Từ góc nhìn người bệnh, việc xếp hàng, chờ đợi khi vào bệnh viện hay cơ sở y tế đã trở nên quá quen thuộc. Nó đã trở thành một phần tất yếu của cuộc sống dù thật sự không cần thiết trong bối cảnh số hóa ngành y tế.

Đặt lịch khám bệnh và thanh toán trực tuyến: “Phác đồ” điều trị bệnh “chờ đợi, nhưng không hạnh phúc”
Việc xếp hàng, chờ đợi khám chữa bệnh tại bệnh viện hay cơ sở y tế đã trở nên quá quen thuộc

“BỆNH” ĐÃ ĐƯỢC “CHẨN ĐOÁN”

Từ góc độ bệnh nhân

Chờ đợi lấy số thứ tự, chờ đợi thanh toán tiền khám, chờ đợi đến lượt khám,... Quá nhiều sự chờ đợi mà người bệnh phải vượt qua trước khi giải quyết vấn đề chính của mình: bệnh. Áp lực bệnh tật đi kèm theo đó là áp lực của việc đi khám tạo thành một khoảng cách quá lớn giữa bệnh nhân, bác sĩ và bệnh viện. Thời gian chờ đợi trung bình của mỗi bệnh nhân là 48,5 phút và lên đến 4-5 giờ tại các bệnh viện lớn. Chúng ta tự đặt câu hỏi là chừng ấy thời gian ảnh hưởng như thế nào về vật chất và tinh thần của mỗi người bệnh và người nhà khi đi khám?

Từ góc độ bệnh viện

Ban quản lý các bệnh viện gặp không ít khó khăn trước tình trạng quá tải đặc biệt là tại khoa khám bệnh ngoại trú.

Ở các bệnh viện, hình ảnh người đến khám bệnh xếp từng hàng dài lấy số thứ tự và thanh toán tiền khám từ lâu đã không còn xa lạ. Sự quá tải đứng theo góc độ chuyên môn là “tín hiệu tốt” vì nó thể hiện niềm tin của người bệnh vào tay nghề, y đức của đội ngũ y bác sĩ tại bệnh viện.

Bên cạnh đó còn có một góc độ cần giải quyết, không phải “giảm tải” mà là “cân bằng tải”. Giải pháp cân bằng tải chính là giúp người bệnh chủ động thời gian đi khám, đặt khám và thanh toán trước khi đến bệnh viện.

Từ góc độ bác sĩ

Không chỉ bệnh nhân và bệnh viện mới phải đối mặt với khó khăn mà ngay cả các bác sĩ cũng gặp nhiều thách thức. Các bác sĩ không chỉ làm việc tại bệnh viện mà còn khám chữa bệnh tại cơ sở y tế ngoài giờ hành chính (phòng mạch tư, phòng khám chuyên khoa) để đáp ứng nhu cầu chính đáng của người bệnh.

Với số lượng bệnh nhân đông và lịch làm việc dày đặc, việc quản lý của các bác sĩ là không hề dễ dàng. Một ví dụ từ thực tế, khi bác sĩ có ca phẫu thuật đột xuất, làm các nào để bác sĩ thông báo ngay với hàng chục bệnh nhân đã hẹn lịch khám trước đó?

Đại dịch Covid-19 xuất hiện từ đầu năm 2020 đến nay thế giới đã có hơn 176 triệu người mắc và hơn 3,8 triệu người tử vong. Tại Việt Nam, số người mắc đã vượt qua 10.000 người, tuy tình hình diễn biến phức tạp nhưng Việt Nam vẫn là nước đang kiểm soát tốt dịch bệnh. Chúng ta thấy rõ vai trò vô cùng quan trọng của công nghệ thông tin trong y tế. Từ các ứng dụng truy vết, khai báo y tế cho đến những hệ thống hội chẩn từ xa giữa các bệnh viện đều vận hành hết sức hiệu quả đem đến những giá trị to lớn trong giai đoạn dịch của đất nước. Bên cạnh đó, nhận thức về vai trò của chuyển đối số cũng được nâng cao hơn trong một năm rưỡi qua.

GIẢI PHÁP CHUYỂN ĐỔI SỐ - “PHÁC ĐỒ ĐIỀU TRỊ”

Những thực trạng trên ngành y tế đã “chẩn đoán” được từ rất lâu và có nhiều chỉnh sách để giải quyết vấn đề quá tải tại các bệnh viện. Thế nhưng “điều trị” như thế nào có hiệu quả thì vẫn còn phụ thuộc vào góc nhìn của ai: bệnh nhân, bác sĩ hay bệnh viện? Liệu rằng, chúng ta có thể áp dụng công nghệ thông tin như một “phương thuốc mới” để điều trị cho “căn bệnh mạn tính” này?

Chủ trương từ Chính phủ

Tại hội nghị chuyển đổi số quốc gia tổ chức tại Hà Nội cuối tháng 12 năm 2020, thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, có 100% bệnh viện trên toàn quốc triển khai hệ thống thông tin quản lý bệnh viện. Bộ Y tế cũng ban hành Quyết định 5316/QĐ-BYT về việc phê duyệt chương trình chuyển đổi số y tế đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó nêu cao quyết tâm đến 2025 sẽ có 100% các cơ sở y tế triển khai thanh toán điện tử không dùng tiền mặt; 100 % các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh triển khai tư vấn khám, chữa bệnh từ xa; 100% các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh triển khai đăng ký khám chữa bệnh trực tuyến; 100% cán bộ, nhân viên ngành y tế tham gia mạng kết nối y tế Việt Nam.

Số hóa ngành y tế là chủ trương đúng đắn từ Chính phủ và đã có những điểm sáng ban đầu. Chủ trương này tạo ra những niềm tin lớn cho các doanh nghiệp cùng chung tay phát triển giải pháp. Và nó sẽ tốt hơn nếu những con số phần trăm đưa ra có lộ trình rõ ràng theo từng năm, từng quý để các cơ sở y tế, bệnh viện có lộ trình phát triển tương xứng.

Hành động từ doanh nghiệp

Hơn một năm qua, đã có rất nhiều doanh nghiệp bước chân vào lĩnh vực công nghệ trong y tế. Rất nhiều ứng dụng, nền tảng, hệ sinh thái ra đời nhằm phục vụ nhu cầu của bệnh nhân, bác sĩ, bệnh viện. Trong đó có 5 mô hình nổi bật: phần mềm quản lý thông tin bệnh viện (HIS - Hospital Information System); phần mềm bệnh án điện tử (EMR - Electronic Health Record); phần mềm quản lý hoạt động trạm y tế xã (HCIS – Health Commune Information System); giải pháp chuyển đổi số cho cơ quan, đơn vị y tế; và đặc biệt là các nền tảng, ứng dụng tìm bác sĩ, đặt lịch khám và thanh toán tiền trực tuyến. Rất nhiều doanh nghiệp đã đầu tư đến hàng chục tỷ đồng cho những giải pháp của mình. Điều đó thể hiện sự nghiêm túc trong việc tìm kiếm những giải pháp nhằm đáp ứng nhu cầu chính đáng của người dân Việt Nam.

Ông Nguyễn Ngọc Hoàng, Tổng Giám đốc YouMed Việt Nam chia sẻ: “Chúng tôi dựa trên 3 yếu tố then chốt trong y tế là người bệnh, bác sĩ và bệnh viện để phát triển giải pháp đặt khám và thanh toán trực tuyến. Công nghệ sẽ chỉ là công nghệ nếu không bắt nguồn từ sự hiểu sâu sắc các đối tượng sử dụng. Việc hiểu này là hiều về ngành, hiểu thực trạng, hiểu hành vi các đối tượng để từ đó phục vụ tốt nhất. Vì lý do đó, bên cạnh đội ngũ kỹ sư công nghệ thông tin vững vàng kỹ năng, 35% đội ngũ của YouMed là bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế. Điều này đem đến nhiều sự thuận lợi cho chúng tôi trong việc phát triển giải pháp mà bệnh nhân, bác sĩ và bệnh viện thật sự cần”.

“ĐỘNG LỰC” NÀO ĐỂ CHỮA DỨT ĐIỂM “BỆNH”?

Chúng ta đã chẩn đoán được bệnh. Chúng ta đã có chủ trương của Chính phủ như là một “phác đồ” đúng đắn để điều trị bệnh. Các doanh nghiệp đã đặt quyết tâm cao trong việc đóng góp những giải pháp điều trị.

Vậy, bệnh có hết hay không? Câu hỏi này có thể trả lời bằng “động lực”. Động lực từ phía bệnh viện trong việc áp dụng các giải pháp công nghệ. Động lực từ phía bác sĩ, nhân viên y tế trong việc tiên phong sử dụng giải pháp công nghệ để khuyến khích người bệnh dùng theo. Động lực từ phía người bệnh trong việc thay đổi thói quen cũ bằng những cách thức đi khám mới tiện lợi hơn, nhanh chóng hơn và ít chờ đợi hơn. Và khi đó, có lẽ chúng ta sẽ bớt đi một nỗi sợ khi có bệnh – nỗi sợ đi khám. /.

ThS, DS. Trương Văn Đạt - Giảng viên, Bí thư đoàn Trường Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ TP. Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch Hội Dược sĩ trẻ Việt Nam