng.
Toàn cảnh cuộc họp
Sau khi nghe 18 ý kiến phát biểu, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Tiểu ban Văn kiện phát biểu kết luận cuộc họp, hoan nghênh Tổ Biên tập thời gian vừa qua đã khẩn trương, tích cực, tổng hợp, tiếp thu các ý kiến Trung ương đóng góp, chỉnh sửa, bổ sung hết sức công phu, hoàn thiện các dự thảo văn kiện, bảo đảm đúng chương trình, kế hoạch đã đề ra. Các thành viên Tiểu ban đã tham gia tích cực, trách nhiệm, đóng góp nhiều ý kiến về từng lĩnh vực, câu chữ, khái niệm…
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng yêu cầu Tổ Biên tập tiếp tục hoàn thiện các dự thảo báo cáo, trình Bộ Chính trị cho ý kiến, kịp thời phục vụ đại hội đảng bộ cơ sở; đồng thời tiếp tục phát huy dân chủ, lắng nghe, trân trọng các ý kiến đóng góp, chắt lọc để nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện các dự thảo văn kiện.
Những vấn đề nào đã rõ, đã chín, được thực tiễn chứng minh là đúng, đồng thuận cao thì đưa vào văn bản, những vấn đề còn ý kiến khác nhau, chưa rõ, chưa chín thì tiếp tục nghiên cứu, thảo luận.
Phương châm là hoàn thiện dần với tinh thần thực sự dân chủ, thực sự lắng nghe. Những vấn đề khó như chủ đề, mục tiêu, các khâu đột phá, đánh giá cao, thấp thế nào… còn ý kiến khác nhau thì cần tiếp tục nghiên cứu tìm câu trả lời trong thực tiễn, lắng nghe tiếng nói chung theo đa số.
Trong quá trình hoàn thiện, bổ sung, nâng cao chất lượng các dự thảo văn kiện, cần cập nhật tình hình mới, để văn kiện vừa mang tính tổng kết khái quát, tính chính trị tư tưởng, vừa có tính hiệu triệu, truyền cảm hứng.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng lưu ý Tổ Biên tập cần lắng nghe, trân trọng, phát huy cao độ trí tuệ của các chuyên gia, nhà khoa học có kiến thức chuyên sâu về từng lĩnh vực.
Báo cáo Chính trị là báo cáo trung tâm; các báo cáo khác, báo cáo chuyên đề phải phù hợp với báo cáo trung tâm. Bởi vậy, Tiểu ban Văn kiện cần phối hợp chặt chẽ với các Tiểu ban Kinh tế - Xã hội, Tiểu ban Điều lệ Đảng, tạo sự đồng thuận, thống nhất cao. Nhận định, đánh giá phải có tính khái quát, có tầm nhìn tổng kết 35 năm đổi mới, 10 năm thực hiện Cương lĩnh bổ sung, phát triển 2011./.
Bình luận