Chọn ngành học mùa tuyển sinh đại học năm 2023, sĩ tử cần lưu ý gì?
Sự ra đời của ChatGPT khiến cho khối ngành công nghệ đang thêm sức hút đối với thí sinh. Hiện hàng loạt trường đại học công bố mở những ngành học mới. Có nhất thiết chạy theo lựa chọn ngành "hot", ngành học mới là câu hỏi đặt ra của nhiều thí sinh khi mùa tuyển sinh đại học năm 2023 đã khởi động.
Ông Ngô Minh Tuấn, người sáng lập Trường huấn luyện Doanh nhân CEO Việt Nam Global |
Lựa chọn thông minh
Theo PGS, TS. Nguyễn Phú Khánh - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Phenikaa, khi một ngành mới được mở ra, các trường đại học phải căn cứ vào chiến lược phát triển của đất nước, điều kiện kinh tế - xã hội và đặc thù ngành nghề, cơ sở đào tạo. Ngoài ra, những ngành học mới đều được các trường nghiên cứu kỹ càng, chuẩn bị cẩn thận thì mới tuyển sinh.
Do đó, nếu thí sinh thật sự thấy yêu thích, muốn học và có năng lực để theo học thì nên lựa chọn. Các em có thể là người tiên phong với nhiều lợi thế sau này. Nếu như các chương trình đang đào tạo thời gian cập nhật nội dung phải sau 1 - 2 năm, thì với các ngành mới, sự cập nhật bao giờ cũng nhanh nhất. Theo đó, những kiến thức, nội dung hay và hợp lý, có tính liên ngành sẽ được đưa vào ngành mới.
“Khi mở ngành mới, tất nhiên các trường đã có tầm nhìn xa về cơ hội việc làm của người học trong tương lai. Tôi nghĩ, đây là sự lựa chọn có thể yên tâm; thậm chí là sự lựa chọn thông minh. Hãy mạnh dạn lựa chọn nếu các em thấy phù hợp với năng lực, đam mê, sở thích, điều kiện tài chính, điểm thi”, PGS, TS. Nguyễn Phú Khánh tư vấn.
Nhiều năm làm công tác tuyển sinh, PGS, TS. Trần Trọng Nguyên chứng kiến một lượng thí sinh do thiếu thông tin nên chọn ngành chỉ vì theo bạn bè. Có thí sinh cho rằng, trong xã hội ngành này “hot”, ngành kia đẳng cấp; trong khi không thực sự yêu thích, chưa tìm hiểu kỹ. Kết quả là sau khi vào trường học vài năm đã “vỡ mộng”. Các em có xu hướng muốn chuyển ngành, động cơ học tập không còn.
PGS, TS. Trần Trọng Nguyên khuyến cáo, để chọn được ngành học phù hợp, thí sinh phải xem mình yêu thích gì, năng lực đáp ứng được không?
“Năng lực ở đây được hiểu là ngoài yếu tố chuyên môn còn là sức khỏe, tài chính và nhiều điều kiện khác. Ví dụ, thích một ngành nghề nhưng để theo học, thì yêu cầu đầu tư lớn về tài chính và điều kiện sức khỏe tốt. Nếu tài chính và sức khỏe không đáp ứng, thì không nhất thiết phải đăng ký thi/xét tuyển vào ngành đó” - PGS, TS. Trần Trọng Nguyên nhấn mạnh, đồng thời tư vấn:
Thí sinh có thể tham khảo các anh, chị sinh viên đã và đang học tại trường mình dự định đăng ký thi/xét tuyển. Đây là kênh tham khảo hữu ích bởi họ từng học tập và có trải nghiệm thực tế. Sinh viên khóa trước sẽ chia sẻ cho các em những cảm nhận sát thực và chính xác.
Không nên theo xu hướng, trào lưu
Theo các chuyên gia, hiện nay, các ngành liên quan đến công nghệ, AI, ngành dựa trên công nghệ thông minh và tương tác, đổi mới sáng tạo…, là những ngành học được thí sinh quan tâm nhiều nhất. Các em thường theo dõi các dữ liệu quá khứ về điểm chuẩn xét tuyển, mức xét tuyển để đăng ký. Tuy vậy, các dữ liệu này của những ngành mới mở gần như chưa có. Do đó, các sĩ tử cần lựa chọn thật sáng suốt để có thể trúng tuyển vào ngành học tại ngôi trường mà mình mong muốn. Khi lựa chọn một ngành học mới, thí sinh có nhiều cơ hội nghề nghiệp trong tương lai, tuy nhiên nếu năng lực không đáp ứng được yêu cầu của ngành học thì đó là một việc làm khá rủi ro.
Thí sinh cần cân nhắc kĩ liệu mình có tố chất phù hợp với ngành học đó không? Bản thân có thực sự yêu thích ngành đó không hay chỉ đăng ký theo trào lưu. Học lực cũng như năng khiếu của mình có đáp ứng được yêu cầu của ngành học không? Có thể thấy, việc mở các ngành nghề mới là điều tốt nếu các ngành nghề đó đáp ứng nhu cầu xã hội, cũng như năng lực đào tạo của các nhà trường. Tuy nhiên, có nhiều trường vì muốn thu hút học sinh mà mở thêm ngành với tên gọi hấp dẫn, nhưng thực chất lại là "bình mới rượu cũ". Điều này sẽ gây ảnh hưởng đến công tác tư vấn, cũng như tuyển sinh của các ngành đào tạo truyền thống.
Chia sẻ từ góc nhìn thực tiễn, ông Ngô Minh Tuấn, người sáng lập Trường huấn luyện Doanh nhân CEO Việt Nam Global cho rằng, không có ngành nào “hot” theo một chu kỳ dài và thí sinh không nên chạy theo ngành “hot.”
“Điều quan trọng là làm nghề nào bạn giỏi và mang lại giá trị tốt nhất cho khách hàng, cho xã hội thì khi đó, bạn trở thành người 'hot' vì sẽ luôn được chào đón,” ông Tuấn chia sẻ.
Theo ông Tuấn, thí sinh cần tập trung vào năng lực sở trường bên trong của bản thân để biết ngành nghề nào mình có thể đáp ứng tốt nhất, mình thích nhất, phù hợp nhất, từ đó đặt ra lộ trình và quyết tâm theo đuổi để trở thành chuyên gia trong lĩnh vực đó thì sẽ gặt hái thành công.
Đây cũng là tư vấn của TS. Nguyễn Quang Thuận, Phó Hiệu trưởng Trường Quốc tế - Đại học Quốc gia Hà Nội. “Tôi muốn nhấn mạnh rằng khi chọn ngành nghề, yếu tố quan trọng nhất là mình yêu thích gì, có phù hợp không,” ông Thuận nói.
Để biết mình yêu thích gì, có phù hợp không, ông Thuận khuyến cáo thí sinh có thể dùng phương pháp xét nghiệm tính cách từ các trang uy tín trên internet, hỏi chuyên gia, kinh nghiệm từ những người đi trước để từ đó phân tích tổng hợp và đưa ra quyết định cuối cùng./.
Bình luận