Đánh giá hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam ra thị trường thế giới từ khi gia nhập WTO năm 2005 đến năm 2023
Nguyễn Thị Anh, Trần Mạnh Trí, Lê Thị Ngọc Thương
Trường Đại học Văn Hiến
Email: anhnt2@vhu.edu.vn, tritm@vhu.edu.vn, thuongltn@vhu.edu.vn
Tóm tắt
Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới vào năm 2007, đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong quá trình hội nhập quốc tế, không chỉ mở ra cơ hội tiếp cận các thị trường lớn mà còn nâng cao hoạt động xuất khẩu hàng hóa ra thị trường thế giới. Tuy nhiên, hoạt động xuất khẩu hàng hóa vẫn phải chịu nhiều khó khăn. Bài viết đánh giá hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam thông qua việc phân tích hiệu suất xuất khẩu và chỉ số thị phần cùng dữ liệu thu thập từ Trung tâm Thương mại Quốc tế và Ngân hàng Thế giới, đồng thời đề xuất giải pháp nhằm tăng cường vị thế hàng hóa Việt Nam trên thị trường toàn cầu sau khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới.
Từ khóa: Xuất khẩu hàng hóa, WTO, Việt Nam
Summary
Vietnam’s accession to the World Trade Organization in 2007 marked a significant milestone in its international integration, creating opportunities to access major markets and boost the export of goods globally. However, export activities still face numerous challenges. This article evaluates Vietnam’s goods export performance by analyzing export efficiency and market share indicators, using data from the International Trade Centre and the World Bank. It also proposes solutions to enhance the competitiveness of Vietnamese goods in the global market following WTO accession.
Keywords: Goods export, WTO, Vietnam
GIỚI THIỆU
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, hoạt động xuất khẩu đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của mỗi quốc gia. Đối với Việt Nam, xuất khẩu không chỉ là động lực thúc đẩy tăng trưởng tổng sản phẩm quốc dân (GDP) mà còn góp phần nâng cao vị thế của nền kinh tế trên trường quốc tế. Sau 12 năm đàm phán, vào năm 2007, Việt Nam chính thức gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), mở ra cơ hội lớn để tiếp cận thị trường toàn cầu, giúp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị quốc tế, thúc đẩy sản xuất trong nước và cải thiện năng lực cạnh tranh. Tuy nhiên, cùng với những cơ hội, Việt Nam cũng đối mặt với nhiều thách thức như phụ thuộc vào xuất khẩu nguyên liệu thô, năng suất lao động thấp, và nguy cơ bị áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại từ các quốc gia nhập khẩu. Do đó, việc đánh giá hiệu suất xuất khẩu và chỉ số thị phần (Market Share) là phương pháp quan trọng, giúp phân tích vị thế cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế.
TỔNG QUAN NGHIÊN CỨU
Thực trạng xuất khẩu của Việt Nam từ sau khi gia nhập WTO
Kể từ khi chính thức trở thành thành viên của WTO, cùng với các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), Việt Nam đã tập trung vào các công đoạn lắp ráp, từ đó gia tăng giá trị nội địa trong xuất khẩu. Nghiên cứu của Pham và cộng sự (2019) cho thấy, xuất khẩu của Việt Nam đã tăng trưởng mạnh mẽ kể từ khi gia nhập WTO, với tốc độ trung bình hơn 15% mỗi năm, cao hơn đáng kể so với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu toàn cầu.
Ngành dệt may đã có đóng góp lớn vào kim ngạch xuất khẩu, GDP và giải quyết việc làm. Tuy nhiên, vẫn tồn tại một số hạn chế như: phương thức sản xuất chủ yếu dựa trên CMT (Cut, Make, Trim) - mang lại giá trị gia tăng thấp, thu nhập và năng lực người lao động chưa tương xứng; quy mô doanh nghiệp nhỏ, làm hạn chế khả năng cạnh tranh quốc tế (Trần Thị Bích Nhung và cộng sự 2018). Nghiên cứu của Hasan và cộng sự (2024) cũng nhấn mạnh vai trò quan trọng của Việt Nam với tư cách là một quốc gia hàng đầu về xuất khẩu hàng may mặc, đồng thời làm nổi bật tầm quan trọng của ngành này đối với nền kinh tế thông qua việc tạo công ăn việc làm và doanh thu xuất khẩu. Nghiên cứu phân tích khả năng cạnh tranh xuất khẩu của các loại sản phẩm may mặc khác nhau, xác định 29 sản phẩm có lợi thế so sánh ổn định từ năm 2011 đến năm 2020, điều này có thể phản ánh gián tiếp tác động của việc Việt Nam hội nhập vào thị trường toàn cầu sau khi gia nhập WTO.
Bên cạnh đó, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong việc đa dạng hóa cơ cấu xuất khẩu, cả về chủng loại sản phẩm lẫn thị trường xuất khẩu. Nhờ việc tham gia các Hiệp định thương mại quốc tế, Việt Nam có cơ hội tiếp cận nhiều thị trường quan trọng với mức thuế suất ưu đãi (Deprez, 2018 và Pham và cộng sự, 2019). Chỉ số thị phần xuất khẩu (Export Market Share Index) của Việt Nam cũng có sự cải thiện rõ rệt nhờ khả năng duy trì mức tăng trưởng cao và bền vững. Theo WTO, Việt Nam đã trở thành 1 trong 20 quốc gia xuất khẩu hàng đầu thế giới, đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, với thị phần gia tăng ở các thị trường lớn như: Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc.
Sự mở rộng thị trường này có được nhờ chiến lược hội nhập kinh tế toàn cầu, tận dụng hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới như: Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP). Thỏa thuận từ các FTA này không chỉ giúp giảm thuế suất mà còn tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu với vai trò ngày càng quan trọng. Các FTA khu vực hiệu quả và cải thiện logistics đã khẳng định tầm quan trọng để nâng cao năng lực xuất khẩu của Việt Nam.
Vì vậy, để duy trì đà tăng trưởng, Việt Nam cần tiếp tục đa dạng hóa thị trường, nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm xuất khẩu và đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực logistics và sản xuất. Việc đánh giá hoạt động xuất khẩu từ khi gia nhập WTO được thực hiện bằng cách phân tích chỉ số Hiệu suất xuất khẩu và chỉ số thị phần xuất khẩu của Việt Nam thông qua thu thập số liệu xuất khẩu hàng hóa Việt Nam và tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa toàn thế giới từ ITC và giá trị GDP từ WB giai đoạn 2005-2023.
Hiệu suất xuất khẩu và chỉ số thị phần xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sau khi gia nhập WTO giai đoạn 2005-2023
Hiệu suất xuất khẩu hàng hóa
Hiệu suất xuất khẩu hàng hóa của quốc gia không chỉ phản ánh khả năng cạnh tranh của nền kinh tế mà còn ảnh hưởng lớn đến sự phát triển bền vững của đất nước. Một quốc gia có hiệu suất xuất khẩu cao thường tận dụng tốt lợi thế so sánh, tối ưu hóa quy trình sản xuất và cải tiến chất lượng sản phẩm. Hiệu suất xuất khẩu quốc gia được tính toán theo công thức như sau:
![]() |
Biểu 1: Hiệu suất khấu khẩu của Việt Nam giai đoạn 2005-2023
![]() |
Nguồn: ITC và tính toán của nhóm tác giả |
Biểu 1 cho thấy xu hướng tăng trưởng ổn định, phản ánh sự phát triển tích cực của nền kinh tế. Điều này thể hiện rõ ràng qua sự gia tăng của các mặt hàng chủ lực như điện tử, dệt may và nông sản. Môi trường thương mại ngày càng thuận lợi và chính sách mở cửa thị trường cũng như việc gia nhập các FTA đã góp phần đáng kể vào sự cải thiện này. Việc chuyển đổi mô hình sản xuất, nâng cao chất lượng hàng hóa và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu đã giúp Việt Nam khẳng định vị thế ngày càng vững chắc trên trường quốc tế.
Giai đoạn 2005-2008: hiệu suất xuất khẩu tăng từ 0,56% lên khoảng 0,63. Đây là thời kỳ Việt Nam gia nhập WTO, mở ra nhiều cơ hội cho thương mại quốc tế. Sự gia tăng này không chỉ đến từ lượng hàng hóa xuất khẩu mà còn từ việc Việt Nam nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế, từ đó thu hút được nhiều đối tác thương mại.
Giai đoạn 2009-2010: hiệu suất xuất khẩu giảm xuống 0,49% vào năm 2010, chủ yếu do khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Khủng hoảng này không chỉ gây khó khăn cho Việt Nam mà còn ảnh hưởng đến nhiều nước khác, dẫn đến sự sụt giảm nhu cầu xuất khẩu, nhất là từ các thị trường lớn như Mỹ và châu Âu.
Giai đoạn 2011-2016: được xem là giai đoạn phục hồi và tăng trưởng ổn định của xuất khẩu hàng hóa. Hiệu suất xuất khẩu tăng lên khoảng 0,68% vào năm 2016. Thời điểm này chứng kiến sự ra đời của nhiều FTA, giúp Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu và gia tăng sức cạnh tranh. Nhiều ngành hàng như dệt may, thủy sản và nông sản đã có bước khởi sắc đáng kể.
Giai đoạn 2017-2022: là giai đoạn tăng trưởng mạnh mẽ với hiệu suất xuất khẩu đạt đỉnh 0,91% vào năm 2021, một thành tựu nổi bật nhờ vào sự phát triển của các ngành công nghệ cao. Các tập đoàn lớn như: Samsung, Intel, LG đã đầu tư mạnh mẽ vào Việt Nam, thúc đẩy sự phát triển của lĩnh vực điện tử và công nghệ. Bên cạnh đó, ngành dệt may và da giày cũng mở rộng sản xuất, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường quốc tế. Tuy nhiên, năm 2023 hiệu suất xuất khẩu giảm xuống còn 0,82%. Sự suy giảm này có thể được lý giải bởi nhiều yếu tố như ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu, gián đoạn trong chuỗi cung ứng và biến động thị trường xuất khẩu lớn từ các nước như: Mỹ, EU, và Trung Quốc. Điều này cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải có kế hoạch ứng phó hiệu quả hơn đối với những thay đổi này trong tương lai.
Nhìn chung, hiệu suất xuất khẩu của Việt Nam trong những năm qua thể hiện rõ sự nắm bắt cơ hội và khả năng thích nghi của nền kinh tế. Mặc dù có những giai đoạn khó khăn, nhưng với nỗ lực không ngừng để mở rộng thị trường và cải thiện chất lượng sản phẩm, Việt Nam vẫn duy trì được sự tăng trưởng liên tục và tích cực trong lĩnh vực xuất khẩu.
Chỉ số thị phần xuất khẩu hàng hóa
Chỉ số thị phần xuất khẩu là chỉ số quan trọng, được sử dụng để đánh giá khả năng cạnh tranh của một quốc gia trong thương mại toàn cầu, phản ánh tỷ lệ tổng xuất khẩu mà một quốc gia cụ thể đóng góp trong các ngành công nghiệp khác nhau. Chỉ số này không chỉ làm nổi bật sức mạnh của quốc gia trong các lĩnh vực cụ thể mà còn là công cụ quý giá cho các nhà hoạch định chính sách, giúp xác định các lĩnh vực cần cải thiện và đầu tư. Bằng cách phân tích xu hướng của chỉ số thị phần xuất khẩu theo thời gian, các quốc gia có thể phát triển các chiến lược mục tiêu để nâng cao sự hiện diện toàn cầu và thích ứng với những thay đổi của nhu cầu thị trường. Hiểu biết về sự biến động của chỉ số này có thể cung cấp cái nhìn sâu sắc về hiệu quả của các chính sách thương mại và điều kiện kinh tế, giúp các quốc gia đưa ra quyết định thông minh, nhằm thúc đẩy tăng trưởng bền vững và khả năng cạnh tranh trên trường quốc tế.
![]() |
Biểu 2: Chỉ số thị phần xuất khẩu của Việt Nam giai đoạn 2005-2023
![]() |
Nguồn: ITC và tính toán của tác giả |
Từ Biểu 2 có thể thấy:
Giai đoạn 2005-2010: đánh dấu sự khởi đầu của quá trình hội nhập và có xu hướng tăng trưởng ổn định trong thị phần xuất khẩu của Việt Nam. Thị phần xuất khẩu của Việt Nam tăng từ 0,0031% lên 0,0048% trong khoảng thời gian này, với mức tăng trung bình hằng năm chỉ khoảng 0,0003%. Sự gia tăng này dù chưa cao, nhưng đã phản ánh bước đầu của quá trình mở rộng xuất khẩu. Nguyên nhân chủ yếu đến từ việc Việt Nam gia nhập WTO, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận thị trường thế giới. Chính sách phát triển tập trung vào công nghiệp nhẹ, dệt may, thủy sản và nông sản đã tạo nền tảng cho hoạt động xuất khẩu. Tuy nhiên, thị phần xuất khẩu vẫn còn thấp do phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu và công nghệ chưa phát triển, đồng thời phải đối diện với sự cạnh tranh gay gắt từ các nước như Trung Quốc, Thái Lan và Ấn Độ.
Giai đoạn 2011-2015: ghi nhận sự tăng trưởng nhanh hơn với thị phần xuất khẩu tăng từ 0,0048% lên 0,0099%. Chỉ trong 5 năm, Việt Nam đã nhân đôi thị phần xuất khẩu, điều này được thúc đẩy bởi các tập đoàn lớn như: Samsung, LG và Intel đầu tư vào nước ta, làm gia tăng xuất khẩu linh kiện điện tử. Ngoài ra, ngành dệt may và giày dép cũng có sự phát triển mạnh nhờ vào nguồn lao động giá rẻ. Việc ký kết nhiều FTA cũng đã mở ra nhiều cơ hội hơn cho xuất khẩu. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất vẫn là sự phụ thuộc vào doanh nghiệp FDI, trong khi đó các doanh nghiệp nội địa vẫn chưa đủ mạnh để cạnh tranh và phần lớn giá trị xuất khẩu vẫn đến từ hoạt động gia công.
Giai đoạn 2016-2020: là thời kỳ bứt phá đáng kể trong hoạt động xuất khẩu của Việt Nam, khi thị phần xuất khẩu đã tăng từ 0,0099% lên 0,0152%. Đây là giai đoạn có tốc độ tăng trưởng mạnh nhất từ trước đến nay, phần lớn nhờ vào việc Việt Nam tham gia vào nhiều FTA lớn như CPTPP và EVFTA, giúp giảm thuế xuất khẩu. Sự chuyển dịch sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam do căng thẳng thương mại Mỹ - Trung cũng tạo cơ hội thuận lợi cho thị trường xuất khẩu. Bên cạnh đó, ngành công nghiệp điện tử và sản xuất thiết bị công nghệ cao phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, thách thức giờ đây lại đến từ sự cạnh tranh gay gắt hơn với các quốc gia mới nổi như: Bangladesh và Ấn Độ, cùng với đó là chi phí lao động bắt đầu tăng lên.
Giai đoạn 2021-2023: được ghi nhận là thời kỳ chững lại và biến động, khi thị phần xuất khẩu tăng chậm lại, dao động quanh mức 0,015%. Thực trạng này phản ánh tác động của đại dịch COVID-19, dẫn đến việc gián đoạn chuỗi cung ứng và suy giảm sản lượng xuất khẩu. Giá cước vận tải biển tăng cao và nhu cầu toàn cầu giảm, đặc biệt từ các thị trường Mỹ và EU, đã gây ra không ít khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu. Các doanh nghiệp lúc này phải nhanh chóng tái cơ cấu sản xuất để thích ứng với biến động trong thị trường, đồng thời hướng đến việc mở rộng sang những khu vực mới như Trung Đông và Châu Phi.
Tóm lại, Việt Nam đã có sự phát triển mạnh mẽ trong xuất khẩu qua gần 20 năm, đặc biệt từ năm 2015 đến 2020. Tuy nhiên, những thách thức từ sau năm 2020 yêu cầu các doanh nghiệp và Chính phủ phải tìm kiếm chiến lược thích nghi với biến động kinh tế toàn cầu. Dự báo cho tương lai, nếu chuỗi cung ứng được ổn định trở lại trong giai đoạn 2024-2025, xuất khẩu Việt Nam có thể phục hồi. Xu hướng dài hạn cần tập trung vào phát triển công nghệ cao và sản xuất thông minh, đồng thời giảm phụ thuộc vào FDI để tăng cường tính bền vững cho ngành xuất khẩu.
Những hạn chế và thách thức
Thứ nhất, phụ thuộc vào xuất khẩu nguyên liệu thô. Việt Nam vẫn xuất khẩu nhiều nguyên liệu thô như nông sản, khoáng sản mà chưa gia tăng tỷ trọng hàng hóa có giá trị gia tăng cao.
Thứ hai, hạn chế trong phát triển công nghiệp chế biến và sản xuất các sản phẩm tiêu dùng. Mặc dù Việt Nam có nguồn nguyên liệu dồi dào, nhưng chúng ta vẫn chưa xây dựng được hệ thống ngành công nghiệp đủ mạnh để biến các nguyên liệu này thành sản phẩm có giá trị cao. Điều này không chỉ làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế mà còn hạn chế tiềm năng phát triển kinh tế.
Thứ ba, tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực có chất lượng cao trong các lĩnh vực quan trọng. Sự phát triển của công nghiệp chế biến và sản xuất cần những kỹ sư, chuyên gia có trình độ cao để chỉ đạo quy trình và đảm bảo chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, thực tế hiện nay cho thấy, nhiều cơ sở đào tạo chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường, dẫn đến tình trạng thiếu hụt nhân lực có kỹ năng.
Thứ tư, nguy cơ áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại ngày càng tăng, nhiều quốc gia nhập khẩu thực hiện thuế chống bán phá giá và hạn ngạch. Các mặt hàng như: thép, thủy sản và dệt may đã bị Mỹ, EU và Ấn Độ áp thuế chống bán phá giá. Sự gia tăng áp lực từ phía các quốc gia này không chỉ gây khó khăn cho các doanh nghiệp xuất khẩu, mà còn làm gia tăng căng thẳng thương mại toàn cầu. Các doanh nghiệp trong nước phải đối mặt với chi phí sản xuất cao hơn và thị trường tiêu thụ hạn chế hơn, từ đó ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh. Đặc biệt, các biện pháp kiểm soát thương mại này có thể dẫn đến sự thay đổi trong chuỗi cung ứng và tạo ra làn sóng chuyển dịch sản xuất sang các quốc gia khác nhằm tìm kiếm lợi thế.
Cuối cùng, cần phải nhấn mạnh rằng, việc cải thiện cơ sở hạ tầng, từ giao thông cho đến công nghệ thông tin, cũng là một yếu tố quan trọng. Một hệ thống hạ tầng mạnh mẽ sẽ hỗ trợ không chỉ cho ngành xuất khẩu mà còn cho toàn bộ nền kinh tế, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển bền vững. Nếu không giải quyết được những vấn đề này, việc gia tăng giá trị hàng hóa xuất khẩu sẽ vẫn chỉ là một mục tiêu xa vời.
KẾT LUẬN VÀ KHUYẾN NGHỊ
Hội nhập kinh tế với việc gia nhập WTO đã thúc đẩy hàng hóa xuất khẩu Việt Nam có những bước tiến mạnh mẽ, tăng trưởng ấn tượng, đa dạng hóa thị trường và mở rộng các ngành hàng chủ lực; đưa xuất khẩu trở thành bệ đỡ của nền kinh tế. Để tiếp tục nâng cao vị thế trên thị trường toàn cầu, Việt Nam cần đẩy mạnh đầu tư công nghệ, gia tăng giá trị sản phẩm, mở rộng thị trường xuất khẩu và xây dựng chiến lược ứng phó với các rào cản thương mại như:
Một là, thúc đẩy chế biến sâu và gia tăng giá trị sản phẩm, hạn chế xuất khẩu nguyên liệu thô, tập trung đầu tư vào công nghệ chế biến, chế tạo để tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn. Đồng thời, khuyến khích doanh nghiệp xây dựng và phát triển thương hiệu riêng nhằm nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Hai là, đổi mới công nghệ và cải thiện năng suất lao động. Ứng dụng mạnh mẽ công nghệ 4.0 vào sản xuất để nâng cao hiệu quả và chất lượng sản phẩm và đẩy mạnh đào tạo lao động có tay nghề cao, giảm sự phụ thuộc vào lao động giá rẻ để tăng tính cạnh tranh.
Ba là, mở rộng thị trường, giảm phụ thuộc vào một quốc gia. Giảm thiểu rủi ro khi phụ thuộc quá nhiều vào các thị trường lớn như Mỹ và Trung Quốc bằng cách mở rộng sang châu Âu, Ấn Độ, Trung Đông. Bên cạnh đó, tận dụng tối đa lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là EVFTA, nhằm thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường EU.
Bốn là, chủ động ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại. Nâng cao tính minh bạch trong chuỗi cung ứng, giúp doanh nghiệp Việt tăng khả năng thích ứng trước các biện pháp phòng vệ thương mại. Đồng thời, chủ động tham gia vào các vụ kiện chống bán phá giá để bảo vệ quyền lợi và vị thế của doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường quốc tế.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Deprez, J (2018). Vietnam’s trade liberalization and economic growth: Impacts of WTO membership and free trade agreements, World Economy Journal, 45(3), 125-140. DOI: 10.1177/186810341803700201.
2. ITC (2024). https://www.intracen.org/resources/data-and-analysis/trade-statistics#export-of-goods.
3. Hasan, M. R., Swazan, I. S., & Das, D (2024). Analyzing the apparel export competitiveness of Vietnam: A competition for second place. https://doi.org/10.31274/itaa.17381.
4. Pham, D. M., Hollweg, C. H., Mtonya, B. G., Winkler, D., Thúy, N. T. X (2019). Vietnam : Connecting Value Chains for Trade Competitiveness. 1–160, retrieved from http://documents.worldbank.org/curated/en/844061578926026763/Vietnam-Connecting-Value-Chains-for-Trade-Competitiveness.
5. Tran Thi Bich Nhung, Tran Thi Phuong Thuy (2018). Vietnam’s textile and garment industry: an overview, Journal Business & IT, retrieved from https://doi.org/10.14311/bit.2018.02.05, https://www.researchgate.net/publication/330510549_Vietnam's_textile_and_garment_industry_an_overview.
Ngày nhận bài: 05/5/2025; Ngày hoàn thiện biên tập: 20/5/2025; Ngày duyệt đăng: 27/5/2025 |
Bình luận