TS. Hà Thị Thanh Nga*, ThS. Lê Thu Hoài

Trường Đại học Kinh tế và Quản trị Kinh doanh Thái Nguyên

*Email: hathithanhnga@tueba.edu.vn

Tóm tắt

Tín dụng xanh là một công cụ tài chính quan trọng nhằm thúc đẩy phát triển bền vững và bảo vệ môi trường. Tại Việt Nam, tín dụng xanh đã được triển khai bước đầu trong hoạt động của một số ngân hàng thương mại, song vẫn còn nhiều thách thức về cơ chế chính sách, nhận thức và năng lực triển khai. Trên cơ sở phân tích thực trạng phát triển tín dụng xanh trong hoạt động ngân hàng Việt Nam, chỉ ra những khó khăn, thách thức, bài viết đề xuất một số giải pháp nhằm đẩy mạnh tín dụng xanh trong thời gian tới.

Từ khóa: Tín dụng xanh, ngân hàng, tài chính, Việt Nam

Summary

Green credit is a crucial financial instrument to promote sustainable development and environmental protection. In Vietnam, green credit has been initially implemented by some commercial banks; however, challenges remain regarding policy mechanisms, awareness, and implementation capacity. Based on an analysis of the current state of green credit development in the Vietnamese banking sector and the identification of key difficulties and obstacles, this article proposes several solutions to further promote green credit in the coming period.

Keywords: Green credit, banking, finance, Vietnam

ĐẶT VẤN ĐỀ

Trong những năm gần đây, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường và suy giảm tài nguyên thiên nhiên đang trở thành những thách thức toàn cầu nghiêm trọng, đặt ra yêu cầu cấp bách cho các quốc gia trong việc hướng tới tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Trước bối cảnh đó, xu hướng tài chính xanh, trong đó có tín dụng xanh (TDX), ngày càng được chú trọng và trở thành một phần không thể thiếu trong chiến lược phát triển của nhiều quốc gia, đặc biệt là tại các nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam. TDX là một trong những công cụ tài chính quan trọng giúp định hướng nguồn vốn vào các dự án thân thiện với môi trường, giảm thiểu phát thải khí nhà kính và thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh.

Vai trò của hệ thống ngân hàng trong việc cung ứng và dẫn dắt nguồn vốn TDX là vô cùng quan trọng, bởi ngân hàng vừa là trung gian tài chính, vừa có khả năng sàng lọc và định hình hành vi của các doanh nghiệp thông qua cơ chế xét duyệt và giám sát tín dụng. Tại Việt Nam, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản định hướng, khuyến khích phát triển TDX trong hệ thống ngân hàng nhằm hiện thực hóa các mục tiêu trong Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và cam kết giảm phát thải ròng về “0” vào năm 2050 tại Hội nghị COP26. Một số ngân hàng thương mại (NHTM) lớn như: Vietcombank, BIDV, MB..., đã bước đầu triển khai các sản phẩm TDX. Tuy nhiên, TDX ở Việt Nam vẫn chưa thực sự phát triển mạnh mẽ, quy mô còn khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng cũng như nhu cầu của nền kinh tế. Do đó, việc nghiên cứu các giải pháp khả thi nhằm đẩy mạnh TDX trong hoạt động ngân hàng ở Việt Nam là yêu cầu cấp thiết, góp phần định hướng dòng vốn phục vụ tăng trưởng xanh, bảo vệ môi trường và thúc đẩy phát triển bền vững trong dài hạn.

THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN TÍN DỤNG XANH TRONG HOẠT ĐỘNG NGÂN HÀNG TẠI VIỆT NAM

Những kết quả đạt được

Trong bối cảnh toàn cầu đang thúc đẩy phát triển bền vững và chuyển đổi xanh, TDX đang ngày càng trở thành công cụ tài chính quan trọng tại Việt Nam, được tích hợp vào chiến lược phát triển dài hạn của ngành ngân hàng. Ngành ngân hàng luôn tích cực và nỗ lực hướng đến các mục tiêu mà Chính phủ đã đặt ra trong Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, trong đó, phải nói tới TDX đối với nền kinh tế, đó là các khoản vốn của các định chế tài chính, cho vay đối với các lĩnh vực, các dự án đầu tư phát triển bền vững môi trường, chống biến đổi khí hậu của nền kinh tế (Dương Văn Bôn, 2023).

Một số chính sách quan trọng đã được ban hành nhằm hỗ trợ và tạo nền tảng pháp lý cho sự phát triển của TDX. Đáng chú ý là Quyết định số 1663/QĐ-NHNN của Ngân hàng Nhà nước, trong đó mở rộng phạm vi áp dụng từ các NHTM sang toàn bộ các tổ chức tín dụng, bao gồm cả công ty tài chính và quỹ tín dụng nhân dân. Bên cạnh đó, việc định kỳ cập nhật danh mục dự án xanh và yêu cầu báo cáo rủi ro môi trường - xã hội đã tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng triển khai TDX một cách nhất quán và minh bạch hơn.

Về quy mô, năm 2024, tổng dư nợ TDX tại Việt Nam đã đạt khoảng 680 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 4,5% tổng dư nợ toàn nền kinh tế. Trong đó, dư nợ được đánh giá có yếu tố rủi ro môi trường - xã hội chiếm hơn 21% tổng dư nợ hệ thống, tăng hơn 20% so với năm trước. Ngoài ra, thị trường trái phiếu xanh cũng ghi nhận sự phát triển đáng kể, với tổng giá trị phát hành từ năm 2016 đến đầu năm 2024 đạt khoảng 1,16 tỷ USD. Các tổ chức như: BIDV, EVN Finance là những đơn vị tiên phong trong phát hành trái phiếu xanh nhằm tài trợ cho các dự án năng lượng tái tạo, giao thông xanh và công nghệ sạch (MB, 2025).

Một số ngân hàng lớn đã thể hiện vai trò chủ đạo trong thúc đẩy TDX. Đơn cử như BIDV, một trong những tổ chức có dư nợ TDX lớn nhất, đạt hơn 66.000 tỷ đồng, tương đương 13% tổng dư nợ TDX toàn quốc, thông qua hợp tác với các tổ chức quốc tế như: Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) để thu hút nguồn vốn bền vững. Vietcombank cũng đạt tổng dư nợ TDX khoảng 47.700 tỷ đồng vào quý I/2024 và được ghi nhận là một trong những ngân hàng phát triển bền vững tiêu biểu trên thị trường chứng khoán. Đặc biệt, Ngân hàng MB đã thể hiện cam kết ESG rõ rệt, với dư nợ TDX đạt gần 57.000 tỷ đồng, đồng thời triển khai các hoạt động xã hội hóa và số hóa nhằm hướng tới môi trường làm việc xanh và cộng đồng phát triển bền vững. MB cũng đã cung cấp tài chính cho hơn 30 dự án điện mặt trời và điện gió với tổng quy mô vào khoảng 70.000 tỷ đồng. Dự án giúp các chủ đầu tư tạo ra khoảng 3.600 MW điện năng lượng tái tạo, góp phần gia tăng nguồn năng lượng sạch (Thái Anh, 2024).

Một số khó khăn, thách thức

Mặc dù TDX đang ngày càng được chú trọng và ghi nhận những bước tiến đáng kể, song trên thực tế, việc triển khai và mở rộng TDX tại Việt Nam vẫn đang đối mặt với nhiều rào cản và thách thức mang tính hệ thống.

Một trong những thách thức lớn nhất hiện nay là khung pháp lý và các tiêu chuẩn kỹ thuật liên quan đến TDX vẫn chưa hoàn thiện và đồng bộ. Mặc dù Chính phủ đã ban hành Luật Bảo vệ môi trường 2020, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước, nhưng thực tế vẫn còn thiếu những quy định chi tiết về phân loại dự án xanh, tiêu chí đánh giá tác động môi trường - xã hội cụ thể, cũng như hướng dẫn thống nhất về quy trình thẩm định và quản lý rủi ro TDX.

Mặc dù được khuyến khích và ưu đãi, nhưng lãi suất cho vay TDX hiện nay vẫn chưa thực sự tạo ra sự khác biệt rõ rệt so với các khoản vay thông thường. Nhiều tổ chức tín dụng chưa có các chính sách tín dụng đặc biệt về lãi suất ưu đãi, thời hạn vay, hoặc hỗ trợ kỹ thuật đi kèm cho các dự án xanh. Điều này làm giảm động lực của doanh nghiệp khi lựa chọn TDX thay vì nguồn vốn truyền thống. Hơn nữa, các ngân hàng cũng đối mặt với rủi ro lợi nhuận khi ưu đãi lãi suất mà không có sự hỗ trợ bù đắp từ phía Nhà nước hoặc các tổ chức tài chính quốc tế, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang có nhiều biến động.

TDX tường hướng đến các dự án dài hạn, có thời gian thu hồi vốn lâu như: năng lượng tái tạo, xử lý nước thải, hoặc xây dựng cơ sở hạ tầng bền vững. Tuy nhiên, hệ thống tài chính Việt Nam hiện vẫn chủ yếu dựa vào nguồn vốn ngắn hạn. Điều này tạo ra sự lệch pha giữa kỳ hạn vốn huy động và kỳ hạn vốn cho vay, khiến các tổ chức tín dụng e ngại khi tài trợ cho các dự án xanh quy mô lớn. So với tổng nhu cầu đầu tư cho phát triển xanh tại Việt Nam, TDX vẫn còn chiếm tỷ trọng khá khiêm tốn. Theo WB, Việt Nam cần khoảng 368 tỷ USD đến năm 2040 để đáp ứng các mục tiêu khí hậu, trong đó phần lớn cần tập trung vào năng lượng tái tạo, hạ tầng bền vững và cải thiện khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu. Ngoài ra, khả năng tiếp cận các nguồn vốn quốc tế (như quỹ khí hậu xanh, các chương trình hỗ trợ của WB, ADB) vẫn còn hạn chế do thiếu kinh nghiệm, năng lực triển khai cũng như điều kiện pháp lý để bảo đảm hiệu quả sử dụng và giám sát nguồn vốn.

Bên cạnh đó, để thực hiện hiệu quả các hoạt động TDX, các tổ chức tín dụng cần có đội ngũ nhân sự được đào tạo bài bản về tài chính bền vững, quản lý rủi ro môi trường - xã hội, đánh giá tác động khí hậu... Tuy nhiên, hiện nay, lực lượng lao động có chuyên môn sâu trong lĩnh vực này tại Việt Nam còn rất mỏng. Việc thiếu nhân lực chuyên trách khiến nhiều ngân hàng gặp khó khăn trong việc tư vấn, xây dựng sản phẩm TDX chuyên biệt và giám sát dự án sau giải ngân.

GIẢI PHÁP THÚC ĐẨY PHÁT TRIỂN TÍN DỤNG XANH

Trước những khó khăn và thách thức đang hiện hữu, việc thúc đẩy phát triển TDX tại Việt Nam đòi hỏi sự phối hợp đồng bộ giữa Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp. Theo đó, trong thời gian tới, cần thực hiện một số giải pháp sau:

Một là, hoàn thiện khung pháp lý và xây dựng bộ tiêu chuẩn quốc gia cho TDX. Việc thiếu tính đồng bộ trong quy định hiện nay đã và đang gây ra sự lúng túng trong quá trình triển khai. Do đó, Chính phủ cần ban hành một bộ tiêu chí phân loại dự án xanh thống nhất trên toàn quốc, phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội của Việt Nam và tiệm cận với các chuẩn mực quốc tế như: EU Taxonomy hay ICMA Green Bond Principles. Đồng thời, cần có hướng dẫn cụ thể về tiêu chí môi trường - xã hội, quy trình thẩm định tín dụng và quản trị rủi ro liên quan đến TDX. Sự đồng bộ này không chỉ giúp tổ chức tín dụng yên tâm triển khai, mà còn tạo nền tảng pháp lý vững chắc để mở rộng quy mô TDX trong tương lai.

Hai là, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia và phát triển các công cụ đánh giá rủi ro môi trường –-xã hội (ESG). Việc đánh giá các dự án xanh đòi hỏi công cụ chuyên biệt và thông tin đáng tin cậy. Do vậy, cần thiết lập một cơ sở dữ liệu tập trung, lưu trữ đầy đủ thông tin về các dự án xanh đã triển khai, bao gồm dữ liệu về hiệu quả vận hành, mức phát thải, chi phí và rủi ro. Bên cạnh đó, việc ứng dụng công nghệ số và trí tuệ nhân tạo trong đánh giá ESG sẽ giúp các tổ chức tín dụng nâng cao hiệu quả thẩm định và quản lý rủi ro. Việt Nam cũng cần tăng cường hợp tác với các tổ chức quốc tế như: IFC, UNDP, World Bank để học hỏi kinh nghiệm và tiếp cận các mô hình đánh giá tiên tiến.

Ba là, nâng cao nhận thức và hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, tiếp cận TDX. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp vẫn cho rằng việc vay TDX quá phức tạp hoặc không thấy được lợi ích cụ thể. Do đó, các cơ quan chức năng nên tổ chức các chương trình đào tạo, tư vấn và hỗ trợ kỹ thuật nhằm giúp doanh nghiệp hiểu rõ hơn về lợi ích lâu dài của TDX, đồng thời hướng dẫn cách xây dựng và triển khai dự án đáp ứng các tiêu chí “xanh”. Việc xây dựng các công cụ đánh giá nhanh hoặc kết nối doanh nghiệp với các đơn vị tư vấn độc lập cũng sẽ góp phần tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn xanh.

Bốn là, cần thiết kế các chính sách ưu đãi tài chính đủ hấp dẫn để khuyến khích doanh nghiệp chuyển đổi xanh. Mặc dù đã có một số chính sách khuyến khích, nhưng lãi suất cho vay TDX hiện vẫn chưa đủ cạnh tranh so với các khoản vay thông thường. Do đó, cần điều chỉnh cơ chế tín dụng theo hướng ưu đãi thực chất về lãi suất, thời hạn vay, đồng thời bổ sung các hình thức hỗ trợ như bảo lãnh tín dụng, trợ cấp lãi suất hoặc hỗ trợ kỹ thuật. Ngoài ra, cần phát triển các sản phẩm tài chính xanh đa dạng như: trái phiếu xanh, hợp đồng mua bán điện dài hạn (PPA), nhằm tạo thêm nguồn vốn và động lực cho doanh nghiệp chuyển đổi mô hình kinh doanh bền vững.

Năm là, tập trung huy động và khai thác hiệu quả các nguồn vốn dài hạn, ổn định để phục vụ cho các dự án xanh có chu kỳ đầu tư dài. Hệ thống tài chính Việt Nam hiện nay vẫn chủ yếu dựa vào vốn ngắn hạn, tạo ra sự mất cân đối giữa kỳ hạn huy động và kỳ hạn cho vay. Vì vậy, cần thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu xanh, chứng khoán xanh và mở rộng kênh tiếp cận các nguồn vốn từ các tổ chức tài chính quốc tế như: Quỹ Khí hậu Xanh (GCF), WB, ADB... Song song với đó, cần tăng cường năng lực hấp thụ vốn và thiết lập cơ chế giám sát chặt chẽ để đảm bảo sử dụng nguồn lực hiệu quả và minh bạch.

Sáu là, phát triển nguồn nhân lực có chuyên môn sâu về tài chính xanh. Các tổ chức tín dụng hiện đang thiếu hụt đội ngũ cán bộ được đào tạo bài bản về đánh giá dự án xanh, quản trị rủi ro môi trường - xã hội và đo lường tác động khí hậu. Do vậy, cần đưa nội dung tài chính bền vững vào các chương trình đào tạo chính quy tại các trường đại học, đồng thời tổ chức các khóa đào tạo ngắn hạn và chương trình đào tạo liên tục (CPD) cho cán bộ ngân hàng và chuyên gia trong ngành. Bên cạnh đó, sự hợp tác với các tổ chức đào tạo quốc tế cũng sẽ giúp nâng cao chất lượng và chuẩn hóa đội ngũ nhân lực tài chính xanh tại Việt Nam.

Bảy là, tăng cường vai trò điều phối và giám sát của Nhà nước trong phát triển TDX. Việc thành lập một cơ quan điều phối quốc gia về tài chính xanh có thể giúp liên kết các nỗ lực từ các bộ, ngành khác nhau, đồng thời xây dựng các chỉ số theo dõi và đánh giá hiệu quả TDX. Ngoài ra, việc công khai, minh bạch thông tin và kết quả triển khai các chương trình TDX sẽ tạo ra áp lực tích cực từ thị trường và xã hội, qua đó thúc đẩy các doanh nghiệp và tổ chức tài chính nâng cao trách nhiệm trong việc thực hiện các cam kết phát triển bền vững./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Dương Văn Bôn (2023). Xu hướng phát triển TDX ở Việt Nam: Thực trạng và giải pháp, Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 31, tháng 11/2023.

2. MB (2025). Báo cáo “Tổng quan ngành ngân hàng 2024 và xu hướng phát triển 2025”.

3. Thái Anh (2024). MB cung cấp 70.000 tỷ đồng cho phát triển bền vững, truy cập từ https://vnexpress.net/mb-cung-cap-70-000-ty-dong-cho-phat-trien-ben-vung-4794268.html.

Ngày nhận bài: 04/4/2025; Ngày hoàn thiện biên tập: 19/5/2025; Ngày duyệt đăng: 21/5/2025