Aliyavanh Chanthasith

Viện Khoa học Kinh tế và Xã hội quốc gia Lào

Tóm tắt

Phát triển công nghiệp là tất yếu trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tuy nhiên, việc thu hồi đất nông nghiệp phục vụ phát triển công nghiệp cần phải tính toán khoa học tránh tác động xấu đến người có đất bị thu hồi, dễ phát sinh điểm “nóng” nếu việc thực hiện không tuân thủ đúng pháp luật, không giải quyết thấu đáo hợp tình, hợp lý, không bảo đảm được quyền lợi của người bị thu hồi đất. Tác giả nghiên cứu kinh nghiệm của Thủ đô Hà Nội (Việt Nam) về đảm bảo lợi ích cho người dân có đất bị thu hồi để phát triển kinh tế và rút ra bài học cho Thủ đô Viêng Chăn, nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào.

Từ khóa: thu hồi đất, đảm bảo lợi ích, Việt Nam, Luong Prabang, Thủ đô Viêng Chăn

Summary

Industrial development is inevitable in the country's industrialization and modernization. However, the recovery of agricultural land for industrial development needs to be scientifically calculated to avoid negative impacts on people whose land is recovered and can easily create "hot spots" if the implementation does not comply with the law, is not thoroughly resolved, and is not reasonable, and does not ensure the rights of people whose land is recovered. The author studies the experience of Hanoi (Vietnam) in ensuring benefits for people whose land is recovered for economic development and draws lessons for Vientiane, Lao People's Democratic Republic.

Keywords: land recovery, ensuring benefits, Vietnam, Luong Prabang, Vientiane

GIỚI THIỆU

Thu hồi đất để phát triển kinh tế vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng là một trong những giải pháp lớn tạo động lực cho việc phát triển kinh tế - xã hội thông qua các dự án xây dựng khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế; các dự án xây dựng khu đô thị mới, khu dân cư nông thôn, cụm công nghiệp… Việc tổ chức thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của Nhà nước nhằm tạo quỹ “đất sạch” phục vụ cho các dự án đầu tư, cũng như khuyến khích nhà đầu tư tạo quỹ đất thông qua việc tự thỏa thuận với người bị thu hồi đất đã bảo đảm ngày càng tốt hơn lợi ích hợp pháp của người bị thu hồi đất. Tuy nhiên, quá trình thu hồi đất để phát triển kinh tế ở bất cứ quốc gia nào, địa phương nào cũng bộc lộ nhiều hạn chế, vướng mắc, như: nhiều doanh nghiệp không có năng lực tài chính, lợi dụng quy định này để “chạy dự án”, đầu cơ “giữ đất”, làm phát sinh những “dự án treo” ở nhiều nơi, gây lãng phí tài nguyên đất. Vì vậy, việc học tập kinh nghiệm của Thủ đô Hà Nội (Việt Nam) đối với đảm bảo lợi ích cho người dân có đất bị thu hồi để phát triển kinh tế và rút ra bài học cho Thủ đô Viêng Chăn, nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào có ý nghĩa hết sức quan trọng, nhất là trong quá trình Viêng Chăn đang đẩy mạnh phát triển kinh tế như hiện nay.

KINH NGHIỆM CỦA THỦ ĐÔ HÀ NỘI (VIỆT NAM)

Hà Nội là một trong những địa phương phải tiến hành thu hồi diện tích đất lớn để đáp ứng yêu cầu phát triển. Cùng với quá trình thu hồi đất, các cấp, các ngành chức năng của Hà Nội đã và đang triển khai nhiều giải pháp nhằm đảm bảo lợi ích cho người dân có đất bị thu hồi. Đặc biệt, sau khi Luật Đất đai (năm 2024) có hiệu lực, Hà Nội cũng đã có một số điều chỉnh phù hợp, cụ thể như sau:

Thứ nhất, thông qua hệ số điều chỉnh giá đất, điều chỉnh, bổ sung danh mục các dự án thu hồi đất

Ngày 02/7/2024, HĐND TP. Hà Nội đã thông qua Nghị quyết số 20/NQ-HĐND điều chỉnh, bổ sung danh mục các công trình, dự án thu hồi đất năm 2024; danh mục các dự án chuyển mục đích đất trồng lúa năm 2024 trên địa bàn trong khuôn khổ Kỳ họp lần thứ 17. HĐND TP. Hà Nội đã thông qua hệ số điều chỉnh giá đất năm 2024 đối với các trường hợp áp dụng hệ số theo quy định của pháp luật làm căn cứ tính: thu tiền thuê đất; xác định giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất thuê; thu tiền sử dụng đất đối với hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất đối với diện tích đất ở vượt hạn mức; tính giá trị quyền sử dụng đất khi cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước mà doanh nghiệp cổ phần sử dụng đất thuộc trường hợp Nhà nước cho thuê đất trên địa bàn.

Theo Nghị quyết số 20/NQ-HĐND, Thủ đô Hà Nội đã điều chỉnh tăng hệ số tại các quận từ 6,67% đến 8%; tại các huyện từ 7,48% đến 9,09% đối với đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp. Điều chỉnh tăng hệ số tại các quận từ 9,68% đến 11,11%; tại các huyện từ 12% đến 13,64% đối với đất thương mại dịch vụ, thành phố. Hệ số điều chỉnh giá đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp, đất có mặt nước nuôi trồng thủy sản để sản xuất nông nghiệp và hệ số điều chỉnh giá đất nông nghiệp (trong đó bao gồm cả đất vườn, ao liền kề đất ở) làm cơ sở xác định chênh lệch giữa giá thu tiền sử dụng đất theo mục đích mới và giá thu tiền sử dụng đất nông nghiệp K = 1,0. Hệ số điều chỉnh giá đất làm cơ sở thu tiền sử dụng đất đối với hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất đối với diện tích đất ở vượt hạn mức tăng tại các quận, huyện từ 7,14% đến 10%. HĐND Thành phố cũng thông qua điều chỉnh mức hệ số điều chỉnh giá đất năm 2024 áp dụng tại 5 khu vực trên địa bàn thành phố và được điều chỉnh tăng so với mức hệ số đã ban hành cho năm 2024, cụ thể tại các quận tăng từ 8,33% đến 11,54%; tại các huyện tăng từ 15,91% đến 17,5%.

Thứ hai, điều chỉnh chính sách bồi thường, hỗ trợ về đất khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn TP. Hà Nội

Cụ thể, các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất phù hợp với quy định tại Điều 75, Luật Đất đai (năm 2024), thì được bồi thường về đất. Theo quy định tại khoản 1, Điều 23, Quyết định số 10/2017/QĐ-UBND, ngày 29/3/2017 của UBND TP. Hà Nội về việc Ban hành Quy định các nội dung thuộc thẩm quyền của UBND TP. Hà Nội về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn TP. Hà Nội và các Nghị định của Chính phủ giao cho về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn TP. Hà Nội:

Đối với hộ gia đình, cá nhân đã tự chuyển đổi mục đích sử dụng đất sang xây dựng công trình để ở mà không có văn bản ngăn chặn, xử lý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì ngoài việc được bồi thường theo giá đất nông nghiệp theo quy định, các hộ gia đình, cá nhân còn được hỗ trợ về đất như sau: Hỗ trợ bằng 70% đơn giá đất ở theo bảng giá đất của UBND TP. Hà Nội đối với trường hợp chuyển đổi trước ngày 15/10/1993; Hỗ trợ bằng 40% đơn giá đất ở theo bảng giá đất của UBND TP. Hà Nội đối với trường hợp chuyển đổi từ ngày 15/10/1993 đến trước ngày 01/7/2004; Diện tích đất được hỗ trợ theo các Điểm a, b Khoản 1 Điều này là diện tích đất thực tế có xây dựng nhà cửa, công trình để ở bị thu hồi nhưng tối đa không quá hạn mức giao đất ở mới tối đa của địa phương.

Việc xác định giá đất cụ thể làm căn cứ tính bồi thường, hỗ trợ về đất được thực hiện sau khi có Thông báo thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và thực hiện theo quy định hiện hành”. Ngày 29/9/2023, UBND TP. Hà Nội đã ban hành Quyết định số 4905/QĐ-UBND về việc ủy quyền cho UBND cấp huyện quyết định giá đất cụ thể và quyết định thành lập Hội đồng thẩm định giá đất cụ thể làm căn cứ tính tiền bồi thường, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất khi Nhà nước giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân; tính tiền sử dụng đất đối với phần diện tích đất vượt hạn mức khi Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất ở của hộ gia đình, cá nhân.

Thứ ba, hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi ngành nghề khi thu hồi đất

Không riêng Hà Nội, mà hầu hết các tỉnh, thành phố đều gặp khó khăn trong việc giải quyết việc làm cho người bị thu hồi đất. Khi tuyển dụng, doanh nghiệp đòi hỏi lao động phải đáp ứng yêu cầu của công việc, nhưng thực tế chỉ có 27,23% lao động bị thu hồi đất tốt nghiệp trung học phổ thông và 14% lao động được đào tạo nghề. Để khắc phục khó khăn, những năm qua, các ngành chức năng của Hà Nội đã, đang triển khai nhiều giải pháp, trong đó trọng tâm là hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm. Nhờ đó, cuộc sống của người dân ở các địa phương có nhiều đất nông nghiệp bị thu hồi từng bước ổn định.

Thực hiện chủ trương hỗ trợ dạy nghề, giải quyết việc làm của UBND Thành phố, những năm qua, tỷ lệ lao động qua đào tạo của Hà Nội tăng liên tục hàng năm. Theo báo cáo của UBND TP. Hà Nội (2024), tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt từ 70,25% năm 2020 lên 73,23% năm 2023 (tăng 2,98%). Trong đó, tỷ lệ lao động có bằng cấp chứng chỉ tăng từ 48,5% năm 2020 lên 52,5% năm 2023 (tăng 4,0%); So sánh với tỷ lệ % của cả nước cho thấy: đến năm 2023, tỷ lệ lao động qua đào tạo của Thành phố cao hơn 5,23 điểm % và tỷ lệ lao động có bằng cấp chứng chỉ cao hơn 25 điểm % mức chung của cả nước. Bên cạnh đó, chất lượng giáo dục nghề nghiệp Thủ đô ngày càng được khẳng định và nâng cao, “Chỉ số đào tạo lao động” của Thành phố trong bộ chỉ số PCI được các doanh nghiệp đánh giá cao: Giai đoạn 2020-2023, TP. Hà Nội có 2 lần đứng thứ nhất (năm 2021 và năm 2023).

Cũng theo UBND TP. Hà Nội (2024), về công tác giải quyết việc làm, giai đoạn 2020-202 và 6 tháng đầu năm 2024, toàn Thành phố đã giải quyết việc làm cho 902.431 người (tăng 23% so với giai đoạn 2016-2019). Trong đó, giải quyết việc làm cho 229.489 người từ việc xét duyệt cho vay vốn từ nguồn vốn ngân sách thành phố ủy thác qua Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội TP. Hà Nội với số tiền 8.950 tỷ đồng; đưa 15.600 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng; Thực hiện đào tạo nghề cho 2.794 lao động hưởng bảo hiểm thất nghiệp, với tổng kinh phí thực hiện là 7,1 tỷ đồng. Năm 2023, số lao động được giải quyết việc làm của Hà Nội chiếm khoảng 31% so với cả nước; Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động của Thành phố còn 2,01% (thấp hơn 0,27 điểm % so với cả nước). Trong đó, tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị giảm còn 2,97 %, tỷ lệ thất nghiệp khu vực nông thôn 1,01%.

MỘT SỐ BÀI HỌC RÚT RA

Theo Thành ủy Thủ đô Viêng Chăn, hiện nay, trên địa bàn Thủ đô Viêng Chăn có 5 cụm công nghiệp đang hoạt động với tổng diện tích là 160,2 ha, chiếm 0,91% diện tích tự nhiên và chiếm 3,12% diện tích đất phi nông nghiệp (là Khu phát triển tổng hợp Xay Xệt Thả; Đặc khu kinh tế Hồ Thạt Luổng; Đặc khu kinh tế Long Thành - Viêng Chăn; Khu Logistic Thủ đô Viêng Chăn; Đặc khu kinh tế Đông Phô Xỉ).

Trong giai đoạn 2019-2023, Thủ đô Viêng Chăn thực hiện 5 dự án thu hồi đất phát triển 5 đặt khu kinh tế đó là: Khu phát triển tổng hợp Xay Xệt Thả với tổng số diện tích thu hồi là 47,1 ha, trong đó hộ gia đình, cá nhân là 27,54 ha và tổ chức là 13,59 ha với Số hộ gia đình bị thu hồi đất để phải triển công nghiệp là 231 hộ; Đặc khu kinh tế Hồ Thạt Luổng tổng diện tích thu hồi là 56,0 ha, hộ gia đình là 44,16 ha và tổ chức, đơn vị là 5,84 ha, tổng số hộ bị thu hồi đất để phát triển dự án là 652 hộ; Đặc khu kinh tế Long Thành - Viêng Chăn tổng diện tích thu hồi là 43,5 ha trong đó các hộ gia đình là 31,7 ha chiếm 85,28% trong tổng số đất thu hồi của dự án đặc khu kinh tế Long Thành - Viêng Chăn; Khu Logistic Thủ đô Viêng Chăn tổng diện tích thu hồi 57,1 ha, các hộ gia đình là 41,91 ha và các tổ chức là 9,23 và có 245 hộ bị thu hồi để phát triển công nghiệp thủ đô Viêng Chăn; Đặc khu kinh tế Đông Phô Xỉ với tổng diện tích là 51,1 ha, thì các hộ gia đình bị thu hồi là 37,2 ha chiếm 72,80% trong tổng số đất thu hồi để phát triển dự án. Điều này cho thấy, Đặc khu kinh tế Hồ Thạt Luổng của Thủ đô Viêng Chăn có quy mô số hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi lớn nhất cả Thủ đô Viêng Chăn với là 652 hộ và dự án Đặc khu kinh tế Đông Phô Xỉ là 579 hộ.

Phần lớn quỹ đất được thu hồi để phát triển công nghiệp tại Thủ đô Viêng Chăn là đất nông nghiệp với diện tích 243,4 ha, chiếm 95,52% tổng quỹ đất thu hồi. Các loại đất thuộc nhóm đất phi nông nghiệp chiếm tỷ lệ nhỏ với 3,12%%, trong đó chủ yếu là đất giao thông và đất thủy lợi nội đồng. Ngoài ra, còn có một phần diện tích nhỏ đất chưa sử dụng, chiếm 1,12% tổng diện tích quỹ đất thu hồi.

Vì vậy, để tiến hành công nghiệp hóa, thì việc thu hồi đất nông nghiệp trên địa bàn Thủ đô Viêng Chăn để chuyển sang đất công nghiệp là tất yếu. Từ kinh nghiệm của Thủ đô Hà Nội, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm sau cho Thủ đô Viêng Chăn, nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào nhằm đảm bảo lợi ích cho người dân có đất bị thu hồi để phát triển kinh tế như sau:

Một là, xác định đây là một nhiệm vụ khó khăn, phức tạp bởi tác động, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền, lợi ích của người dân, đến sự ổn định tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn có khu công nghiệp. Vì vậy, phải có sự tích cực, quyết liệt vào cuộc của cả hệ thống chính trị và vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, của mặt trận tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội nhằm phát huy sức mạnh tổng họp của cả hệ thống chính trị, tạo sự nhất quán, đồng bộ, kịp thời, nhất là trong công tác tuyên truyền vận động nhân dân.

Hai là, tích cực tuyên truyền, vận động, thuyết phục người dân nghiêm túc thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào và địa phương. Theo đó, cần xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, liên tục, quá trình thực hiện phải kiên trì, kiên quyết, mềm dẻo nhằm tạo sự đồng thuận cao của nhân dân. Đồng thời, đây cũng là nhiệm vụ chính trị quan trọng, phải huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, tuyên truyền sâu rộng đến từng hộ dân, từng thành viên, hội viên các tố chức đoàn thế chấp hành tốt chủ trương của huyện. Tố chức các hội nghị đối thoại đế người đứng đầu cấp ủy, chính quyền và doanh nghiệp lắng nghe những tâm tư nguyện vọng chính đáng của nhân dân để kịp thời chỉ đạo, giải quyết, đáp ứng ngay những vấn đề mà nhân dân đề nghị liên quan đến lĩnh vực quản lý đất đai, giải phóng mặt bằng.

Với cách làm đó, sau khi được tuyên truyền, vận động, đối thoại nhiều hộ gia đình có đất bị thu hồi để mở các dự án đã tự nguyện nhận tiền đền bù, với diện tích hàng chục ha, giúp cho tiến độ thực hiện các dự án được nhanh, kịp thời hơn.

Ba là, tăng cường công tác kiểm tra, rà soát, nắm bắt tình hình đơn thư khiếu nại, tố cáo, giải quyết thỏa đáng, nhanh chóng, kịp thời ngay từ khi manh nha, ngay tại cơ sở, tránh tình trạng đơn thư vượt cấp, kéo dài, gây rối, phúc tạp tình hình; ngăn chặn các hành vi lấn chiếm, xây dựng trái phép trên đất nhằm trục lợi; nghiêm túc thực hiện cưỡng chế thu hồi đất, đồng thời xử lý nghiêm các trường họp vi phạm, cố tình chống đối, không chấp hành quyết định thu hồi đất để răn đe, phòng ngừa chung tạo lòng tin của nhân dân trong việc thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng.

Bốn là, cải cách thủ tục hành chính, đảm bảo công khai, minh bạch, đơn giản hóa thủ tục hành chính;tích cực, chủ động, sáng tạo, quyết liệt, linh hoạt trong lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành; nâng cao vai trò, trách nhiệm của chính quyền; người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương; quan tâm đến giải quyết việc làm, chuyển đổi nghề cho người dân bị ảnh hưởng bởi chính sách thu hồi đất./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Lào (2017), Nghị quyết số 026/BCHTW, ngày 03/8/2017 về tăng cường công tác quản lý và phát triển đất đai trong giai đoạn mới.

2. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên thiên nhiên và Môi trường (2017), Quyết định số 317/BTNTNMT, ngày 01/8/2017 về việc tổ chức và hoạt động của Sở Tài nguyên thiên nhiên và Môi trường Thủ đô Viêng Chăn.

3. Chính phủ nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào (2023), Nghị định số 387/TĐVC, ngày 21/3/2023 về việc phân công trách nhiệm tổ chức thực hiện toàn diện quy hoạch đất đai, quản lý tài nguyên thiên nhiên và môi trường đến năm 2030 của Thủ đô Viêng Chăn

4. Chính phủ nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào (2019), Luật Đất đai sửa đổi, số 70/QH, ngày 21/6/2019.

5. Thành ủy Thủ đô Viêng Chăn (2023), Báo cáo đặc khu kinh tế.

6. Nguyễn Văn Đông (2021), Pháp luật về thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam, Luận án tiến sĩ luật học, Đại học Huế.

7. Nguyễn Thanh Sơn (2021), Quản lý và sử dụng đất nông nghiệp - Bài học từ Trung Quốc, truy cập từ https://nongnghiep.vn/quan-ly-va-su-dung-dat-nong-nghiep-bai-hoc-tu-trung-quoc-d308733.html.

8. Nguyễn Văn Đông (2019), Kinh nghiệm thu hồi đất nông nghiệp ở một số nước trên thế giới, Tạp chí Giáo dục và Xã hội, số tháng 01/2019.

9. Quốc hội Việt Nam (2024), Luật Đất đai, số 31/2024/QH15, ngày18/01/2024.

10. UBND TP. Hà Nội (2024), Báo cáo kết quả thực hiện công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm trên địa bàn Thành phố từ năm 2020 đến nay, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 17 HĐND TP Hà Nội, ngày 03/7/2024.

Ngày nhận bài: 02/8/2024; Ngày phản biện: 25/11/2024; Ngày duyệt đăng: 18/12/2024