Chấm dứt cơ chế “bầu sữa mẹ” đối với DNNN
Vẫn “điệp khúc” xin ưu đãi
Doanh nghiệp nhà nước xin ưu đãi không phải là chuyện mới ở Việt Nam. Tuy nhiên, thời gian gần đây, với hàng loạt thỉnh cầu quá đáng, vô lý của các “ông lớn” nhà nước lại một lần nữa khiến chúng ta không khỏi giật mình.
Gần nhất, đó là chuyện Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) xin một loạt cơ chế riêng, ưu đãi thuế phí nhằm thúc đẩy phát triển, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp dệt may.
Những kiến nghị cụ thể được Vinatex đề xuất, như: hoàn lại thuế thu nhập doanh nghiệp đã thu nếu doanh nghiệp đem lợi nhuận sau thuế làm vốn đầu tư mở rộng sản xuất theo công nghệ hiện đại; được hưởng chính sách riêng, ưu đãi hơn về thuế phí nếu doanh nghiệp áp dụng công nghệ mới, tiên tiến, công nghệ xanh; được lấy cổ phiếu để thế chấp cho các khoản vay ADB (khoảng 105 triệu USD, trong đó có 61 triệu USD đã giải ngân) và Bộ Tài chính là cơ quan đứng ra bảo đảm cho các khoản vay đó…
Điều hết sức vô lý đó là, trong khi xin được hưởng hàng loạt các cơ chế ưu đãi trên, thì Vinatex lại đề nghị cho thoái toàn bộ vốn nhà nước để trở thành doanh nghiệp tư nhân.
Vinatex liên tiếp xin các ưu đãi vô lý |
Không chỉ có Vinatex, hồi tháng 03/2017, Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) cũng đã xin ưu đãi hết sức quá đáng về thuế đối với dự án đường ống dẫn khí lô B quy mô 1,2 tỷ USD. Cụ thể, về thuế thu nhập doanh nghiệp, PVN xin được áp thuế suất 10% trong 30 năm (sau 30 năm áp dụng thuế suất là 20%), miễn thuế trong 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo.
Trước đó, tháng 01/2017, tại Hội nghị Trực tuyến Tổng kết công tác năm 2016 và Triển khai nhiệm vụ năm 2017, Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam cũng đề nghị chính phủ và các bộ, ban, ngành điều hành cung - cầu của thị trường than Việt Nam, ưu tiên sử dụng than do trong nước sản xuất; đưa ra cơ chế, chính sách để ngành than có sức cạnh tranh trên thị trường khu vực; đề nghị có cơ chế đặc thù cho ngành.
Điều đáng nói là, các trường hợp như Vinatex, PVN, Than - Khoáng sản không phải là hiếm, vì còn rất nhiều doanh nghiệp nhà nước khác đang “bấu víu” vào các chính sách ưu đãi của Nhà nước để được tạo nguồn hàng, bảo hộ sản xuất, để đỡ phải chiến đấu và cạnh tranh với doanh nghiệp khác, như: Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên (TISCO), Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2)…
Phải dứt khoát nói không với những lời "cầu xin"
Tại nhiều cuộc hội thảo, diễn đàn, tọa đàm được tổ chức, nhiều doanh nghiệp tư nhân đến tham dự mặc dù rất khó khăn, nhưng vẫn từ chối những ưu đãi về chính sách từ phía Chính phủ, mà chỉ khẩn khoản mong nhận được sự đối xử công bằng, bình đẳng với các thành phần kinh tế khác.
Ấy vậy mà, khối doanh nghiệp nhà nước không những đã được hưởng nhiều đặc ân hơn các thành phần kinh tế khác, mà còn tiếp tục xin thêm những ưu đãi khác. Chưa kể đến việc trong vài năm gần đây, các doanh nghiệp nhà nước này liên tục kinh doanh thua lỗ, gây thất thoát vốn và tài sản của Nhà nước.
Thống kê của Bộ Tài chính cho thấy, đến hết năm 2015, tổng doanh thu của các các doanh nghiệp nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ chỉ đạt hơn 1,588 triệu tỷ đồng (tương đương năm 2014). Đáng chú ý, dù 7 tập đoàn nhà nước chiếm tới 65,5% tổng vốn chủ sở hữu, nhưng chỉ đem lại doanh thu 960.795 tỷ đồng (giảm 3% so với năm 2014).
Đây là hệ lụy có thể thấy rõ của sự bao bọc quá mức làm cho doanh nghiệp nhà nước “lười biếng”, “ỷ lại”, không có động lực và không có cả năng lực để có thể phát triển được trong nền kinh tế thị trường thực thụ.
Theo đó, trên báo Tuổi trẻ, GS, TS. Trần Ngọc Thơ cho rằng, để quản lý doanh nghiệp nhà nước một cách có hiệu quả, cần mạnh tay chấm dứt cơ chế “bầu sữa mẹ” đối với loại hình doanh nghiệp này.
Bên cạnh đó, dứt khoát phải tách bạch cơ chế bộ, ngành quản lý doanh nghiệp nhà nước ra. Vì nếu vẫn tiếp tục cơ chế bộ, ngành quản lý như hiện nay, với ngân sách được rót đều, có thể khẳng định rất khó có động lực để khối này phát triển.
Mặt khác, cần có một cơ chế kiểm toán, giám sát được luồng tiền thực hiện đang rót vào các dự án của khối doanh nghiệp nhà nước, tập đoàn kinh tế nhà nước là bao nhiêu, với những con số hết sức cụ thể, minh bạch.
Còn theo chuyên gia kinh tế TS. Lê Đăng Doanh, không nên tạo ra môi trường kinh doanh có quá nhiều ưu đãi tập trung vào một số doanh nghiệp lớn khiến mặt bằng kinh doanh “gồ ghề”, không bình đẳng trong nền kinh tế thị trường. Có những ưu đãi đặc biệt có thể chấp nhận, như những doanh nghiệp đang gặp khó khăn lớn, phá sản do thiên tai bão lụt mới đây.
Riêng đối với kiến nghị gần đây của Vinatex, PGS, TS. Đặng Đình Đào, Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển cho rằng, Chính phủ cần kiên quyết từ chối, không thể chấp nhận với những đề xuất, kiến nghị của Vinatex để tránh tạo ra tiền lệ xấu.
"Tôi thấy rất lạ, đây là những đề xuất rất không bình thường. Tôi băn khoăn, Vinatex đang nuôi tham vọng gì khi đề xuất vừa được hoạt động như doanh nghiệp tư nhân nhưng lại vừa muốn được hưởng những cơ chế bao cấp của nhà nước?. Kiến nghị trên là vô lý, không thể chấp nhận được", PGS, TS. Đào nhắc lại./.
Tham khảo từ một số nguồn:
Hồng Sương (2017). Ông lớn xin ưu đãi, truy cập từ http://thanhnien.vn/kinh-doanh/ong-lon-xin-uu-dai-863569.html
Lê Thanh 92017). Trả lại cơ hội cho doanh nghiệp tư nhân, truy cập từ http://tuoitre.vn/tin/kinh-te/20170501/tra-lai-co-hoi-cho-doanh-nghiep-tu-nhan/1307241.html
Hoài An (2017). Vinatex vừa muốn thoái vồn, vừa muốn xin ưu đãi, truy cập từ http://baodatviet.vn/kinh-te/doanh-nghiep/vinatex-vua-muon-thoai-von-vua-xin-uu-dai-qua-vo-ly-3340800/
Bình luận