Các nhân tố ảnh hưởng đến ý định lựa chọn homestay của du khách khi đến Đồng Tháp
ThS. Phạm Ngọc Dũng, email: dungpn@huit.edu.vn
Huỳnh Phạm Tiểu Nhất Thiên, Nguyễn Lâm Thúy Duy
Trường Đại học Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh
Tóm tắt
Ở các điểm đến có những giá trị độc đáo về văn hóa và tự nhiên nhưng không có điều kiện phát triển các loại hình lưu trú hiện đại, như: khách sạn, resort, thì homestay là hướng phát triển đáng quan tâm. Nghiên cứu thực nghiệm thông qua khảo sát 336 du khách đến Đồng Tháp để phân tích các nhân tố ảnh hưởng đến Ý định lựa chọn homestay để lưu trú. Kết quả nghiên cứu chỉ ra, 3 nhân tố ảnh hưởng đến Ý định lựa chọn loại hình lưu trú homestay của du khách khi tới Đồng Tháp xếp theo mức độ giảm dần lần lượt là: Giá trị bản địa; Ảnh hưởng bên ngoài; Phương tiện hữu hình. Trên cơ sở đó, nghiên cứu đề xuất các hàm ý quản trị tương ứng để phát huy tối đa tài nguyên du lịch, phát triển dịch vụ du lịch, nhằm thu hút du khách lưu trú tại Đồng Tháp.
Từ khóa: lưu trú, homestay, giá trị bản địa, điểm đến, Đồng Tháp
Summary
In destinations that have unique cultural and indigenous values but do not have the conditions to develop modern types of accommodation, such as hotels and resorts, homestays are an interesting development direction. Empirical research through a survey of 336 tourists to Dong Thap to analyze factors affecting their intention to choose a homestay to stay. Research results show that 3 factors affect the intention to choose a homestay type of accommodation of tourists when coming to Dong Thap, ranked in descending order: indigenous values; external influences; tangible media. On that basis, the study proposes corresponding management implications to maximize tourism resources and develop tourism services to attract tourists to stay in Dong Thap.
Keywords: accommodation, homestay, indigenous values, destination, Đong Thap
GIỚI THIỆU
Đồng Tháp là một điểm đến có lợi thế tài nguyên du lịch đặc thù, tuy nhiên điểm đến này khó có khả năng cạnh tranh loại hình lưu trú khách sạn với thành phố Cần Thơ hoặc Long Xuyên do hạn chế về cơ sở hạ tầng và không phải ở vị trí trung tâm. Theo số liệu thống kê của tỉnh Đồng Tháp, tính đến tháng 12/2023, toàn tỉnh có 45 khách sạn lưu trú, nhưng chỉ có 3 khách sạn đạt tiêu chuẩn 3 sao và số còn lại từ đủ tiêu chuẩn lưu trú du lịch cho đến khách sạn đạt tiêu chuẩn 2 sao (Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Tháp, 2024). Trong khi, loại hình lưu trú homestay có xu hướng phát triển nhanh. Nghiên cứu thực hiện khảo sát thông qua công cụ tìm kiếm google với từ khóa “homestay ở Đồng Tháp” cho thấy, có khoảng trên 30 homestay đang hoạt động tại điểm đến Đồng Tháp. Sự phát triển của loại hình lưu trú homestay đã phần nào phát huy tài nguyên du lịch, tạo ra sự hấp dẫn riêng của điểm đến Đồng Tháp. Tuy nhiên, để loại hình lưu trú homestay tăng trưởng đóng góp vào phát triển dịch vụ du lịch và phát huy tối đa tài nguyên du lịch, thì việc phân tích các nhân tố ảnh hưởng đến Ý định lựa chọn homestay của du khách khi đến Đồng Tháp để có chiến lược thu hút du khách lưu trú qua đêm tại Đồng Tháp nhiều hơn là cất cần thiết trong bối cảnh hiện nay.
CƠ SỞ LÝ THUYẾT VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
Cơ sở lý thuyết
Lý thuyết hành động hợp lý được phát triển bởi Ajzen và Fishbein (1975) cho rằng, ý định hành động được tác động bởi thái độ (đo lường bằng nhận thức về các thuộc tính của đối tượng đặc biệt là những thuộc tính mang lại lợi ích cho chủ thể) và chuẩn chủ quan (đo lường bởi sự ảnh hưởng của những người liên quan thể hiện ở việc những người này ủng hộ hay phản đối ý định của chủ thể). Mô hình lý thuyết hành động hợp lý đã giải thích được mối quan hệ giữa thái độ với ý định hành vi của chủ thể (Phạm Nguyễn Thị Hoàng Hoa, 2021). Trong khi, lý thuyết hành vi có kế hoạch cho rằng, ý định hành vi là nhân tố động cơ dẫn đến hành vi, nó chỉ báo cho việc con người sẽ cố gắng đến mức nào, hay dự định sẽ giành bao nhiêu nỗ lực vào việc thực hiện một hành vi cụ thể. Ý định hành vi chịu tác động bởi ba nhân tố bao gồm: thái độ đối với hành vi, chuẩn mực chủ quan và nhận thức về kiểm soát hành vi (Ajzen, I., 1991). Trong đó, nhận thức kiểm soát quyết định tác động cả lên ý định hành vi và quyết định của chủ thể. Như vậy, ý định hành vi bao gồm các yếu tố động cơ có ảnh hưởng đến hành vi của mỗi cá nhân và mức độ sẵn sàng hoặc nỗ lực mà mỗi cá nhân sẽ bỏ ra để thực hiện. Trong nghiên cứu này quan niệm, ý định lựa chọn nơi lưu trú hoặc ý định lựa chọn homestay được thúc đẩy bởi các động cơ để chủ thể chuẩn bị thực hiện một hành vi nào đó.
Homestay là dịch vụ lưu trú nhà dân được tổ chức để du khách ở cùng với gia đình người dân ngay tại nhà của họ và trải nghiệm văn hóa địa phương cũng như sự hiếu khách của người dân (Nguyễn Ngọc Thức, Nguyễn Thị Phương Trinh, 2021). Homestay là một loại hình cơ sở lưu trú đặc biệt trong du lịch, chủ yếu dựa vào người dân địa phương. Theo tổng hợp của nhóm nghiên cứu, các nghiên cứu đi trước đề cập đến ý định lựa chọn loại hình lưu trú tại điểm đến khi đi du lịch của người dân thường sử dụng mô hình mô hình lý thuyết hành vi có kế hoạch. Các nghiên cứu trong nước phân tích về ý định lựa chọn nơi lưu trú khi đi du lịch đã chỉ ra, các nhân tố có mức độ ảnh hưởng gồm: Quảng cáo; Tính kinh tế; Động lực; Phương tiện hữu hình và Thái độ (Nguyễn Ngọc Thức, Nguyễn Thị Phương Trinh, 2021); Giá cả; Tính dễ sử dụng; Niềm tin; Nhận thức rủi ro; Hệ thống thanh toán và Sự hữu ích.
Mô hình nghiên cứu
Kế thừa các kết quả nghiên cứu đi trước và trên cơ sở kết hợp có chọn lọc từ lý thuyết hành vi có kế hoạch, lý thuyết hành vi tiêu dùng, nhóm tác giả đề xuất mô hình nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến ý định lựa chọn homestay của du khách khi đến Đồng Tháp như Hình.
Hình: Mô hình nghiên cứu đề xuất
Nguồn: Nhóm tác giả nghiên cứu đề xuất |
Các giả thuyết nghiên cứu được đưa ra như sau:
H1: Phương tiện hữu hình có tác động theo chiều dương (+) đến Ý định lựa chọn homestay của du khách khi đến Đồng Tháp. Phương tiện hữu hình của homestay là vẻ bề ngoài của cơ sở lưu trú, trang thiết bị để thực hiện dịch vụ lưu trú hoặc những hình ảnh, thương hiệu, tài liệu về cơ sở lưu trú, ngoại hình, trang phục của chủ nhân (Parasuraman và cộng sự, 1988; Nguyễn Ngọc Thức, Nguyễn Thị Phương Trinh, 2021).
H2: Ảnh hưởng bên ngoài có tác động theo chiều dương (+) đến Ý định lựa chọn homestay của du khách khi đến Đồng Tháp. Các yếu tố bên ngoài, như: người thân, xu hướng xã hội, công nghệ, quảng cáo có ảnh hưởng đến quyết định lựa chọn loại hình lưu trú của du khách.
H3: Tính kinh tế có tác động theo chiều dương (+) đến Ý định lựa chọn homestay của du khách khi đến Đồng Tháp. Tính kinh tế được hiểu là sự hợp lý của giá cả so với dịch vụ được nhận; Đồng thời, tính kinh tế còn thể hiện ở việc hành vi lưu trú homestay mang lại lợi ích cho cộng đồng địa phương với chi phí thấp (Nguyễn Ngọc Thức, Nguyễn Thị Phương Trinh, 2021).
H4: Thái độ của du khách có tác động theo chiều dương (+) đến Ý định lựa chọn homestay của du khách khi đến Đồng Tháp. Trong việc hình thành ý định hành vi mua, thì thái độ là sự nhìn nhận của người tiêu dùng về các thuộc tính của sản phẩm, như: kiểu cách, thương hiệu và chất lượng (Vũ Huy Thông, Lê Thị Hải, 2018).
H5: Giá trị bản địa có tác động theo chiều dương (+) đến Ý định lựa chọn homestay của du khách khi đến Đồng Tháp. Nét đặc trưng của lưu trú homestay, chính là việc du khách được sinh hoạt cùng với chủ nhà, trải nghiệm những nét đặc trưng về văn hóa bản xứ, cuộc sống hằng ngày của dân bản địa và sẵn sàng tham gia chia sẻ việc nhà với gia chủ. 4 yếu tố không thể thiếu trong lưu trú homestay là ở cùng với gia đình người dân ngay tại nhà của họ; Trải nghiệm thực tế sinh động và gần gũi với cuộc sống của địa phương; Tìm hiểu sâu hơn về văn hóa, lối sống, phong tục tập quán của địa phương; Thưởng thức các loại thức ăn, đồ uống địa phương. Những trải nghiệm này không thể có ở các loại hình lưu trú khác và khách du lịch lựa chọn homestay phải tính đến trải nghiệm này.
Phương pháp nghiên cứu
Nghiên cứu sử dụng đồng thời 2 pháp định tính và định lượng, trong đó, nghiên cứu định lượng được thực hiện thông qua thu thập dữ liệu sơ cấp từ khảo sát 360 du khách đến Đồng Tháp bằng bảng hỏi thiết kế theo thang điểm Likert với 5 mức độ. Đối tượng khảo sát được lựa chọn ngẫu nhiên và thực hiện kết hợp giữa gửi biểu mẫu qua Google Form và phát bảng hỏi trực tiếp. Khảo sát được thực hiện từ tháng 8/2023 đến tháng 10/2023. Sau khi làm sạch và loại các mẫu quan sát không hợp lệ, 336 mẫu quan sát đủ điều kiện được đưa vào phân tích với sự hỗ trợ của phần mềm phân tích dữ liệu SPSS phiên bản 22.0.
KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU
Kết quả kiểm định độ tin cậy của thang đo
Kết quả phân tích Cronbach’s Alpha của 5 nhân tố độc lập với 23 biến quan sát và 1 nhân tố phụ thuộc với 3 biến quan sát cho thấy, các thang đo đều có hệ số tin cậy Cronbach’s Alpha trong khoảng từ 0,794 đến 0,908 > 0,9, đồng thời hệ số tương quan biến tổng của các biến quan sát đều > 0,3 (Bảng 1). Vì vậy, các thang đo sử dụng nghiên cứu đảm độ tin cậy và có thể sử dụng vào các phân tích nhân tố khám phá (EFA).
Bảng 1: Kết quả đánh giá độ tin cậy thang đo Cronbach’s Alpha
Thang đo | Ký hiệu | Biến quan sát | Hệ số Cronbach’s Alpha |
Phương tiện hữu hình | HH | 5 | 0,794 |
Ảnh hưởng bên ngoài | AH | 5 | 0,881 |
Tính kinh tế | KT | 5 | 0,908 |
Thái độ của du khách | TD | 4 | 0,900 |
Giá trị bản địa | BD | 4 | 0,894 |
Ý định lựa chọn homestay | YD | 3 | 0,878 |
Nguồn: Kết quả xử lý dữ liệu trên SPSS
Phân tích EFA
Từ mô hình nghiên cứu với 5 nhân tố độc lập có tổng số biến quan sát là 23 được đưa vào phân tích EFA với giả thuyết H0: “Các biến trong tổng thể không có tương quan với nhau”.
Trong lần phân tích EFA lần thứ nhất, kết quả biến TD5 tải lên 2 nhân tố, nên biến quan sát TD5 bị loại bỏ và thực hiện phân tích EFA lần thứ hai. Ở lần phân tích EFA lần thứ hai, biến quan sát KT4, KT3 tải lên 2 nhân tố, nên 2 biến quan sát KT4, KT3 bị loại bỏ và thực hiện phân tích EFA lần thứ ba. Ở lần thực hiện phân tích EFA lần thứ ba cho thấy, các biến quan sát hội tụ vào 4 nhân tố, 2 biến quan sát KT1 và KT2 thuộc nhân tố Tính kinh tế hội tụ vào nhân tố Thái độ của khách du lịch. Sau khi xem xét nội hàm các thang đo nhận thấy, 2 biến quan sát KT1 và KT2 không có liên quan về mặt khái niệm, do đó bị loại bỏ khỏi mô hình nghiên cứu và phân tích EFA lần thứ tư.
Bảng 2: Kết quả phân tích EFA lần thứ tư
Ma trận xoay nhân tố | ||||
| Nhân tố | |||
1 | 2 | 3 | 4 | |
TD4 | 0,873 |
|
|
|
TD3 | 0,825 |
|
|
|
TD2 | 0,808 |
|
|
|
TD1 | 0,711 |
|
|
|
AH2 |
| 0,853 |
|
|
AH4 |
| 0,800 |
|
|
AH5 |
| 0,667 |
|
|
AH1 |
| 0,661 |
|
|
AH3 |
| 0,631 |
|
|
BD2 |
|
| 0,796 |
|
BD4 |
|
| 0,776 |
|
BD3 |
|
| 0,771 |
|
BD1 |
|
| 0,643 |
|
HH4 |
|
|
| 0,798 |
HH3 |
|
|
| 0,746 |
HH5 |
|
|
| 0,723 |
HH2 |
|
|
| 0,712 |
HH1 |
|
|
| 0,711 |
Hệ số KMO. | 0,812 | |
Kiểm định Bartlett | Chi bình phương xấp xỉ | 5011,775 |
Bậc tự do | 153 | |
Mức ý nghĩa (Sig.) | 0,000 |
Nguồn: Kết quả xử lý dữ liệu trên SPSS
Kết quả Bảng 2 cho thấy, các biến quan sát hội tụ về 4 nhân tố, theo đó, Thái độ khách du lịch với 4 biến quan sát; Ảnh hưởng bên ngoài với 5 biến quan sát: Giá trị bản địa với 4 biến quan sát; Phương diện hữu hình với 5 biến quan sát. Hệ số tải nhân tố của các biến quan sát đều > 0,5, nên biến quan sát đạt chất lượng tốt (Joseph F. Hair Jr và cộng sự., 2010). Hệ số KMO = 0,812 > 0,5 và chỉ số Sig. Bartlett's Test = 0,000 < 0,05, nên phân tích EFA là phù hợp. Có 4 nhân tố được rút trích có Eigenvalue > 1 với tổng phương sai tích lũy là 71,78% > 50%. Như vậy, có 4 nhân tố được rút trích và giải thích 71,78% biến thiên dữ liệu của 18 biến quan sát tham gia vào phân tích EFA.
Với biến phụ thuộc kết quả phân tích EFA cho thấy, hệ số KMO = 0,699 >0,5 và chỉ số Sig. Bartlett's Test = 0,000 < 0,05, nên phân tích EFA là phù hợp với biến phụ thuộc. Có một nhân tố được rút trích tại Eigenvalue = 2,413 > 1. Nhân tố này giải thích được 80,433% biến thiên dữ liệu của 3 biến quan sát tham gia vào phân tích EFA.
Như vậy, mô hình nghiên cứu chính thức sẽ còn 4 nhân tố tác động đến Ý định lựa chọn homestay của du khách khi đến Đồng Tháp, bao gồm: Thái độ khách du lịch; Ảnh hưởng bên ngoài; Giá trị bản địa; Phương tiện hữu hình được đưa vào phân tích hồi quy ở bước tiếp theo.
Phân tích mô hình hồi quy
Kết quả kiểm tra giả định sự tương quan giữa các biến độc lập với biến phụ thuộc có chỉ số Sig. < 0,05. Như vậy, có mối liên hệ tuyến tính giữa các biến độc lập này với biến phụ thuộc. Quan sát chỉ số Sig. giữa các biến độc lập đều < 0,05, tuy nhiên, giá trị tuyệt đối của hệ số tương quan đều < 0,7. Có khả năng xảy ra hiện tượng đa cộng tuyến giữa các biến độc lập. Kết quả kiểm định F (Bảng 3) có chỉ số Sig.=0,000 < 0,05, do đó mô hình hồi quy là phù hợp.
Bảng 3: Kiểm định ANOVA
Mô hình | Tổng bình phương | Bậc tự do | Trung bình bình phương | F | Sig. | |
1 | Hồi quy | 174,744 | 4 | 43,686 | 353,762 | 0,000b |
Số dư | 40,875 | 331 | 0,123 |
|
| |
Tổng | 215,619 | 335 |
|
|
| |
a. Biến phụ thuộc: F_YD | ||||||
b. Biến độc lập: (Constant), F_HH, F_BD, F_AH, F_TD |
Kết quả tổng hợp mô hình hồi quy (Bảng 4) cho thấy, chỉ số R2 hiệu chỉnh = 0,808, có nghĩa các biến độc lập đưa vào phân tích hồi quy ảnh hưởng 80,8% sự biến thiên của biến phụ thuộc. 19,2% còn lại là do các biến ngoài mô hình và sai số ngẫu nhiên. Giá trị Durbin-Watson = 1,857 nằm trong khoảng 1,5 - 2,5 nên kết quả mô hình không vi phạm giả định tự tương quan của các phần dư.
Bảng 4: Tổng hợp mô hình
Mô hình | R | R2 | R2 hiệu chỉnh | Sai số chuẩn | Kiểm định Durbin-Watson |
1 | 0,900a | 0,810 | 0,808 | 0,35141 | 1,857 |
a. Biến độc lập: (Constant), F_HH, F_BD, F_AH, F_TD | |||||
b. Biến phụ thuộc: F_Y |
Nguồn: Kết quả xử lý dữ liệu trên SPSS
Đánh giá hệ số hồi quy của các biến độc lập trong mô hình hồi quy đa biến cho thấy, biến TD có Sig. = 0,052 > 0,050, nên biến TD không tác động lên biến phụ thuộc (không có ý nghĩa thống kê trong mô hình này). Các biến còn lại gồm: HH, BD, AH có tác động lên biến phụ thuộc, với kết quả tổng hợp phân tích hồi quy (Bảng 5).
Bảng 5: Thông số thống kê trong mô hình hồi quy bằng phương pháp Enter
Mô hình | Hệ số hồi quy chưa chuẩn hóa | Hệ số hồi quy chuẩn hóa | t | Sig. | Kiểm tra đa cộng tuyến | |||
B | Sai số chuẩn | Beta | Độ chấp nhận | Hệ số phóng đại | ||||
1 | (Hằng số) | -0,558 | 0,212 |
| -2,630 | 0,009 |
|
|
F_AH | 0,294 | 0,032 | 0,296 | 9,206 | 0,000 | 0,557 | 1,794 | |
F_BD | 0,700 | 0,034 | 0,666 | 20,741 | 0,000 | 0,561 | 1,783 | |
F_HH | 0,133 | 0,050 | 0,065 | 2,669 | 0,008 | 0,986 | 1,014 | |
a.Biến phụ thuộc: F_YD |
Nguồn: Kết quả xử lý dữ liệu trên SPSS
Kết quả kiểm định F Bảng 5 cho thấy, mô hình có ý nghĩa thống kê (Sig. < 0,05) và mô hình hồi quy tuyến tính phù hợp với tổng thể. Hệ số VIF của các biến độc lập đều < 2, nên không xảy ra hiện tượng đa cộng tuyến. Bảng 5 cũng cho thấy, hệ số β của tất cả các nhân tố đều có giá trị Sig. < 0,05, đều có ý nghĩa thống kê (Bảng 5). Từ hệ số hồi quy, chúng ta xây dựng phương trình hồi quy chuẩn hóa có dạng:
Y = 0,666*F_BD + 0,296*F_AH + 0,065*F_HH + ε (1)
Từ phương trình (1) cho thấy, nhân tố Giá trị bản địa tác động mạnh nhất đến Ý định lựa chọn lưu trú homestay của khách du lịch khi đến tỉnh Đồng Tháp. Nhân tố Ảnh hưởng tác động mạnh thứ hai và cuối cùng là nhân tố Phương tiện hữu hình. Với kết quả phân tích hồi quy khi so sánh với thuyết hành vi có kế hoạch cho thấy, không có sự tương đồng với nhân tố thái độ của khách du lịch.
Thảo luận
- Kết quả phân tích hồi quy khi so sánh với thuyết hành vi có kế hoạch nhóm tác giả nhận thấy, không có sự tương đồng với nhân tố Thái độ của khách du lịch. Giả thuyết H4 (F_TD) đã bị bác bỏ, vì không có ý nghĩa đối với mô hình hồi quy. Đây là điểm khác biệt của kết quả nghiên cứu tại điểm đến Đồng Tháp trong lĩnh vực lưu trú homestay so với thuyết hành vi có kế hoạch. Điều này cũng không đồng nhất với các nghiên của Nguyễn Ngọc Thức, Nguyễn Thị Phương Trinh (2021), Phạm Thị Tú Uyên, Phan Hoàng Long (2020), Cathy, H.C. Hsu, Songshan Huang (2010).
- Giả thuyết H3 (F_KT): Tính kinh tế cũng không có ý nghĩa trong mô hình nghiên cứu và đó là sự khác biệt với nghiên cứu của Nguyễn Ngọc Thức, Nguyễn Thị Phương Trinh (2021), Cathy, H.C. Hsu, Songshan Huang (2010).
- Giả thuyết H1 (F_HH): Phương tiện hữu hình được chấp nhận và tương đồng với các nghiên cứu của Nguyễn Ngọc Thức, Nguyễn Thị Phương Trinh (2021), Cathy, H.C. Hsu, Songshan Huang (2010)
- Giả thuyết H2 (F_AH) nhân tố Ảnh hưởng bên ngoài được chấp nhận, tương đồng với thuyết hành vi dự định với nhân tố chuẩn mực lựa chọn. Nhân tố này chịu tác động từ các ảnh hưởng bên ngoài để hình thành nên quan điểm của cá nhân chủ thể. Kết quả này cũng phù hợp với các nghiên cứu của Phạm Thị Tú Uyên, Phan Hoàng Long (2020), Phan Thị Minh Lý, Hoàng Thị Anh Thư (2015).
Giả thuyết H5 (F_BD) được chấp nhận phù hợp với các nghiên cứu của Nguyễn Ngọc Thức, Nguyễn Thị Phương Trinh (2021), Cathy, H.C. Hsu, Songshan Huang (2010).
KẾT LUẬN VÀ HÀM Ý CHÍNH SÁCH
Kết quả nghiên cứu đã chỉ ra, có 3 nhân tố tác động tích cực đến Ý định lựa chọn homestay của du khách khi đến Đồng Tháp theo mức độ giảm dần là: Giá trị bản địa; Ảnh hưởng bên ngoài; Phương tiện hữu hình. Trong so sánh với các nghiên cứu đi trước cho thấy, số lượng các nhân tố hưởng đến Ý định lựa chọn homestay của du khách khi đến Đồng Tháp chỉ có 3 nhân tố ảnh hưởng < 5 nhân tố ảnh hưởng trong các nghiên cứu khác.
Dựa vào mức độ ảnh hưởng của các nhân tố đã được khám phá trong nghiên cứu, chúng tôi đề xuất các hàm ý quản trị đối với các chủ cơ sở lưu trú homestay và hàm ý chính sách với cơ quan quản lý nhà nước để phát triển dịch vụ lưu trú cho du khách đến với Đồng Tháp, như sau:
Một là, Giá trị bản địa của loại hình lưu trú homestay được đặc trưng bởi sự cung cấp dịch vụ của dân địa phương bao gồm các dịch vụ lưu trú, ăn uống, trải nghiệm và khám phá văn hóa. Chủ homestay và chính quyền, cư dân địa phương phải duy trì được mô hình sản xuất sinh hoạt bình thường, song song với làm du lịch để khách lưu trú trải nghiệm được thực tế cuộc sống. Về điều này, mô hình du lịch làng nghề thủ công có thể cung cấp một vài gợi ý hữu ích. Trong thực tế quan sát của chúng tôi tại các homestay, dịch vụ ẩm thực của homestay chủ yếu là cung cấp đồ uống. Mô hình nấu ăn ở Cồn Sơn có thể là gợi ý phù hợp, để xử lý tình huống này. Homestay nên có không gian sinh hoạt chung cho cả chủ nhà và khách du lịch và các hoạt động này nên được định trước vào các bữa ăn. Bên cạnh đó, việc tạo điều kiện khám phá văn hóa địa phương cho du khách cũng cần tăng cường. Theo đó, du khách đều có thể thực hiện khám phá văn hóa ở hai mức độ quan sát và tham gia. Cách thứ nhất, từ chính chủ hộ kinh doanh homestay khi xây dựng được các hoạt động khám phá thường nhật theo tính tự nhiên nhất của sinh hoạt gia đình. Cách thứ hai, là sự kết hợp với các hoạt động của địa phương, kết hợp với những sinh hoạt cộng đồng của địa phương. Ở cách thứ hai cần có sự hỗ trợ của cộng đồng và chính quyền địa phương nơi có dịch vụ lưu trú homestay.
Hai là, Ảnh hưởng bên ngoài cho biết những tác động xã hội ngoài chủ thể, nhưng định hướng hành vi của chủ thể. Chủ homestay cần lựa chọn các hình thức quảng cáo phù hợp cho homestay của mình, như: các diễn đàn, các nhóm trên mạng xã hội để tăng tương tác thay đổi nhận thức hành vi của khách lưu trú. Chủ homestay lựa chọn các hình thức quảng cáo phù hợp cho homestay mình, như: tham gia các diễn đàn, các nhóm trên mạng xã hội để tăng tương tác thay đổi nhận thức hành vi của khách lưu trú. Trong đó, chủ homestay có thể tham gia vào các OTA để bán hàng bằng kênh online và tương tác nhiều hơn trên các nền tảng công nghệ giúp tiếp cận gần hơn với du khách. Cùng với đó, chính quyền địa phương cần khởi động các phong trào thực hiện quảng bá thay đổi hành vi người tiêu dùng ở các kênh truyền thông lớn, chính thống của địa phương, của vùng du lịch.
Ba là, Phương tiện hữu hình trong lưu trú thể hiện khá rõ ràng trong việc có được vị trí thuận lợi để xây dựng homestay là một lợi thế. Thiết kế cảnh quan là một yêu cầu của dịch vụ lưu trú đặc biệt với dịch vụ homestay, cảnh quan homestay vừa làm cho khách thoải mái vừa phải thể hiện được dấu ấn địa phương. Dấu ấn địa phương thể hiện qua hai khía cạnh, thứ nhất là cảnh quan xung quanh và thứ hai là nội thất homestay phải có dấu ấn địa phương./.
Tài liệu tham khảo
1. Ajzen, I. (1991), The theory of planned behavior, Organizational Behavior and Human Decision, 50 (2), 179-211.
2. Ajzen, I., and Fishbein, M. (1975), Belief, attitude, intetion and behavior: An introduction to theory and research, Reading, MA: Addison Wesley.
3. Cathy, H.C. Hsu, Songshan Huang. (2010). Formation of Tourist Behavioral Intention and Actual Behavior, International conference on service systems and service management, 1-6, Tokyo, Japan, DOI: 10.1109/ICSSSM.2010.5530150.
4. Joseph F. Hair, William C. Black, Barry J. Babin, Rolph E. Anderson (2010), Multivariate data analysis, Upper saddle river, NJ. Prentice Hall.
5. Nguyễn Thị Minh Hạnh, HoàngThanh Thủy, Phạm Thị Diệu Linh, Lê Phương Anh (2022), Các nhân tố tác động đến ý định lựa chọn homestay làm nơi ở của sinh viên đại học, cao đẳng trên địa bàn Hà Nội, Tạp chí Kinh tế và dự báo, 21(811), 101-104.
6. Nguyễn Ngọc Thức, Nguyễn Thị Phương Trinh (2021), Các yếu tố tác động đến ý định lựa chọn homestay làm nơi lưu trú khi đi du lịch của người dân thành phố Hồ Chí Minh, Tạp chí Khoa học và Công nghệ, 54(2021), 57-66.
7. Parasuraman A., Zeithaml V. A., and Berry L. L.(1988), SERVQUAL: A multiple-item scale for measuring consumer perceptions of service quality, Journal of Retailing, 64(1), 2-40.
8. Phạm Nguyễn Thị Hoàng Hoa (2021). Các nhân tố ảnh hưởng đến ý định và quyết định sử dụng thẻ ngân hàng: Nghiên cứu thực tiễn tại Việt Nam, Luận án tiến sĩ kinh tế, Đại học Đà Nẵng.
9. Phan Thị Minh Lý, Hoàng Thị Anh Thư (2015). Nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến ý định lựa chọn khách sạn 2 sao của khách du lịch nội địa đến Huế, Tạp chí Kinh tế và phát triển, 219 (9/2015), 78-86.
10. Shree Bavani, Fizilah Lehsius, Ahmad Albattat, Arfah Ahmad, Razali Kassim, Ibrahim (2015). Visitor satisfaction of kanchong darat homestay, Selangor – a case study, 5th International Symposium 2015 – IntSym 2015, 268-271.
11. Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Tháp (2024), Báo cáo thống kê về kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội cho phát triển du lịch sinh thái trên địa bàn Tỉnh.
12. Viswanath Venkatesh, Michael G. Morris, Gordon B. Davis and Fred D. Davis (2003), User acceptance of information technology:toward a unified view. MIS Quarterly, 27(3), 425-478.
13. Vũ Huy Thông, Lê Thị Hải Hà (2018), Nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến ý định mua hàng may mặc Trung Quốc của người tiêu dùng Hà Nội, Tạp chí Kinh tế và Phát triển, số 253, 70-79.
Ngày nhận bài: 20/5/2024; Ngày phản biện: 06/6/2024; Ngày duyệt đăng: 12/6/2024 |
Bình luận