Cắt giảm thủ tục đăng ký kinh doanh tiết kiệm trên 600 tỷ đồng cho doanh nghiệp
Với 3 thủ tục hành chính (TTHC) được cắt giảm, 6 TTHC được đơn giản hóa, 02 yêu cầu trong hoạt động kinh doanh, tổng chi phí tiết kiệm được cho doanh nghiệp là hơn 600 tỷ đồng.

Cắt giảm và đơn giản 9 thủ tục đăng ký kinh doanh

Trên tinh thần lấy doanh nghiệp làm trung tâm và ứng dụng công nghệ thông tin để cải cách, Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Luật Doanh nghiệp 2020 và Nghị định số 01/2021/NĐ-CP đã cắt giảm một số TTHC và yêu cầu điều kiện đã tồn tại trong các văn bản quy phạm pháp luật về đăng ký doanh nghiệp trước đó như:

· Một là, bãi bỏ Thông báo thay đổi thông tin người quản lý doanh nghiệp.

· Hai là, bãi bỏ Thông báo sử dụng, thay đổi, huỷ mẫu con dấu.

· Ba là, bãi bỏ Thông báo chào bán cổ phần riêng lẻ.

· Bốn là, bỏ yêu cầu nộp hồ sơ đăng ký doanh nghiệp bằng bản giấy để đối chiếu.

· Năm là, bỏ yêu cầu doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh không được tạm ngừng kinh doanh quá hai năm liên tiếp.

Bên cạnh đó, Nghị định số 01/2021/NĐ-CP đã bổ sung quy định về thủ tục chuyển đổi doanh nghiệp tư nhân thành công ty cổ phần mà không qua các bước trung gian. Ngoài ra, Nghị định số 01/2021/NĐ-CP đã bỏ yêu cầu nộp các giấy tờ như: Bản sao Điều lệ, Danh sách thành viên/cổ đông đối với trường hợp chuyển địa chỉ trụ sở chính của doanh nghiệp sang tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác nơi doanh nghiệp đã đăng ký; Bản sao hợp lệ quyết định bổ nhiệm người đứng đầu chi nhánh văn phòng đại diện khi đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện; Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, con dấu và giấy chứng nhận mẫu dấu (nếu có) đối với trường hợp đăng ký Giải thể doanh nghiệp.

Theo báo cáo “Đánh giá tình hình triển khai công tác đăng ký kinh doanh theo Luật Doanh nghiệp 2020 và đề xuất giải pháp tiếp tục cải cách TTHC liên quan đến đăng ký doanh nghiệp”, với 3 TTHC được cắt giảm, 6 TTHC được đơn giản hóa, 02 yêu cầu trong hoạt động kinh doanh, tổng chi phí tiết kiệm được cho doanh nghiệp là hơn 600 tỷ đồng.

Tỷ lệ chấp thuận hồ sơ ngay lần đầu tiên đạt 63,49%, tỷ lệ hồ sơ trả đúng hạn đạt 71,89%

Tại hội thảo Đánh giá tình hình triển khai công tác đăng ký doanh nghiệp theo Luật Doanh nghiệp 2020, diễn ra ngày 15/12, các chuyên gia đã khẳng định, việc cắt giảm, đơn giản hóa các quy định trên không chỉ giúp doanh nghiệp giảm bớt được thành phần hồ sơ phải kê khai, chuẩn bị, tiết kiệm được chi phí nhờ tận dụng tối đa các thông tin sẵn có trong Hệ thống Thông tin Quốc gia về đăng ký kinh doanh và các hệ thống thông tin đã kết nối, mà còn giúp cho cơ quan quản lý nhà nước giảm thời gian xử lý hồ sơ.

Thời gian làm thủ tục đăng ký doanh nghiệp, khởi sự kinh doanh được ghi nhận liên tục cắt giảm từ năm 2014 đến nay. Cụ thể, thời gian thực hiện các thủ tục cơ bản của quá trình gia nhập thị trường theo quy định đã được giảm từ 32 ngày làm việc (giai đoạn trước năm 2005) xuống 22 ngày làm việc (từ khi Luật Doanh nghiệp 2005 có hiệu lực), 15 ngày làm việc (kể từ năm 2007), 5 ngày làm việc (kể từ năm 2008 đến năm 2014) và hiện nay chỉ còn tối đa 3 ngày làm việc.

Thậm chí, thời gian xử lý hồ sơ thực tế còn thấp hơn thời gian so với quy định.

Cụ thể, theo thống kê từ Hệ thống Thông tin Quốc gia về đăng ký kinh doanh, thì thời gian trung bình xử lý hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp mới của cả nước hiện nay chỉ còn 2,1 ngày, thời gian trung bình xử lý hồ sơ đăng ký thay đổi thông tin đăng ký doanh nghiệp là 2,2 ngày, nhanh hơn so với quy định của Luật Doanh nghiệp 2020.

Tỷ lệ chấp thuận hồ sơ ngay lần đầu tiên đạt 63,49%, tỷ lệ hồ sơ trả đúng hạn đạt 71,89%.

Trong năm 2022, tỷ lệ hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử của cả nước đạt 86,74% (tăng 6% so với năm 2021). Trong đó, tỷ lệ hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử của TP. Hà Nội đạt 96,46% và của TP. Hồ Chí Minh đạt 95,84%.

"Đây là con số đáng mừng cho thấy hiệu quả của đăng ký kinh doanh qua mạng", chuyên gia Dự án USAID LinkSME, ông Hoàng Thanh Tuấn cho hay.

Ứng dụng đăng ký doanh nghiệp qua mạng đạt trên 109 triệu lượt

Trong thời gian qua, mặc dù tình hình kinh tế, xã hội bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhưng mức độ quan tâm của người dân, doanh nghiệp đối với thông tin đăng ký doanh nghiệp và các dịch vụ công về đăng ký doanh nghiệp tăng đáng kể.

Theo thống kê, trong năm 2021, đã có gần 214 triệu lượt truy cập Cổng thông tin, nâng tổng số lượt truy cập Cổng lên 984 triệu lượt. Qua đó cho thấy, Cổng thông tin đã trở thành địa chỉ tin cậy và thiết yếu, giúp người dùng dễ dàng tìm hiểu thông tin về doanh nghiệp và sử dụng các dịch vụ công về đăng ký doanh nghiệp.

Hiện nay, tất cả các TTHC về đăng ký doanh nghiệp đều có thể thực hiện trực tuyến thông qua các ứng dụng trên Cổng thông tin với tất cả dịch vụ công được triển khai ở mức độ 4; đồng thời, thực hiện công khai hóa toàn bộ quy trình đăng ký doanh nghiệp, cũng như tình trạng hồ sơ doanh nghiệp trên Hệ thống.

Tính đến 30/11/2022, tổng số Tài khoản đăng ký kinh doanh đăng ký sử dụng trên Cổng thông tin là 302.505 tài khoản (tăng 18,8% so với cùng kỳ năm 2021). Mức tăng cao này cho thấy, sự đón nhận tích cực của cộng đồng doanh nghiệp đối với những thay đổi về quy định pháp lý về nộp hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử sử dụng tài khoản đăng ký kinh doanh. Quy định này đã nâng cao tính pháp lý của tài khoản đăng ký kinh doanh và góp phần quan trọng trong việc đạt được mục tiêu 100% các TTHC trong lĩnh vực đăng ký, thành lập doanh nghiệp được thực hiện theo dịch vụ công trực tuyến mức độ 4.

Ứng dụng được truy cập nhiều nhất trong năm 2022 trên Cổng thông tin tiếp tục là ứng dụng đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử do việc đẩy mạnh công tác này tại hầu hết các địa phương trên cả nước (hơn 109 triệu lượt), tiếp đó là ứng dụng dịch vụ thông tin và ứng dụng bố cáo điện tử (hơn 42 triệu lượt đối với mỗi ứng dụng) và cuối cùng là trang chủ của Cổng thông tin (gần 13 triệu lượt)./.