Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn bền vững: Nhìn từ thực tiễn mô hình kinh doanh theo tiêu chí NTM ở Hà Nội
Những mô hình sản xuất nông nghiệp hưu cơ phát triển từ Chương trình xây dựng NTM |
CHUYỂN DỊCH CCKT NÔNG THÔN BỀN VỮNG VỚI VIỆC XÂY DỰNG MÔ HÌNH KINH DOANH THEO TIÊU CHÍ NTM
Chuyển dịch CCKT nông thôn đóng vai trò quan trọng trong phát triển nền kinh tế quốc dân, nhất là đối với các nước đang và kém phát triển. Sự chuyển dịch này được thể hiện trong các mối quan hệ kinh tế phạm vi khu vực nông thôn (không tính các khu công nghiệp, khu đô thị trên địa bàn nông thôn). Chuyển dịch CCKT nông thôn theo hướng bền vững thể hiện mối quan hệ hữu cơ giữa các bộ phận kinh tế cấu thành trong khu vực kinh tế nông thôn, gắn bó với nhau theo những tỷ lệ nhất định về mặt lượng (quy mô, tỷ trọng) và có quan hệ chặt chẽ, tác động qua lại lẫn nhau cả về định lượng và định tính trong quá trình phát triển, đảm bảo sự phát triển hài hòa với môi trường xã hội. Theo đó, xu hướng chuyển dịch CCKT nông thôn được thực hiện theo hướng xanh hóa hoạt động sản xuất nhờ dụng công nghệ cao, hạn chế tác động đến môi trường xã hội đối với tất cả các ngành kinh tế khu vực nông thôn từ nông nghiệp, công nghiệp đến dịch vụ. Do đó, mô hình kinh doanh được xây dựng theo tiêu chí NTM phải đảm bảo các yếu tố xanh và bền vững, với những đặc trưng được mô tả trong Bảng 1.
Bảng 1: Mô hình kinh doanh trong các lĩnh vực theo tiêu chí NTM
Mô hình kinh doanh trong các lĩnh vực | Mô hình nông thôn cũ | Mô hình NTM |
Nông nghiệp | Tập trung vào thu nhập và năng lực cạnh tranh của trang trại, HTX, dựa chủ yếu vào điều kiện tự nhiên | Nông nghiệp sinh thái, xanh và tuần hoàn |
Công nghiệp | Ngành công nghiệp khai khoáng, công nghiệp nặng tác động lớn đến môi trường sinh thái | Công nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số |
Dịch vụ | Dịch vụ thuần túy hướng tới lợi nhuận, chưa chú trọng các lĩnh vực hàm lượng công nghệ cao | Dịch vụ xanh, công nghệ cao và chuyển đổi số |
Nguồn: Tổng hợp của tác giả
Như vậy, mô hình kinh doanh theo tiêu chí NTM trong quá trình chuyển dịch CCKT sẽ tập trung vào giải quyết hài hòa bài toán lợi nhuận và hạn chế sự tác động đến môi trường, thông qua việc hướng các lĩnh vực sản xuất đến sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, chuyển đổi số trong các lĩnh vực và thực hiện chu trình kinh tế tuần hoàn.
CHUYỂN DỊCH CCKT NÔNG THÔN BỀN VỮNG TỪ MÔ HÌNH KINH DOANH THEO TIÊU CHI XÂY DỰNG NTM Ở HÀ NỘI
Những mô hình kinh doanh theo tiêu chí xây dựng NTM trong chuyển dịch CCKT nông thôn bền vững ở Hà Nội hiện nay
Hiện nay, khu vực nông thôn thành phố Hà Nội đang phát triển các mô hình kinh doanh bền vững trên cơ sở tiêu chí xây dựng NTM (Bảng 2). Đó là các mô hình nông nghiệp sinh thái; mô hình nông - lâm nghiệp; mô hình du lịch sinh thái… đã khiến sự chuyển dịch CCKT trong các lĩnh vực có dấu hiệu tích cực, khi chú trọng đến sản xuất theo hướng xanh và tuần hoàn. Các mô hình này bước đầu đem lại hiệu quả nhất định cho người nông dân và là mô hình hướng tới xây dựng NTM bền vững của thủ đô.
Bảng 2: Tổng hợp những mô hình kinh doanh theo tiêu chí xây dựng NTM trong chuyển dịch CCKT nông thôn bền vững ở Hà Nội
Lĩnh vực nông nghiệp | ||
Mô hình | Tình hình phát triển | Khó khăn |
Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao | Mới phát triển nhỏ, lẻ chưa có sự liên kết cần thiết theo chuỗi giá trị | Thiếu sự tham gia của doanh nghiệp lớn; Thiếu chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc và thiếu thương hiệu. |
Phát triển nông sản hữu cơ | Đã có bước phát triển đối với sản xuất lúa gạo, rau xanh; chưa có sự liên kết cần thiết theo chuỗi giá trị | Thiếu vốn, giá thành cao và thiếu chứng nhận đủ tiêu chuẩn hữu cơ, an toàn thực phẩm; thiếu sàn hay chợ nông sản hữu cơ; thiếu chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc và thiếu thương hiệu. |
Phát triển nông sản sạch | Đã phát triển ở một số huyện cả ở lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi; chưa có sự liên kết cần thiết theo chuỗi giá trị | Thiếu chứng nhận an toàn thực phẩm, thiếu sàn hay chợ nông sản sạch; thiếu chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc và thiếu thương hiệu. |
Trang trại, gia trại gắn với cơ sở chế biến hiện đại | Chưa phát triển | Thiếu sự tham gia của doanh nghiệp lớn; thiếu chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc và thiếu thương hiệu. |
Trang trại, gia trại gắn với cơ sở giết mổ | Phát triển khá phổ biến | Thiếu chứng nhận đủ tiêu chuẩn sạch, an toàn thực phẩm; thiếu chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc và thiếu thương hiệu. |
Trang trại nuôi thủy sản | Đã phát triển ở một số huyện | Thiếu chứng nhận an toàn thực phẩm; thiếu chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc và thiếu thương hiệu. |
Phát triển lâm nghiệp bền vững theo chuẩn mực EU kèm theo quản lý rừng bền vững | Người dân chủ động trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng nên hiệu quả tương đối tốt | Thiếu giống cây rừng phù hợp đem lại hiệu quả cao. |
Phát triển nông - lâm kết hợp | Sử dụng hiệu quả quỹ đất dốc, ở độ cao và đem lại giá trị kinh tế, thông qua đó góp phần giữ rừng tốt hơn và nâng cao nguồn thu cho lâm dân | Gặp khó khăn khi chưa có quy hoạch phát triển mô hình kết hợp nông lâm nghiệp. |
Lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp | ||
Làng nghề | Đã phát triển ở địa bàn ngoại thành khoảng 1.350 làng nghề (trong đó có khoảng 300 làng nghề truyền thống, 12 làng nghề tiêu biểu). Có 5 làng nghề liên kết phát triển du lịch nhưng nhìn chung, hiệu quả trong phát triển làng nghề còn nhiều hạn chế | Thiếu chỉ dẫn địa lý, thiếu truyền thông, thiếu liên kết với công ty lữ hành, thiếu thương hiệu. |
Công ty TNHH | Thường sản xuất linh phụ kiện bằng inox phục vụ chế tạo các loại bản lề cửa, cánh cổng các ngôi nhà có hoa văn hoặc chế biến sản phẩm gỗ gia dụng; sản xuất giày dép… Đã phát triển ở một số địa bàn ngoại thành có điều kiện nhưng có hiệu quả hạn chế. | Chủ yếu nhỏ lẻ. Thiếu định hướng phát triển tạo căn cứ cho dân và doanh nghiệp. Chưa có khung pháp luật đủ mức cho hộ kinh doanh ở vùng nông thôn. |
Hộ gia đình tiểu thủ công nghiệp | Sản xuất sản phẩm thủ công phục vụ dân sinh: làm nón, làm quạt, làm đồ chơi trẻ em, làm hàng mã… | Thị trường hạn hẹp hoặc không đầy đủ thông tin. Sản xuất thủ công là chính. |
Lĩnh vực du lịch, dịch vụ | ||
Phát triển mô hình Homestay gắn với làng nghề, khu sinh thái | Tận dụng nhân lực, cơ sở vật chất kỹ thuật của hộ gia đình | Nhỏ lẻ, nếu không phối hợp sẽ dẫn tới nhàm chám. |
Phát triển mô hình du lịch kết hợp khu sinh thái | Đã có sẵn các khu nông nghiệp sinh thái, khu rừng sinh thái, đem lại giá trị kép (cải thiện bộ mặt nông thôn và nâng cao thu nhập cho người dân | Nếu không phối hợp tốt với Công ty lữ hành thì vắng khách và thu nhập chưa thật sự cao và ổn định. |
Phát triển mô hình du lịch văn hóa, tâm linh. | Có sẵn di tích, lễ hội, văn hóa truyền thống và gia tăng giá trị kinh tế cho cộng đồng cư dân địa phương | Thiếu kiến thức về phát huy các giá trị di tích, lễ hội, văn hóa truyền thông. |
Nguồn: Tổng hợp của tác giả
Tác động tích cực từ mô hình kinh doanh theo tiêu chí xây dựng NTM đến chuyển dịch CCKT nông thôn bền vững ở Hà Nội
Sau hơn 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, Hà Nội đạt được nhiều kết quả nổi bật với 100% số xã; 15/18 huyện, thị xã được công nhận đạt chuẩn NTM. Hiện nay, thành phố có 141 chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, 164 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP, Hà Nội đã xây dựng được 14 điểm giới thiệu, quảng bá sản phẩm gắn với du lịch làng nghề, du lịch nông thôn; xây dựng Đề án “Trung tâm thiết kế sáng tạo và giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP gắn với du lịch sinh thái của quốc gia tại TP. Hà Nội”… Thông qua hoạt động xây dựng NTM, đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn ngày càng được cải thiện, đường làng, ngõ xóm khang trang, xanh - sạch - đẹp..., mức thu nhập của người dân dần được cải thiện. Một số huyện có thu nhập bình quân cao, như: Thạch Thất 70 triệu đồng/người/năm; Hoài Đức 62 triệu đồng/người/năm; Đan Phượng 61,2 triệu đồng/người/năm…
CCKT nông thôn vùng thủ đô khá đa dạng, bao gồm: nông nghiệp; công nghiệp, dịch vụ và ngành khác. Theo xu hướng phát triển bền vững và hội nhập kinh tế quốc tế, thủ đô đã đề ra mục tiêu chuyển dịch CCKT trong xây dựng NTM. Theo đó, đối với lĩnh vực nông nghiệp, cơ cấu lại nông nghiệp theo hướng hiện đại gắn với xây dựng NTM và quá trình đô thị hóa; thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học - công nghệ; đẩy mạnh sản xuất theo chuỗi liên kết, chuỗi giá trị, các mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp đô thị, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Đối với lĩnh vực công nghiệp, gia tăng mức đóng góp của ngành này trong GRDP lên khoảng 65% đến 65,5% vào năm 2025 với tốc độ tăng bình quân 8% đến 8,5%/năm [2]. Đối với lĩnh vực công nghiệp, giai đoạn 2021 - 2025, nâng tỷ trọng công nghiệp hỗ trợ lên trên 30% tổng giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn (hiện tại khoảng 25%), nâng cao giá trị sản xuất các sản phẩm công nghiệp chủ lực lên 40% đến 45% tổng giá trị sản xuất công nghiệp toàn thành phố, phát triển từ 8 đến 10 nhóm ngành sản phẩm chủ lực, phấn đấu có khoảng 10% số doanh nghiệp công nghiệp lọt vào tốp 500 doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam. Ngoài ra, phát triển thương mại điện tử, đa dạng hóa các hình thức thanh toán trên nền tảng số, tạo tiền đề cho phát triển kinh tế số. Đổi mới phương thức, thay đổi thói quen, hành vi thương mại theo hướng văn minh, hiện đại.
Nhìn lại bức tranh chuyển dịch CCKT vùng thủ đô có thể thấy, trước khi thực hiện chương trình xây dựng NTM, CCKT nông thôn Hà Nội, khu vực nông nghiệp ở nông thôn chiếm tỷ trọng tương đối cao, 16,53% năm 2009, cao hơn tỷ trọng của khu vực dịch vụ. Khu vực công nghiệp có tỷ trọng lớn nhất chiếm 67,17%. Tỷ trọng này thay đổi khá nhiều trong giai đoạn trước khi thực hiện chương trình xây dựng NTM. Năm 2011, tỷ trọng khu vực nông nghiệp vẫn chiếm 16,24% trong CCKT, khu vực công nghiệp chiếm 65,12% và khu vực dịch vụ tăng tỷ trọng từ 16,3% năm 2009 lên 18,64%. Từ khi chương trình NTM được đưa vào thực hiện ở các xã nông thôn Hà Nội kết hợp với nhiều các chính sách và chương trình thúc đẩy sản xuất, tổng sản phẩm khu vực nông thôn gia tăng với tốc độ tương đối cao và CCKT tiếp tục dịch chuyển theo hướng tích cực. Nếu so với mục tiêu đề ra của Chương trình số 04-CTr/TU, ngày 17/3/202 của Thành ủy (khóa XVII) (sau đây gọi tắt là Chương trình 04), thì CCKT nông thôn Hà Nội hiện đã gần đạt được mục tiêu này. Tuy nhiên, nếu xem xét về tốc độ chuyển dịch CCKT, thì có thể thấy, tốc độ dịch chuyển CCKT nông thôn Hà Nội còn chậm, tốc độ dịch chuyển trung bình chỉ đạt 1,2%/năm, đặc biệt tốc độ chuyển dịch CCKT giai đoạn trước khi xây dựng NTM lại cao hơn tốc độ dịch chuyển của CCKT sau khi thực hiện xây dựng NTM (Bảng 3).
Bảng 3: Tốc độ chuyển dịch CCKT trung bình theo giai đoạn ở khu vực nông thôn Hà Nội
Giai đoạn | Tốc độ chuyển dịch (%) |
Tốc độ trung bình giai đoạn 2009-2011 | 1,404 |
Tốc độ trung bình giai đoạn 2011-2016 | 1,144 |
Tốc độ trung bình giai đoạn 2016-2021 | 1,184 |
Nguồn: Tính toán của tác giả theo số liệu thống kê các quận, huyện
Trong CCKT, khu vực nông nghiệp hiện vẫn còn chiếm một tỷ trọng khá cao, cùng với đó là khoảng hơn 50,8% lao động nông nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Lao động trong khu vực công nghiệp ở khu vực nông thôn chiếm khoảng 28%, trong khu vực dịch vụ là 21,2%. Điều này cho thấy, các hộ nông nghiệp có số lượng nhân khẩu cao và năng suất lao động khu vực nông nghiệp còn rất thấp, làm cho thu nhập của người nông dân chậm được cải thiện. Tỷ trọng đóng góp của ngành dịch còn thấp trong CCKT, chưa tương xứng với tiềm năng của khu vực nông thôn Hà Nội.
THÁCH THỨC ĐẶT RA TRONG CHUYỂN DỊCH CCKT NÔNG THÔN THEO HƯỚNG BỀN VỮNG Ở HÀ NỘI
Bên cạnh những thành tựu ban đầu đã đạt được trong xu thế chuyển dịch CCKT nông thôn theo hướng bền vững, xu thế này tại Hà Nội còn gặp không ít thách thức, như:
- Mặc dù, chính quyền thành phố Hà Nội đã chủ trương xây dựng định hướng phát triển thủ đô theo hướng kinh tế xanh và bền vững cũng như đã xây dựng được các quy hoạch, kế hoạch phát triển ở mọi cấp ngành, mọi lĩnh vực từ trung ương đến các địa phương nhưng thực tế các quy hoạch còn mang tính bị động, chưa theo kịp với tốc độ thay đổi nhanh chóng của quá trình đô thị hóa.
- Chính sách khuyến khích xây dựng NTM, chuyển đổi CCKT đã có và với mức khuyến khích khá mạnh nhưng việc triển khai thực thi chưa tốt nên nhiều chính sách chưa đi vào cuộc sống. Trên thực tế, thành phố Hà Nội đã sớm ban hành chủ trương và một số nhóm chính sách cụ thể thúc đẩy các lĩnh vực phát triển theo hướng bền vững, như trong nông nghiệp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, trong đó có thu hút doanh nghiệp vào sản xuất nông nghiệp công nghê cao gắn với bảo vệ môi trường. Song nguồn lực cho việc thực hiện những chính sách này chưa có nhiều; nhiều ban/ngành của thành phố vẫn chưa tiếp cận được với các nguồn lực để thực hiện chủ trương, chính sách. Một số nguồn lực thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, chương trình 04 vẫn chưa phát huy tác dụng, do còn thiếu văn bản hướng dẫn thực hiện, đặc biệt là lĩnh vực tài chính. Do đó, kết quả và hiệu quả thực hiện chuyển dịch CCKT nông thôn còn chậm.
- Thị trường cho các sản phẩm hàng hóa ở nông thôn thực tế còn hạn hẹp, giá cả các sản phẩm chưa hợp lý. Công tác phát triển sản phẩm, tạo dựng thương hiệu, chứng chỉ, nhãn mác, công tác tuyên truyền, quảng bá, phát triển sản phẩm còn mờ nhạt, chưa được quan tâm đúng mức. Công tác quản lý thị trường còn lỏng lẻo, thiếu sát sao nên nhiều các sản phẩm hàng hóa của Trung Quốc qua đường tiểu ngạch tràn vào chiếm lĩnh thị trường trong nước và cạnh tranh với các hàng hóa của địa phương sản xuất ra.
- Hoạt động hỗ trợ chuyển dịch CCKT nông thôn còn mờ nhạt. Điển hình trong số đó là nghiên cứu, triển khai và ứng dụng khoa học công nghệ mới vào sản xuất, phục vụ cho chuyển dịch CCKT còn nhiều hạn chế, nhiều hoạt động triển khai chậm hoặc thiếu hiệu quả. Ngoài ra, nguồn vốn hỗ trợ xây dựng NTM ở Hà Nội hiện nay chủ yếu dựa vào nguồn NSNN, chưa huy động nguồn vốn xã hội hóa dẫn đến kết quả triển khai chuyển đổi CCKT còn chậm.
- Năng lực quản lý và điều hành thực hiện chính sách của các cấp, các ngành còn bị hạn chế. Nguồn nhân lực chất lượng cao đối với khu vực nông nghiệp, nông thôn và một số lĩnh vực khác ứng dụng công nghệ cũng được xác định vừa là yêu cầu, vừa là động lực cho sự chuyển dịch CCKT nông thôn bền vững của Hà Nội. Thực tế, các cấp chính quyền của thành phố Hà Nội đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhằm hỗ trợ cho công tác đào tạo, tập huấn, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ chuyển đổi CCKT nói riêng và phát triển bền vững nói chung, tuy nhiên các kết quả đạt được chưa đáp ứng được kỳ vọng.
GIẢI PHÁP THÚC ĐẨY CHUYỂN DỊCH CCKT NÔNG THÔN BỀN VỮNG Ở HÀ NỘI DỰA TRÊN PHÁT TRIỂN MÔ HÌNH KINH DOANH
Chuyển dịch CCKT theo hướng bền vững là xu thế tất yếu của mọi quốc gia. Đối với Việt Nam là một quốc gia nông nghiệp, việc chuyển dịch CCKT nông thôn bền vững trong xây dựng NTM lại càng có ý nghĩa quan trọng trong tiến trình phát triển đất nước, đảm bảo cuộc sống ấm no và hạnh phúc của nhân dân. Để thực hiện thành công quá trình chuyển đổi này, đem lại hiệu quả thực chất cần có các giải pháp đồng bộ từ phía cơ quan quản lý nhà nước, sự quyết tâm đồng lòng của các cấp chính quyền và toàn thể nhân dân. Các giải pháp cần tập trung cơ bản như sau:
Một là, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện công tác quy hoạch, kế hoạch; rà soát, bổ sung cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy CCKT nông thôn thủ đô theo mục tiêu, định hướng đã xác định. Tập trung làm tốt công tác rà soát, xây dựng và hoàn chỉnh các quy hoạch ngành, vùng của Thành phố. Từng bước cơ cấu lại diện tích cây trồng, vật nuôi đảm bảo phù hợp quy hoạch bố trí các vùng sản xuất nông sản hàng hóa cả trong nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản. Bổ sung và hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Điều chỉnh, bổ sung chính sách đất đai, quy định cụ thể về tích tụ, tập trung ruộng đất; có các cơ chế, chính sách thông thoáng trao quyền chủ động hơn cho người dân được giao đất, thuê đất tạo điều kiện cho phát triển sản xuất hàng hóa chuyên canh quy mô lớn.
Hai là, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của quá trình CCKT nông thôn ở Hà Nội. Cần tăng cường đẩy mạnh công tác khuyến nông khuyến lâm theo hướng nâng cao vai trò của cán bộ khuyến nông khuyến lâm. Thường xuyên thực hiện các hoạt động khuyến nông khuyến lâm như mở các lớp tập huấn, xây dựng mô hình canh tác trình diễn, tổ chức tham quan học tập các mô hình điển hình ở các địa phương khác. Phát triển mạng lưới cán bộ và cộng tác viên khuyến nông khuyến lâm thôn, xã. Bên cạnh đó, đào tạo lao động trực tiếp sản xuất tại các nông hộ, trang trại,vv… về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi đối với cây trồng vật nuôi chính và đào tạo các kỹ năng sử dụng công nghệ trong sản xuất và đào tạo kỹ năng số, cách thức xây dựng quy trình đóng gói, kết nối, giao nhận và tác nghiệp trên sàn thương mại điện tử cho các hợp tác xã, người nông dân; thúc đẩy đổi mới phương thức mua bán trên sàn thương mại điện tử.
Ba là, phát triển mạnh mẽ thị trường khoa học, công nghệ trong nông nghiệp tạo động lực thúc đẩy quá trình CCKT nông thôn ở Hà Nội theo hướng hiện đại, hiệu quả và bền vững. Nâng cao năng lực hoạt động nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học và công nghệ phục vụ nông nghiệp. Đẩy mạnh các hoạt động môi giới trung gian về khoa học và công nghệ trong nông nghiệp. Có cơ chế, chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ thể sản xuất, kinh doanh tiếp cận khoa học, công nghệ tiên tiến, hiện đại.
Bốn là, đẩy mạnh thu hút và sử dụng có hiệu quả vốn đầu tư thúc đẩy chuyển dịch CCKT nông thôn. Ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Đổi mới chính sách tín dụng phục vụ cơ cấu lại kinh tế nông nghiệp, tạo mọi điều kiện về các thủ tục hành chính cho phép các cá nhân, các hộ gia đình, các tổ hợp tác và các tổ chức khác tiếp cận nguồn vay tín dụng đa dạng hơn, thuận lợi hơn.
Tài liệu tham khảo:
1. Cục Thống kê thành phố Hà Nội (2010-2021). Niêm giám thống kê thành phố Hà Nội các năm từ năm 2010 đến năm 2021
2. Nguyễn Thùy Linh (2021). Hà Nội: Cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng phát triển xanh, truy cập từ https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/kinh-te/-/2018/824259/ha-noi--co-cau-lai-nen-kinh-te-theo-huong-phat-trien-xanh.aspx
3. Thành ủy Hà Nội (2021). Chương trình số 04-CTr/TU ngày 17/3/2021 về “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM gắn với cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021 – 2025”
ThS. Tô Xuân Hùng
Khoa Kinh tế, Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội
Bình luận