Bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs): Khó khăn và những giải pháp
Lê Nam Long
Email: long.ln@tmu.edu.vn
Trường Đại học Thương mại
Tóm tắt
Bảo lãnh tín dụng (BLTD) cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) là một chính sách lớn của Nhà nước nhằm nâng cao khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng cho các doanh nghiệp này. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, chính sách này còn gặp nhiều bất cập. Trên cơ sở đánh giá thực trạng triển khai BLTD cho SMEs, chỉ rõ những hạn chế, bài viết đưa ra những giải pháp khắc phục để thúc đẩy hoạt động này trong thời gian tới.
Từ khóa: Doanh nghiệp nhỏ và vừa, bảo lãnh tín dụng, Quỹ bảo lãnh tín dụng
Summary
Credit guarantee for small and medium-sized enterprises (SMEs) is a major policy of the State to improve access to credit capital for these enterprises. However, in the implementation process, this policy still faces many shortcomings. Based on assessing the current situation of credit guarantee implementation for SMEs and pointing out the limitations, the article proposes solutions to promote this activity in the coming time.
Keywords: Small and medium-sized enterprises, credit guarantee, Credit Guarantee Fund
GIỚI THIỆU
SMEs là nhóm doanh nghiệp được Chính phủ đặc biệt quan tâm và chỉ đạo ngành ngân hàng cần có sự ưu tiên hỗ trợ tài chính, nhưng thực tế SMEs lại đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh... Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 19/CĐ-TTg, ngày 24/2/2025 về việc tăng cường các giải pháp giảm lãi suất giúp các doanh nghiệp nói chung, SMEs nói riêng tiếp cận được với nguồn vốn có chi phí hợp lý là vấn đề hết sức cấp bách. Tuy nhiên, với đặc thù của SMEs gặp rất nhiều khó khăn khi vay vốn ngân hàng, thì BLTD cho SMEs là một chính sách lớn của Nhà nước nhằm nâng cao khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng cho SMEs - loại hình doanh nghiệp chiếm tỷ trọng lớn nhất trong nền kinh tế. Trong thời gian qua, chính sách này chưa phát huy được tác dụng đích thực, nguồn vốn bảo lãnh còn hạn chế, điều kiện bảo lãnh còn chặt chẽ khiến SMEs khó tiếp cận, giá trị bảo lãnh thấp, có những nút thắt chưa được tháo gỡ. Do vậy, để hoạt động BLTD trở về đúng với bản chất vốn có - là công cụ hỗ trợ cho SMEs tiếp cận được nguồn vốn tín dụng, cần có một hệ thống các giải pháp đồng bộ.
THỰC TRẠNG VỀ TIẾP CẬN NGUỒN VỐN TÍN DỤNG CỦA CÁC DOANH NGHIỆP NHỎ VÀ VỪA
Theo dự báo của Ngân hàng Thế giới (WB) trong “Báo cáo SME Việt Nam năm 2023”, số lượng SME tại Việt Nam sẽ tăng mạnh lên 2,4 triệu vào năm 2030, chiếm hơn 98% tổng số doanh nghiệp cả nước. Tuy đóng góp hơn 40% GDP và được xem là trụ cột của nền kinh tế, SME Việt Nam đang đối mặt với bài toán nan giải về nguồn vốn.
Báo cáo cho thấy, có đến 65% doanh nghiệp SME đang thiếu hụt vốn để hoạt động kinh doanh do khó khăn trong việc vay vốn kinh doanh tại các ngân hàng thương mại. Hệ quả là 52% doanh nghiệp buộc phải cắt giảm sản xuất kinh doanh, 48% doanh nghiệp phải tiến hành sa thải nhân sự.
Theo kết quả khảo sát của Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, các doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận nguồn vốn chính thống qua hệ thống ngân hàng chỉ chiếm khoảng 30%, còn lại đến 70% phải đi huy động từ bạn bè, vay mượn phi chính thống…
Nguyên nhân chính được chỉ ra là do các doanh nghiệp SME thường không đáp ứng đủ các yêu cầu cấp tín dụng khắt khe của ngân hàng như: thiếu tài sản đảm bảo, quy mô hoạt động nhỏ, doanh thu, lợi nhuận và thông tin tài chính chưa rõ ràng và đầy đủ. Bên cạnh đó, việc các doanh nghiệp SME chưa dành nhiều thời gian và cơ hội để xây dựng và duy trì mối quan hệ tín dụng lâu dài với ngân hàng và tổ chức tài chính cũng khiến họ gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn. Doanh nghiệp SME thường gặp nhiều rào cản khi thuyết phục các tổ chức này cho vay vốn kinh doanh.
Điều đáng chú ý là, theo nhiều doanh nghiệp SME, lãi suất không phải là vấn đề lớn nhất khi SME có nhu cầu vay vốn. Vấn đề quan trọng cấp thiết hàng đầu là phải tiếp cận được nguồn vốn từ nền tảng uy tín, đảm bảo tính minh bạch để duy trì hoạt động kinh doanh. Việc thiếu nguồn vốn an toàn khiến doanh nghiệp phải đối mặt với nhiều khó khăn trong việc mở rộng và đầu tư sản xuất, dẫn đến trì trệ kinh doanh, ảnh hưởng trực tiếp và nhanh chóng đến khả năng vận hành và duy trì hoạt động của doanh nghiệp.
Đứng trước thực trạng đó các Quỹ BLTD cho SMEs được thành lập theo Nghị định số 34 của Chính phủ. Quỹ này đã chứng minh được vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng của SMEs. Tuy nhiên, qua việc triển khai Quỹ BLTD dành cho SMEs ở nước ta thời gian qua cho thấy, còn không ít khó khăn, vướng mắc nảy sinh. Điều này đòi hỏi cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ nhằm thúc đẩy Quỹ hoạt động hiệu quả hơn trong thời gian tới.
THỰC TRẠNG HOẠT ĐỘNG CỦA QUỸ BLTD CHO CÁC DOANH NGHIỆP NHỎ VÀ VỪA
Quỹ BLTD cho SMEs là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành lập, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, bảo toàn và phát triển vốn; thực hiện chức năng cấp BLTD cho SMEs theo quy định pháp luật. Quỹ hoạt động theo mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.
Nguồn vốn hoạt động của quỹ BLTD cho SMEs được hình thành từ các nguồn sau:
Thứ nhất là vốn chủ sở hữu, bao gồm: Vốn điều lệ của quỹ BLTD cho SMEs do ngân sách địa phương cấp (tối thiểu 100 tỷ đồng); vốn bổ sung từ kết quả hoạt động của quỹ BLTD cho SMEs theo quy định; vốn hình thành từ các khoản tài trợ, viện trợ, đóng góp không phải hoàn trả của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước dành cho quỹ BLTD cho SMEs; vốn nhà nước khác theo quy định của pháp luật; các nguồn vốn khác thuộc vốn chủ sở hữu theo quy định của pháp luật.
Thứ hai là vốn huy động: Vốn huy động từ các tổ chức tài chính, tín dụng trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật và quy định nội bộ của quỹ BLTD cho SMEs bảo đảm phù hợp với khả năng hoàn trả của quỹ BLTD.
Thứ ba là các khoản vốn khác gồm: Vốn nhận ủy thác của chính quyền địa phương, các quỹ tài chính địa phương, các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước (bên ủy thác) để thực hiện yêu cầu của bên nhận ủy thác theo quy định của pháp luật và Nghị định này; các nguồn vốn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.
Quỹ BLTD cho SMEs có vai trò tạo cầu nối trong việc tiếp cận vốn giữa SMEs với ngân hàng thương mại. Tính đến nay, hệ thống quỹ BLTD cho SMEs ở nước ta có 25 quỹ với số vốn điều lệ gần 1.500 tỷ đồng. Nghị định số 34/2018/NĐ-CP và các thông tư hướng dẫn sau 6 năm triển khai đã tạo nguồn vốn vay để phát triển các SME, góp phần tích cực đồng bộ hóa hệ thống chính sách tài chính ngân hàng, đóng góp cho sự phát triển kinh tế đất nước. Tuy nhiên, thực tế hoạt động của các quỹ BLTD cho thấy còn không ít khó khăn, vướng mắc nảy sinh, điển hình như:
Một là, có một số địa phương không mặn mà với việc thực hiện quyền và trách nhiệm trong phát triển và duy trì hoạt động của quỹ, có những địa phương sau khi thành lập quỹ một thời gian lại giải thể do không duy trì được hoạt động. Số lượng quỹ từ năm 2018 đến nay có xu hướng giảm đi, cụ thể trong năm 2018 và 2019 cả nước có 27 quỹ BLTD hoạt động. Tuy nhiên, Quỹ BLTD Đà Nẵng giải thể vào năm 2020, nên chỉ còn 26 quỹ. Trong năm 2021, Quỹ BLTD Đắk Lắk được thành lập, nhưng lại có 2 quỹ bị giải thể là Quỹ BLTD tỉnh Quảng Nam và Quỹ BLTD tỉnh Phú Yên, do đó giảm xuống còn 25 quỹ và tiếp tục được duy trì. Nguyên nhân là do ở một số địa phương không có tiêu chí rõ ràng để bảo lãnh cho doanh nghiệp. Trong khi đó, lãnh đạo của nhiều địa phương cũng tỏ ra chưa thực sự quan tâm đến hoạt động và vai trò của quỹ, những người liên quan thậm chí chưa nắm kỹ Nghị định số 34/2018/NĐ-CP, chưa hiểu rõ các nội dung của Nghị định nên chưa thực hiện đầy đủ nhiệm vụ mà Chính phủ giao và phân cấp.
Hai là, mặc dù có xu hướng tăng, nhưng xét về giá trị thì nguồn vốn của các quỹ ở mức thấp. Theo đó, tổng nguồn vốn của các quỹ chưa bằng một nửa nguồn vốn của một ngân hàng thương mại có quy mô nhỏ. Với tổng giá trị dư nợ đối với SMEs trong nền kinh tế khoảng 2,3 triệu tỷ đồng thì mức bảo lãnh chưa đến 2.000 tỷ đồng là con số rất nhỏ, do vậy khả năng hỗ trợ SMEs còn rất hạn chế.
Đối với một địa phương, giá trị nguồn vốn với khoảng hơn 100 tỷ đồng là số tiền nhỏ trong việc hỗ trợ doanh nghiệp. Bên cạnh đó, thực tế cho thấy chỉ có 40% quỹ tại các địa phương là có số vốn được bố trí từ 100 tỷ đồng trở lên, còn lại số lượng lớn các quỹ có vốn thấp, có quỹ nguồn vốn chỉ đạt 4 tỷ đồng. nguồn vốn của các quỹ BLTD khá hạn hẹp, chủ yếu là hỗ trợ từ ngân sách địa phương (cấp vốn điều lệ ban đầu, cấp bổ sung vốn điều lệ). Quy mô và năng lực khiêm tốn của quỹ BLTD cho SMEs chưa thật sự đáp ứng được nhu cầu trong việc bảo lãnh vay vốn phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh; chưa thể hiện được vai trò kết nối vốn với ngân hàng thương mại.
Ba là, quy chế BLTD đối với SMEs quá chặt chẽ. Thực tế cho thấy, SMEs có quy mô vốn nhỏ, vốn chủ sở hữu và năng lực tài chính hạn chế; trình độ quản trị doanh nghiệp bất cập, thiếu phương án kinh doanh khả thi; số liệu thiếu chính xác; thiếu hoặc không đủ tài sản đảm bảo… Tại Điều 16 Nghị định số 34/2018/NĐ-CP quy định việc bảo lãnh của quỹ phải có tài sản thế chấp - trong khi SMEs khó tiếp cận vay vốn ngân hàng thương mại cũng bởi họ thiếu điều kiện này.
Bốn là, do vốn điều lệ của các quỹ BLTD cho SMEs 100% từ ngân sách nhà nước nên việc quy trách nhiệm khi xảy ra thua lỗ, thất thoát vốn do bảo lãnh, cho vay SMEs cũng khá chặt chẽ, trong khi tỷ lệ rủi ro không nhỏ.
Năm là, nhiều quỹ hoạt động khó khăn. Một bộ phận quỹ là hoạt động dưới hình thức uỷ thác, giao chức năng BLTD cho các quỹ tài chính tại địa phương. Một số Quỹ thực hiện giao nhiệm vụ cho Quỹ Đầu tư phát triển địa phương đã và đang trong quá trình chuyển sang hoạt động theo phương thức độc lập hoặc ủy thác như Quỹ BLTD ở Thành phố Hà Nội, Bắc Ninh, Bình Dương… Một số Quỹ đang nghiên cứu, xem xét lên phương án giải thể Quỹ BLTD vì không đáp ứng đủ vốn điều lệ theo quy định, như: Quỹ BLTD tỉnh Yên Bái, Ninh Thuận…
Như vậy, số lượng các địa phương có quỹ hoạt động đã ít, một số quỹ còn thực hiện theo mô hình ủy thác, một số khác đang xem xét giải thể. Điều này khiến cho hoạt động BLTD của hệ thống các quỹ càng gặp khó khăn.
Bên cạnh đó, do quy định về điều kiện bảo lãnh, quy định về bảo toàn và phát triển vốn nên một số quỹ do không có doanh nghiệp bảo lãnh đã gửi tiền vào các ngân hàng thương mại dẫn đến việc sử dụng nguồn vốn NSNN cho quỹ BLTD chưa đúng mục tiêu, hiệu quả hoạt động của các quỹ BLTD cho SMEs không cao, thậm chí để xảy ra thất thoát. Một số quỹ đã phải giải thể hoặc thậm chí xảy ra sai phạm trong quá trình hoạt động.
GIẢI PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG QUỸ BLTD CHO SMES
Quỹ BLTD cho SMEs đã chứng minh được vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy khả năng tiếp cận vốn của SMEs. Để nâng cao hiệu quả BLTD cho SMEs tại Việt Nam, thời gian tới cần thực hiện những giải pháp sau:
Thứ nhất, Chính phủ nên thành lập một Quỹ BLTD quốc gia, hợp nhất sức mạnh theo hướng các quỹ địa phương như hệ thống chi nhánh và có các cơ chế bổ sung nguồn lực từ các quỹ dự trữ, tái cấp vốn để tăng quy mô vốn điều lệ, giúp hệ thống quỹ hoạt động hiệu quả hơn. Có thể tham khảo mô hình Quỹ BLTD Hàn Quốc (KODIT). KODIT có 1 trụ sở chính, 9 cơ sở địa phương, 109 chi nhánh và 2536 nhân viên tại Hàn Quốc. Lĩnh vực hoạt động chính của KODIT gồm: BLTD cho đối tượng SMEs có hoạt động kinh doanh hiệu quả. Hạn mức bảo lãnh từ 2,6 triệu USD (thông thường) đến 8,6 triệu USD (cao nhất). Tỷ lệ bảo lãnh: 70% - 85%, dựa theo cấp bậc tín dụng và thời gian bảo lãnh. Tỷ lệ phí bảo lãnh: 0,5% - 3,0%, dựa theo cấp bậc tín dụng và tính chất hoạt động của doanh nghiệp. Một lĩnh vực khác trong hoạt động của Quỹ là bảo hiểm tín dụng, giúp bảo vệ nhằm tránh những thiệt hại về tài chính cho SMEs; Giảm thiệt hại bán hàng thông qua việc bồi thường lên tới 80% đối với khoản tiền khách hàng không trả hoặc không có khả năng trả; Tăng doanh số bán hàng, tạo điều kiện cho người tham gia bảo hiểm (người bán) và người mua có thể giao dịch tín dụng lâu dài, từ đó giúp tăng doanh số bán hàng của người tham gia bảo hiểm; Tăng hiệu quả quản lý rủi ro: Dịch vụ bảo hiểm cho phép người tham gia bảo hiểm có thể biết tình trạng tín dụng của người mua. Tính đến cuối năm 2021, KODIT đã bảo lãnh cho 134 doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam với số tiền nhận bảo lãnh là 214,9 tỷ won (tương đương 4.054,7 tỷ đồng). Theo đó, cần:
Một là, quỹ bảo lãnh này được thống nhất trong toàn quốc, có thể phải trực thuộc thẳng Chính phủ, không trực thuộc bộ ngành nào. Ví dụ như ở Mỹ, tồn tại một Cục Doanh nghiệp nhỏ và vừa nhưng trực thuộc Tổng thống và có quỹ bảo lãnh cho SMEs. Toàn bộ bảo lãnh đó là tín chấp, có tỷ lệ trích lập dự phòng rủi ro, có hệ thống xếp hạng tín dụng để đánh giá các doanh nghiệp SME, trong đó có phần thông qua bộ thông tin của các Hiệp hội là người bình bầu đánh giá, chấm điểm cho doanh nghiệp. Các Hiệp hội là những tổ chức sát sườn với doanh nghiệp nhất, trong khi công nghệ 4.0 đã cho phép chúng ta có thể thu thập được thông tin xếp hạng tín nhiệm, cho ra được kết quả, ai có thể được bảo lãnh và được bảo lãnh đến mức nào.
Từ kinh nghiệm đó, quỹ bảo lãnh phải được hình thành và trực thuộc thẳng Thủ tướng (nằm trong Văn phòng Chính phủ), thành lập Cục chính sách SMEs để quản lý.
Hai là, về tổ chức nên là quỹ của toàn quốc gia, các quỹ địa phương nên sắp xếp lại là một chi nhánh trực thuộc Quỹ Trung ương, từ đó mới hợp nhất thành sức mạnh của tất cả nguồn lực toàn quốc nâng mức vốn điều lệ cao lên. Một số địa phương như ở TP. Hồ Chí Minh hay Hà Nội sẽ phát sinh những khoản bảo lãnh lớn, còn các tỉnh nhỏ thì phát sinh những khoản bảo lãnh nhỏ, nhưng tổng nguồn lực của các tỉnh gộp lại sẽ lớn hơn rất nhiều. Tất cả các sản phẩm bảo lãnh như thế nào, quy chế, quy trình ra sao phải do Trung ương ban hành và quản lý.
Ba là, Nghị định của Chính phủ phải công bố ngay hoạt động của quỹ bảo lãnh là nhằm bảo lãnh tín chấp cho các doanh nghiệp SME, vốn đối ứng của doanh nghiệp cho phương án, dự án vay vốn khoảng 20%. Nếu có tài sản bảo đảm thì chỉ chiếm khoảng 20-30%. Cùng với đó, khi đã giao vốn thì Quỹ phải chịu trách nhiệm khoản bảo lãnh đúng đối tượng, đúng tôn chỉ mục đích và phải gia tăng được khả năng huy động vốn của doanh nghiệp. Đây là quỹ không vì lợi nhuận nhưng phải an toàn, tháo gỡ được khó khăn cho doanh nghiệp và đảm bảo được nghĩa vụ trả nợ trong các chu kỳ bảo lãnh nếu có phát sinh.
Bốn là, trong quá trình hoạt động, việc thu phí bảo lãnh phải được công khai, minh bạch cho tất cả các doanh nghiệp SME khi tiếp cận quỹ. Chi phí của quỹ theo nguyên tắc thị trường, phải trích lập dự phòng rủi ro trên cơ sở thu nhập từ phí bảo lãnh, để bảo đảm có thể có những món rủi ro xảy ra, sẽ bù đắp được. Nếu doanh nghiệp SME phá sản giải thể, không còn nguồn để hoàn thành nghĩa vụ bảo lãnh, thì sẽ được xóa bỏ. Còn nếu tiếp tục yêu cầu Chủ tịch quỹ chịu trách nhiệm bảo toàn vốn, không hình thành cơ chế trích lập dự phòng, thì sẽ không ai dám làm.
Năm là, về nguồn lực cho quỹ, Nhà nước sẽ phải nghiên cứu các nguồn lực tài chính từ các quỹ dự trữ khác nhau, hoặc từ một phần tái cấp vốn của Ngân hàng Trung ương để hỗ trợ quỹ này ra đời, hoạt động thì mới khả thi. Tránh tình trạng hô khẩu hiệu nhưng không thực hiện. Một điều cần nhắc lại đó là, việc xếp hạng tín nhiệm phải khẩn trương được thành lập, triển khai. Trong chiến lược tài chính quốc gia, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt có năm công ty xếp hạng tín nhiệm quốc gia, tuy nhiên đến nay hoạt động mới có 1 đơn vị, nhưng cũng chưa hiệu quả. Rất cần sự xắn tay tham gia của các Hiệp hội vào hoạt động này, Hiệp hội phải thể hiện được vai trò, sứ mạng của mình trong việc hỗ trợ thành viên của mình một cách tốt nhất.
Thứ hai, xây dựng hệ số tín nhiệm của các SMEs, tạo điều kiện để các quỹ BLTD khai thác cơ sở dữ liệu, phục vụ hoạt động BLTD. Hiện nay, các ngân hàng thương mại đã có hệ thống thẩm định tín dụng có thể đánh giá mức độ tín nhiệm của các SMEs mà quỹ có thể bảo lãnh. Theo đó, NHNN nên chỉ đạo các tổ chức đánh giá hệ số tín nhiệm của các ngân hàng thương mại phối hợp với các quỹ BLTD để vừa khai thác tốt cơ sở dữ liệu của SMEs, vừa tiết kiệm chi phí, vừa tránh được sự chồng chéo đối với việc thẩm định khoản vay giữa quỹ BLTD và các ngân hàng.
Bên cạnh đó, các địa phương cần quan tâm bố trí trong dự toán ngân sách để cấp đủ vốn cho quỹ BLTD; đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện và quản lý quỹ BLTD, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Thứ ba, cần xây dựng cơ chế phối hợp hiệu quả giữa các bên bao gồm: Quỹ BLTD cho SMEs, ngân hàng thương mại, hiệp hội, chính quyền địa phương… để tránh trường hợp các ngân hàng thương mại không thanh toán được tiền bảo lãnh từ các quỹ BLTD cho SMEs như đã xảy ra trước đây. Tăng cường vai trò Hiệp hội SMEs, thúc đẩy gắn kết với các hiệp hội SMEs địa phương (nhất là trong cung cấp thông tin, tư vấn, đào tạo và kết nối...) cùng với các ngân hàng thương mại trong việc thẩm định, hỗ trợ tài chính cho SMEs.
Thứ tư, hoàn thiện quy trình hoạt động của quỹ BLTD cho SMEs, bao gồm: (a) Xem xét lại các yêu cầu đối với bảo lãnh cho SMEs để đảm bảo các đối tượng này có thể tiếp cận được; (b) Cần thiết phải có sự thống nhất hoặc ủy quyền cao nhất cho các ngân hàng thương mại để đảm bảo rút gọn việc thẩm định phương án vay của SMEs, hạn chế việc thẩm định 2 lần từ quỹ BLTD cho SMEs và ngân hàng thương mại, gây ra tình trạng lệch nhau về mặt khẩu vị rủi ro giữa các quỹ BLTD cho SMEs và ngân hàng thương mại. Đảm bảo thực hiện đúng nghĩa vụ bảo lãnh khi xảy ra rủi ro.
Thứ năm, xem xét tăng mức BLTD, đồng thời giảm bớt quy định về điều kiện để được cấp BLTD, thay đổi tỷ lệ BLTD, đơn giản hóa thủ tục cho SMEs… nhằm giúp các doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn vay thực hiện các dự án đầu tư để phát triển kinh tế - xã hội địa phương./.
Tài liệu tham khảo
-
KODIT (2022), Bài trình bày tại Hội thảo “Đánh giá tình hình thực hiện Nghị định 34/2018/NĐ-CP về thành lập, tổ chức và hoạt động của quỹ BLTD cho SMEs; Bộ Tài chính tổ chức tại Hà Nội.
-
OECD (2024), Báo cáo chính sách SMEs và khởi nghiệp tại Việt Nam.
-
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Hội nghị “Các giải pháp tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh”,
-
Chính phủ (2018), Nghị định số 34/2018/NĐ-CP, ngày 08/3/2018 về việc thành lập, tổ chức và hoạt động của quỹ BLTD cho SMEs.
-
Pham Tien Dat el al (2023), Developing Credit Guarantee activities for small and medium enterprises: international experience, current situation and recommendations for Vietnam, Finance and acounting for the promotion off subtainable development in the private Sector – FASPS5), Academy Of Finance, 2023.
Ngày nhận bài: 25/02/2025; Ngày phản biện: 05/3/2025; Ngày duyệt đăng: 12/3/2025 |
Bình luận