TS. Đỗ Thị Hải Yến

Khoa Vận tải - Kinh tế, Trường Đại học Giao thông vận tải

Email: yendth_ph@utc.edu.vn

Tóm tắt

Nghiên cứu đánh giá ảnh hưởng của quản trị công ty (QTCT) tới rủi ro kinh doanh (RRKD) của các doanh nghiệp niêm yết (DNNY) tại Việt Nam giai đoạn 2016-2020. Phương pháp fuzzy-set Qualitative Comparative Analysis (fsQCA) được sử dụng để phân tích dữ liệu nghiên cứu của 114 DNNY tại Việt Nam. Kết quả nghiên cứu cho thấy, có mối quan hệ ngược chiều giữa QTCTRRKD. Theo đó, chất lượng QTCT tốt sẽ đóng vai trò góp phần giảm thiểu rủi ro trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và ngược lại. Kết quả nghiên cứu là cơ sở để đề xuất một số hàm ý chính sách và giải pháp nhằm hạn chế RRKD thông qua cải thiện cơ chế QTCT trong các DNNY tại Việt Nam.

Từ khóa: quản trị công ty, rủi ro kinh doanh, doanh nghiệp niêm yết, Việt Nam

Summary

This research evaluates the impact of Corporate Governance on Business Risks of listed enterprises in Vietnam in 2016-2020. The fuzzy-set Qualitative Comparative Analysis (fsQCA) method is used to analyze the data of 114 listed companies in Vietnam. The research results show that there is a negative relationship between Corporate Governance and Business Risk. Accordingly, good Corporate Governance quality will play a role in minimizing risks in the enterprise’s business activities and vice versa. The research results are the basis for proposing a number of policy implications and solutions to limit Business Risks through improving Corporate Governance mechanisms in listed enterprises in Vietnam.

Keywords: corporate governance, business risks, listed companies, Vietnam

ĐẶT VẤN ĐỀ

QTCT được hiểu là một hệ thống các chính sách nhằm vận hành công ty, khuyến khích quá trình quản trị kinh doanh hiệu quả trong các công ty cổ phần bằng việc sử dụng các quy chế - quy tắc quản trị hợp lý. Trong những năm gần đây, tình hình kinh tế - chính trị - xã hội của các quốc gia thường xuyên biến động do các yếu tố từ bên ngoài (chiến tranh, dịch bệnh…). Khi chịu tác động từ các yếu tố bên ngoài, nếu doanh nghiệp không có cơ chế QTCT tốt, thì khó có thể duy trì được hoạt động kinh doanh và dễ dẫn tới thua lỗ, phá sản. Trên thế giới, đã có rất nhiều các tập đoàn nổi tiếng bị phá sản do cơ chế QTCT kém (ví dụ: Enrol, Worldcom, Brothers, Xerox…). Như vậy, cơ chế QTCT không hiệu quả là một trong những nguyên nhân dẫn tới RRKD của các doanh nghiệp.

Các lý thuyết cơ bản trong quản trị - tài chính – kế toán và kết quả các nghiên cứu thực nghiệm đã ghi nhận rằng, QTCT bị ảnh hưởng bởi các cơ chế QTCT. Drew and Kendrick (2005) nhấn mạnh vai trò của QTCT trong việc quản lý và kiểm soát RRKD. Kết quả thực tiễn, cũng như đã có nhiều nghiên cứu trên thế giới đã chứng minh tầm quan trọng của QTCT với RRKD của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, tại Việt Nam, thực tế cho thấy rằng, các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay chưa thực sự chú trọng tới việc đánh giá ảnh hưởng của QTCT tới RRKD. Trên góc độ học thuật, qua quá trình lược khảo tài liệu về các nghiên cứu trước cho thấy, chưa có các nghiên cứu và thảo luận về ảnh hưởng của QTCT (thông qua chỉ số QTCT tổng quát) tới RRKD tại các DNNY Việt Nam giai đoạn 2016-2020. Do đó, việc nghiên cứu về vấn đề ảnh hưởng của QTCT tới RRKD của các DNNY tại Việt Nam là hết sức cần thiết trong bối cảnh này, nhằm góp phần bổ sung kiến thức liên quan và đề xuất các cơ chế QTCT phù hợp giúp hạn chế RRKD của các DNNY tại Việt Nam.

CƠ SỞ LÝ THUYẾT VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Cơ sở lý thuyết

Nghiên cứu này dựa trên 3 lý thuyết chính là lý thuyết đại diện, lý thuyết các bên liên quan và lý thuyết quản lý.

Lý thuyết đại diện (Agency theory)

Lý thuyết đại diện do (Jensen và Meckling, 1976) đưa ra phân tích mối quan hệ mâu thuẫn giữa chủ doanh nghiệp (cổ đông) và các nhà quản lý trong doanh nghiệp. Lý thuyết đại diện cho rằng, người đại diện có thể có lợi ích riêng khác với lợi ích của người uỷ quyền, gây ra mối quan hệ xung đột trong lợi ích giữa các bên. Để giảm thiểu mối quan hệ xung đột này, doanh nghiệp cần thiết lập các hệ thống quản lý, phân chia trách nhiệm và đánh giá hiệu quả của người đại diện. Do đó, các cơ chế QTCT được thiết lập để điều chỉnh hoạt động của nhà quản lý, nhằm cân bằng mục tiêu của nhà quản lý và người uỷ quyền sẽ có tác động ngăn chặn một số rủi ro phát sinh trong doanh nghiệp.

Lý thuyết các bên liên quan (Stakeholder theory)

Được khởi đầu từ nghiên cứu của Freeman (1984) về quản trị tổ chức và đạo đức kinh doanh, lý thuyết các bên liên quan nhấn mạnh các mối quan hệ liên kết giữa doanh nghiệp và khách hàng, nhà cung cấp, nhân viên, nhà đầu tư, cộng đồng và những người khác có cổ phần trong tổ chức. Nó tìm cách tối ưu hóa mối quan hệ với các bên liên quan, từ đó, nâng cao hiệu quả trong toàn bộ dự án hoặc tổ chức. Như vậy, việc đưa ra cơ chế QTCT hiệu quả, hài hoà lợi ích của các bên liên quan trong doanh nghiệp có thể tối thiểu hoá các rủi ro xảy ra.

Lý thuyết quản lý (Stewardship theory)

Lý thuyết quản lý cho rằng, nhà quản lý là một trong những nguồn lực đáng tin cậy của doanh nghiệp, do vậy, không cần thiết giám sát nhà quản lý. Người quản lý được coi là những người theo chủ nghĩa tập thể, ủng hộ tổ chức và đáng tin cậy (Davis và cộng sự, 1997). Lý thuyết quản lý là một khuôn khổ lập luận rằng, con người về bản chất có động cơ làm việc cho người khác hoặc cho tổ chức để hoàn thành các nhiệm vụ mà họ được giao phó. Do đó, các cơ chế QTCT phù hợp sẽ là kim chỉ nam cho các hoạt động của nhà quản lý, hướng họ tới việc ra các quyết định giảm thiểu RRKD của doanh nghiệp.

Phát triển giả thuyết nghiên cứu

Các lý thuyết đại diện, lý thuyết các bên liên quan và lý thuyết quản lý đã phần nào giải thích cho mối liên hệ giữa các hoạt động quản trị của công ty tới rủi ro, cũng như hiệu quả hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, nhiều nghiên cứu thực nghiệm trên thế giới, cũng như tại Việt Nam cũng đã đưa ra các kết quả nghiên cứu ủng hộ cho mối liên hệ này.

Nghiên cứu của John và cộng sự (2008) đã thảo luận về mối quan hệ giữa QTCT và quản lý rủi ro của các công ty công nghệ sinh học Úc niêm yết công khai. Nghiên cứu cho rằng, doanh nghiệp có cơ chế bảo vệ nhà đầu tư tốt hơn có thể giảm thiểu việc thu lợi ích cá nhân, dẫn đến tránh rủi ro quá mức trong kinh doanh. Nghiên cứu của Koerniadi và cộng sự (2013) xem xét hoạt động QTCT và việc chấp nhận rủi ro ở các công ty New Zealand thông qua phân tích tác động của các thông lệ QTCT đối với rủi ro của lợi nhuận cổ phiếu của một công ty. Bằng chứng thực nghiệm cho thấy, các công ty có hội đồng quản trị (HĐQT) lớn có liên quan đến mức độ chấp nhận rủi ro thấp hơn, tỷ lệ sở hữu cổ phần tập trung của các giám đốc nội bộ có mối quan hệ ngược chiều với việc chấp nhận rủi ro.

Tại Việt Nam, một số nghiên cứu đã quan tâm đến mối quan hệ giữa QTCT và rủi ro/mức độ chấp nhận rủi ro của các DNNY tại Việt Nam. Tuy vậy, các nghiên cứu tại Việt Nam mới chỉ dừng lại ở việc nghiên cứu tác động riêng biệt của từng yếu tố cấu thành QTCT đến rủi ro/mức độ chấp nhận RRKD, mà chưa có nghiên cứu nào chú trọng vào kiểm tra ảnh hưởng của chỉ số QTCT tổng quát đến RRKD của các DNNY. Đồng thời, đa số các nghiên cứu về QTCT và RRKD tại Việt Nam đều áp dụng phương pháp phân tích định lượng Mô men tổng quát (Generalized Method of Moments – GMM) để phân tích kết quả nghiên cứu. Trong nghiên cứu của Nguyễn Hữu Trúc (2022) về “Mối quan hệ giữa QTCT và mức độ chấp nhận rủi ro tại các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam”, các nhân tố QTCT được đo lường bởi các yếu tố được các nhà nghiên cứu đi trước sử dụng, bao gồm: quy mô HĐQT, sự độc lập của HĐQT, thành viên nữ trong HĐQT, sở hữu nhà nước, sở hữu nước ngoài và các nhân tố QTCT chưa được nghiên cứu, như: thù lao của ban giám đốc và sự kiêm nhiệm của thành viên HĐQT trong ban giám đốc. Nghiên cứu này sử dụng phương pháp ước lượng mô men tổng quát dạng hệ thống 2 bước (two-step system Generalized Method of Moments). Kết quả đánh giá tác động của các nhân tố thuộc cơ cấu HĐQT đến mức độ chấp nhận rủi ro tại nghiên cứu cho thấy, quy mô HĐQT, sự độc lập của HĐQT và tỷ lệ thành viên nữ trong HĐQT có tác động nghịch chiều, trong khi đó, tỷ lệ kiêm nhiệm các chức vụ trong ban giám đốc của thành viên HĐQT có tác động thuận chiều đến mức độ chấp nhận rủi ro của các công ty niêm yết tại Việt Nam. Sở hữu nước ngoài cũng có tác động thuận chiều đến mức độ chấp nhận rủi ro của các công ty niêm yết tại Việt Nam; tác động của thù lao của ban giám đốc đến mức độ chấp nhận rủi ro của các công ty niêm yết là ngược chiều. Sử dụng dữ liệu của 26 ngân hàng thương mại trong giai đoạn từ 2011-2017, nghiên cứu của Phạm Hoàng Ân (2019) nhằm tìm hiểu tác động của QTCT đến rủi ro của các ngân hàng thương mại tại Việt Nam đã cho thấy, quy mô HĐQT, thành viên HĐQT độc lập, thành viên HĐQT là nữ, thành viên HĐQT là người nước ngoài và thành viên HĐQT tham gia điều hành đều có tác động đến rủi ro của ngân hàng.

Như vậy, các công trình nghiên cứu trong và ngoài nước có liên quan đến đề tài đã xác định tác động của QTCT đến rủi ro/mức độ chấp nhận rủi ro nói chung. Do đó, nghiên cứu này đề xuất giả thuyết nghiên cứu như sau:

H1: QTCT có ảnh hưởng tới RRKD của các DNNY tại Việt Nam.

Phương pháp nghiên cứu

Để kiểm tra ảnh hưởng của QTCT tới RRKD của các doanh nghiệp niêm yết tại Việt Nam, nghiên cứu này sử dụng phương pháp tập mờ fuzzy-set Qualitative Comparative Analysis (fsQCA) để phân tích dữ liệu nghiên cứu. Phương pháp này sẽ cho ra các kết quả gồm sự kết hợp các biến độc lập cùng tác động tới biến phụ thuộc. Trong fsQCA, có thể lựa chọn giải pháp phù hợp dựa trên các thông số: tính nhất quán và mức độ bao phủ thô. Tính nhất quán của giải pháp các điều khoản hoặc toàn bộ giải pháp đo lường mức độ thỏa thuận giữa các trường hợp chia sẻ một sự kết hợp cụ thể của các điều kiện trong việc mô tả kết quả mục tiêu. Mức độ bao phủ thô đo lường kinh nghiệm theo tầm quan trọng, nó đánh giá mức độ mà một tài khoản liên kết gây ra hoặc ảnh hưởng đến trường hợp của một kết quả (Ragin, 2017). Tác giả thu thập dữ liệu của 114 DNNY tại Việt Nam giai đoạn 2016-2020 để phục vụ nghiên cứu với mẫu nghiên cứu gồm 580 quan sát. Các dữ liệu thứ cấp được lấy từ cơ sở dữ liệu Thomson Reuters Datastream để xử lý phân tích (Bài viết sử dụng cách viết số thập phân theo chuẩn quốc tế).

Mô hình nghiên cứu

Trên cơ sở kế thừa, tổng quan phân tích các công trình nghiên cứu trong và ngoài nước có liên quan, đề tài đã xác định được tác động của QTCT đến rủi ro/mức độ chấp nhận rủi ro nói chung. Do đó, nghiên cứu này đề xuất mô hình nghiên cứu như sau:

RISKi,t = β0 + β1* CGi,t + β2* ROAi,t + β3*MTBVi,t + β4*GRWTHi,t + β5*SIZEi,t + β6*LEVi,t + εi,t (1)

Nghiên cứu này sử dụng biến phụ thuộc là RRKD (RISK), được đo lường bằng độ lệch chuẩn của lợi nhuận (Schwert, 1989). Biến QTCT (CG) được đo lường bằng chỉ số QTCT của các DNNY tại Việt Nam, tập trung vào các yếu tố là cấu trúc của HĐQT (gồm: quy mô HĐQT, số lượng thành viên nữ giới trong HĐQT, số lượng thành viên độc lập, chủ tịch HĐQT kiêm nhiệm giám đốc, công ty kiểm toán thuộc Big-4, quy mô ban kiểm soát). Lý do mà nghiên cứu này chọn các yếu tố của HĐQT đại diện cho biến QTCT là do HĐQT là nhân tố cốt lõi trong QTCT (Dahya và cộng sự, 2008). Nghiên cứu sẽ đặt điểm (0.1) cho từng thành phần của QTCT dựa trên mức độ tác động tới QTCT (Singareddy và cộng sự, 2018), sau đó tính chỉ số QTCT tổng hợp từ điểm các thành phần (Javaid và Saboor, 2015).

Biến tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản (ROA) được đo lường bằng tỷ số lợi nhuận ròng trên tài sản. Chỉ tiêu này có thể được coi như chỉ tiêu đánh giá hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp (Su và Lee, 2013). Biến giá trị thị trường trên giá trị sổ sách (MTBV) được đo lường bằng giá trị thị trường của vốn chủ sở hữu chia cho giá trị sổ sách của vốn chủ sở hữu (Holtz và Neto, 2013). Biến sự tăng trưởng doanh thu (GRWTH) được đo lường bằng tỷ lệ tăng trưởng doanh thu năm sau so với năm trước (John và cộng sự, 2009). Biến quy mô công ty (SIZE) được đo lường bằng logarit của tổng tài sản (Koerniadi và cộng sự, 2013). Biến đòn bẩy kinh doanh (LEV) được đo lường bằng tỷ lệ tổng nợ phải trả trên tổng tài sản của doanh nghiệp (Alam and Shah, 2013).

KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

Thống kê mô tả

Các dữ liệu ở Bảng 1 thống kê mô tả các biến độc lập và phụ thuộc trong nghiên cứu này giai đoạn 2016-2020. Theo Bảng 1, một số doanh nghiệp trong mẫu nghiên cứu có tình hình hoạt động kinh doanh không tốt (min ROA = -0.130, min GRWTH = -0.885). Tuy nhiên, giá trị thị trường trên giá trị sổ sách vốn chủ sở hữu của các doanh nghiệp có giá trị nhỏ nhất là 0.0001 chứng tỏ các doanh nghiệp vẫn có giá trị chứng khoán thị trường cao hơn giá trị sổ sách. Giá trị nhỏ nhất của chỉ số QTCT lần lượt là 0 và 6 cho thấy có sự chênh lệch khá lớn về chất lượng QTCT giữa các doanh nghiệp có cơ chế QTCT tốt với các doanh nghiệp chưa chú trọng tới QTCT.

Bảng 1: Thống kê mô tả các biến trong nghiên cứu

Biến/Chỉ tiêu

Giá trị trung bình

Độ lệch chuẩn

Giá trị nhỏ nhất

Giá trị lớn nhất

RISK

2.775

1.024

0.000

8.060

CG

3.100

1.013

0.000

6.000

ROA

0.065

0.082

-0.130

0.552

SIZE

11.986

0.660

9.307

13.799

LEV

0.482

0.239

0.0001

1.476

MTBV

1.143

1.421

0.030

21.370

GRWTH

2.728

2.194

-0.885

15.189

Ghi chú: Biến phụ thuộc: RISK. Biến độc lập/kiểm soát: CG, ROA, MTBV, GRWTH, SIZE, LEV

Nguồn: Tổng hợp dữ liệu khảo sát

Kết quả phân tích fsQCA

Kết quả phân tích fsQCA trên mẫu gồm 114 DNNY tại Việt Nam giai đoạn 2016-2020 được trình bày chi tiết ở Bảng 2. Kết quả phân tích chỉ ra rằng, có 4 tổ hợp kết hợp các biến độc lập và biến kiểm soát thỏa mãn cùng ảnh hưởng tới RRKD của các DNNY tại Việt Nam. Các tổ hợp kết quả này đều có độ bao phủ thô nằm trong giới hạn 0.25- 0.65 và độ nhất quán > 0.8. Độ bao phủ giải pháp của 4 giải pháp (Bảng 2) có giá trị là 0.8147, điều này chỉ ra rằng, sự kết hợp nhân quả của nghiên cứu giải thích khoảng 81.47% tổng số điều kiện nhân quả ảnh hưởng đến RRKD của doanh nghiệp trong mẫu nghiên cứu này.

Trong các kết quả được trích xuất ra từ fsQCA, biến CG đều có mối quan hệ ngược chiều với RRKD. Điều này có nghĩa là nếu công ty có cơ chế QTCT hiệu quả, thì sẽ giảm thiểu được các rủi ro phát sinh trong hoạt động kinh doanh và ngược lại. Kết quả này cho thấy, giả thuyết H1 nghiên cứu đề xuất được chấp nhận. Cũng giống như biến QTCT, biến ROA, SIZE (lần lượt đo lường hiệu quả kinh doanh, quy mô công ty) cũng cho thấy, mối quan hệ ngược chiều với biến phụ thuộc. Điều này dễ dàng giải thích vì thực tế, nếu doanh nghiệp có hiệu quả kinh doanh càng tốt hay quy mô công ty càng lớn, thì các rủi ro xảy ra trong kinh doanh càng thấp. Các biến còn lại, như: MTBV hay GRWTH có thể có những tác động cả ngược chiều và cùng chiều tới RISK trong những trường hợp khác nhau. Doanh nghiệp có sự thay đổi tích cực về doanh thu, giá chứng khoán hay có sự tăng trưởng ổn định qua các năm thường là các doanh nghiệp có khả năng kiểm soát được RRKD. Tuy nhiên, sự tăng trưởng nhanh quá mức cũng là con dao hai lưỡi dễ dẫn đến việc doanh nghiệp khó kiểm soát được hoạt động sản xuất, kinh doanh trong khi các yếu tố trong doanh nghiệp liên tục thay đổi; từ đó, dễ xảy ra các rủi ro trong quá trình kinh doanh của doanh nghiệp.

Bảng 2: Kết quả phân tích fsQCA về mối quan hệ giữa QTCT và RRKD

Kết quả fsQCA

Độ bao phủ thô

Độ bao phủ riêng

Độ nhất quán

~CG*~ROA*~LEV*~MTBV*~GRWTH

0.3225

0.0246

0.8520

~ROA*~SIZE*LEV*MTBV*GRWTH

0.2640

0.0217

0.8605

~CG*~ROA*~SIZE*MTBV* GRWTH

0.2658

0.0429

0.8533

~CG*~ROA*~SIZE*~MTBV* ~GRWTH

0.4007

0.0016

0.8449

Độ bao phủ giải pháp: 0.4946; Độ nhất quán giải pháp: 0.8147

Nguồn: Phân tích dữ liệu khảo sát

KẾT LUẬN VÀ HÀM Ý CHÍNH SÁCH

Thông qua phân tích fsQCA, kết quả nghiên cứu đã chỉ ra mối quan hệ ngược chiều giữa QTCT và RRKD ở các DNNY tại Việt Nam giai đoạn 2016-2020. Trên cơ sở kết quả này, tác giả đề xuất một số hàm ý chính sách và giải pháp hạn chế RRKD thông qua cải thiện QTCT tại các DNNY tại Việt Nam, cụ thể như sau:

Thứ nhất, các DNNY tại Việt Nam cần đảm bảo số lượng thành viên HĐQT hợp lý, phù hợp với quy mô của doanh nghiệp, cũng như mục tiêu phát triển của doanh nghiệp trong từng giai đoạn cụ thể, nhất là thời kỳ khủng hoảng kinh tế. Số lượng thành viên HĐQT phù hợp sẽ đảm bảo cho việc đề xuất và bỏ phiếu thông qua các quyết định liên quan đến chiến lược phát triển của doanh nghiệp. Số lượng thành viên HĐQT nên dao động từ 6 tới 15 thành viên để đạt được hiệu quả hoạt động tốt nhất (đo lường thông qua lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu) (Brown và Caylor, 2004).

Thứ hai, HĐQT của các DNNY tại Việt Nam cần đảm bảo được số lượng thành viên nữ giới nhất định trong cơ cấu HĐQT. Tỷ lệ nữ giới trong HĐQT ở các nước đang phát triển còn thấp, trong khi sự hiểu biết của nữ giới trong HĐQT góp phần nâng cao nhận định về môi trường xung quanh của doanh nghiệp, từ đó, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động dẫn tới giảm thiểu rủi ro của doanh nghiệp. Phạm Hoàng Ân (2019) cũng xác nhận rằng thành viên nữ trong HĐQT cũng sẽ góp phần giảm rủi ro của các ngân hàng thương mại cổ phần tại Việt Nam.

Thứ ba, tỷ lệ thành viên độc lập của HĐQT cũng cần được điều chỉnh phù hợp cho từng DNNY. HĐQT bao gồm phần lớn các thành viên độc lập có hiệu quả hơn trong việc quản lý giám sát doanh nghiệp. Tỷ lệ thành viên HĐQT độc lập trên 50% sẽ tốt hơn cho việc đưa ra các quyết định liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp (Selarka, 2014).

Thứ tư, các DNNY tại Việt Nam cần tránh sự kiêm nhiệm của chủ tịch HĐQT và giám đốc doanh nghiệp. Cùng một người nắm giữ cả 2 chức danh có thể làm giảm tính linh hoạt trong việc giải quyết vấn đề, đồng thời, làm giảm hiệu quả hoạt động và tăng rủi ro của doanh nghiệp. Do đó, các doanh nghiệp cần chú ý tách biệt đối tượng giữ vị trí chủ tịch HĐQT và tổng giám đốc.

Thứ năm, nếu đơn vị chịu trách nhiệm kiểm toán cho các DNNY tại Việt Nam là các công ty nằm trong số 4 công ty kiểm toán hàng đầu Việt Nam (Big-4) (bao gồm: Ernst & Young, PwC, Deloitte và KPMG), thì kết quả báo cáo tài chính kiểm toán tin cậy hơn cho các đối tượng sử dụng thông tin kế toán của doanh nghiệp. Đồng thời, các doanh nghiệp được kiểm toán bởi Big-4 hạn chế được rủi ro pháp lý phát sinh từ sự nhầm lẫn trong báo cáo tài chính. Các doanh nghiệp này thường có cơ chế QTCT tốt để đảm bảo thông tin trên các báo cáo tài chính tin cậy khi được kiểm toán bởi Big-4.

Thứ sáu, số lượng thành viên của ban kiểm soát lớn sẽ là nguồn lực tốt để kiểm soát hoạt động của doanh nghiệp và hạn chế việc đưa ra các quyết định rủi ro về hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Do đó, các DNNY tại Việt Nam cần có số lượng thành viên ban kiểm soát đủ lớn để có thể giám sát tốt hoạt động của người quản lý, nhằm đảm bảo sự hài hoà lợi ích của các bên liên quan đến doanh nghiệp./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Alam, A., and Shah, S. Z. A. (2013), Corporate Governance and Its Impact on Firm Risk, International Journal of Management, Economics and Social Sciences, 2(2), 76-98, retrieved from http://dx.doi.org/10.2139/ssrn.2280479.

2. Brown, L. D., and Caylor, M.L. (2009), Corporate governance and firm operating performance, Review of quantitative finance and accounting, 32, 129-144, DOI: 10.1007/s11156-007-0082-3.

3. Dahya, J., Dimitrov, O., and McConnell, J. J. (2008), Dominant shareholders, corporate boards, and corporate value: A cross-country analysis, Journal of Financial Economics, 87(1), 73-100, DOI: 10.2139/ssrn.887383.

4. Davis, J. H., Schoorman, F. D., & Donaldson, L. (1997), Toward a stewardship theory of management, Academy of Management Review, 22(1), 20-47, https://doi.org/10.2307/259223.

5. Drew, S. A. W., and Kendrick, T. (2005), Risk Management: The Five Pillars of Corporate Governance, Journal of General Management, 31(2), 19-36, https://doi.org/10.1177/030630700503100202.

6. Freeman, R. E (1984), Strategic Management: A Stakeholder Approach, Pitman Series in Business and Public Policy, Boston.

7. Jensen, M.C. and Meckling, W.H. (1976), Theory of the Firm: Managerial Behavior, Agency Costs and Ownership Structure, Journal of Financial Economics, 3, 305-360, DOI: 10.1002/9780470752135.ch17.

8. Holtz, L. and Neto, A.S. (2013), Effects of Board of Directors’ Characteristics on the Quality, Paper presented at the VII Anpcont Congress, Fortaleza, CE, Brazil, June 2013.

9. Javaid, F., and Saboor, A. (2015), Corporate Governance index on firm performance: Evidence from Pakistani manufacuring sector, Journal of Public Administration and Governance, 5(2), 1-21, DOI: 10.5296/jpag.v5i2.7498.

10. John, K., Litov, L., and Yeung, B. (2009), Corporate Governance and Risk-Taking, The Journal of Finance, 63(4), 1679-1728, https://doi.org/10.1111/j.1540-6261.2008.01372.x.

11. Koerniadi, H., Krishnamurti, C., and Tourani-Rad, A. (2013), Corporate governance and risk taking in New Zealand, Australian Journal of Management, 39(2), 227–245, DOI: 10.1177/0312896213478332.

12. Nguyễn Hữu Trúc (2022), Mối quan hệ giữa QTCT và mức độ chấp nhận rủi ro tại các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam, Luận án tiến sĩ, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân.

13. Phạm Hoàng Ân (2019), Tác động của QTCT đến rủi ro của các ngân hàng thương mại tại Việt Nam, Tạp chí Thị trường tiền tệ, số 20/2019.

14. Ragin, C.C. (2017), User’s guide to fuzzy-set/Qualitative Comparative Analysis, University of California, Irvine.

15. Schwert, G. W. (1989), Why Does Stock Market Volatility Change over Time? Journal of Finance, 44 (5), 1115-1154, http://dx.doi.org/10.1111/j.1540-6261.1989.tb02647.x.

16. Selarka, E. (2014), Corporate Governance, Product Market Competitive and Firm Performance: Evidence from India, In book: Corporate Governance in Emerging Markets Theories, Practices and Cases, Pubisher: Springer-Verlag Berlin Heidelberg.

17. Singareddy, R.R.R, Chandrasekaran, S., Annamalai, B., and Ranjan, P. (2018), Corporate governance data of 6 Asian economies (2010-2017), Data in Brief, 20, 53-56, DOI: 10.1016/j.dib.2018.07.048.

18. Su, W., and Lee, C-Y. (2013), Effects of corporate governance on risk taking in Taiwanese family firms during institutional reform, Asia Pacific Journal of Management, 30, 809-828, https://doi.org/10.1007/s10490-012-9292-x.

(*) Lời cảm ơn: Nghiên cứu này được tài trợ bởi Trường Đại học Giao thông vận tải (ĐH GTVT) trong đề tài mã số T2024-KT-012.

Ngày nhận bài: 30/5/2024; Ngày phản biện: 02/7/2024; Ngày duyệt đăng: 18/7/2024