Đào tạo nhân lực ngành Tài chính đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số
Nguyễn Hồng Sâm
Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Tài chính
Email: nguyenhongsam@mof.gov.vn
Tóm tắt
Chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu, đặt ra những yêu cầu cấp thiết đối với mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, trong đó có ngành Tài chính. Với vai trò là trụ cột trong quản lý tài chính công và dẫn dắt quá trình hiện đại hóa nền kinh tế, ngành Tài chính Việt Nam đã sớm xác định chuyển đổi số là nhiệm vụ chiến lược, triển khai nhiều sáng kiến nhằm xây dựng nền tài chính số hiện đại, minh bạch và hiệu quả. Trong bối cảnh công nghệ phát triển nhanh chóng, đặc biệt là sự xuất hiện của trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn và tự động hóa, công tác đào tạo nhân lực ngành Tài chính cần được đổi mới căn bản, vừa bảo đảm tính thực tiễn, vừa đáp ứng được các yêu cầu mới về năng lực số. Bài viết này tập trung phân tích vai trò của đào tạo nhân lực trong tiến trình chuyển đổi số ngành Tài chính, đánh giá kết quả đạt được, nhận diện những hạn chế còn tồn tại, đồng thời đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác đào tạo, từ đó góp phần xây dựng nguồn nhân lực tài chính chất lượng cao, phù hợp với yêu cầu của chuyển đổi số.
Từ khoá: Chuyển đổi số, đào tạo nhân lực, ngành Tài chính
Summary
Digital transformation is rapidly unfolding worldwide, imposing urgent demands on all sectors of socio-economic life, including the Finance sector. As a pillar in public financial management and a driver of economic modernization, Vietnam’s Finance sector has proactively identified digital transformation as a strategic task and implemented numerous initiatives to build a modern, transparent, and efficient digital finance system. In the context of rapid technological advancements, especially the emergence of artificial intelligence, big data, and automation, the training of human resources in the Finance sector requires fundamental innovation to ensure practical relevance and fulfillment of new digital competency requirements. This article focuses on analyzing the role of human resource training in the digital transformation process of the Finance sector, evaluating achieved outcomes, identifying existing limitations, and proposing solutions to enhance training effectiveness, thereby contributing to the development of high-quality financial human resources aligned with the demands of digital transformation.
Keywords: Digital transformation, human resource training, Finance sector
THỰC TRẠNG CHUYỂN ĐỔI SỐ TRONG NGÀNH TÀI CHÍNH
Tài chính là một trong những lĩnh vực then chốt của một quốc gia, là một trong các lĩnh vực đi đầu trong chuyển đổi số (CĐS), là cơ sở nền tảng cho các ngành nghề, lĩnh vực khác tiến tới công cuộc CĐS. Với vai trò dẫn dắt sự phát triển của kinh tế số, ngành Tài chính đang tiên phong chủ động triển khai lộ trình CĐS, trong đó đặt ra các mục tiêu trong giai đoạn 2021-2025 xây dựng tài chính điện tử, tài chính số dựa trên dữ liệu và dữ liệu mở, tới năm 2030, phấn đấu thiết lập hệ thống tài chính số hóa hoàn toàn và nền tài chính thông minh.
Bộ Tài chính là một trong những bộ, ngành đầu tiên ban hành các văn bản định hướng nghiên cứu, thực hiện CĐS. Trong nhiều năm liên tiếp, Bộ Tài chính luôn dẫn đầu trong xếp hạng về chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) và truyền thông (chỉ số Vietnam ICT Index); các lĩnh vực thuế, hải quan, kho bạc luôn tiên phong trong thực hiện CĐS với các kết quả ấn tượng.
Bộ Tài chính đã xác định người dân và doanh nghiệp là trung tâm của quá trình CĐS, từ đó chủ động xây dựng các hệ thống nhằm cải cách thủ tục hành chính và nâng cao chất lượng dịch vụ. Các hệ thống nổi bật bao gồm: dịch vụ công trực tuyến với khoảng 60% kết nối lên Cổng Dịch vụ công quốc gia; hệ thống thanh toán điện tử liên kho bạc, liên ngân hàng, và song phương với ngân hàng thương mại giúp chuyển từ thanh toán thủ công sang điện tử với tốc độ gần như tức thời; hệ thống thông quan tự động và Cơ chế một cửa Quốc gia hỗ trợ triển khai cam kết Hải quan một cửa Quốc gia từ năm 2014; và hệ thống kê khai, nộp thuế, hoàn thuế điện tử từ năm 2012, góp phần cải thiện Chỉ số nộp thuế và vị trí của Việt Nam trên bảng xếp hạng môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới. Nhờ những nỗ lực này, Bộ Tài chính đã 9 năm liên tiếp (2013-2021) dẫn đầu Bảng xếp hạng mức độ sẵn sàng phát triển và ứng dụng CNTT trong khối các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ. Năm 2022-2023, Bộ Tài chính đứng thứ 2 trong số các bộ, ngành.
Để đạt được những kết quả tích cực trên, Bộ Tài chính đã ngoài việc quán triệt tinh thần CĐS đến mọi cán bộ, người lao động trong ngành là các hoạt động quyết liệt, đồng bộ. Ngày 27/7/2022, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ký ban hành Quyết định 1484/QĐ-BTC ban hành Kế hoạch CĐS của Bộ Tài chính đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Mục tiêu đặt ra là đến năm 2025 cơ bản thiết lập nền tảng Tài chính số hiện đại, công khai, minh bạch dựa trên dữ liệu lớn, dữ liệu tài chính mở. Đến năm 2030 hình thành hệ sinh thái Tài chính số phong phú, hiện đại trên mọi lĩnh vực, đảm bảo tính hiệu quả và an toàn thông tin. Để CĐS thành công, yếu tố nguồn nhân lực và công tác nhân sự giữ vai trò quan trọng quyết định. Từ đó cũng đặt ra yêu cầu mới đối với công tác nhân sự tại Bộ Tài chính Việt Nam.
Bên cạnh đó, nhằm tạo hành lang pháp lý cho việc triển khai các giao dịch điện tử, giao dịch số trên môi trường mạng, Bộ Tài chính cũng đã nghiên cứu, trình Chính phủ ban hành Nghị định số 165/2018/NĐ-CP về giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính; Nghị định số 119/2018/NĐ-CP quy định về hóa đơn điện tử khi bán hàng, cung cấp dịch vụ; Nghị định số 87/2012/NĐ-CP quy định quy định chi tiết một số điều của Luật Hải quan về thủ tục hải quan điện tử đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thương mại,…
Đồng thời, để tạo điều kiện thuận lợi trong xây dựng, phát triển Tài chính điện tử hướng tới Tài chính số, Bộ Tài chính đã và đang tập trung nguồn lực nhằm ưu tiên phát triển 4 nền tảng đóng vai trò “trụ cột” trong xây dựng phát triển Tài chính điện tử hướng tới Tài chính số gồm: (i) Nền tảng cơ sở dữ liệu Tài chính, bao gồm các cơ sở dữ liệu chuyên ngành về Thuế, Hải quan, Chứng khoán, Thuế, Dự trữ, Thu-chi ngân sách, Nợ công, Tài sản công, Giá; Bảo hiểm, Vốn nhà nước tại doanh nghiệp; (ii) Nền tảng chia sẻ, tích hợp dữ liệu ngành Tài chính để đảm bảo thông suốt huyết mạch dữ liệu của toàn ngành; (iii) Nền tảng điện toán đám mây và hạ tầng truyền thông thống nhất ngành Tài chính; (iv) Nền tảng định danh và xác thực điện tử đối với khách hàng sử dụng dịch vụ CNTT ngành Tài chính.
VAI TRÒ QUAN TRỌNG CỦA ĐÀO TẠO NHÂN LỰC TÀI CHÍNH TRONG BỐI CẢNH CHUYỂN ĐỔI SỐ
Đào tạo nhân lực là một trong những hoạt động trọng yếu nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả sử dụng nhân lực, đặc biệt trong bối cảnh CĐS. Khi các công nghệ hiện đại như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data), và tự động hóa quy trình (RPA) đang dần thay đổi cách thức làm việc trong ngành Tài chính, đào tạo không chỉ nhằm cải thiện kỹ năng hiện tại mà còn phải hướng tới xây dựng năng lực số để đáp ứng yêu cầu công việc mới.
Đào tạo nhân lực trong CĐS không chỉ dừng lại ở việc giúp người lao động hiểu rõ công việc và thực hiện nhiệm vụ hiệu quả hơn mà còn chuẩn bị cho họ khả năng sử dụng thành thạo các công cụ công nghệ và sẵn sàng thích nghi với sự thay đổi nhanh chóng của môi trường số hóa. Các chương trình đào tạo tập trung vào kỹ năng số, bao gồm quản lý dữ liệu, sử dụng phần mềm tài chính, kỹ năng bảo mật thông tin và khả năng phân tích dữ liệu để đưa ra các quyết định chiến lược.
Đối với nhân sự mới tuyển dụng, mặc dù họ đã được lựa chọn phù hợp với yêu cầu công việc, việc đào tạo bổ sung các kỹ năng số cơ bản và nâng cao là yếu tố bắt buộc để đảm bảo họ không chỉ thích nghi với công việc hiện tại mà còn đáp ứng yêu cầu số hóa của Ngành trong tương lai. Các chương trình đào tạo ban đầu bao gồm nội dung về sử dụng các hệ thống quản lý tài chính điện tử, kỹ năng làm việc trên các nền tảng công nghệ, và hiểu biết về quy trình tự động hóa. Điều này giúp nhân viên mới nhanh chóng bắt kịp nhịp độ làm việc và đóng góp hiệu quả ngay từ giai đoạn đầu.
Đối với nhân sự hiện tại, đào tạo tập trung vào việc nâng cao khả năng khai thác công nghệ để tăng năng suất lao động và đảm bảo chất lượng công việc. Các chương trình đào tạo lại, như học cách sử dụng công cụ phân tích dữ liệu nâng cao, phát triển kỹ năng xử lý dữ liệu lớn, hoặc tham gia các khóa học về bảo mật thông tin, không chỉ cải thiện hiệu suất cá nhân mà còn giúp tổ chức thích nghi nhanh chóng với những thách thức mới trong thời đại số hóa.
Một yếu tố quan trọng khác trong đào tạo nhân lực trong bối cảnh CĐS là việc ứng dụng các phương pháp đào tạo số hóa. Các hình thức như đào tạo trực tuyến (e-learning), thực hành mô phỏng (simulation), và sử dụng các nền tảng học tập thông minh (Learning Management Systems - LMS) sẽ giúp tối ưu hóa thời gian, chi phí và mở rộng khả năng tiếp cận của người học. Việc này không chỉ đảm bảo tính hiệu quả mà còn thúc đẩy người lao động tiếp cận với môi trường học tập tiên tiến.
Để đạt được hiệu quả tốt nhất, công tác đào tạo nhân lực trong ngành Tài chính cần gắn liền với các yêu cầu của CĐS. Bằng cách tập trung vào phát triển năng lực số, ứng dụng công nghệ hiện đại trong đào tạo, và xây dựng các chương trình linh hoạt, ngành Tài chính không chỉ nâng cao chất lượng nhân lực mà còn đảm bảo sự phát triển bền vững trong thời đại công nghệ số.
KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC TRONG CÔNG TÁC ĐÀO TẠO NHÂN LỰC NGÀNH TÀI CHÍNH ĐÁP ỨNG YÊU CẦU CHUYỂN ĐỔI SỐ
Dựa trên quy hoạch phát triển nhân lực số, Bộ Tài chính tiếp tục củng cố và tăng cường chất lượng các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng của Bộ để đáp ứng yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng nhân lực số cho ngành Tài chính và xã hội. Hiện nay, Bộ Tài chính đang triển khai công tác đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức của Bộ tại các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng thuộc Ngành để đảm bảo tính phù hợp với mục tiêu, nội dung đào tạo.
Trong thời gian qua, Bộ Tài chính đã xây dựng và triển khai hiệu quả hệ thống quy định và cơ chế chính sách đồng bộ, tạo hành lang pháp lý thuận lợi để tổ chức công tác đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức trong ngành Tài chính. Việc lập và thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng được đổi mới theo hướng tập trung thống nhất nhưng vẫn phân cấp, tạo sự chủ động cho các đơn vị. Bộ đã hướng dẫn các đơn vị xây dựng, phê duyệt kế hoạch đào tạo dựa trên nguồn kinh phí được phân bổ, vừa phát huy thế mạnh của từng đơn vị, vừa đảm bảo vai trò quản lý chung.
Nội dung và chương trình đào tạo, bồi dưỡng không ngừng đổi mới, đi sâu vào nghiệp vụ chuyên môn, tăng cường kỹ năng và phẩm chất chính trị. Quy mô đào tạo mở rộng, chất lượng được nâng cao thông qua tổ chức chuyên nghiệp từ xây dựng chương trình, chuẩn bị tài liệu, đến tổ chức học tập và kiểm tra đánh giá. Công tác này đã nâng cao rõ rệt năng lực quản lý tài chính của đội ngũ công chức, viên chức, góp phần hoàn thiện chính sách tài chính phù hợp với thực tiễn và thông lệ quốc tế. Bộ cũng kết hợp linh hoạt các hình thức đào tạo trực tiếp và trực tuyến, đáp ứng nhu cầu đào tạo trong các lĩnh vực như tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo, tiêu chuẩn ngạch công chức, và yêu cầu của vị trí việc làm. Những công chức, viên chức sau đào tạo đáp ứng đủ tiêu chuẩn thường được quy hoạch, bổ nhiệm hoặc thi nâng ngạch, thăng hạng.
Về đào tạo CĐS, Bộ Tài chính đã tổ chức nhiều lớp bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng về công nghệ số, trong đó có các nội dung chuyên sâu như BigData, AI, IoT, và Blockchain. Các chương trình đào tạo còn lồng ghép nội dung chuẩn đầu ra về dữ liệu lớn tại các cơ sở đào tạo thuộc Bộ. Đến cuối năm 2024, Bộ đã hoàn thành 100% kế hoạch bồi dưỡng kỹ năng số và tổ chức thêm các lớp đào tạo vượt kế hoạch, với tổng số hơn 1.175 học viên. Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ đào tạo được đầu tư tốt, tạo điều kiện thuận lợi cho công chức, viên chức học tập và phát triển. Nhờ đó, Bộ Tài chính đã xây dựng được đội ngũ nhân sự chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế trong bối cảnh CĐS.
MỘT SỐ HẠN CHẾ CỦA ĐÀO TẠO NHÂN LỰC NGÀNH TÀI CHÍNH TRONG BỐI CẢNH CHUYỂN ĐỔI SỐ VÀ NGUYÊN NHÂN
Mặc dù công tác đào tạo nhân lực ngành Tài chính trong thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu CĐS, song thực tiễn cũng cho thấy vẫn còn tồn tại không ít hạn chế cần được nhận diện và khắc phục. Việc phân tích rõ các hạn chế này, đồng thời xác định các nguyên nhân chủ yếu, là cơ sở quan trọng nhằm đề xuất những giải pháp thiết thực, nâng cao hiệu quả đào tạo nhân lực trong giai đoạn tới.
Thứ nhất, nội dung đào tạo hiện nay còn nặng về lý thuyết, chưa thực sự gắn kết với yêu cầu thực tiễn công việc trong bối cảnh CĐS. Các chương trình đào tạo chưa cập nhật kịp thời các kỹ năng số thiết yếu như quản trị dữ liệu lớn, phân tích dữ liệu tài chính, vận dụng trí tuệ nhân tạo và tự động hóa quy trình nghiệp vụ, khiến cho đội ngũ cán bộ sau đào tạo gặp khó khăn trong việc áp dụng kiến thức vào thực tiễn, làm giảm hiệu quả cải cách hành chính và hiện đại hóa công tác quản lý tài chính.
Thứ hai, công tác lập kế hoạch đào tạo còn thiếu gắn kết chặt chẽ với nhu cầu thực tế và khả năng tài chính của từng đơn vị. Việc xây dựng kế hoạch chủ yếu dựa trên các tiêu chí mang tính hình thức, chưa dựa trên khảo sát chi tiết về nhu cầu phát triển năng lực số, dẫn đến tình trạng đào tạo dàn trải, chồng chéo hoặc chưa đáp ứng đúng yêu cầu phát triển nguồn nhân lực cho CĐS.
Thứ ba, nội dung và chương trình đào tạo còn trùng lặp, thiếu tính kế thừa và chưa được thiết kế theo hướng tích hợp kỹ năng số một cách hệ thống. Nhiều chương trình đào tạo vẫn áp dụng cấu trúc cứng nhắc, chậm đổi mới so với yêu cầu công nghệ hiện đại, trong khi thời lượng đào tạo kéo dài không hợp lý, gây lãng phí nguồn lực đào tạo và giảm hiệu quả học tập.
Thứ tư, đội ngũ giảng viên phục vụ công tác đào tạo còn thiếu hụt cả về số lượng và chất lượng. Phần lớn các cơ sở đào tạo phải phụ thuộc vào giảng viên kiêm nhiệm hoặc thỉnh giảng, trong khi kỹ năng chuyên sâu về công nghệ số, kinh nghiệm thực tiễn CĐS và phương pháp giảng dạy hiện đại của đội ngũ này còn nhiều hạn chế. Bên cạnh đó, chính sách đãi ngộ chưa đủ hấp dẫn để thu hút và giữ chân các giảng viên giỏi, làm giảm sức mạnh chuyên môn của hệ thống đào tạo.
Thứ năm, cơ chế tài chính tự chủ tại các cơ sở đào tạo vẫn còn nhiều bất cập, chưa tạo ra động lực mạnh mẽ để đầu tư đổi mới nội dung, tài liệu đào tạo và phương pháp giảng dạy. Nguồn kinh phí tập trung chủ yếu cho các chi phí hoạt động thông thường, trong khi đầu tư cho tài liệu, chương trình đào tạo cập nhật theo yêu cầu CĐS còn rất hạn chế, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng và tính hiệu quả của công tác đào tạo.
Những hạn chế trên xuất phát từ một số nguyên nhân chủ yếu sau:
Một là, mục tiêu đào tạo nhân lực chưa thực sự đồng bộ với yêu cầu nhiệm vụ chuyên môn trong bối cảnh CĐS. Công tác xây dựng chương trình đào tạo mới chỉ dừng lại ở việc cập nhật nội dung chuyên môn nghiệp vụ truyền thống, chưa chú trọng tích hợp đầy đủ các kỹ năng số, kỹ năng khai thác công nghệ và tư duy đổi mới sáng tạo - những năng lực thiết yếu trong thời đại số hóa.
Hai là, việc lập kế hoạch đào tạo chưa được xây dựng trên cơ sở khảo sát nhu cầu thực tiễn và khả năng tài chính cụ thể của các đơn vị. Kế hoạch đào tạo nhiều nơi vẫn mang tính hình thức, thiếu tính chủ động, chưa tối ưu hóa được việc sử dụng nguồn lực, dẫn đến hiệu quả triển khai thấp.
Ba là, cơ chế bắt buộc đối với việc đảm bảo tỷ lệ công chức, viên chức tham gia đào tạo kỹ năng số còn thiếu rõ ràng và chưa được áp dụng đồng bộ. Điều này dẫn đến tỷ lệ cán bộ chưa được tiếp cận các chương trình đào tạo nâng cao kỹ năng số còn cao, làm trầm trọng thêm sự thiếu hụt năng lực cần thiết trong toàn hệ thống.
Bốn là, nội dung và chương trình đào tạo còn chịu ảnh hưởng từ những bất cập trong các chương trình khung do các cơ quan quản lý cấp trên ban hành, gây ra sự cứng nhắc, thiếu linh hoạt trong việc cập nhật và đổi mới theo yêu cầu thực tiễn CĐS đang thay đổi nhanh chóng.
Năm là, đội ngũ giảng viên chưa đáp ứng yêu cầu cả về số lượng và trình độ chuyên môn sâu. Việc thiếu các chính sách ưu đãi, đãi ngộ cạnh tranh để thu hút chuyên gia, giảng viên giỏi trong lĩnh vực công nghệ tài chính và CĐS đã làm giảm sức hấp dẫn của công tác đào tạo đối với lực lượng nhân sự chất lượng cao.
Sáu là, cơ chế tài chính tự chủ tại các cơ sở đào tạo còn bất cập, chưa thực sự tạo động lực khuyến khích đổi mới nội dung và phương pháp giảng dạy, dẫn đến tình trạng nguồn kinh phí đầu tư cho hoạt động đào tạo còn hạn chế, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng và khả năng thích ứng với yêu cầu CĐS trong đào tạo nhân lực ngành Tài chính.
GIẢI PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ ĐÀO TẠO NHÂN LỰC NGÀNH TÀI CHÍNH TRONG BỐI CẢNH CHUYỂN ĐỔI SỐ
Để khắc phục những hạn chế đã được phân tích, đồng thời nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của CĐS, cần triển khai đồng bộ nhiều nhóm giải pháp mang tính hệ thống và thực tiễn. Cụ thể:
Thứ nhất, cần đổi mới căn bản nội dung và phương pháp đào tạo theo hướng tăng cường tính thực hành, gắn kết chặt chẽ giữa chương trình đào tạo với yêu cầu công việc thực tiễn trong bối cảnh CĐS. Các chương trình đào tạo cần được thiết kế theo mô hình mô-đun linh hoạt, tích hợp kỹ năng số với năng lực chuyên môn nghiệp vụ, trong đó chú trọng phát triển năng lực quản trị dữ liệu, sử dụng trí tuệ nhân tạo trong phân tích tài chính, và đảm bảo an toàn thông tin trong môi trường số. Việc xây dựng chương trình đào tạo nên dựa trên khảo sát thực tế nhu cầu phát triển năng lực của từng đơn vị, bảo đảm sự phù hợp và sát thực tiễn, tránh tình trạng đào tạo hình thức hoặc dàn trải.
Thứ hai, công tác lập kế hoạch đào tạo cần gắn kết chặt chẽ với khả năng tài chính hàng năm và ưu tiên phân bổ nguồn lực cho các chương trình đào tạo thiết yếu phục vụ CĐS. Bộ Tài chính cần xây dựng cơ chế phân bổ kinh phí đào tạo hợp lý, minh bạch và hiệu quả, đồng thời tăng cường giao quyền tự chủ cho các cơ sở đào tạo trong việc lựa chọn nội dung, phương pháp và hình thức đào tạo phù hợp. Việc áp dụng cơ chế tài chính linh hoạt sẽ tạo động lực đổi mới sáng tạo, nâng cao tính cạnh tranh và hiệu quả hoạt động của các đơn vị đào tạo.
Thứ ba, cần đầu tư phát triển đội ngũ giảng viên đào tạo nhân lực ngành Tài chính cả về số lượng lẫn chất lượng. Bên cạnh việc tuyển chọn, bồi dưỡng giảng viên cơ hữu có trình độ chuyên sâu về công nghệ tài chính và CĐS, cần đẩy mạnh hợp tác với các chuyên gia, giảng viên thỉnh giảng từ doanh nghiệp, tổ chức quốc tế uy tín trong lĩnh vực công nghệ và tài chính số. Đồng thời, cần xây dựng cơ chế đãi ngộ cạnh tranh để thu hút và giữ chân nhân sự chất lượng cao tham gia vào công tác đào tạo, tạo điều kiện cho việc hình thành một lực lượng giảng viên chuyên nghiệp, am hiểu sâu sắc về công nghệ hiện đại và kỹ năng sư phạm tiên tiến.
Thứ tư, cần tăng cường đầu tư cho nội dung, tài liệu và phương pháp đào tạo theo hướng hiện đại, cập nhật liên tục với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ. Các cơ sở đào tạo cần chủ động xây dựng bộ tài liệu giảng dạy đạt chuẩn, đảm bảo tính liên thông, kế thừa và cập nhật, đồng thời áp dụng các phương pháp đào tạo tiên tiến như đào tạo trực tuyến (e-learning), mô phỏng tình huống (simulation-based learning) và nền tảng học tập thông minh (learning management systems - LMS) để mở rộng khả năng tiếp cận và tối ưu hóa hiệu quả học tập.
Thứ năm, cần thiết lập hệ thống đánh giá kết quả đào tạo, bồi dưỡng nhân lực ngành Tài chính theo hướng gắn kết chặt chẽ với tiêu chí năng lực số và mức độ đáp ứng yêu cầu công việc thực tế. Kết quả đào tạo không chỉ được đánh giá dựa trên việc hoàn thành chương trình học mà còn cần đo lường hiệu quả vận dụng kiến thức, kỹ năng vào thực tiễn công tác. Các tiêu chí đánh giá cần cụ thể, định lượng được, làm cơ sở cho việc quy hoạch, bổ nhiệm, thi nâng ngạch, thăng hạng cán bộ, đồng thời giúp điều chỉnh nội dung và phương thức đào tạo cho phù hợp với yêu cầu phát triển trong từng giai đoạn.
Thứ sáu, cần hoàn thiện cơ chế tự chủ tài chính cho các cơ sở đào tạo, tạo điều kiện thuận lợi để các đơn vị chủ động huy động, quản lý và sử dụng hiệu quả các nguồn lực tài chính phục vụ công tác đào tạo. Việc áp dụng mô hình quản trị tài chính tiên tiến, gắn hiệu quả hoạt động với trách nhiệm giải trình, sẽ khuyến khích các cơ sở đào tạo chủ động cải tiến chương trình, nâng cao chất lượng đào tạo, và thích ứng nhanh chóng với những thay đổi của môi trường số hóa.
Với việc thực hiện đồng bộ và nhất quán các giải pháp nêu trên, công tác đào tạo nhân lực ngành Tài chính sẽ ngày càng được nâng cao về chất lượng và hiệu quả, góp phần xây dựng nguồn nhân lực tài chính hiện đại, chuyên nghiệp, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững trong thời kỳ CĐS toàn diện.
Tài liệu tham khảo:
1. Bộ Tài chính (2018). Nghị quyết số 02-NQ/BCSĐ về triển khai ứng dụng công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong lĩnh vực tài chính - ngân sách.
2. Bộ Tài chính (2022). Quyết định số 1484/QĐ-BTC về việc ban hành Kế hoạch CĐS của Bộ Tài chính đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
3. Chính phủ (2018). Nghị định số 165/2018/NĐ-CP về giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính.
4. Chính phủ (2018). Nghị định số 119/2018/NĐ-CP về hóa đơn điện tử khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ.
5. Chính phủ (2012). Nghị định số 87/2012/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Hải quan về thủ tục hải quan điện tử đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thương mại.
6. European Commission (2021), Digital education action plan (2021-2027): Resetting education and training for the digital age. Brussels: European Union.
7. IMF (2022). Digitalization and public financial management (IMF Working Paper No. WP/22/29). Washington, DC: International Monetary Fund.
8. OECD (2020). The digital transformation of SMEs. Paris: OECD Publishing.
9. World Bank (2021). Digital transformation of the public sector: Government as a platform. Washington, DC: World Bank Group.
Ngày nhận bài: 21/4/2025; Ngày hoàn thiện biên tập: 21/5/2025; Ngày duyệt đăng: 23/5/2025 |
Bình luận