Các yếu tố ảnh hưởng đến môi trường marketing địa phương trong thu hút FDI: Trường hợp tỉnh Bình Dương và Bình Phước
TS. Lê Mai Hải
Email: lmhai@sgu.edu.vn
ThS. Ngô Thị Phương Thảo
Email: ntpthao@sgu.edu.vn
ThS. Ngô Thị Lan
Email: ntlan@sgu.edu.vn
ThS. Đào Minh Hải
Email: minhhai@sgu.edu.vn
Trường Đại học Sài Gòn
Tóm tắt
Thông qua kết quả khảo sát đối với 887 nhân sự làm việc trong các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại tỉnh Bình Dương và Bình Phước, nghiên cứu nhằm xác định các yếu tố có ảnh hưởng đến Môi trường marketing địa phương, từ đó tác động đến lựa chọn thu hút FDI. Kết quả nghiên cứu cho thấy, có 6 yếu tố có ảnh hưởng đến Môi trường marketing địa phương ở cả 2 tỉnh Bình Dương và Bình Phước gồm: Chính quyền; Truyền thông - quảng bá; Phân phối - hỗ trợ; Giá cả - chi phí; Công chúng; Cung sản phẩm. Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy, mỗi địa phương điều có chiến lược riêng dựa trên mức độ sắp xếp thứ tự ưu tiên của từng yếu tố trong quá trình thu hút FDI vào địa phương mình.
Từ khóa: marketing địa phương, thu hút FDI, tỉnh Bình Dương, tỉnh Bình Phước, doanh nghiệp FDI
Summary
Through the survey results of 887 employees working in foreign direct investment (FDI) enterprises in Binh Duong and Binh Phuoc Provinces, the study aims to identify factors that affect the local marketing environment, thereby affecting the choice of FDI attraction. The research results show that 6 factors affect the local marketing environment in both Binh Duong and Binh Phuoc Provinces: Government; Communication - promotion; Distribution - support; Price - cost; Public; and Product supply. The research results also show that each locality has its own strategy based on the priority arrangement level of each factor in attracting FDI to its locality.
Keywords: local marketing, FDI attraction, Binh Duong Province, Binh Phuoc Province, FDI enterprises
GIỚI THIỆU
FDI đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế của các quốc gia, đặc biệt là Việt Nam. Bình Dương và Bình Phước được đánh giá là các địa phương thu hút mạnh mẽ vốn FDI. Để thu hút FDI hiệu quả, các địa phương này sẽ cần xây dựng chiến lược dựa trên lợi thế và mục tiêu phát triển của mình. Mỗi địa phương có những yếu tố khác nhau, như: vị trí, tài nguyên, lao động, cơ sở hạ tầng, ảnh hưởng đến khả năng thu hút đầu tư. Vì vậy, nghiên cứu này tập trung vào việc so sánh chiến lược thu hút FDI của Bình Dương và Bình Phước, tìm ra các điểm mạnh và hạn chế, từ đó đề xuất giải pháp cải thiện.
CƠ SỞ LÝ THUYẾT VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
Cơ sở lý thuyết
Cách tiếp cận marketing địa phương trong thu hút đầu tư đã được nhiều nhà khoa học quan tâm thực hiện nhằm tìm kiếm các giải pháp hiệu quả. Vũ Trí Dũng và Nguyễn Đức Hải (2011) chỉ ra rằng, marketing địa phương bao gồm các yếu tố: Vị trí địa điểm; Chính quyền; Giá không gian và dịch vụ; Khuếch trương; Công chúng; Cung lãnh thổ.
Lê Mai Hải (2018) cho ra rằng, marketing địa phương bao gồm các yếu tố: Sản phẩm; Giá; Phân phối; Truyền thông; Chính quyền và công chúng. Lê Mai Hải và cộng sự (2024) chỉ ra, marketing địa phương bao gồm các yếu tố: Cung sản phẩm; Giá cả - chi phí; Phân phối - mức hỗ trợ; Truyền thông - quảng bá; Chính quyền; Công chúng.
Lê Hoàng Như Nguyện (2021) trong nghiên cứu của mình đã cho rằng, marketing địa phương bao gồm các yếu tố: Sản phẩm; Chính quyền và công chúng; Giá cả - chi phí; Quảng bá và truyền thông; Phân phối. Marc Dupuis (2003) đã chỉ ra rằng, marketing địa phươg bao gồm các yếu tố: Cung sản phẩm; Giá - chi phí; Phân phối; Truyền thông; Chính quyền, công chúng.
Mô hình nghiên cứu đề xuất
Kế thừa các công trình nghiên cứu Kotler và cộng sự (2002), Kotler và cộng sự (2010) cùng kết hợp một số nghiên cứu khác, sử dụng khung lý thuyết marketing địa phương trong thu hút đầu tư, đồng thời có sự điều chỉnh để phù hợp quá trình nghiên cứu tại 2 tỉnh Bình Dương và Bình Phước, nhóm tác giả đề xuất mô hình nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến môi trường marketing địa phương như Hình.
HÌNH: MÔ HÌNH NGHIÊN CỨU ĐỀ XUẤT
|
Các giả thuyết nghiên cứu được trình bày như sau:
H1: Cung sản phẩm tác động tích cực đến Môi trường marketing địa phương tại tỉnh Bình Dương và tỉnh Bình Phước.
H2: Giá cả - chi phí có tác động nghịch đến Môi trường marketing địa phương tại tỉnh Bình Dương và tỉnh Bình Phước.
H3: Phân phối - hỗ trợ có tác động tích cực đến Môi trường marketing địa phương tại tỉnh Bình Dương và tỉnh Bình Phước.
H4: Truyền thông - quảng bá có tác động tích cực đến Môi trường marketing địa phương tại tỉnh Bình Dương và tỉnh Bình Phước.
H5: Chính quyền có tác động tích cực đến Môi trường marketing địa phương tại tỉnh Bình Dương và tỉnh Bình Phước.
H6: Công chúng có tác động tích cực đến Môi trường marketing địa phương tại tỉnh Bình Dương và tỉnh Bình Phước.
Phương pháp nghiên cứu
Quá trình khảo sát đã thực hiện theo hình thức trực tuyến dưới bảng câu hỏi thông qua gmail cá nhân gửi đến các doanh nghiệp FDI có trên địa bàn, đồng thời khảo sát trực tiếp theo phương thức thuận tiện bằng cách tiếp cận các doanh nghiệp FDI có trên địa bàn dưới hình thức bảng câu hỏi. Với 1.000 bảng khảo sát, trong đó tỉnh Bình Dương 500 bảng và tỉnh Bình Phước 500 bảng; kết quả thu về tổng cộng là 887 bảng hỏi (tỉnh Bình Dương có 437 bảng và tỉnh Bình Phước 450 bảng). Thời gian tiến hành khảo sát từ ngày 01/7/2024 đến ngày 15/8/2024.
KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU
Đánh giá độ tin cậy thang đo
Các biến quan sát phải thỏa mãn các điều kiện có Cronbach’s Alpha > 0,6 và hệ số tương quan biến tổng > 0,3. Qua quá trình phân tích, 40 biến quan sát cho mỗi địa điểm nghiên cứu, kết quả cho thấy các biến quan sát này thỏa mãn điều kiện, nên được đưa vào phân tích nhân tố tiếp theo (Bảng 1).
BẢNG 1: BẢNG TỔNG HỢP CÁC THANG ĐO VÀ BIẾN QUAN SÁT
SAU KHI KIỂM ĐỊNH CRONBACH’S ALPHA
|
Phân tích nhân tố khám phá (EFA)
Kết quả tại Bảng 2 cho thấy, hệ số KMO nghiên cứu tại Bình Dương và Bình Phước lần lượt là 0,919 và 0,911 (0,5 ≤ KMO ≤ 1) điều này giải thích rằng kích thước mẫu phù hợp cho phân tích EFA và hệ số Bartlett có mức ý nghĩa quan sát 0,000 < 0,05 (có sự tương quan giữa các biến), kết quả này đã khẳng định rằng, phương pháp phân tích trên là phù hợp.
Kết quả phân tích EFA cũng chỉ ra rằng, phương sai trích, nghiên cứu tại Bình Dương và Bình Phước lần lược là 81,897% và 83,220%, chỉ số này > 50%, do đó đạt yêu cầu và giá trị này góp phần giải thích 81,897% và 83,220% sự biến thiên của các biến quan sát nghiên cứu tại 2 địa điểm trên.
Kết quả phân tích EFA chỉ ra rằng, giá trị Eigenvalue nghiên cứu tại Bình Dương và Bình Phước lần lược là 1,964 và 2,242; cả 2 giá trị này > 1, do đó, giá trị này đạt yêu cầu trong phân tích EFA.
BẢNG 2: KIỂM ĐỊNH KMO
|
Kết quả phân tích mô hình hồi quy tuyến tính
Kết quả phân tích phương sai ANOVA tại Bảng 3 cho thấy, giá trị thống kê F với hệ số Sig. = 0,000, chứng tỏ mô hình hồi quy phù hợp với dữ liệu nghiên cứu. Hệ số Durbin-Wason nghiên cứu tại Bình Dương và Bình Phước lần lượt là 1,751 và 1,644 cho thấy, Dw < dl (dl = 1.759, du=1,804 với n=450 và k=5). Như vậy, có sự tương quan của các phần dư. Hệ số WIF nghiên cứu tại Bình Dương và Bình Phước có giá trị (WIF < 2) do đó, không có hiện tượng đa cộng tuyến giữa các biến trong mô hình. Hệ số R2 hiệu chỉnh nghiên cứu tại Bình Duơng và Bình Phước lần lượt là 0,649 và 0,518, điều này có nghĩa là, 6 biến độc lập đưa vào phân tích trong mô hình, ảnh hưởng lần lượt là 64,9% và 51,8% biến thiên của biến phụ thuộc “Môi trường marketing địa phương”, còn lại 35,1% và 48,2% là do các biến ngoài mô hình và sai số ngẫu nhiên.
Kết quả tại Bảng 3 cũng cho thấy, các biến độc lập “Cung sản phẩm”, “Phân phối - hỗ trợ”, “Truyền thông - quảng bá”, “Chính quyền”, “Công chúng” tác động cùng chiều đến Môi trường marketing địa phương và biến “Giá cả - chi phí” tác động nghịch chiều với Môi trường marketing địa phương. Kết quả này phù hợp với giả thuyết nghiên cứu ban đầu (H1+, H2-, H3+, H4+, H5+, H6+) và các biến độc lập này có giá trị Sig. kiểm định t là < 0,05, do đó các biến đưa vào phân tích trong mô hình tại 2 địa điểm trên đều có ý nghĩa thống kê, đều tác động lên biến phụ thuộc “Môi trường marketing địa phương”. Cũng tại Bảng 3 cho thấy, giá trị Beta giúp ta xác định mức độ ảnh hưởng của các biến độc lập lên biến phụ thuộc “Môi trường marketing địa phương”.
BẢNG 3: KẾT QUẢ HỒI QUY
|
Những điểm chung về kết quả nghiên cứu tại Bình Dương và Bình Phước
Yếu tố “Công chúng”, kết quả nghiên cứu cho thấy, tỉnh Bình Dương và Bình Phước có điểm chung là thứ tự đánh giá mức độ ảnh hưởng của yếu tố này ở vị trí thứ 3. Yếu tố “Công chúng” có vai trò quan trọng trong quá trình thu hút đầu tư, sự đồng tình của cư dân trong quá trình thu hút FDI là yếu tố then chốt trong quá trình thu hút. Yếu tố “Công chúng” trong quá trình thu hút đầu tư bao gồm các đặc điểm sau: Mức độ thân thiện hiếu khách của người dân, Trình độ dân trí người dân, Mức độ hỗ trợ của người dân, mức độ chấp nhận của người dân địa phương trong quá trình thu hút FDI vào địa phương. Kết quả nghiên cứu này cũng khẳng định rằng, yếu tố “Công chúng” được 2 địa phương xem xét mức độ quan trọng là như nhau.
Yếu tố “Phân phối – hỗ trợ” kết quả nghiên cứu cho thấy, tỉnh Bình Dương và Bình Phước được đánh giá giống nhau và được xếp mức độ ảnh hưởng ở vị trí thứ 5 trong 6 yếu tố. Yếu tố phân phối – hỗ trợ của địa phương trong việc thu hút đầu tư được xác định bởi khả năng hỗ trợ các thủ tục cấp phép đầu tư, thủ tục xây dựng, mức hỗ trợ xúc tiến đầu tư, mức độ hỗ trợ dịch vụ tài chính, an ninh... Việc hỗ trợ các nhà đầu tư FDI vào địa phương tạo sự thân thiện của địa phương đối với các nhà đầu tư là nền tảng để các nhà đầu tư quyết định đầu tư.
Những điểm khác biệt trong việc thu hút FDI của Bình Dương và Bình Phước qua kết quả nghiên cứu
Yếu tố “Cung sản phẩm”, mức độ ảnh hưởng của yếu tố này đối với tỉnh Bình Dương xếp vị trí thứ 6 trong 6 yếu tố nghiên cứu, trong khi yếu tố này tỉnh Bình Phước ưu tiên xếp vị trí thứ 1 trong kết quả nghiên cứu. Yếu tố này được xác định là: vị trí địa lý và cơ sở hạ tầng, hệ thống giao thông, chất lượng lao động, công nghiệp phụ trợ… Các khía cạnh này đóng vai trò trực tiếp trong việc thu hút đầu tư. Kết quả cho thấy tỉnh Bình Phước đang có nguồn cung dồi dào và tập trung yếu tố này đầu tiên, trong khi tỉnh Bình Dương tập trung vào các yếu tố khác nhiều hơn yếu tố này trong quá trình thu hút FDI.
Yếu tố “Chính quyền”, nghiên cứu cho thấy, tỉnh Bình Dương và Bình Phước có mức độ ảnh hưởng khác nhau: Đối với tỉnh Bình Dương yếu tố này được đặt lên hàng đầu trong quá trình thu hút FDI, trong khi tỉnh Bình Phước xét yếu tố này ở vị trí thứ 6 trong 6 yếu tố nghiên cứu. Yếu tố chính quyền được xem xét trong nghiên cứu này được thể hiện như sau: Triển khai thu hút đầu tư minh bạch, tính năng động trong chính sách, nhiệt tình chào đón các nhà đầu tư, tận tâm nhiệt quyết trong quá trình thu hút và kỹ năng gặp gỡ tiếp xúc các nhà đầu tư để tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của nhà đầu tư để đưa ra chính sách phù hợp... Ở khía cạnh này, địa phương nào làm tốt các chính sách trong quá trình thu hút đầu tư sẽ thu hút được nhiều nhà đầu tư. Kết quả nghiên cứu này cho thấy, tỉnh Bình Dương tập trung yếu tố này hàng đầu trong quá trình thu hút FDI.
Yếu tố “Truyền thông - quảng bá”, kết quả nghiên cứu cho thấy, yếu tố này được 2 địa phương đánh giá khác nhau về mức độ ưu tiên trong quá trình thu hút FDI. Cụ thể yếu tố “Truyền thông - quảng bá” được tỉnh Bình Dương ưu tiên xem xét vị trí thứ 2 trong 6 yếu tố nghiên cứu, điều này cho thấy, tỉnh Bình Dương tập trung cao độ yếu tố này trong quá trình thu hút FDI, trong khi tỉnh Bình Phước xem xét mức độ ưu tiên yếu tố này ở vị trí thứ 4 trong 6 yếu tố. Các khía cạnh xem xét yếu tố này được thể hiện trong nghiên cứu như: Thông qua các trang web của tỉnh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam… Sự hiệu quả các kênh truyền thông là yếu tố khởi nguồn cho sự tìm hiểu địa điểm đầu tư mà các nhà đầu tư đang tìm kiếm. Do đó, yếu tố này rất quan trọng trong quá trình thu hút đầu tư nói chung và thu hút FDI nói riêng của các địa phương.
Yếu tố “Giá cả - chi phí”: Kết quả nghiên cứu tại tỉnh Bình Dương và Bình Phước cho thấy yếu tố này có ảnh hưởng nghịch với quá trình thu hút đầu tư tại 2 tỉnh trên (điều này có nghĩa rằng ở địa phương nào có giả cả chi phí thấp sẽ thu hút được nhiều nhà đầu tư quan tâm hơn, các chi phí này được xem xét, như: chi phí thuê mặt bằng nhà xưởng, chi phí nhân công rẻ, chi phí vận hành hàng hóa, chi phí cho các dịch vụ đi kèm… của địa phương). Kết quả nghiên cứu tại 2 tỉnh này cho thấy, tỉnh Bình Phước xem xét mức độ ưu tiên của yếu tố này ở vị trí thứ 2 trong 6 yếu tố nghiên cứu trong quá trình thu hút FDI, trong khi tỉnh Bình Dương xem xét mức độ ưu tiên yếu tố này ở vị trí thứ 4 trong 6 yếu tố nghiên cứu trong quá trình thu hút FDI vào địa phương. Như vậy, giá cả đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình đầu tư của các doanh nghiệp, giá cả có ảnh hưởng lớn đến kết quả đầu tư.
KẾT LUẬN VÀ MỘT SỐ KHUYẾN NGHỊ
Kết luận
Kết quả nghiên cứu cho thấy, có 6 yếu tố có ảnh hưởng đến Môi trường marketing địa phương ở cả 2 tỉnh Bình Dương và Bình Phước gồm: Chính quyền; Truyền thông - quảng bá; Phân phối - hỗ trợ; Giá cả - chi phí; Công chúng; Cung sản phẩm. Trong đó, mức độ ảnh hưởng của 2 yếu tố “Công chúng” và “Phân phối – hỗ trợ” là như nhau ở cả 2 địa phương này (tương ứng với thứ tự mức độ ảnh hưởng là 3 và 5). Trong khi đó, 4 yếu tố còn lại (Truyền thông - quảng bá; Giá cả - chi phí; Cung sản phẩm; Chính quyền), thì có mức độ ảnh hưởng khác nhau đến Môi trường marketing địa phương ở Bình Dương và Bình Phước.
Từ nghiên cứu này và thực tiễn cho thấy, không có địa phương nào có lợi thế tuyệt đối trong câu chuyện thu hút đầu tư. Một địa phương này hạn chế (chọn lọc) thu hút ngành/lĩnh vực nào đó nhưng có thể hoặc tối ưu mà địa phương khác cần thu hút.
Khuyến nghị đối với tỉnh Bình Dương và Bình Phước
Yếu tố “Chính quyền”: Khung pháp lý cần rà soát bổ sung các quy định, điều kiện thu hút duy trì và sàng lọc các khoản đầu tư hiệu quả, đa dạng hóa các hình thức để thu hút đầu tư, hoàn thiện các quy định hiện có (quy định đầu tư, mua bán, sáp nhập…), xây dựng các quy định, tiêu chuẩn trong quá trình thu hút đầu tư; Thực hiện chính sách ưu đãi đối với một số lĩnh vực mà địa phương mình cần, tạo điều kiện cho các lĩnh vực công nghệ cao đầu tư; Các thủ tục hành chính cần phải cải cách tạo điều kiện thông thoáng các thủ tục đầu tư, các thủ tục không cần thiết cần được bãi bỏ; Tạo điều kiện môi trường kinh doanh thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài (các hàng rào thuế quan, cơ sở hạ tầng…); Cam kết các chính sách ưu đãi nhà cho đầu tư, lĩnh vực đầu tư một cách hiệu quả và thực chất.
Yếu tố “Truyền thông - quảng bá”: Thực hiện thông tin các dự án rộng rãi trên các phương tiện về thông tin để thu hút các nhà đầu tư (tin tức, báo chí, websites, cộng đồng doanh nghiệp...); Thực hiện truyền thông quảng bá ưu điểm, ưu đãi, đãi ngộ, các chính sách đặc biệt khi đầu tư tại địa phương; Truyền thông quảng bá sản phẩm của địa phương, cũng như những thế mạnh tại địa phương để thu hút các nhà đầu tư; Tổ chức các đoàn tham quan giới thiệu cơ hội và môi trường đầu tư; Đảm bảo chất lượng thông tin trên các kênh mà nhà đầu tư tin cậy.
Yếu tố “Cung sản phẩm”: Địa phương đẩy mạnh hoàn thiện cơ sở hạ tầng, xây dựng các khu, cụm công nghiệp hoạt động tập trung trong cùng ngành; Các công trình giao thông mở rộng thông thóang, chất lượng công trình giao thông phải được đảm bảo; Xây dựng trung tâm đào tạo nhằm đảm bảo nguồn lực địa phương đáp ứng các doanh nghiệp đòi hỏi nguồn nhân lực có tay nghề cao và chất lượng; Tổ chức các sự kiện kinh tế gắn kết với sự tham gia của doanh nghiệp để tạo điểm nhấn cho địa phương; Địa phương phải luôn đảm bảo an ninh nhằm tạo sự ổn định xã hội để các nhà đầu tư an tâm trong quá trình đầu tư tại địa phương.
Yếu tố “Giá cả - chi phí”: Cân đối chính sách để đưa ra mức giá phù hợp cho các nhà đầu tư về các vấn đề chi phí thuê đất, nhà xưởng; Cân đối và đánh các khoản thuế phù hợp để nhà đầu tư xem xét cân nhắc các khoản phí hợp lý mà đầu tư; Các khoản phí thuê nhà xưởng có thể thanh toán thành nhiều đợt và linh hoạt; Thực hiện áp đặt mức lương vùng để các nhà đầu tư thấy được chi phí nhân công rẻ tại địa phương; Địa phương cần nỗ lực cải thiện vấn đề chi phí không chính thức mà hầu hết các nhà đầu tư đều quan tâm.
Yếu tố “Phân phối - hỗ trợ”: Địa phương cần thực hiện hỗ trợ các thủ tục (thủ tục xin giấy phép đầu tư, thủ tục xây dựng, khi nhà đầu tư quyết định đầu tư tại địa phương; Những chính sách của địa phương cần được thực hiện triển khai một cách thống nhất, đồng bộ và hiệu quả; Thường xuyên rà soát điều chỉnh các vấn đề bất cập của các chính sách thu hút FDI; Cần xây dựng và hoàn thiện các thủ tục hải quan theo hướng đơn giản hóa, phù hợp với các tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế, tránh gây nhũng nhiễu, phiền hà cho doanh nghiệp nước ngoài đầu tư.
Yếu tố “Công chúng”: Xây dựng, tuyên truyền, phổ biến lối sống lành mạnh của đại bộ phận người dân địa phương; Xây dựng bản sắc văn hóa ở địa phương, tạo sự ổn định các vấn đề chính trị của địa phương tạo sự an tâm cho các nhà đầu tư về vấn đề chính trị; Nâng cao trình độ dân trí bằng cách tuyên truyền, phổ biến những điểm tích cực và sự chấp nhận của người dân khi được các nhà đầu tư quyết định dầu tư tại địa phương./.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Kotler, Haider, Rein (2010), Marketing Places, USA: Free Press.
2. Kotler, Hamlin, Rein, Haider (2002), Marketing Asian Places: Attracting Investment, Industry, and Tourism to Cities, States and Nations, USA: John Wiley & Sons.
3. Lê Hoàng Như Nguyện (2021), Nghiên cứu các yếu tố của marketing địa phương trong thu hút vốn đầu tư vào tỉnh Quảng Ngãi, Tạp chí Khoa học và Công nghệ Đại học Duy Tân, 1(44), 76-83.
4. Lê Mai Hải (2018), Marketing địa phương trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài: Trường hợp tỉnh Bình Dương, Luận án tiến sĩ kinh tế, Học Viện Khoa học Xã hội.
5. Lê Mai Hải, Trần Thị Hồng Xiêm, Trịnh Văn Phụ, Nguyễn Thị Thanh Tâm, Cao Văn Truyền, Đào Minh Hải (2024), Lợi thế so sánh giữa các địa phương trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài dưới góc độ marketing địa phương: Nghiên cứu tại tỉnh Bình Dương và tỉnh Đồng Nai, Tạp chí Kinh tế phát triển, 320(2), 136-145
6. Nguyễn Ngọc Thuyên (2021), Marketing địa phương nhằm thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ở tỉnh Quảng Nam, Luận án tiến sĩ quản trị kinh doanh, Trường Đại học Duy Tân, Đà Nẵng.
7. Nguyễn Thị Diễm Kiều (2020), Đẩy mạnh marketing địa phương nhằm thu hút đầu tư phát triển kinh tế xã hội tỉnh Bình Định, Luận án tiến sĩ, Trường Đại học Thương mại.
8. Phạm Công Toàn (2010), Marketing lãnh thổ với việc thu hút đầu tư phát triển ở tỉnh Thái Nguyên, Luận án tiến sĩ, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân.
9. Vũ Trí Dũng, Nguyễn Đức Hải (2011), Marketing lãnh thổ, Nxb Đại học Kinh tế Quốc dân.
Ngày nhận bài: 12/9/2024; Ngày phản biện: 16/9/2024; Ngày duyệt đăng: 30/9/2024 |
Bình luận