Tóm tắt

Chính sách thuế có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV). Kết quả nghiên cứu cho thấy, có rất nhiều quốc gia trên thế giới đã áp dụng những chính sách hỗ trợ về thuế hợp lý đối với loại hình doanh nghiệp này. Tuy nhiên, việc vận dụng tại Việt Nam cần có sự điều chỉnh phù hợp để DNNVV có điều kiện và hành lang hoạt động và phát triển.

Từ khóa: chính sách thuế, ưu đãi thuế, miễn thuế, giảm thuế, DNNVV

Summary

Tax policy plays an important role in promoting the development of small and medium enterprises (SMEs). Research results show that many countries around the world have applied reasonable tax support policies for this type of business. However, the application in Vietnam needs appropriate adjustments so that SMEs have conditions and corridors to operate and develop.

Keywords: tax policy, tax incentives, tax exemption, tax reduction, SME

GIỚI THIỆU

Các DNVVN đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế của một quốc gia, bởi vì họ là người tạo ra việc làm, tạo ra doanh số và là nguồn thu thuế. Do đó, các quốc gia sử dụng phương pháp thuế với vai trò điều tiết của nhà nước đối với các quá trình kinh tế, trong đó bao gồm trong sự phát triển của các DNNVV.

Bài viết tập trung vào việc tìm hiểu kinh nghiệm về chính sách chính sách thuế thúc đẩy phát triển bền vững doanh nghiệp nhỏ và vừa tại các quốc gia trên thế giới, từ đó tổng kết bài học kinh nghiệm cho Việt Nam.

KHÁI QUÁT VỀ CHÍNH SÁCH THUẾ THÚC ĐẨY PHÁT TRIỂN DNNVV

Chính sách thuế sử dụng cho mục đích hỗ trợ và thúc đẩy các DNNVV phát triển bền vững, hướng tới các biện pháp ưu đãi thuế đối với các doanh nghiệp thuộc loại hình doanh nghiệp này.

Hội nghị Liên hợp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD) (2003) định nghĩa, ưu đãi thuế là công cụ giảm gánh nặng thuế của chính phủ để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào các dự án hoặc lĩnh vực cụ thể. Chúng thường bao gồm: thuế suất giảm đối với lợi nhuận, miễn thuế, các quy tắc kế toán cho phép khấu hao nhanh và chuyển lỗ cho các mục đích thuế và giảm thuế đối với thiết bị, linh kiện và nguyên liệu nhập khẩu hoặc tăng thuế quan để bảo vệ thị trường trong nước.

Theo Gravelle (2013), ưu đãi thuế là một điều khoản tạo điều kiện thuận lợi cho bất kỳ cá nhân hoặc hoạt động nào khác với các quy định thông thường của luật thuế. Chi tiêu thuế đề cập đến tổn thất doanh thu mà chính phủ phải gánh chịu bằng cách cung cấp các khoản miễn thuế, khấu trừ hoặc trợ cấp, tín dụng thuế, thuế suất ưu đãi hoặc hoãn thanh toán thuế một cách hợp pháp cho bất kỳ bên nào trong nền kinh tế.

Goolsbee (2004) cho rằng, ưu đãi thuế làm giảm nguồn thu ngân sách, có thể ảnh hưởng tiêu cực đến tiết kiệm ròng của quốc gia. Tuy nhiên, số tiền thuế miễn giảm sẽ được chuyển vào nguồn vốn của doanh nghiệp để tái đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh và tăng thêm thu nhập, từ đó, làm tăng thuế thu nhập doanh nghiệp nộp ngân sách nhà nước.

Keen (2013) định nghĩa ưu đãi thuế là tất cả các biện pháp và chiến lược tạo điều kiện và hỗ trợ về thuế đối với một số hoạt động hoặc lĩnh vực nhất định, theo học giả, các ưu đãi thuế thường được sử dụng tại các quốc gia bao gồm:

(1) Miễn thuế được định nghĩa là việc đầu tư kinh doanh được miễn thuế tạm thời đối với một số loại thuế cụ thể, thường ít nhất là thuế thu nhập doanh nghiệp. Việc miễn thuế từng phần cung cấp các nghĩa vụ được giảm bớt thay vì được miễn hoàn toàn.

(2) Đặc khu được đặt trong các khu vực giới hạn về mặt địa lý, nơi các công ty đủ điều kiện có thể đặt trụ sở và do đó được hưởng lợi từ việc miễn các phạm vi thuế hoặc các yêu cầu hành chính khác nhau.

(3) Tín dụng thuế đầu tư là khoản khấu trừ một phần của khoản đầu tư khỏi nghĩa vụ thuế.

(4) Dự phòng đầu tư/Khấu hao nhanh là khoản khấu trừ một phần của khoản đầu tư khỏi lợi nhuận chịu thuế (ngoài khấu hao).

(5) Thuế suất giảm/Thuế suất ưu đãi là việc giảm thuế suất, cụ thể là thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp.

(6) Miễn các loại thuế là việc miễn một số loại thuế, hầu hết là các loại thuế thu tại biên giới như thuế quan, thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng đối với đầu vào nhập khẩu.

(7) Khuyến khích tài trợ là việc giảm thuế suất.

(8) Kết chuyển lỗ là khi doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ, số lỗ có thể được chuyển sang để bù đắp lợi nhuận trong tương lai của doanh nghiệp.

CHÍNH SÁCH THUẾ THÚC ĐẨY PHÁT TRIỂN DNNVV CỦA MỘT SỐ QUỐC GIA TRÊN THẾ GIỚI

Các quốc gia khu vực châu Âu

Các nước thuộc khu vực châu Âu tập trung vào việc hỗ trợ cho các nhà đầu tư vào DNNVV thông qua chính sách thuế. Một số quốc gia đã thực hiện mức thuế suất thấp hơn mức phổ thông áp dụng cho DNNVV. Điển hình như Hà Lan áp dụng thuế suất 15% đối với thu nhập chịu thuế 395.000 Euro trở xuống, nếu thu nhập chịu thuế lớn hơn 395.000 Euro, thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp là 59.250 Euro cộng với 25,8% cho số tiền chịu thuế vượt quá 395.000 Euro (Government of the Netherlands, 2022).

Một số quốc gia lại sử dụng các ưu đãi thuế đối với DNNVV, cụ thể như sau:

- Ba Lan đã áp dụng chính sách khuyến khích đầu tư vào cổ phiếu của các DNNVV thông qua việc loại bỏ thuế áp dụng cho lợi nhuận thu được khi bán một chứng khoán (Daniel và Faustin, 2019).

- Vương quốc Anh và Tây Ban Nha đã áp dụng chính sách ưu đãi thuế trong đó các nhà đầu tư bán lẻ có thể khấu trừ một tỷ lệ phần trăm nhất định của giá trị họ đầu tư vào cổ phần của vốn chủ sở hữu DNNVV. Điều này xảy ra thông qua việc cung cấp các khoản giảm thuế chỉ để mua cổ phần trong các đợt chào bán cổ phần mới của DNNVV.

- Tại Pháp, các nhà đầu tư có thể nhận được khoản tín dụng thuế 18% giá trị đầu tư vào Quỹ tương hỗ đổi mới.

- Tại Bỉ, khoản khấu trừ đầu tư chung cho các DNNVV lên tới 10,5% giá trị khấu hao tài sản. Việc khuyến khích được giới hạn cho các công ty có ít hơn 20 nhân viên. Số tiền chưa sử dụng có thể được sử dụng trong những năm tiếp theo với mức chuyển tiếp tối đa là 37.500 Euro, nhưng không quá 50% lợi nhuận trước thuế.

Trong khi đó, một số quốc gia lại kéo dài khoảng thời gian của chu kỳ tính thuế nhằm giúp DNNVV. Thụy Điển đã thiết lập kỳ tính thuế giá trị gia tăng hàng năm cho doanh nghiệp nhỏ, có thể được áp dụng do người trả tiền quyết định thay vì kỳ tính thuế hàng năm. Các DNNVV của Malta có quyền được giảm 65% số tiền thuế phải nộp hàng năm bất kể mục đích của họ là gì và không có bất kỳ điều khoản và điều kiện bổ sung nào (Ordynskaya và cộng sự, 2016).

Các quốc gia thuộc khu vực châu Á

Tại Hàn Quốc và Ấn Độ, các nhà đầu tư được hưởng lợi từ việc giảm thuế thu nhập vốn đối với các khoản đầu tư cổ phần của DNNVV. Điều này được thực hiện thông qua việc cắt giảm một nửa thuế thu nhập vốn ngắn hạn, từ thuế suất 30% xuống thuế suất 15% đối với cổ phiếu niêm yết của các DNNVV (Daniel và Faustin, 2019).

Ở Trung Quốc, mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp phổ thông là 25%, doanh nghiệp nhỏ được áp dụng mức thuế suất ưu đãi là 20%. Tuy nhiên, bắt đầu từ ngày 01/01/2019, Trung Quốc áp dụng mức thuế suất 5% đối với doanh nghiệp có thu nhập tính thuế dưới 1 triệu Nhân dân tệ, mức 10% đối với doanh nghiệp có thu nhập tính thuế từ 1 triệu đến 3 triệu Nhân dân tệ (Zhang và Zhou, 2022).

Các quốc gia thuộc Đông Nam Á (ASEAN)

Tại các quốc gia thuộc ASEAN, chính sách ưu đãi thuế được tập trung vào thuế thu nhập doanh nghiệp, đây là loại thuế trực thu đánh vào thu nhập hoặc các khoản lãi có thể tính được tích lũy cho một doanh nghiệp. Các nước Asean đã đặt ra các mức thuế suất tiêu chuẩn khác nhau đối với thuế thu nhập doanh nghiệp, được xác định bởi nhiều yếu tố tùy thuộc vào ưu tiên của chính phủ, mức độ phát triển và bản chất của nền kinh tế (Shira và Associates, 2018). Thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp trung bình trong khu vực ASEAN đang giảm dần, từ 25,1% năm 2010 xuống 22,6% năm 2015 và xuống 21,7% năm 2020. Lào và Thái Lan là 2 nước có mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghệp tiêu chuẩn giảm mạnh nhất trong 10 năm qua (2010-2020), từ 35% xuống 20% đối với Lào; từ 30% đến 20% đối với Thái Lan. Indonesia đã giảm xuống còn 22% và Malaysia giảm còn 24% đối với phần thu nhập chịu thuế vượt 500.000 Ring-git, trong đó, doanh nghiệp Malaysia có vốn góp từ 2,5 triệu Ring-git trở xuống được áp dụng mức thuế suất 19% đối với 500.000 Ring-git thu nhập chịu thuế đầu tiên. Singapore là quốc gia đưa ra mức thuế thu nhập doanh nghiệp thấp nhất ASEAN với mức 17% thu nhập doanh nghiệp chịu thuế và không thay đổi trong 10 năm qua; tỷ lệ 18,5% của Brunei thấp thứ hai (Thành và cộng sự, 2020).

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, các nước ASEAN đã đưa ra các chính sách ưu đãi thuế nhằm hỗ trợ các DNNVV chống lại các tác động tiêu cực về kinh tế, tuy nhiên những chính sách này mang tính chất tạm thời để cứu trợ các nền kinh tế trong ngắn hạn, bên cạnh các ưu đãi thuế khác đã tồn tại từ trước. Tại Campuchia, các DNNVV bị ảnh hưởng bởi thời gian gián đoạn do dịch Covid-19 được miễn thuế từ 6 tháng tới 1 năm. Các khách sạn và nhà hàng nằm ở các điểm đến do Chính phủ Indonesia quảng bá, thì được miễn thuế trong 6 tháng, trong đó, thuế thu nhập doanh nghiệp được giảm 30% đối với các doanh nghiệp thuộc 19 ngành sản xuất được chọn trong 6 tháng. Tại Lào, doanh nghiệp siêu nhỏ được miễn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp trong 3 tháng kể từ tháng 4/2020. Trong khi, các DNNVV du lịch tại Malaysia đã được hoãn nộp thuế hàng tháng trong 6 tháng kể từ ngày 01/4/2020. Tại Thái Lan, các khoản khấu trừ thuế đã được tăng lên đối với các DNNVV liên quan đến lãi vay và tiền lương của nhân viên (Zulkarnaen và cộng sự, 2020).

Bên cạnh đó, các chính sách về miễn, giảm thuế cũng được thực hiện, chính phủ các nước ASEAN sử dụng công cụ này để hỗ trợ và khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào các hoạt động kinh tế được lựa chọn (OECD, 2019).

Tại Lào, các nhà đầu tư tái đầu tư lợi nhuận ròng của họ vào các hoạt động bổ sung hoặc hoạt động đầu tư đủ điều kiện để được miễn thuế đối với lợi nhuận cho năm kế toán tiếp theo. Còn ở Myanmar, doanh nghiệp được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp nếu lợi nhuận thu được từ hoạt động đầu tư kinh doanh được tái đầu tư vào cùng một doanh nghiệp hoặc trong một loại hình kinh doanh tương tự trong vòng một năm. Trong khi tại Myanmar, việc miễn thuế thu nhập doanh nghiệp chỉ được cấp cho các dự án dịch vụ đã được phê duyệt. Thời gian miễn thuế tại các quốc gia thuộc ASEAN thay đổi từ 5 đến 20 năm, với thời gian trung bình là khoảng 12 năm. Cụ thể, các DNNVV nằm trong các khu công nghiệp công nghệ cao ở Brunei có thể được cho miễn thuế kéo dài tổng cộng 20 năm. Tùy thuộc vào số vốn đầu tư mới, Bộ Tài chính Indonesia có thể tương tự phê duyệt thời hạn tối đa lên đến 20 năm kể từ năm tài chính mà một doanh nghiệp bắt đầu hoạt động thương mại, sau khi kỳ nghỉ thuế kết thúc, các doanh nghiệp này được giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp trong hai năm tiếp theo (Thanh và cộng sự, 2020).

Như vậy, chính sách thuế của các quốc gia ưu đãi thuế đã đảm bảo mục tiêu hội nhập kinh tế quốc tế, phù hợp với xu hướng phát triển, phù hợp với các cam kết quốc tế. Đồng thời, góp phần thực hiện điều tiết thu nhập của dân cư một cách hợp lý, từng bước thực hiện công bằng xã hội. Việc áp dụng các chính sách ưu đãi về thuế còn góp phần thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động, phát triển nguồn nhân lực và khoa học, công nghệ.

Mặc dù, ưu đãi thuế sẽ làm giảm nguồn thu ngân sách nhà nước trong ngắn hạn, nhưng về lâu dài số tiền thuế miễn giảm sẽ được bổ sung vào nguồn vốn để doanh nghiệp tái đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh, tăng thêm thu nhập.

BÀI HỌC RÚT RA CHO VIỆT NAM

Thực trạng chính sách thuế thúc đẩy phát triển DNNVV tại Việt Nam

Cũng như nhiều quốc gia khác trên thế giới, các DNNVV tại Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội, với tỷ lệ 97,4% tổng số doanh nghiệp, các DNNVV được xác định là động lực tăng trưởng của nền kinh tế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 2021).

Để tiếp tục thúc đẩy DNNVV phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh, Việt Nam đã thực hiện các chính sách về miễn, giảm và ưu đãi thuế đối với loại hình DNNVV, đặc biệt trong giai đoạn đại dịch Covid-19, cụ thể như sau:

Thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp

Trong bối cảnh diễn biến đại dịch Covid-19 diễn ra phức tạp, tháng 9/2020 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 114/2020/NĐ-CP, ngày 25/9/2020 quy định chi tiết thi hành Nghị quyết số 116/2020/QH14 của Quốc hội về việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp năm 2020 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác. Tất cả các doanh nghiệp, trong đó có DNNVV, được giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của kỳ tính thuế năm 2020 trong trường doanh nghiệp có tổng doanh thu không quá 200 tỷ đồng năm 2020. Như vậy, Việt Nam là một trong các quốc gia trong Asean, cùng với Lào và Thái Lan, có mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp tiêu chuẩn giảm mạnh nhất trong 10 năm qua (2010-2020), từ 25% xuống 20%.

Miễn giảm thuế

Cũng như thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp tiêu chuẩn, việc miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp và các hoạt động hoặc lĩnh vực được hưởng hình thức khuyến khích này tùy thuộc vào các lựa chọn của các chính phủ. Tại Việt Nam, các doanh nghiệp nói chung và DNNVV hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp ở vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn và có thu nhập từ các sản phẩm nông nghiệp, thủy sản chọn lọc ở vùng khó khăn được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp (Thanh và cộng sự, 2020).

Ngoài ra, chính sách ưu đãi thuế của Việt Nam được thực hiện theo phạm vi lĩnh vực, địa bàn và quy mô vốn của DNNVV, điều này được quy định cụ thể trong Luật Đầu tư, số 61/2020/QH14 do Quốc hội ban hành ngày 17/6/2020. Trong khi một số các quốc gia khác tại ASEAN, như: Singapore, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar và Philippines miễn thuế theo hoạt động kinh doanh, ở Brunei theo quy mô của doanh nghiệp.

Đối với thời gian miễn, giảm thuế, Việt Nam đưa ra thời gian miễn thuế tối đa ngắn nhất là 5 năm, thu nhập từ việc bán sản phẩm sử dụng công nghệ mới lần đầu tiên áp dụng tại Việt Nam được miễn thuế, nhưng thời gian không quá 5 năm, kể từ ngày thu được doanh thu từ việc bán sản phẩm đó. Điều này được quy định cụ thể trong các văn bản chính sách pháp luật do Chính phủ ban hành. Tháng 4/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 41/2020/NĐ-CP, ngày 08/4/2020 gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân… bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, trong đó có các DNNVV; Tháng 4/2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 52/2021/NĐ-CP, ngày 19/4/2021 về gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất. Trong khi đó, thời gian miễn giảm thuế tại Indonesia tối đa là 20 năm, điều này được thực hiện tại Lào, Singapore và Thái Lan tối đa là 15 năm.

Ưu đãi thuế

Trong khi việc miễn thuế và hoãn thuế được giới hạn cho một số nhóm nhà đầu tư nhất định, các ưu đãi về thuế được áp dụng rộng rãi hơn cho các hoạt động kinh doanh khác nhau. Việt Nam áp dụng mức giảm thuế thu nhập doanh nghiệp tối đa là 50%, với mức thuế suất ưu đãi nhất là 10%.

Ngoài ra, đối với các khoản chuyển lỗ, tại Việt Nam, trong trường hợp lỗ trong năm tài chính nào, thì khoản lỗ được tính vào năm tính thuế tiếp theo và được trừ vào lợi nhuận của năm tiếp theo. Nếu khoản lãi này không đủ để giải quyết dứt điểm khoản lỗ, thì phần lỗ còn lại được chuyển liên tiếp với thời gian chuyển lỗ tối đa là 5 năm. Điều này cũng được thực hiện tương tự tại Thái Lan và Campuchia.

Bài học rút ra cho Việt Nam

Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp đã thực hiện đúng lộ trình mà Chiến lược Cải cách thuế đặt ra. DNNVV được áp dụng mức thuế suất 20% ngay từ ngày 01/7/2013, tuy nhiên, mức thuế suất 20% đối với DNVVN chưa thực sự phù hợp với tình hình thực tế hiện nay, do DNNVV chiếm tỷ lệ 97,4% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động, nó giữ vai trò rất quan trọng trong phát triển kinh tế cũng như ổn định xã hội. Bên cạnh đó, chính sách thuế tác động của ưu đãi thuế đối với việc phân bổ nguồn lực trong đầu tư của các DNNVV còn chưa có tính tập trung, thu hút đầu tư nhiều ngành nghề, lĩnh vực, địa bàn.

Các ưu đãi thuế doanh nghiệp nói chung và DNNVV có thể gây ra những mối đe dọa đáng kể đối với nguồn thu ngân sách quốc gia và tạo ra chi phí tài khóa về thuế. Theo VATJ (2019), chi tiêu thuế của Việt Nam trong lĩnh vực ưu đãi thuế doanh nghiệp ước tính trị giá 2,7 tỷ USD trong năm 2016, tương đương 7% thu ngân sách nhà nước, 30% thu thuế thu nhập doanh nghiệp, hay 5% tổng chi tiêu nhà nước và lớn hơn chi ngân sách cho y tế. Chi phí giảm thuế thu nhập doanh nghiệp chiếm tỷ trọng cao nhất trong tổng chi thuế, lên tới 75%. Nếu Chính phủ bãi bỏ các khoản chi thuế khỏi các ưu đãi thuế doanh nghiệp, thì thu ngân sách sẽ tăng lên và nếu ngân sách tăng được sử dụng một cách hiệu quả, việc bãi bỏ này sẽ không có tác động tiêu cực đến sản lượng cũng như GDP của Việt Nam. Nghiên cứu của UNIDO đã phát hiện ra rằng, kinh tế vĩ mô và ổn định chính trị là hai yếu tố quyết định ảnh hưởng lớn nhất đến quyết định đầu tư và ưu đãi thuế không phải là yếu tố quyết định chính (Thanh và cộng sự, 2020), các ưu đãi thuế dựa trên lợi nhuận, bao gồm: miễn giảm và giảm thuế, không thúc đẩy phát triển các mục tiêu hoặc tác động lan tỏa từ các khoản đầu tư.

Do đó, để thúc đẩy sự phát triển các DNNVV, Việt Nam cần có sự điều chỉnh hợp lý đối với chính sách thuế áp dụng cho DNNVV, cụ thể như sau:

Thứ nhất, đối với thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp

Cần áp dụng mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp thấp hơn mức phổ thông đối với DNNVV, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ do vai trò quan trọng của các DNNVV trong nền kinh tế, cũng như việc các doanh nghiệp càng có quy mô nhỏ, thì càng dễ bị tổn thương trước những biến động của nền kinh tế, môi trường kinh doanh, trước sự cạnh tranh khi hội nhập kinh tế quốc tế. Điều này đã được thực hiện ở nhiều quốc gia, như: Trung Quốc, Malaysia, Hà Lan, Brazil.

Thứ hai, đối với chính sách miễn, giảm thuế

Giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các nhóm lợi nhuận mục tiêu. Việc giảm thuế nên được thực hiện tạm thời và việc lựa chọn phạm vi giảm thuế cũng cần xem xét tới mức độ đóng góp và mức độ chịu ảnh hưởng trước những biến động của đối tượng được giảm thuế. Biện pháp này vừa khuyến khích phát triển một số lĩnh vực ngành nghề kinh doanh nhất định, vừa giúp minh bạch các chi phí về số thu. Tuy nhiên, khi thực hiện biện pháp này, cần xem xét việc phân định và quản lý lợi nhuận nào đạt tiêu chuẩn được hưởng mức thuế suất thấp để tránh xảy ra tình trạng doanh nghiệp trốn thuế bằng cách chuyển lợi nhuận của mình sang doanh nghiệp chịu mức thuế thấp hơn thông qua phương thức chuyển giá.

Thứ ba, đối với chính sách ưu đãi về thuế

Việt Nam cần nghiên cứu giảm việc áp dụng hình thức ưu đãi về thời gian miễn thuế, giảm thuế. Hình thức ưu đãi về thời gian miễn thuế, giảm thuế đã hoàn toàn bị bãi bỏ ở các nước phát triển và hiện nay các nước trong tổ chức OECD chỉ áp dụng hình thức giảm trừ thuế hoặc khấu hao nhanh, do đây là các hình thức ưu đãi có mục tiêu cụ thể và hiệu quả nhất. Bên cạnh đó, tất cả các ưu đãi thuế phải có cơ sở pháp lý, đồng thời, phải có lịch trình và ngày kết thúc rõ ràng trong luật.

Thứ tư, đối với công tác quản trị thuế

Vì mục tiêu minh bạch và quản trị tốt trong lĩnh vực thuế, nên thực hiện phân tích chi phí - lợi ích của các điều khoản ưu đãi thuế tiềm năng như điều kiện tiên quyết để phê duyệt bất kỳ ưu đãi thuế nào đối với doanh nghiệp nói chung và DNNVV nói riêng. Khi các ưu đãi thuế đã được cấp, cơ quan thuế cần phải theo dõi tác động của chúng bằng cách thực hiện đánh giá giữa kỳ để xác định xem liệu kết quả có đáp ứng được kỳ vọng của Chính phủ hay không?./.

ThS. Vũ Mai Phương

Trường Đại học Tài chính – Quản trị kinh doanh

(Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 14, tháng 5/2023)


TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2021), Sách trắng Việt Nam năm 2021, Nxb Thống kê.

2. Daniel, T., and Faustin, G. (2019), Effect of tax incentives on the growth of small and medium-sized enterprises (SMEs) in Rwanda: A case study of SMEs in Nyarugenge district, Journal of Accounting and Taxation, 11(5), 89-98.

3. Goolsbee, A. (2004), The impact of the corporate income tax: evidence from state organizational form data, Journal of Public Economics, 88(11), 2283-2299.

4. Government of the Netherlands (2022), Taxation and businesses, retrieved from https://www.government.nl/topics/taxation-and-businesses/corporation-tax.

5. Gravelle, J. (2013), Corporate tax incidence: review of general equilibrium estimates and analysis, National Tax Journal, 66(1), 185-214.

6. Keen, M. (2013), Taxation and development: Critical issues in taxation and development. Cambridge: MIT Press.

7. Mintz, J., and Chen, D. (2011), Small business taxation: revamping incentives to encourage growth, SPP Research Paper, 4-7.

8. OECD (2019), Investment, retrieved from https://www.oecd.org/investment/oecd-investment-policy-review-southeast-asia.htm.

9. Ordynskaya, M. E., Silina, T. A., Karpenko, S. V., and Divina, L. E. (2016), Tax incentives for small and medium businesses in European union countries in the crisis period, International Journal of Economics and Financial Issues, 6(2), 212-218.

10. Shira, D., and Associates (2018), Tax & Accounting, retrieved from https://www.aseanbriefing.com/news/taxation-asean-introduction/.

11. Thanh, N. D., Long, P. V., Thai, N. Q., Langerock, J., Aidha, C. N., Herawati (2020), Towards Sustainable Tax Policies in the ASEAN Region: The Case of Corporate Tax Incentives, Hanoi: Perkumpulan PRAKARSA.

12. UNCTAD (2003), The financial grants to encourage investment and employment in non-traditional sectors, New York: United Nations Conference on Trade and Development.

13. VATJ (2019), Tax Expenditure in Vietnam: A Case of Corporate Income Tax, Hanoi: Vietnam National University Press.

14. Zhang, Z., and Zhou, Q. (2022), China’s Tax Incentives For Small Businesses (Updated), retrieved from https://www.china-briefing.com/news/chinas-tax-incentives-for-small-businesses/.

15. Zulkarnaen, W., Erfiansyah, E., Syahril, N. N., and Leonandri, D. G. (2020), Comparative Study of Tax Policy Related to COVID-19 in ASEAN Countries, International Journal of TEST Engineering & Management, 83(2), 6519-6528.