TS. Lê Mai Hải

Khoa Quản trị Kinh doanh - Trường Đại học Sài Gòn

Email: lmhai@sgu.edu.vn

ThS. Trịnh Văn Phụ

Công Ty TNHH Thành Hiệp Phát

Email: trinhphu.sgu@gmail.com

ThS. Cao Văn Truyền

Công ty Cổ phần Trung Thành

Email: caovantruyen16@gmail.com

ThS. Nguyễn Thị Thanh Tâm

Khoa Quản trị Kinh doanh - Trường Đại học Sài Gòn

Email: ntttam@sgu.edu.vn

Tóm tắt

Dựa vào lý thuyết OLI của Dunning (1988), nghiên cứu nhằm phân tích sự ảnh hưởng của lợi thế địa phương đến việc thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Phước. Kết quả nghiên cứu đã xác định rằng, có 5 yếu tố ảnh hưởng đến Thu hút đầu tư vào ngành nông nghiệp tại tỉnh Bình Phước bao gồm: (1) Điều kiện tự nhiên; (2) Nguồn nhân lực; (3) Cơ sở hạ tầng; (4) Chính sách thể chế; (5) Môi trường đầu tư. Từ kết quả nghiên cứu, nhóm tác giả đã đề xuất một số giải pháp đối với tỉnh Bình Phước nhằm tăng cường thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp ở địa phương.

Từ khóa: thu hút đầu tư, ngành nông nghiệp, nông nghiệp tỉnh Bình Phước

Summary

Based on Dunning's OLI theory (1988), the study aims to analyze the impact of local advantages on attracting foreign direct investment (FDI) in the agricultural sector in Binh Phuoc Province. The research results have determined 5 factors affecting investment attraction in the agricultural sector in Binh Phuoc Province, including (1) Natural conditions; (2) Human resources; (3) Infrastructure; (4) Institutional policies; (5) Investment environment. From the research results, the authors propose several solutions for Binh Phuoc Province to increase investment attraction in the agricultural sector in the locality.

Keywords: investment attraction, agricultural sector, agriculture in Binh Phuoc Province

GIỚI THIỆU

Trải qua 25 năm xây dựng và phát triển, với khát vọng vươn lên, tỉnh Bình Phước đã đạt nhiều thành tựu rất quan trọng trong công cuộc đổi mới. Hình ảnh và tiềm lực kinh tế của Tỉnh có chuyển biến đáng kể, từng bước khẳng định vị thế trong khu vực Kinh tế trọng điểm phía Nam, góp phần quan trọng vào tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. Tỉnh Bình Phước nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có vị trí không xa TP. Hồ Chí Minh - trung tâm kinh tế lớn nhất của cả nước - lại có cửa khẩu thông thương với Campuchia. Bình Phước có nhiều cơ hội, lợi thế để phát triển ngành nông nghiệp, thương mại, du lịch và xuất khẩu và thu hút đầu tư quốc tế. Tuy nhiên, một số lĩnh vực chưa tương xứng với tiềm năng phát triển, đặc biệt là thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài trong lĩnh vực nông nghiệp. Do vậy, nhóm tác giả đã thực hiện nghiên cứu này, nhằm tìm ra các yếu tố chính ảnh hưởng đến thu hút FDI vào ngành nông nghiệp tại tỉnh Bình Phước, nhằm tăng cường thu hút tốt hơn các nhà đầu tư trong ngành nông nghiệp. Kết quả nghiên cứu có ý nghĩa quan trọng để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, phát triển nông nghiệp nông thôn và xây dụng nông thôn mới trên địa bàn.

CƠ SỞ LÝ THUYẾT VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Cơ sở lý thuyết

Trong thực tiễn, thu hút FDI có ý nghĩa và vai trò quan trọng, tạo động lực cho phát triển kinh tế, xã hội của các địa phương. Tuy nhiên, để thu hút FDI được hiệu quả phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, như: các chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư cùng với một số yếu tố địa lý, môi trường tự nhiên, cơ sở vật chất hạ tầng, nguồn lực sẵn có, các lợi thế đặc thù riêng của từng địa phương… Mặt khác, sự lựa chọn điểm đến của các nhà đầu tư, của các ngành được xem xét thông qua các điều kiện thuận lợi để đưa ra quyết định đầu tư.

Đã có nhiều nhà khoa học trong và ngoài nước nghiên cứu chỉ ra các yếu tố ảnh hưởng thu hút FDI. Điển hình như, nghiên cứu của Nguyễn Thị Mai Hương (2021) đã chỉ ra các yếu tố ảnh hưởng tới quy mô vốn FDI vào lĩnh vực nông nghiệp ở Việt Nam, gồm: (i) Cơ sở hạ tầng; (ii) Thể chế chính sách; (iii) Môi trường xã hội; (iv) Kinh tế vĩ mô; (v) Điều kiện tự nhiên. Nguyễn Mạnh Toàn (2010) đã chỉ ra rằng, các nhóm nhân tố tác động đến thu hút FDI vào một địa phương ở Việt Nam gồm: Nhóm động cơ về kinh tế; Nhóm động cơ về tài nguyên; Nhóm động cơ về cơ sở hạ tầng; Nhóm động cơ về chính sách. Nghiên cứu của Agnieszka và Young (2008) đã khám phá các nhân tố khuyến khích FDI vào một địa phương của Ba Lan gồm: Tìm kiếm kiến thức; Tìm kiếm thị trường; Sự tích tụ; Tìm kiếm hiệu quả; Địa lý. Nghiên cứu của Trần Quang Hậu (2015) đã chỉ ra, có 6 yếu tố ảnh hưởng thu hút FDI tại tỉnh Quảng Nam gồm: Thể chế; Nguồn nhân lực; Tài nguyên; Công nghiệp hỗ trợ và công nghệ; Cơ sở hạ tầng; Thị trường.

Các nghiên cứu kể trên tuy có khác nhau về thời gian, không gian nghiên cứu, nhưng đều chỉ ra các yếu tố ảnh hưởng thu hút FDI. Trong khi đó, nhà kinh tế học người Anh, John Dunning (1988) cho rằng, bên cạnh rất nhiều các nhân tố được bàn luận, thì lợi thế địa phương (OLI - Ownership – Location - Internalization) giúp lý giải bản chất và hướng hoạt động FDI.

Trong nghiên cứu này, trên cơ sở kế thừa các yếu tố của các nhà nghiên cứu kể trên và kết hợp lý thuyết OLI của Dunning (1988), nhóm tác giả xem xét lợi thế vị trí như là những hiệu ứng có thể quan sát được bao gồm các yếu tố: Cơ sở hạ tầng, Nguồn lực; Môi trường đầu tư và 2 lợi thế còn lại sẽ đại diện cho những hiệu ứng không thể quan sát mà nó có thể thay đổi theo thời gian bao gồm các yếu tố: Chính sách thể chế, Điều kiện tự nhiên.

Mô hình nghiên cứu và giả thuyết nghiên cứu

Dựa trên cơ sở lý thuyết OLI của Dunning (1988) và một số nghiên cứu liên quan đến thu hút đầu tư vào một địa phương nói chung và thu hút đầu tư vào ngành nông nghiệp nói riêng, cũng như đặc điểm nghiên cứu tại tỉnh Bình Phước, nhóm tác giả đề xuất mô hình nghiên cứu như Hình.

Hình: Mô hình nghiên cứu đề xuất

Ảnh hưởng của lợi thế địa phương đến thu hút đầu tư FDI vào lĩnh vực nông nghiệp tại tỉnh Bình Phước
Nguồn: Nhóm tác giả đề xuất

Các giả thuyết nghiên cứu được phát biểu như sau:

H1+: Điều kiện tự nhiên tác động tích cực đến Thu hút FDI vào lĩnh vực nông nghiệp tại tỉnh Bình Phước.

H2+: Cơ sở hạ tầng tác động tích cực đến Thu hút FDI vào lĩnh vực nông nghiệp tại tỉnh Bình Phước.

H3+: Môi trường đầu tư tác động tích cực đến Thu hút FDI vào lĩnh vực nông nghiệp tại tỉnh Bình Phước.

H4+: Nguồn nhân lực tác động tích cực đến Thu hút FDI vào lĩnh vực nông nghiệp tại tỉnh Bình Phước.

H5+: Chính sách thể chế tác động tích cực đến Thu hút FDI vào lĩnh vực nông nghiệp tại tỉnh Bình Phước.

Phương pháp nghiên cứu

Nghiên cứu này sử dụng cách tiếp cận dựa trên lý thuyết OLI của Dunning (1988) thông qua phương pháp định tính kết hợp định lượng để tiến hành nghiên cứu, đồng thời, nhóm tác giả đã sử dụng thang đo Likert 5 điểm để đo lường các biến quan sát của các biến. Trong đó:

- Phương pháp định tính: Nhóm tác giả thu thập thông tin hiện hữu liên quan đề tài nghiên cứu, đồng thời tham khảo ý kiến chuyên gia, các cơ quan địa phương để xác định các lợi thế của địa phương khi thu hút FDI vào lĩnh vực nông nghiệp, những lợi thế này cũng là các biến độc lập để đưa ra bảng câu hỏi trong quá trình xây dựng các thang đo. Thời gian thực hiện nghiên cứu định tính từ ngày 10/9/2024 đến ngày 15/9/2024.

- Phương pháp định lượng: Dữ liệu thu thập từ khảo sát được nhập vào phần mềm SPSS 20.0 để tiến hành phân tích. Phương thức khảo sát được nhóm tác giả thực hiện theo hình thức trực tuyến thông qua trang gmail cá nhân và khảo sát trực tiếp theo phương thức thuận tiện dưới bảng câu hỏi. Đối tượng khảo sát là 320 doanh nghiệp FDI trên địa bàn tỉnh Bình Phước. Thời gian thực hiện khảo sát từ ngày 20/9/2024 đến ngày 28/9/2024.

KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

Kiểm định độ tin cậy thang đo bằng Cronbach’s Alpha

Bảng 1 cho thấy, từ 28 biến quan sát ban đầu qua quá trình phân tích độ tin cậy Cronbach’s Alpha, kết quả loại 2 biến quan sát (DKTN4, CSTC3). Các biến quan sát này không phù hợp về giá trị thống kê, những biến quan sát còn lại 28 biến quan sát hoàn toàn thỏa mãn các điều kiện về độ tin cậy của thang đo (Cronbach’s Alpha > 0,6 và hệ số tương quan biến tổng > 0,3) các biến quan sát này được đưa vào phân tích nhân tố khám phá (EFA) tiếp theo trong quá trình nghiên cứu.

Bảng 1: Kết quả kiểm định thang đo

Ảnh hưởng của lợi thế địa phương đến thu hút đầu tư FDI vào lĩnh vực nông nghiệp tại tỉnh Bình Phước
Nguồn: Nhóm tác giả tổng hợp từ kết quả SPSS 20.0

Phân tích EFA

Bảng 2: Kiểm định KMO và Bartlett

Ảnh hưởng của lợi thế địa phương đến thu hút đầu tư FDI vào lĩnh vực nông nghiệp tại tỉnh Bình Phước
Nguồn: Nhóm tác giả truy xuất từ kết quả phân tích SPSS 20.0

Bảng 2 cho thấy, hệ số KMO của biến độc lập và phụ thuộc lần lược có giá trị: 0,813 và 0,709 các giá trị KMO thuộc khoảng (0,5 ≤ KMO ≤ 1) giải thích được kích thước mẫu phù hợp cho phân tích EFA và hệ số Bartlett có mức ý nghĩa quan sát 0,000 < 0,05, nghĩa là có sự tương quan giữa các biến. Kết quả này cũng khẳng định rằng, phương pháp phân tích trên là phù hợp.

Bảng 3: Eigenvalues và phương sai trích

Ảnh hưởng của lợi thế địa phương đến thu hút đầu tư FDI vào lĩnh vực nông nghiệp tại tỉnh Bình Phước
Nguồn: Nhóm tác giả truy xuất từ kết quả phân tích SPSS 20.0

Bảng 3 cho thấy, phương sai trích = 63,554% chỉ số này (> 50%), do đó đạt yêu cầu và giá trị này góp phần giải thích 63,554% sự biến thiên của các biến quan sát, giá trị Eigenvalue có giá trị 1,276 (> 1), giá trị này đạt yêu cầu trong phân tích EFA.

Bảng 4: Ma trận thành phần xoay

Ảnh hưởng của lợi thế địa phương đến thu hút đầu tư FDI vào lĩnh vực nông nghiệp tại tỉnh Bình Phước
Nguồn: Nhóm tác giả truy xuất từ kết quả phân tích SPSS 20.0

Bảng 4 cho thấy, các biến quan sát nghiên cứu đều có hệ số tải nhân tố > 0,5 và được phân thành từng nhóm riêng biệt. Vì vậy, kết quả phân tích EFA không có biến quan sát nào bị loại, do đó, các biến quan sát này sẽ được đưa vào phân tích hồi quy bội.

Phân tích hồi quy

Bảng 5: Kết quả phân tích hồi quy

Ảnh hưởng của lợi thế địa phương đến thu hút đầu tư FDI vào lĩnh vực nông nghiệp tại tỉnh Bình Phước

Nguồn: Tổng hợp kết quả xử lý dữ liệu

Kết quả phân tích phương sai ANOVA cho thấy, giá trị thống kê F với hệ số Sig. = 0,000b, chứng tỏ mô hình hồi quy phù hợp với dữ liệu nghiên cứu. Hệ số Durbin-Wason nghiên cứu = 1,647, cho thấy Dw < dl (tra bảng thống kê Durbin-Watson ta có dl=1,667, du=1,748 với n=250 và k=5). Như vậy, có sự tương quan của các phần dư. Hệ số VIF có giá trị (VIF < 2), do đó, không có đa cộng tuyến giữa các biến trong mô hình. Hệ số R2 hiệu chỉnh = 0,555, điều này có nghĩa là, 5 biến độc lập đưa vào phân tích trong mô hình, ảnh hưởng 55,5% biến thiên của biến phụ thuộc “Quyết định đầu tư”, còn lại 44,5% là do các biến ngoài mô hình và sai số ngẫu nhiên.

Kết quả tại Bảng 5 cho thấy, các biến độc lập DKTN, CSHT, MTDT, NNL, CSTC có tác động cùng chiều đến FDINN kết quả này phù hợp với giả thuyết nghiên cứu ban đầu (H1+, H2+, H3+, H4+, H5+) và các biến độc lập này có giá trị Sig. kiểm định t là < 0,05, do đó, các biến đưa vào phân tích trong mô hình đều có ý nghĩa thống kê và đều tác động lên biến phụ thuộc FDINN.

KẾT LUẬN VÀ HÀM Ý

Kết luận

Kết quả nghiên cứu cho thấy, có 5 nhân tố ảnh hưởng tích cực đến Thu hút FDI vào lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh Bình Phước, được sắp xếp theo thứ tự giảm dần như sau: Điều kiện tự nhiên; Nguồn nhân lực; Cơ sở hạ tầng; Chính sách thể chế; Môi trường đầu tư.

Hàm ý

Nhằm tăng cường thu hút FDI trong nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Phước, cần cần thực hiện một số vấn đề sau:

Thứ nhất, đối với yếu tố Điều kiện tự nhiên: Đối với ngành nông nghiệp, điều kiện tự nhiên rất quan trọng trong quá trình sản xuất, trồng trọt. Nó là điều kiện tiên quyết để các nhà đầu tư quyết định đầu tư vào lĩnh vực này. Vì vậy, tỉnh Bình Phước cần đưa ra các gợi ý cho các nhà đầu tư, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào những vùng trọng điểm đã quy hoạch phát triển nông nghiệp, nơi có vị trí giao thông thuận tiện và khí hậu thổ nhưỡng phù hợp với từng loại hình nông nghiệp, để các nhà đầu tư cảm nhận được sự thuận tiện của yếu tố tự nhiên này, từ đó đưa ra quyết định đầu tư vào địa phương mình.

Thứ hai, đối với yếu tố Nguồn nhân lực: Nguồn nhân lực đóng vai trò quan trọng trong mọi tổ chức nói chung, trong lĩnh vực nông nghiệp tỉnh Bình Phước nói riêng, phát triển nguồn nhân lực là giải pháp đảm bảo tính bền vững của phát triển nông nghiệp, đồng thời cũng tạo điều kiện để tăng tính hấp dẫn đối với thu hút các nhà đầu tư. Tỉnh Bình Phước nên đầu tư phát triển đào tạo dạy nghề, chuyển giao khoa học kỹ thuật, đồng thời tạo điều kiện cho người dân tiếp thu các thiết bị máy móc tiên tiến, đào tạo đội ngũ lao động có tính kỹ luật cao, đáp ứng các nhu cầu dự án đầu tư của các doanh nghiệp trên địa bàn. Mặt khác, Tỉnh cần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, cập nhật tiếp cận công nghệ kỹ thuật hiện đại, nhằm triển khai chuyển giao công nghệ cho người dân cũng như các doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn.

Thứ ba, đối với yếu tố Cơ sở hạ tầng: Cơ sở hạ tầng là yếu tố rất cần thiết để thu hút các nhà đầu tư, sự thuận lợi trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh được các nhà đầu tư đặc lên hàng đầu. Đối với ngành nông nghiệp, sự thuận tiện của hệ thống cấp thoát nước, công trình giao thông thông thoáng, thông tin liên lạc được nâng cấp… Đó là các điều kiện thuận tiện trong việc sản xuất và thu hoạch sản phẩm nông nghiệp, nếu các điều kiện này thuận tiện sẻ thu hút được các nhà đầu tư đầu tư vào lĩnh vực này. Cần xem xét cải thiện hệ thống cấp thoát nước, các công trình chống ngập úng được cải thiện, hệ thống giao thông thông thoáng, nâng cấp các kênh thông tin liên lạc internet trên địa bàn, đồng thời hệ thống cung cấp điện phải được đảm bảo, thực hiện các quy hoạch tập trung sản xuất trồng trọt chăn nuôi tại địa phương.

Thứ tư, đối với yếu tố Chính sách thể chế: Chính sách và thể chế là yếu tố quan trọng trong quá trình thu hút đầu tư, theo đó, chính sách thể chế thông thoáng sẽ giúp các nhà đầu tư dễ dàng đầu tư vào địa phương đó, ngược lại sẽ làm cho các nhà đầu tư e ngại trong quá trình quyết định đầu tư. Vì vậy, Bình Phước cần hoàn thiện các chính sách khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp; khuyến khích các nhà đầu tư mở rộng quy mô đối với doanh nghiệp đã đầu tư trên địa bàn. Đồng thời, cần tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, giúp các nhà đầu tư tiếp cận chính sách và thực hiện các thủ tục đầu tư dễ dàng.

Thứ năm, đối với yếu tố Môi trường đầu tư: Theo đó, các cơ quan quản lý nhà nước tỉnh Bình Phước cần đặc biệt quan tâm vấn đề môi trường đầu tư và tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư; đồng thời thực hiện các cam kết ổn định trực tự xã hội ở địa phương phải có các chính sách riêng, như: tìm hiểu lắng nghe ý kiến của người dân, tìm hiểu các mối quan hệ sinh hoạt trong cộng đồng giữa các dân tộc sinh sống ở địa phương, để có các giải pháp thích hợp lâu dài cho từng đối tượng đầu tư vào địa phương./.

Tài liệu tham khảo

1. Agnieszka Chidlow, Stephen Young (2008), Regional Determinants of FDI Distribution in Poland, William Davidson Institute, The University of Michigan.

2. Boermans, M. A., Toelfsma, H., Zhang, Y., (2011), Regional determinants of FDI in China: a factor-based approach, Journal of Chinese economic and business studies, 9(1), 23-42.

3. Dunning, J. H. (1988), Trade, location of economic activity and the multinational enterprise: A search for an eclectic approach, London, London: Unwin Hyman.

4. Hasnah A., Sanep A., Rusnah M. (2010), Determinants Of Foreign Direct Investment locations In Malaysia, International Review of Business Research Papers, 6(4), 101-117.

5. Hair, J. F., Black, W. C., Babin, B. J., Anderson, R. E., Tatham, R. L. (2006), Multivariate data analysis (6th ed.), Upper Saddle River, NJ: Pearson University Press.

6. Meyer, K. E., Nguyen, H. V. (2005), Foreign investment strategies and sub-national institutions in emerging markets: Evidence from Vietnam, Journal of Management Studies, 42(1), 63-93.

7. Nguyễn Thị Mai Hương (2021), Các yếu tố ảnh hưởng tới quy mô vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào lĩnh vực nông nghiệp ở Việt Nam, Luận án tiến sỹ kinh tế, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương.

8. Nguyễn Mạnh Toàn (2010), Các nhân tố tác động đến thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào một địa phương của Việt Nam, Tạp chí Khoa học và Công nghệ, Đại học Đà Nẵng, 5(40), 270-276.

9. Sarbajit Chaudhuri, Banerjee Dibyendu (2010), FDI in agricultural land, welfare and unemployment in a developing economy, Research in Economics, 64, 229-239.

10. Trần Văn Hòa và cộng sự (2021), Đánh giá môi trường đầu tư tại các khu công nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế bằng phương pháp phân tích tầm quan trọng và mức độ đáp ứng (IPA), Tạp chí Kinh tế và Phát triển, 5C(130), 21-38.

11. Trần Quang Hậu (2015), Nhân tố ảnh hưởng đến thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại tỉnh Quảng Nam, Tạp chí Khoa học và Công nghệ, Đại học Đà Nẵng, 10(95), 65-68.

Ngày nhận bài: 14/10/2024; Ngày phản biện: 18/10/2024; Ngày duyệt đăng: 30/10/2024