Các chính sách phát triển kinh tế của Đảng và nhà nước Việt Nam đối với vùng biên giới Việt Nam - Lào: Trường hợp tỉnh Quảng Nam
ThS. Lê Thị Thỏa
Viện Dân tộc học và Tôn giáo học
Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam
Tóm tắt
Chính sách phát triển kinh tế vùng biên giới nói chung, vùng biên giới Việt - Lào nói riêng là quan điểm và định hướng đúng đắn của Đảng, được nhấn mạnh qua các kỳ Đại hội. Tuy nhiên, do đặc thù và nguồn lực của các vùng biên giới khác nhau, nên Nhà nước có quan điểm riêng phát triển kinh tế phù hợp với thực tiễn từng vùng. Trên cơ sở đánh giá chung về các chính sách biên giới Việt – Lào, và các chính sách đặc thù cho huyện biên giới tỉnh Quảng Nam, bài viết chỉ ra những hạn chế đang tồn tại hiện nay, từ đó đưa ra một số kiến nghị, đề xuất.
Từ khóa: Biên giới Việt – Lào, vùng biên giới, tỉnh Quảng Nam
Summary
The policy of economic development in border regions in general, and the Vietnam–Laos border region in particular, reflects the Party’s viewpoints and orientations, as emphasized through various National Congresses. However, due to the specific characteristics and resource disparities among different border areas, the State adopts distinct perspectives to develop region-specific economic policies suited to local realities. Based on an overall assessment of the Vietnam–Laos border policies and specific policies for border districts in Quang Nam Province, this article highlights existing limitations and offers several recommendations and proposals.
Keywords: Vietnam - Laos border, border region, Quang Nam Province
GIỚI THIỆU
Thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách đối với vùng đặc biệt khó khăn, biên giới và đồng bào dân tộc thiểu số. Hệ thống các chính sách bao quát nhiều lĩnh vực của đời sống, như: chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, y tế, quốc phòng, an ninh. Đối với vùng biên giới, thường ít có chính sách phát triển kinh tế đặc thù riêng biệt, mà được lồng ghép trong hệ thống các chính sách chung, tổng thể phát triển kinh tế cho đồng bào dân tộc thiểu số. Việt Nam có 54 dân tộc, trong đó có tới 53 dân tộc thiểu số, với khoảng 14,12 triệu người (chiếm 14,7%) dân số cả nước, hầu hết sinh sống ở địa bàn miền núi vùng sâu, vùng xa, biên giới thuộc khu vực phía Bắc, Tây Nguyên, Bắc Trung Bộ, Duyên hải miền Trung và Tây Nam Bộ. Vì vậy, chú trọng phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số cũng chính là phát triển vùng biên giới.
Biên giới Việt Nam- Lào có tổng chiều dài hơn 2.300 km đi qua 10 tỉnh Điện Biên, Sơn La, Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam và Kon Tum. Vùng biên giới Việt - Lào được cho là chậm phát triển do nhiều yếu tố tác động, như: địa hình phức tạp, kém thuận lợi, các xã biên giới của vùng có tỷ lệ hộ nghèo đa chiều và mức sống thấp hơn các xã nội địa. Điển hình như tỉnh Quảng Nam có 9/14 xã biên giới có tỷ lệ hộ nghèo cao hơn tỷ lệ hộ nghèo chung toàn tỉnh (46,6%), 5/8 xã biên giới của huyện Tây Giang có tỷ lệ hộ nghèo cao hơn tỷ lệ hộ nghèo bình quân của huyện (42,6%), 4/6 xã biên giới thuộc huyện Nam Giang có tỷ lệ hộ nghèo cao hơn tỷ lệ hộ nghèo bình quân của huyện (48,57%) (Bùi Văn Đạo, 2020).
Các chính sách phát triển kinh tế vùng biên giới Việt – Lào nói chung, tỉnh Quảng Nam nói riêng có ý nghĩa thiết thực, có nhiều tác động tích cực. Tuy nhiên, trong thực tế, nhiều vấn đề còn nảy sinh. Do đó, nghiên cứu phân tích chính sách phát triển kinh tế khu vực biên giới Việt – Lào, trường hợp điển hình tại tỉnh Quảng Nam.
QUAN ĐIỂM, CHÍNH SÁCH CỦA ĐẢNG VÀ NHÀ NƯỚC VIỆT NAM ĐỐI VỚI PHÁT TRIỂN KINH TẾ VÙNG BIÊN GIỚI VIỆT NAM-LÀO
Đảng và Nhà nước ta trong thời gian qua chú trọng quan tâm giảm nghèo, phát triển bền vững vùng dân tộc thiểu số và miền núi khu vực biên giới, hợp tác về quốc phòng Việt Nam - Lào... Cụ thể, ngày 10/8/2009, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1179/QĐ-TTg Phê duyệt Quy hoạch bố trí ổn định dân cư các xã biên giới Việt Nam - Lào thuộc các tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam và Kon Tum đến năm 2015. Mục tiêu tổng quát là đến năm 2015, cơ bản bố trí ổn định dân cư các xã biên giới Việt Nam - Lào thuộc các tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam và Kon Tum, để khai thác có hiệu quả tiềm năng, phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho đồng bào các dân tộc, đồng thời bảo vệ vững chắc an ninh biên giới. Với tổng mức đầu tư 3.518 tỷ đồng, trong đó, nguồn vốn đầu tư được lồng ghép từ nguồn vốn các chương trình dự án hiện có trên địa bàn; vốn hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách Trung ương để đầu tư các dự án ổn định dân các xã biên giới Việt Nam - Lào khoảng 1.748 tỷ đồng (chiếm 49,7% tổng nhu cầu vốn đầu tư).
Khu vực biên giới Việt Nam - Lào hiện có 8 cặp cửa khẩu quốc tế, 7 cửa khẩu quốc gia, 18 lối mở biên giới và 8 khu kinh tế đặc thù, 36 chợ biên giới. Hai nước đã ký kết hiệp định hợp tác giao thương biên giới năm 2015 và đạt được các thành tựu tích cực trên nhiều mặt, khuyến khích thương mại và đầu tư đôi bên được đẩy mạnh, thu hút các doanh nghiệp đầu tư trên nhiều lĩnh vực, góp phần quảng bá sản phẩm, thế mạnh phát triển xuất khẩu và cung cấp hàng hóa, dịch vụ giữa các địa phương hai nước. Đến nay, Việt Nam đã tham gia đầu tư vào tổng cộng 414 dự án tại Lào với giá trị 4,2 tỷ USD, đứng thứ 3 trong nhóm các quốc gia đầu tư vào Lào. Đặc biệt trong đó, tại 10 tỉnh biên giới của Cộng hòa dân chủ nhân dân (CHDCND) Lào hiện có 110 dự án đầu tư trực tiếp của doanh nghiệp Việt Nam, trị giá trên 2,7 tỷ USD, các dự án này đóng góp vào nguồn thu ngân sách nhà nước, đồng thời mang lại lợi ích cho kinh tế-xã hội, góp phần vào công cuộc giảm nghèo của Lào (Ban Quản lý cửa khẩu Kon Tum).
CHÍNH SÁCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ VÙNG BIÊN GIỚI VIỆT NAM – LÀO TẠI TỈNH QUẢNG NAM
Phát triển kinh tế - xã hội
Quảng Nam là tỉnh biên giới khu vực Duyên hải miền Trung, có 09 huyện miền núi gồm: Đông Giang, Tây Giang, Phước Sơn, Nam Giang, Nam Trà My, Bắc Trà My, Hiệp Đức, Tiên Phước, Nông Sơn; trong đó, huyện Tây Giang và Nam Giang là huyện biên giới với 14 xã (tổng 145,5 km) có đường biên giới với huyện Sê Kông của nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào. Đây cũng là tỉnh tập trung tới 90% dân tộc thiểu số. Trong thời gian qua, Tỉnh đã chú trọng phát triển kinh tế - xã hội nói chung, cũng như phát triển kinh tế khu vực biên giới nói riêng.
Là tỉnh biên giới Việt - Lào, Quảng Nam được thụ hưởng rất nhiều Chương trình, Chính sách dân tộc nói chung, phát triển kinh tế nói riêng. Tại thời điểm tháng 5/2019, 03 huyện nghèo là Tây Giang, Nam Trà My và Phước Sơn được thụ hưởng chính sách theo nghị quyết 30a của chính phủ; 3 huyện Bắc Trà My, Đông Giang, Nam Giang được bổ sung theo Quyết định số 615/QĐ-TTg ngày 25/4/2011 và Quyết định số 293/QĐ-TTg ngày 5/2/2013 của Thủ tướng Chính phủ quy định được thụ hưởng 70% theo Nghị quyết 30a (gọi 30b).
Các Chương trình, chính sách phát triển kinh tế- xã hội đã triển khai trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2016-2020 có thể kể đến như:
(i) Chương trình 135: Triển khai 3 giai đoạn, đầu tư hỗ trợ cho các xã, thôn đặc biệt khó khăn; với mức đầu tư bình quân 1 tỷ/xã/năm, 200 triệu/thôn/năm.
(ii) Quyết định 102/2009/QĐ-TTg ngày 07/8/2009 của Thủ tướng Chính phủ (hết hiệu lực từ 01/01/2019): hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt hoặc hiện vật, như: giống cây trồng, dụng cụ sản xuất hoặc thực phẩm hay cấp tiền mặt cho người thuộc hộ nghèo ở vùng khó khăn.
(iii) Quyết định 755/TTg ngày 20/5/2013 của Thủ tướng Chính phủ: phê duyệt Chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn. Trong năm 2016, Quảng Nam đã được hỗ trợ 30 tỷ đồng để thực hiện quyết định này.
Các Chương trình, chính sách phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025 tại tỉnh Quảng Nam tập trung vào các nhóm dự án quan trọng, phát triển vùng Tây tỉnh Quảng Nam, bao gồm:
- Nhóm dự án bảo vệ phát triển rừng, bảo tồn đa dạng sinh học gắn với phát triển kinh tế rừng và lâm sản ngoài gỗ: với các hạng mục trồng rừng, nâng cao chất lượng trồng rừng gỗ lớn theo chứng chỉ FSC của Quyết định số 114/QĐ-UBND ngày 16/4/2020 của UBND tỉnh Quảng Nam về kế hoạch hỗ trợ trồng rừng gỗ lớn; về phát triển các loại dược liệu; đầu tư khu vực trồng, bảo tồn chủ động kết hợp sản xuất giống 3 loại cây dược liệu Đảng sâm, Sa nhân tím và Ba kích tím theo Nghị quyết số 09/2022/NQ-HĐND ngày 21/4/2022 về quy định cơ chế khuyến khích, bảo tồn, phát triển sâm Ngọc linh và cây dược liệu khác trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2022-2025.
- Dự án phát triển kết cấu hạ tầng trọng điểm: giai đoạn 2021-2023, ngoài vốn đầu tư xã hội, tỉnh tập trung huy động các nguồn lực đầu tư công cho khu vực miền núi với tổng vốn đầu tư hơn 5.065 tỷ đồng, chiếm 33% tổng vốn đầu tư toàn tỉnh. Nguồn vốn đầu tư công chủ yếu tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, tăng cường kết nối trong khu vực và kết nối với vùng đông, đáp ứng cơ bản hạ tầng thiết yếu cho người dân và tạo động lực phát triển khu vực, khuyến khích và thu hút nguồn vốn đầu tư xã hội. Nhờ đó, hệ thống giao thông kết nối được hình thành, từng bước phát huy hiệu quả đầu tư, tạo mạng lưới giao thông theo trục Đông Tây và trục Bắc Nam, hệ thống giao thông nông thôn được nâng cấp, mở rộng và kiên cố hóa tạo sự thông suốt từ quốc lộ đến tỉnh lộ, từ trung tâm tỉnh lị đến tất cả các huyện và trung tâm xã… đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội khu vực miền núi.
- Dự án phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại, sản phẩm OCOP gắn với phát triển du lịch cộng đồng: Nghị quyết 35/2021/NQ-HĐND ngày 29/9/2021 định hướng, khuyến khích nông dân tích cực cải tạo vườn tạp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con vật nuôi nhằm góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống và thực hiện thành công các Chương trình mục tiêu quốc gia đang triển khai cũng như hướng tới sự phát triển bền vững, mang lại thu nhập cao từ kinh tế vườn, kinh tế trang trại; Quyết định số 1599/QĐ-UBND phê duyệt đề án “Chương trình mỗi xã một sản phẩm tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2030”. Kết quả thực hiện tại 9 huyện miền núi đã có 141 sản phẩm được tỉnh công nhận đạt 03 đến 04 sao, chiếm 42,3% tổng số sản phẩm được công nhận toàn tỉnh; Nghị quyết số 47/2018/NQ-HĐND ngày 6/12/2018 quy định một số chính sách hỗ phát triển du lịch miền núi Quảng Nam đến năm 2025, giai đoạn 2019-2025 tỉnh Quảng Nam đã hỗ trợ hơn 92 tỷ đồng.
Ngoài ra còn có các nhóm dự án về phát triển du lịch kết hợp bảo tồn văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số và hình thành các khu du lịch nghỉ dưỡng chất lượng cao; Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021-2025.
Phát triển kinh tế cửa khẩu
Tỉnh Quảng Nam có 2 cửa khẩu với CHDCND Lào, là cửa khẩu quốc tế Nam Giang và cửa khẩu Tây Giang.
Cửa khẩu Nam Giang. Ngày 24/3/2009, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 387/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế cửa khẩu Nam Giang, tỉnh Quảng Nam đến năm 2025, định hướng phát triển lấy khu kinh tế cửa khẩu làm động lực để phát triển kinh tế - xã hội các xã và đảm bảo quốc phòng, an ninh trên địa bàn huyện và vùng. Phát triển kinh tế của vùng gắn với khu kinh tế cửa khẩu và kinh tế nông, lâm, nghiệp trồng và chăm sóc rừng và đảm bảo quốc phòng, an ninh. Ngoài ra, việc xây dựng khu kinh tế cửa khẩu Nam Giang với định hướng chính là phát triển thương mại, dịch vụ với các chức năng đặc biệt liên quan đến xuất, nhập khẩu, hội chợ và triển lãm quốc tế, sản xuất, gia công, chế biến hàng xuất khẩu; tạm nhập tái xuất, quá cảnh hàng hóa quốc tế; gắn với hệ thống dịch vụ tài chính, ngân hàng, bảo hiểm… nhằm thúc đẩy giao lưu kinh tế thương mại giữa Việt Nam và Lào, đặc biệt khu vực Nam Lào và vùng Đông Bắc của Thái Lan đến cảng Đà Nẵng và các vùng kinh tế khác thuộc miền trung Việt Nam. Tỉnh Quảng Nam đã đầu tư 938 tỷ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ cho quản lý, kiểm soát và thu hút nhà đầu tư. Đến 14/8/2021, cửa khẩu Nam Giang được nâng cấp thành cửa khẩu quốc tế.
Cửa khẩu Tây Giang thuộc địa phận xã Chờ Ơm, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam, được kết nối với cửa khẩu Kà Lừm thuộc tỉnh Sê Kông của CHDCND Lào. Ngày 25/4/2013, cửa khẩu này chính thức được khai trương nhằm thúc đẩy hoạt động giao lưu kinh tế, thương mại giữa hai nước Việt Nam và Lào. Năm 2017, Quảng Nam đầu tư 150 tỷ đồng xây dựng đường giao thông kết nối từ cửa khẩu Tây Giang với tỉnh lộ 606, với chiều dài gần 12km, tạo điều kiện cho người dân trong vùng thuận tiện đi lại, vận chuyển hàng hóa, thúc đẩy kinh tế thương mại của khu vực biên giới với các địa phương sâu trong nội địa và Lào.
Một số tồn tại, hạn chế
Nhìn chung, các Chương trình, chính sách đầu tư, phát triển kinh tế vùng biên giới Việt - Lào nói chung, tại vùng dân tộc và miền núi của tỉnh Quảng Nam nói riêng cơ bản được các địa phương triển khai thực hiện, đảm bảo đúng đối tượng, mức quy định. Các chương trình, chính sách tạo động lực mạnh mẽ và tác động tích cực vào sản xuất, đời sống, nhận thức của người dân, nhất là chương trình 135; cơ sở hạ tầng thiết yếu ngày càng được cải thiện làm thay đổi bộ mặt nông thôn miền núi có khởi sắc đáng kể; góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi Quảng Nam từ 40,85% xuống còn 30,19%, bình quân mỗi năm giảm 5,33 % (Ban Dân tộc tỉnh Quảng Nam).
Tuy nhiên, thực tế triển khai còn một số tồn tại, hạn chế, như:
(i) Nhiều chính sách được ban hành nhưng nguồn lực không đảm bảo theo kế hoạch, thời gian ngắn, khó hoàn thành các chỉ tiêu đặt ra.
(ii) Nguồn lực con người hạn chế, do sự chênh lệch về trình độ tiếp nhận cũng như biện pháp áp dụng thực tiễn, việc cấp các loại giống cây trồng vật nuôi không phải giống bản địa, nên cần áp dụng kỹ thuật để chăm sóc, phát triển nhưng người dân không quen, chưa tiếp cận một cách tích cực, đó cũng là rào cản dẫn đến một số chính sách phát triển kinh tế- xã hội vùng biên giới Việt Nam - Lào tại tỉnh Quảng Nam không đạt mục tiêu như mong đợi. Thực tế, năng lực đội ngũ cán bộ cấp cơ sở xã, thôn là nơi trực tiếp tư vấn, hướng dẫn, tổ chức người dân thực hiện các chính sách thì còn nhiều hạn chế, không nắm được hết chủ trương và mục đích của chính sách, chưa linh hoạt về cách tổ chức, hướng dẫn, triển khai.
(iii) Việc tổ chức quản lý và hướng dẫn thực hiện đến đối tượng được hưởng lợi chưa sát sao, sai đối tượng, chưa có cán bộ chuyên trách tư vấn, hỗ trợ, giúp đỡ người dân trong quá trình tổ chức thực hiện chính sách.
(iv) Chi phí quản lý, điều hành nhiều chính sách không có, do đó công tác kiểm tra, đánh giá, bổ sung, sửa đổi chính sách không sâu sát, chưa kịp thời.
KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ
Để phát huy hiệu quả các chính sách phát triển kinh tế vùng biên giới Việt- Lào nói chung, biên giới Việt – Lào tại tỉnh Quảng Nam nói riêng, cần lưu ý một số giải pháp sau:
Một là, cần rà soát lại cơ chế, chính sách, xây dựng những chính sách phù hợp với tình hình mới và bối cảnh đặc thù của địa phương.
Hai là, tính toán nguồn lực phù hợp, để các chính sách phát huy hiệu quả. Bởi, nguồn lực là yếu tố tiên quyết để Chính sách triển khai có hiệu quả. Do đó, khi phê duyệt và ban hành các chính sách, Chính phủ nên cân đối và đáp ứng được nguồn vốn và có kế hoạch phân bổ công khai, giải ngân kịp thời để địa phương triển khai thực hiện có hiệu quả và đạt mục tiêu chính sách đề ra.
Ba là, cần sự phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả giữa các ban, ngành của huyện và các xã. Việc tổ chức thực hiện chương trình chính sách phải có cán bộ chuyên trách đến cơ sở và bố trí kinh phí để điều hành, quản lý như tư vấn, hỗ trợ, giúp đỡ người dân; công tác kiểm tra, tổ chức sơ kết, tổng kết đánh giá chính sách.
Bốn là, với đặc thù các huyện biên giới trên địa bàn tỉnh Quảng Nam tập trung tới 90% đồng bào dân tộc thiểu số, vì vậy bên cạnh các hạng mục đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, mô hình phát triển kinh tế - xã hội tại các vùng đặc biệt khó khăn cần chú ý nguồn đào tạo, bồi dưỡng kiến thức và đặc biệt là truyền thông về chính sách tới người dân, đó là yếu tố cốt lõi của việc thực hiện chính sách phát triển kinh tế đạt hiệu quả./.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. A Lăng Ngước (2021). Ước vọng kinh tế cửa khẩu Nam Giang, truy cập từ https://baoquangnam.vn/kinh-te/uoc-vong-kinh-te-cua-khau-nam-giang-116803.html.
2. Bùi Văn Đạo (2020). Một số vấn đề cơ bản cấp bách trong phát triển bền vững các dân tộc thiểu số tại chỗ khu vực Tây duyên hải miền Trung, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
3. Thủ tướng Chính phủ (2009). Quyết định số 1179/QĐ-TTg ngày 10/8/2009 của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt Quy hoạch bố trí ổn định dân cư các xã biên giới Việt Nam - Lào thuộc các tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam và Kon Tum đến năm 2015.
4. Đoàn Hữu Trung (2017). Quảng Nam đầu tư 150 tỷ đồng mở đường lên cửa khẩu Tây Giang - Kà Lừm, truy cập từ https://bnews.vn/quang-nam-dau-tu-150-ty-dong-mo-duong-len-cua-khau-tay-giang-ka-lum/62177.html.
5. Kim Hằng (2021). Một số chính sách lớn của Đảng và Nhà nước về vấn đề dân tộc đã thúc đẩy vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi từng bước phát triển kinh tế ổn định cuộc sống, truy cập từ http://dttg.ubdt.gov.vn/nghien-cuu-trao-doi/mot-so-chinh-sach-lon-cua-dang-va-nha-nuoc-ve-van-de-dan-toc-da-thuc-day-vung-dong-bao-dtts-va-mien-nui-tung-buoc-phat-trien-kinh-te-on-dinh-cuoc-song.htm.
6. Nguyễn Thu Thanh (2021). Chính sách dân tộc của Việt Nam qua 35 đổi mới, truy cập từ Https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/van_hoa_xa_hoi/-/2018/821701/chinh-sach-dan-toc-cua-viet-nam-qua-35-nam-doi-moi.aspx.
7. Trịnh Quang Cảnh và cộng sự (2019). Hệ thống hóa và đánh giá các nghiên cứu về chính sách dân tộc của Việt Nam từ 1986 đến nay, Nxb. Khoa học xã hội.
Ngày nhận bài: 08/5/2025; Ngày hoàn thiện biên tập: 16/5/2025; Ngày duyệt đăng: 19/5/2025 |
Bình luận