Xuất khẩu dệt may dự báo tiếp tục cải thiện trong những tháng cuối năm và đầu năm 2025

Hiện nay, sản xuất ngành dệt và trang phục của Việt Nam tiếp tục phục hồi tốt. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong tháng 9/2024, chỉ số sản xuất ngành dệt tăng 0,1% so với tháng 8/2024 và tăng 11,2% so với tháng 9/2023. Tính chung 9 tháng năm 2024, chỉ số ngành dệt tăng 12,8% so với cùng kỳ năm 2023. Tháng 9/2024, chỉ số sản xuất trang phục của cả nước giảm 2,5% so với tháng 8/2024, nhưng tăng 19,7% so với tháng 9/2023. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2024, chỉ số sản xuất trang phục của cả nước tăng 9,9% so với cùng kỳ năm 2023 (Bảng 1).

Bảng 1: Chỉ số sản xuất ngành dệt, may của Việt Nam tháng 9 năm 2024

Xuất khẩu dệt may hướng tới mục tiêu 44 tỷ USD năm 2024
Nguồn: Tổng cục Thống kê

Về xuất khẩu, theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong tháng 9/2024, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt và may mặc của Việt Nam đạt 2,98 tỷ USD, giảm 26,5% so với tháng 8/2024, nhưng tăng 16,0% so với tháng 9/2023. Tính chung 9 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may đạt 27,34 tỷ USD, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2023.

Trong 9 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt và may mặc của Việt Nam tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2023 cho thấy hoạt động xuất khẩu ngành dệt may đang cải thiện tích cực, khi tốc độ tăng trưởng ngày càng mở rộng so với những tháng đầu năm. Trong đó, những thị trường xuất khẩu chủ lực như: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc vẫn duy trì mức tăng trưởng; thị trường ASEAN, Nga, Canada… đang là điểm sáng tiềm năng để doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu hàng dệt may; tuy nhiên xuất khẩu sang EU vẫn chậm.

Thời điểm hiện tại, tín hiệu đơn hàng của các doanh nghiệp dệt may trong nước khá tích cực. Việt Nam là nước duy nhất trong bốn quốc gia xuất khẩu dệt may lớn nhất thế giới có thị phần tăng trưởng ở các quốc gia. Trong đó, thị trường Hoa Kỳ tăng từ 17,6% lên 18,3%; châu Âu tuy nhập khẩu dệt may giảm khoảng 5,5% nhưng xuất khẩu dệt may của Việt Nam vẫn giữ được thị phần ở thị trường này khoảng 4,4%…

Dự báo, xuất khẩu hàng dệt và may mặc của Việt Nam tiếp tục cải thiện trong những tháng cuối năm và đầu năm 2025, nhờ yếu tố chu kỳ, đơn hàng dồi dào. Trong đó, xuất khẩu sang các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc đang hồi phục tốt, riêng EU vẫn còn yếu.

Trong tháng 9/2024, nhập khẩu nguyên phụ liệu của ngành dệt may Việt Nam đạt 2,343 tỷ USD, giảm 0,73% so với tháng 8/2024 song tăng tới 15,49% so với tháng 9/2023. Tính chung 9 tháng đầu năm 2024, nhập khẩu nguyên phụ liệu ngành dệt may ước đạt hơn 20,386 tỷ USD, tăng 14,71% so với 9 tháng đầu năm 2023 và tăng 13,25% so với cùng kỳ năm 2019. Đây cũng là thời điểm, trị giá nhập khẩu nguyên phụ liệu dệt may các loại của cả nước tăng cao nhất trong nhiều tháng qua. Trong đó, nhập khẩu các nguyên phụ liệu đều tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm ngoái, riêng nhập khẩu bông tăng nhẹ 2,32%.

Bảng 2: Nhập khẩu nguyên phụ liệu dệt may của Việt Nam 9 tháng đầu năm 2024

Xuất khẩu dệt may hướng tới mục tiêu 44 tỷ USD năm 2024
Nguồn: Tính toán từ số liệu của Tổng cục Thống kê

Đối diện nhiều thách thức

Theo Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương), hiện nay, tình hình kinh tế vĩ mô đang khá thuận lợi, lượng tồn kho của các hãng thời trang giảm xuống đang cho thấy tín hiệu tích cực về đơn hàng dệt may trong những tháng cuối năm. Lạm phát ở Hoa Kỳ thấp, đã có tín hiệu một đợt giảm lãi suất vào tháng 9 của Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ (Fed), có thể cuối năm sẽ có một đợt giảm lãi suất nữa. Lãi suất của Anh vừa giảm lần thứ 2 vào ngày 1/8 kể từ tháng 3/2020 với mức giảm 0,25%, hy vọng sức cầu của thị trường sẽ tăng lên.

Cùng với đó, mức giảm tồn kho của các hãng thời trang lớn trên thế giới cũng khá tích cực trong quý II vừa qua, đơn cử Nike giảm tới 11%, Levi’s giảm 7%, kết quả kinh doanh cũng như lợi nhuận của các hãng được cải thiện ở mức khá bền vững. Hai hãng thời trang có mức tăng trưởng lợi nhuận nổi bật nhất là H&M với lợi nhuận tăng trưởng khoảng 49%, Uniqlo khoảng 36%. Các doanh nghiệp dệt may đang đặt nhiều hy vọng giá đơn hàng sẽ được cải thiện, các doanh nghiệp dệt may sẽ có hiệu quả tích cực hơn so với năm trước.

Năm 2024, ngành dệt may Việt Nam đặt mục tiêu xuất khẩu 44 tỷ USD. Với những tín hiệu tích cực của thị trường, mục tiêu nêu trên có thể đạt được.

Tuy nhiên, ngành dệt may vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức do nhu cầu thị trường chưa cải thiện ổn định, cước vận tải biển, chi phí sản xuất… được dự báo tiếp tục tăng tác động trực tiếp đến hiệu suất sản xuất, kinh doanh.

Cụ thể, trong những tháng cuối năm 2024, nhu cầu dệt may tại các thị trường tiêu thụ chính chưa thể cải thiện, kế hoạch cắt giảm lãi suất tại các thị trường này chưa rõ ràng, trong khi các quốc gia cạnh tranh dự kiến sẽ phá giá mạnh đồng tiền từ 15%-20% để hỗ trợ xuất khẩu, giành lại thị phần. Do đó, các doanh nghiệp sẽ chịu áp lực cạnh tranh về đơn giá trong bối cảnh đơn giá vốn đã thấp của 2 năm qua chưa cải thiện.

Mặt khác, cước vận tải biển, tiền lương, tiền điện, lãi suất ngân hàng… được dự báo tiếp tục tăng sẽ tác động trực tiếp đến hiệu suất sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Trong khi đó, những tiêu chuẩn về thị trường cũng ngày càng khắt khe, đơn cử, một số quốc gia, như: Mỹ, EU… đã đưa ra những quy định rất cao về xanh hóa, về môi trường.

Cần trợ lực từ phía Nhà nước

Do đó, để giữ vững thị trường, Hiệp hội Dệt May Việt Nam đề xuất, các thương vụ nước ngoài hỗ trợ nhiều hơn về thông tin từ các thị trường, chính sách của nước sở tại..., đặc biệt là thông tin về cơ chế cho sản xuất xanh từ một số nước.

Ngoài ra, trước nhiều biến động của kinh tế thế giới, như: dịch bệnh, xung đột thương mại…, các thương vụ cũng cần giúp doanh nghiệp đánh giá được nhu cầu và quy mô tiêu dùng về dệt may tại các thị trường, kể cả những thông tin về hiệu quả hoạt động của các tập đoàn bán lẻ trên thế giới…, để từ đó có thể căn chỉnh và đề ra kế hoạch sản xuất, kinh doanh cho từng khu vực thị trường.

Hiện nhiều nước đưa ra biện pháp phòng vệ thương mại, do vậy, doanh nghiệp cần sự chia sẻ thông tin và cảnh báo từ các cơ quan quản lý nhà nước, để từ đó giúp doanh nghiệp có giải pháp ứng phó.

Về phía các doanh nghiệp dệt may, cần tiếp tục linh hoạt trong điều hành, tận dụng tối đa các cơ hội từ thị trường, xác định mặt hàng có tính kỹ thuật khó, đơn hàng nhỏ…, nhưng giá trị gia tăng cao để sản xuất, thay vì các mặt hàng phổ thông giá rẻ, khó cạnh tranh. Đồng thời, cần thường xuyên theo dõi và cập nhật, dự báo các thông tin về thị trường, xây dựng các kịch bản có thể xảy ra và có phương án phù hợp cho hoạt động sản xuất, kinh doanh./.