Tinh thần đổi mới tư duy xây dựng pháp luật của Chính phủ trong nhiệm kỳ này là vừa phải quán lý tốt, vừa tạo hành lang thông thoáng, kiến tạo cho sự phát triển

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, sáng 30/10, các Đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu.

Nếu “không quản được thì cấm”, thì kinh tế đất nước sẽ không phát triển được

Theo Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình, Quốc hội trao quyền nhiều hơn cho Chính phủ, còn Chính phủ trao quyền nhiều hơn cho các địa phương

Phát biểu tại Phiên thảo luận ở Tổ 3 (gồm Đoàn Đại biểu Quốc hội các tỉnh: Nghệ An, Quảng Ngãi và Bắc Giang), Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình cho biết, tinh thần đổi mới tư duy xây dựng pháp luật của Chính phủ trong nhiệm kỳ này là vừa phải quán lý tốt vừa tạo hành lang thông thoáng, kiến tạo cho sự phát triển, nếu “không quản được thì cấm” thì kinh tế đất nước sẽ không phát triển được.

“Đây là tư duy xuyên suốt, không phải chỉ trong mỗi dự án Luật này. Theo đó, Quốc hội trao quyền nhiều hơn cho Chính phủ, còn Chính phủ trao quyền nhiều hơn cho các địa phương.”, Phó Thủ tướng Thường trực nhấn mạnh.

Dự án Luật lần này là bước tiến rất lớn trong việc giảm bớt các thủ tục phiền hà cho nhà đầu tư thứ cấp

Về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư, Phó Thủ tướng Thường trực cho biết, các ý kiến đại biểu quan tâm đến Quỹ hỗ trợ đầu tư và khẳng định sự cần thiết của Quỹ này, tuy nhiên cần đánh giá thêm. Đồng thời, đối với những nội dung cấp bách, nhiều vướng mắc trong quá trình thực thi, Chính phủ đã họp nhiều phiên và lựa chọn đưa vào dự án Luật này.

“Quy định về chấm dứt các dự án treo sẽ là quy định mà các địa phương rất cần. Bởi thực tế các dự án treo 3-5 năm ở địa phương rất nhiều, tạo ra lãng phí rất lớn. Các nhà đầu tư, doanh nghiệp kiếm được quy hoạch nhưng khả năng đầu tư dự án không có. Vì vậy, rất cần thiết có quy định này. Cần có những quy định chặt chẽ để giúp các địa phương chấm dứt các dự án 3-5 năm không thực hiện được. Do đó, đề nghị các Đại biểu Quốc hội góp ý thêm vào nội dung này, đồng thời, có thể giao thêm cho Chính phủ quy định rõ hơn.”, ông Nguyễn Hòa Bình đề nghị.

Nếu “không quản được thì cấm”, thì kinh tế đất nước sẽ không phát triển được
Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình khẳng định, tinh thần của Chính phủ là đơn giản hóa thủ tục, để năng động hơn...

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng Thường trực cũng ghi nhận dự án Luật này đã giảm bớt các thủ tục phiền hà đối với các dự án trong khu công nghiệp, nhằm tháo gỡ nhiều khó khăn cho doanh nghiệp. Trong khu công nghiệp, tất cả các vấn đề về đánh giá tác động môi trường, quy định phòng cháy, thủ tục xây dựng…, cơ quan có thẩm quyền đã duyệt cho khu công nghiệp. Nếu có 100 nhà đầu tư thứ cấp trong một khu công nghiệp đó, thì họ lại thêm một lần nữa làm đánh giá tác động môi trường, quy định phòng cháy, thủ tục xây dựng…, qua đó đã tạo ra cơ chế xin - cho nặng nề và kéo dài thời gian, gây khó khăn cho nhà đầu tư. Trong khi các vấn đề này đã được giao cho Ban quản lý khu công nghiệp. Do đó, dự án Luật lần này là bước tiến rất lớn trong việc giảm bớt các thủ tục phiền hà cho nhà đầu tư thứ cấp.

Về danh mục các loại quy hoạch, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình cho rằng, Chính phủ thấy cần thiết phải phân loại quy hoạch, có loại thuộc danh mục quy hoạch trọng điểm quốc gia, có loại thuộc danh mục ưu tiên…, vì vậy, cần phân loại để giải quyết cho kịp thời và đúng tầm.

Về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Phó Thủ tướng Thường trực cho biét, có nhiều phương thức huy động các nguồn lực xã hội (trái phiếu doanh nghiệp, thị trường chứng khoán, BT…). Đây chính là phương thức huy động các nguồn lực xã hội cho các dự án. Điều này được khẳng định trong các nghị quyết của Trung ương trong nhiệm kỳ tới và đề cập rất nhiều trong việc thu hút các nguồn lực xã hội cho các dự án.

“Ví dụ đường sắt tốc độ cao mà thời gian tới chúng ta sẽ bàn. Nguồn lực Nhà nước chỉ một phần, còn cần huy động các nguồn lực xã hội, nguồn vốn ODA, huy động trái phiếu Chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp… Chúng ta cần nhiều nguồn vốn thì mới làm được việc này. Loại hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao) là chủ trương rất đúng nhưng đã bị dừng từ năm 2021, do quá trình thực thi còn nhiều vướng mắc (nhất là xoay quanh dự án Thủ Thiêm). Do đó, Chính phủ đề nghị Quốc hội cho phục hồi lại phương thức huy động vốn theo hình thức BT này, nhưng phải chặt chẽ hơn, có tiêu chí kiểm soát (như đấu thầu công khai, phải định giá đất, xác định giá trị đất, kiểm soát chất lượng công trình khi chuyển giao…)”, ông Nguyễn Hòa Bình nêu rõ.

Nếu “không quản được thì cấm”, thì kinh tế đất nước sẽ không phát triển được
Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình mong muốn các Đại biểu Quốc hội ủng hộ tư duy mới, mà Chính phủ đề xuất với Quốc hội hiện nay

Phó Thủ tướng Thường trực khẳng định, tinh thần của Chính phủ là đơn giản hóa thủ tục, để năng động hơn, có thể không cần quy định trong dự án Luật này, mà giao toàn bộ cho Chính phủ quy định. Đây cũng được coi là sáng kiến pháp luật. Vì đích hướng đến là tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp, khi chúng ta công khai, minh bạch các trình tự, thủ tục, thì đảm bảo cho việc xây dựng Chính phủ liêm chính, đồng thời hạn chế cơ chế xin - cho, loại trừ những phiền hà, nhũng nhiễu, góp phần phòng ngừa tham nhũng, lãng phí.

Về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Phó Thủ tướng Thường trực cho biết, phần lớn các quy hoạch khác đã đề cập ở các luật chuyên ngành, có những quy hoạch chưa đề cập ở luật nào, thì dự án Luật lần này đề nghị sửa đổi để không tạo khoảng trống pháp luật. Bên cạnh đó, đối với quy hoạch ở các địa phương, nguồn vốn làm quy hoạch ở địa phương đang chậm trễ và không năng động, “tỉnh có tiền mà không làm được quy hoạch", do đó, lần này quy hoạch để chúng ta có thể sử dụng nhiều nguồn tiền hợp pháp để làm quy hoạch cho năng động.

Về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu, dự thảo Luật này có nhiều điểm mới, trong đó đáng lưu ý là cho áp dụng đấu thầu hạn chế, đấu thầu quốc tế, đấu thầu trong nước đối với một số dự án theo yêu cầu của nhà tài trợ. Về lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt, ông Nguyễn Hòa Bình cho rằng, cần có cơ chế lựa chọn thầu đặc biệt cho những trường hợp đặc biệt như: các công trình quốc phòng - an ninh hoặc những công trình có hàm lượng kỹ thuật cao và có tính chuyên biệt…

Từ những phân tích nêu trên, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh, đây là những vấn đề đặt ra từ những vướng mắc trong thực tiễn và trong khuôn khổ 1 luật sửa nhiều luật, Chính phủ chỉ lựa chọn những vấn đề bức xúc nhất của thực tiễn để đưa vào dự án Luật này. Đồng thời, Chính phủ nhận thấy, rất cần tháo gỡ để đáp ứng yêu cầu thực tiễn trước mắt. Vì vậy, mong muốn các Đại biểu Quốc hội ủng hộ tư duy mới mà Chính phủ đề xuất với Quốc hội hiện nay./.