Cân nhắc chính sách thuế phù hợp để thúc đẩy hoạt động doanh nghiệp
Đây là dự thảo Luật đang được các doanh nghiệp, các chuyên gia cùng các nhà nghiên cứu hết sức quan tâm bởi tính chất và mức độ tác động rất lớn tới nền kinh tế - xã hội, với những ảnh hưởng được đánh giá là trực tiếp tới ngành bia – rượu – nước giải khát, ước tính đóng góp khoảng 60.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 3,4% thu NSNN trong năm 2023, cũng như tác động lan tỏa gián tiếp đến hàng loạt các ngành liên quan và người lao động, người tiêu dùng toàn xã hội.
Hội thảo “Sửa thuế để thúc đẩy hoạt động doanh nghiệp” do báo Đầu tư tổ chức |
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Lê Trọng Minh, Tổng biên tập Báo Đầu tư cho rằng, mọi động thái thay đổi trong các sắc thuế đều luôn được cộng đồng doanh nghiệp và toàn xã hội đặc biệt quan tâm. Việc tăng hay giảm thuế vừa tác động trực tiếp đến ngân sách nhà nước (NSNN) do thuế là nguồn thu chủ yếu, vừa tạo ra những ảnh hưởng mang tính thúc đẩy hoặc kìm hãm một số ngành nghề kinh doanh, bởi vai trò quản lý, điều tiết vĩ mô nền kinh tế của thuế.
"Với ý nghĩa đó, Báo Đầu tư tổ chức loạt hội thảo và tọa đàm với chủ đề “Sửa thuế để thúc đẩy hoạt động doanh nghiệp” nhằm mục đích tạo nên các diễn đàn để các nhà hoạch định chính sách cùng lắng nghe, trao đổi, thảo luận với các chuyên gia, nhà nghiên cứu và đặc biệt là một chủ thể quan trọng của nền kinh tế, đó chính là các nhà doanh nghiệp, để sao cho các chính sách thuế khi được hoạch định sẽ có thêm kênh thông tin phản hồi từ thực tế, từ đó đạt được sự hài hòa về lợi ích gồm động viên thêm các nguồn thu NSNN, điều tiết sản xuất, tiêu dùng và thu nhập theo tình hình thực tế nhưng vẫn đảm bảo ổn định môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo ra các dư địa thu thuế mới phù hợp với thông lệ quốc tế", ông Lê Trọng Minh nhấn mạnh.
Sắc thuế đặc biệt liên quan đến ngành bia – rượu – nước giải khát là một trong những nội dung đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến góp ý với dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi để thực hiện điều tiết lượng sử dụng và hạn chế tình trạng lạm dụng rượu/bia. Dự thảo Luật do Bộ Tài chính soạn thảo nhận được sự ủng hộ, đánh giá cao của nhiều doanh nghiệp, chuyên gia. Mục tiêu của chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có cồn tại Việt Nam được đánh giá là khá tương đồng với mục tiêu cơ bản tại các quốc gia trên thế giới, trong đó mục tiêu cơ bản nhất vẫn là bảo vệ sức khỏe của người tiêu dùng, điều tiết lượng sử dụng và hạn chế tình trạng lạm dụng rượu/bia. Bên cạnh đó, mục tiêu về đảm bảo bền vững nguồn thu ngân sách Nhà nước cũng được nhấn mạnh.
Tuy nhiên, các phương án lộ trình tăng thuế được đưa ra trong dự thảo cũng đang làm dấy lên những băn khoăn, trong bối cảnh cộng đồng doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp ngành bia, rượu, nước giải khát nói riêng vẫn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Riêng ngành đồ uống đã chứng kiến thực trạng lợi nhuận bình quân toàn ngành liên tục giảm từ năm 2021, thu ngân sách toàn ngành giảm bình quân 10%/năm trong giai đoạn 2020-2023. Lượng hàng tồn kho riêng 6 tháng đầu năm 2024 tăng 29% so với cùng kỳ năm trước… Vì vậy, việc tăng mạnh và nhanh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có cồn có thể tạo ra tình huống “khó chồng khó” đối với doanh nghiệp và người lao động trong ngành cũng như các ngành liên quan.
Ông Lê Trọng Minh, Tổng biên tập Báo Đầu tư phát biểu khai mạc Hội thảo |
Theo Tổng biên tập Báo Đầu tư để góp phần giải tỏa những băn khoăn của doanh nghiệp và có cơ sở hoàn thiện chính sách một cách hài hòa, hợp lý nhất, cần làm rõ được các vấn đề đặt ra như sau: Thứ nhất, lộ trình tăng thuế nên thế nào là hợp lý để đảm bảo các mục tiêu điều tiết tiêu dùng, giảm tác động tiêu cực của đồ uống có cồn đến sức khoẻ con người; đảm bảo nguồn thu cho ngân sách nhà nước ổn định, bền vững; và đảm bảo tính công bằng của chính sách thuế cho xã hội và doanh nghiệp, bảo vệ ngành đồ uống trong nước; Thứ hai, tâm lý hành vi tiêu dùng sẽ thay đổi thế nào và cần có những giải pháp gì để ứng với sự chuyển dịch hành vi tiêu dùng sang những sản phẩm không chính thống, không đảm bảo chất lượng khi giá tăng do thuế cao...
"Là lĩnh vực không chỉ liên quan đến các doanh nghiệp và người lao động trực tiếp trong ngành mà còn hàng triệu lao động trong các ngành liên quan, chắc chắn các tác động từ việc điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ không nhỏ. Vì vậy, những phân tích, kiến giải từ đại diện các bên tham gia hội thảo sẽ cung cấp thêm những luận cứ khoa học và kinh nghiệm thực tiễn sâu sắc, đưa ra những đề xuất hợp lý, thiết thực để các nhà hoạch định chính sách sẽ kiến tạo nên một sắc thuế hợp lý, đạt được các mục tiêu đề ra, hài hòa lợi ích của nhà nước, doanh nghiệp và xã hội, ổn định môi trường đầu tư kinh doanh", Tổng biên tập Báo Đầu tư nhấn mạnh.
Nghiên cứu kỹ lộ trình tăng thuế tránh gây sốc cho doanh nghiệp, người tiêu dùng
Chia sẻ tại Hội thảo, bà Chu Thị Vân Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam –VBA cho biết đề xuất “kép” của Bộ Tài chính với 2 phương án vừa tăng thuế TTĐB cao đối với rượu, bia và đồng thời, bổ sung mặt hàng nước giải khát có đường vào đối tượng chịu thuế TTĐB là cú sốc rất lớn đối với các doanh nghiệp trong bối cảnh ngành bia – rượu- nước giải khát gặp rất nhiều khó khăn và vẫn chưa thể phục hồi. “Hiện nay các doanh nghiệp vẫn còn đang rất khó khăn, theo ghi nhận các chỉ tiêu sản lượng, doanh thu, lợi nhuận của các doanh nghiệp trong ngành đều giảm sút từ một tới hai con số, kéo theo đó là cả các hệ thống thương mại, nhà hàng, dịch vụ, vận tải, chuỗi cung ứng đầu vào đều bị ảnh hưởng. Trước 2 phương án tăng thuế cao và sốc đối với mặt hàng rượu, bia mà Ban soạn thảo đề xuất hiện nay, doanh nghiệp chưa thể đánh giá được hết các tác động đối với ngành”, bà Vân Anh bày tỏ.
Bà Chu Thị Vân Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam –VBA chia sẻ tại Hội thảo |
Cũng theo đại diện VBA, báo cáo đánh giá tác động của Ban soạn thảo mới chỉ đề cập tới con số tăng thu ngân sách mà chưa có các đánh giá định lượng mức độ ảnh hưởng, tác động cụ thể tới giảm sản lượng, doanh thu của doanh nghiệp là bao nhiêu, ảnh hưởng tới lao động, an sinh xã hội như thế nào, tác động tới các ngành hàng liên quan trong chuối cung ứng, dịch vụ ra sao?
“Chúng tôi ủng hộ chủ trương của Nhà nước về tăng thuế, tuy nhiên đối với 2 phương án lấy ý kiến lần này cần xem xét, đánh giá cẩn trọng và có lộ trình, xem xét lùi thời điểm áp dụng, giãn tiến độ và giảm mức tăng thuế suất đối với ngành rượu, bia trên cơ sở đánh giá toàn diện các tác động trong điều kiện thực tế ở Việt Nam. Đối với mặt hàng nước giải khát có đường hiện nay còn rất nhiều tranh luận về các bằng chứng khoa học liên quan tới đối tượng áp dụng, nguyên nhân chính gây thừa cân béo phì, bệnh không lây nhiễm. Xem xét chưa nên bổ sung mặt hàng này vào đối tượng chịu thuế TTĐB trong giai đoạn này. Cần đánh giá thật kỹ lưỡng toàn diện, tham vấn các ý kiến chuyên gia, nhà khoa học với đề xuất mặt hàng mới này”, đại diện VBA nhắc lại kiến nghị.
Các diễn giả trao đổi tại phiên tọa đàm |
Theo quan điểm của nhiều hiệp hội doanh nghiệp cùng các chuyên gia và lãnh đạo các doanh nghiệp, đề xuất tăng thuế cần nghiên cứu thực tế, lộ trình khả thi, cân nhắc sức chịu đựng của doanh nghiệp, ngành hàng với lợi ích của sắc thuế, đồng thời đảm bảo sự hài hòa với các quy định, thông lệ của các nước trên thế giới.
Nêu quan điểm về vấn đề này tại Hội thảo, bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội tư vấn thuế Việt Nam, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục thuế cho rằng cần nghiên cứu kỹ mức độ tăng tỷ lệ thuế suất cũng như lộ trình tăng hợp lý để đảm đảm duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, công ăn việc làm của người lao động trong chuỗi cung ứng từ khâu nguyên liệu, sản xuất, thương mại, dịch vụ ăn uống. Đồng thời, theo bà Cúc, việc nghiên cứu kỹ mức độ tăng và lộ trình tăng thuế TTĐB cũng sẽ tạo điều kiện để ổn định thị trường, giúp doanh nghiệp, người tiêu dùng thích nghi với việc tăng dần thuế đến năm 2030, tránh bị sốc so tăng nhanh, đột ngột.
“Đối với thuế TTĐB, Bộ Y tế chắc chắn ko muốn rượu bia thuốc lá nhiều vì ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng, nhưng các ngành sản xuất và dịch vụ ăn uống cũng cần phát triển, do đó việc đưa ra một chính sách thuế để hài hòa mục đích của các bên là rất khó.
Chúng ta muốn đạt được mục tiêu về người tiêu dùng, nhà sản xuất, rồi mục tiêu về ngân sách nhà nước, như tăng thuế để hạn chế sử dụng rượu bia tăng sức khỏe cộng đồng, trong đó có tăng về ngân sách, nhưng nếu đưa ra một chính sách bất hợp lý đôi lúc mục tiêu đó cũng khó đạt được”, bà Cúc nhận định.
Bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội tư vấn thuế Việt Nam cho rằng, cần nghiên cứu kỹ mức độ tăng tỷ lệ thuế suất, cũng như lộ trình tăng hợp lý để đảm đảm duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp |
Chủ tịch Hội tư vấn thuế Việt Nam cũng chỉ ra rằng nếu như thuế cao quá, mọi người có thể chuyển sang dùng hàng lậu, hoặc hàng không chính đáng, và điều này thực tế đã diễn ra như tại Malaysia khi thuế tăng quá cao, người dân chuyển sang dùng thuốc lá lậu dẫn tới việc 3 nhà máy sản xuất tại Malaysia phải đóng cửa, thu ngân sách giảm trong khi hàng nhập lậu tăng lên. Thuế TTĐB không chỉ tác động tới ngân sách mà tác động tới cả người tiêu dùng, nếu tăng đột ngột sẽ tác động tới không chỉ sản xuất, mà cả ngành ăn uống và dịch vụ. “Nếu ta tăng thuế lên thì liệu những dịp như hiếu hỷ hay lễ tết các sản phẩm này có còn được sử dụng ko, chắc chắn sẽ có, vậy ta phải hạn chế kiểm soát như thế nào? Do đó khi đưa ra lộ trình nên có tính linh hoạt như giãn thời gian lên 2,3 năm để chuỗi sản xuất cung ứng từ nguyên liệu tới người tiêu dùng có thời gian chuẩn bị, không bị sốc vì thuế tăng nhanh”, bà Cúc nhấn mạnh.
Với nước giải khát có đường, bà Cúc đồng tình với việc áp thuế, nhưng tỷ lệ đường nên xem xét cụ thể, nếu mức xác định là 5g/100ml cũng cần xem xét điều kiện của Việt Nam với một số nước khác để đưa ra mức phù hợp. “Quy định về nước giải khát theo tiêu chuẩn Việt Nam cũng rất khó, có những hoa quả tự nhiên lượng đường đã cao hơn mức quy định, như nước ép vải, nước ép nhãn vậy sẽ làm thế nào? Nên có thêm quy định như nước giải khát có gas kèm theo để khái niệm trở nên rõ ràng hơn. Khi luật đưa ra phải có rõ ràng, minh bạch để chính sách phù hợp với tất cả các đối tượng và luật thuế đi vào thực tế cuộc sống, qua hội thảo sẽ tiếp thu những điều hợp lý”, bà Cúc lý giải.
Bên cạnh đó, đại diện Hội tư vấn thuế Việt Nam cũng lưu ý, về thời điểm bắt đầu dự kiến năm 2026 hay 2027, theo chương trình xây dựng pháp luật, không chỉ có luật thuế TTĐB, lần này còn có luật thuế GTGT, luật thuế TNDN, tới đây là luật thuế TNCN, ý tưởng là hợp lý, nhưng còn liên quan tới lộ trình với các sắc thuế khác và ngân sách nhà nước, do đó cần tính toán phương án giữa ngân sách, và doanh nghiệp và các yếu tố khác cho đồng bộ. Vì vậy, việc cân nhắc kỹ lộ trình, giảm giãn lộ trình áp thuế sẽ là biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp hết sức thiết thực, cùng với các biện phát như giảm 2% thuế VAT hay giảm lệ phí trước bạ, giúp doanh nghiệp ổn định sản xuất, phục hồi hậu Covid-19.
Cần lưu ý xu hướng thay đổi hành vi của người tiêu dùng khi tăng thuế TTĐB
Từ góc độ của cơ quan quản lý nhà nước, ông Lê Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Kinh tế công nghiệp, dịch vụ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư lưu ý cần xem xét kỹ lưỡng hơn về 3 yếu tố quan trọng. Cụ thể:
Thứ nhất, về mục tiêu tăng thu: Mức độ tăng thuế phải được điều chỉnh sao cho hợp lý, tránh gây ra tác động ngược lại, như việc doanh nghiệp phải phá sản. Chúng ta cần tìm ra mức thuế phù hợp để đảm bảo nguồn thu ngân sách mà không làm suy yếu doanh nghiệp.
Ông Lê Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Kinh tế công nghiệp, dịch vụ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chia sẻ tại Hội thảo |
Thứ hai, về yếu tố thay đổi hành vi: Mặc dù quá trình tăng thuế TTĐB đã được thực hiện, sản lượng tiêu thụ bia vẫn không giảm. Trong khi đó, chỉ cần có Nghị định 100, với các biện pháp kiểm soát hành chính, đã cho thấy hiệu quả rõ rệt. Do đó, việc điều chỉnh hành vi thông qua các biện pháp quản lý hành chính cũng cần được xem xét một cách nghiêm túc.
Cuối cùng, về tính công bằng và kiểm soát buôn lậu: Khi thuế tăng, tình trạng buôn lậu chắc chắn sẽ gia tăng, mặc dù chúng ta có các cơ quan quản lý thị trường và cơ quan công an, nhưng việc kiểm soát vẫn còn nhiều thách thức.
Từ 3 yếu tố trên, ông Tuấn Anh cho biết Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có văn bản số 5599, ngày 17/7, đề nghị Bộ Tài chính tham khảo ý kiến của các hiệp hội doanh nghiệp, hộ kinh doanh để đưa ra lộ trình tăng thuế phù hợp với sự phát triển của ngành. "Chúng ta cần chọn thời điểm tăng, mức tăng, và độ giãn một cách hợp lý để đảm bảo sự phát triển bền vững của ngành dịch vụ cũng như toàn bộ nền kinh tế Việt Nam", ông Tuấn Anh nhấn mạnh.
Ở góc nhìn của đơn vị nghiên cứu thị trường, bà Lê Minh Trang, Phó Giám Đốc Bộ phận Nghiên cứu Bán lẻ NielsenIQ đặc biệt lưu tâm về xu hướng thay đổi hành vi của người tiêu dùng. Cụ thể, bà Trang cho biết, nếu tăng thuế TTĐB tăng có thể gây áp lực cho người tiêu dùng. Trước đó, với sự thay đổi của Nghị định 100 về tăng mức xử phạt đối với các tài xế sử dụng đồ uống khi tham gia giao thông, có thể thấy, doanh thu của các nhà hàng, quan ăn phân phối sản phẩm bia đã bị ảnh hưởng. Người tiêu dùng cũng bắt đầu giảm tần suất uống bia bên ngoài và điều này trực tiếp ảnh hưởng đến doanh thu của ngành bia tại kênh này, và cụ thể hơn là phân khúc cao cấp của ngành bia.
Bà Lê Minh Trang, Phó Giám Đốc Bộ phận Nghiên cứu Bán lẻ NielsenIQ đặc biệt lưu tâm về xu hướng thay đổi hành vi của người tiêu dùng |
Báo cáo nghiên cứu về hành vi người tiêu dùng trong quý 2/2024 của NielsenIQ cho thấy, 2 trong những cách phổ biến được 50% người tiêu dùng tại 2 thành phố lớn - Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh áp dụng là cắt giảm những chi tiêu không cần thiết, bao gồm ăn uống tại các nhà hàng bên ngoài và tối ưu việc nấu ăn tại nhà. Sự thay đổi này trực tiếp ảnh hưởng đến sự sụt giảm doanh thu sản của chuỗi nhà hàng, quán ăn liên tục từ tháng 1/2023 đến nay. Tính trong 12 tháng gần đây, mức sụt giảm này là 6% trên cả nước và 11% tại 6 thành phố lớn, bao gồm Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Nha Trang, Cần Thơ, TP. Hồ Chí Minh.
Đáng chú ý, từ hơn 2 năm trở lại đây, NielsenIQ ghi nhận, nhóm các sản phẩm bia có nồng độ cồn thấp đang được người tiêu dùng đón nhận với việc gia tăng gần 35% sản lượng trong 12 tháng gần đây so với cùng kỳ năm trước, đặc biệt tại khu vực 6 thành phố lớn và kênh hiện đại Việt Nam. Xu hướng này bắt nguồn từ mối quan tâm lớn của người tiêu dùng Việt Nam đến vấn đề sức khỏe trong vài ba năm trở lại đây và có khả năng tiếp tục được duy trì và tác động đến ngành bia trong tương lai tới.
Cũng theo bà Trang, trong 2 năm gần đây, NielsenIQ nhận thấy xu hướng tiêu dùng phân cực liên quan đến phân khúc giá của sản phẩm diễn ra trong ngành bia với sự tăng trưởng ở cả 2 phân khúc khác biệt là bình dân và siêu cao cấp. Tuy nhiên, với tác động của việc tăng thuế TTĐB, NielsenIQ cho rằng nhóm phân khúc tiết kiệm có thể vẫn giữ được vị thế, là phân khúc chính, đóng góp khoảng 55 - 60% sản lượng của ngành hàng như hiện nay, còn phân khúc siêu cao cấp sẽ cần quan sát thêm. Điều này, sẽ mang lại tiềm năng tăng trưởng cho các doanh nghiệp có sản phẩm ở phân khúc tương ứng.
“Trong xu hướng cắt giảm chi tiêu của người tiêu dùng, ngoài cắt giảm về liều lượng, người tiêu dùng cũng có thể cắt giảm kinh phí cho sở thích uống bia, rượu. Theo đó, phân khúc bình dân sẽ ngày càng gia tăng tầm quan trọng, ngày càng được ưa chuộng hơn, và người tiêu dùng phân khúc cao cấp có thể cân nhắc về chi tiêu để phù hợp với ngân sách”, bà Trang phân tích./.
Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội
Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội |
Việc tăng thuế là cần thiết nhưng vấn đề là cách tính thuế như thế nào cho hợp lý. Có 5 lưu ý sau đây:
Thứ nhất, cần cân nhắc lộ trình đánh thuế. Không thể để 2 phương án như đề xuất mà phải có thêm 1 lộ trình đánh thuế khác biệt. Lộ trình phải có thời gian giãn cách là 2,3 năm sau mới bắt đầu đánh thuế để doanh nghiệp có đủ thời gian thích ứng. Theo tôi, nên bắt đầu đánh thuế từ năm 2027.
Thứ hai, cần xác định rõ mức thuế xuất cao nhất đến năm 2030 là bao nhiêu. Nếu mức thuế quá cao thì sẽ khiến doanh thu của các doanh nghiệp bị sụt giảm, gây ảnh hưởng đến hoạt động thu thuế. Hơn nữa, phải có căn cứ thuyết phục để đưa ra mức thuế suất cao nhất.
Thứ ba, mức thuế áp dụng cho bia phải khác thuế áp dụng cho các sản phẩm rượu. Về sản phẩm bia, đối với dòng bia có nồng độ cồn là 0% thì không nên đánh thuế. Đề xuất này mở ra cơ hội cho doanh nghiệp có cơ hội để tái cơ cấu sản xuất. Mức thuế TTĐB của bia phải khác với mức của rượu và nên thấp hơn mức của rượu.
Thứ tư, nên xem lại mức thuế nhập khẩu áp dụng cho rượu nhập khẩu, nếu đang miễn thuế cho sản phẩm rượu có nồng độ cồn dưới 20 độ thì phải xem xét lại để tạo sự bình đẳng cho các sản phẩm trong nước.
Thứ năm, nếu chỉ tăng thuế là chưa đủ, phải cân nhắc thêm cả các biện pháp khác nữa, ví dụ tăng cường xử lý gian lân thương mại, phải kiểm soát được hoạt động sản xuất rượu thủ công để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và cũng phải chịu thuế như những mặt hàng sản xuất trong nhà máy.
Bà Hương Vũ, Tổng giám đốc, Công ty Cổ phần Tư vấn EY Việt Nam
Bà Hương Vũ, Tổng giám đốc, Công ty Cổ phần Tư vấn EY Việt Nam |
Ngay từ những ngày đầu dự thảo sửa đổi thuế TTĐB với rượu bia, quan điểm của EY là cần chọn phương pháp phù hợp với Vietnam. Theo khuyến nghị của WHO, khi giá bán bia cao cấp và bia phổ thông còn chênh lệch quá nhiều, việc áp dụng phương pháp tính thuế tương đối là hợp lý. Phương pháp này cũng phù hợp với cam kết của Việt Nam với tư cách thành viên WTO. Ngoài ra, khi chọn phương pháp này, ta có thể đảm bảo được mục đích của việc thay đổi luật, tức đảm bảo quyền lợi của đa số, do mặt hàng bia phổ thông hiện tại vẫn phổ biến hơn ở Việt Nam.
Ngoài ra, khi đề xuất thuế cần hài hòa lợi ích của chính phủ, nhà sản xuất, và người tiêu dùng. Về phía nhà sản xuất và người tiêu dùng, nên giãn việc tăng thuế suất để đảm bảo quyền lợi của họ.
Về vấn đề đồ uống có đường, năm nay Bộ Tài chính đề xuất bổ sung nước giải khát theo Tiêu chuẩn Việt Nam có hàm lượng đường trên 5g/100ml vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Trước đề xuất này, cá nhân tôi nhận thấy rằng các nhà sản xuất cần cân nhắc trách nhiệm của mình trong việc nghiên cứu để sản xuất các sản phẩm có đảm bảo nồng độ đường phù hợp, thêm khoáng chất để đảm bảo cho sức khỏe người tiêu dùng Việt Nam.
Bên cạnh đó, vấn đề mặt hàng phi chính thức và hàng lậu đang gây nhiều lo lắng cho phía nhà sản xuất. Tuy nhiên, tôi cho rằng khi đã tăng thuế, nhà nước sẽ có thể huy động sự tham gia đồng bộ của các phía như hải quan, công an để giải quyết vấ đề này.
Tôi đã cập nhật nhiều thông tin dự báo về vấn đề doanh số ngành bia rượu sẽ sụt giảm đáng kể nếu như nước ta tăng thuế suất theo hai phương án hiện nay. Do đó, tôi đề xuất nên giãn cách lộ trình tăng thuế để hài hòa lợi ích các bên, các doanh nghiệp vẫn đứng vững, người tiêu dùng điều chỉnh được hành vi, và nhà nước có được nguồn thu từ thuế.
Bình luận