Đẩy mạnh việc áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) tại Việt Nam trong thời gian tới
ThS. Nguyễn Thị Hồng
Ban Khoa học và hợp tác quốc tế
Trường Đại học Thủ Dầu Một
Tóm tắt
Việt Nam đã chính thức thông qua áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS). Thông qua các nghiên cứu nước ngoài, bài viết khái quát kinh nghiệm quốc tế, từ đó đề xuất một số giải pháp giúp các doanh nghiệp Việt Nam hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu, đồng thời giúp doanh nghiệp trong nước có khả năng huy động nguồn vốn quốc tế nhằm tài trợ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nước.
Từ khóa: IFRS, chuẩn mực, hội nhập
Abstract
Vietnam has officially adopted international financial reporting standards. International experience shows that adopting international financial reporting standards is an important step to help Vietnamese enterprises integrate into the global economy, while also helping domestic enterprises to mobilize international capital to finance domestic production and business activities.
Keywords: IFRS, standards, integration
GIỚI THIỆU
Năm 2024, Chính phủ Việt Nam chính thức thông qua áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế. Chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) là một bộ các chuẩn mực và quy tắc được thiết kế và phát triển, được ban hành bởi hội đồng chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế. Do đó, báo cáo tài chính quốc tế đã được thiết kế theo chuẩn mực có sự thống nhất trên toàn thế giới nên minh bạch hơn, thống nhất với nhau và giúp kế toán, kế toán viên và nhà đầu tư toàn cầu hiểu hơn về tình hình tài chính của doanh nghiệp. Giúp cho các nhà đầu tư toàn cầu có khả năng thực hiện đầu tư dễ dàng tại các quốc gia theo một chuẩn mực chung.
Tại Việt Nam, thông qua áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế là một bước đi quan trọng giúp các doanh nghiệp Việt Nam hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu, đồng thời giúp doanh nghiệp trong nước có khả năng huy động nguồn vốn quốc tế nhằm tài trợ cho hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước.
Kinh nghiệm quốc tế cho thấy hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu không thể thiếu quá trình hội nhập về chuẩn mực báo cáo tài chính, đặc biệt là theo thông lệ quốc tế. Klish và cộng sự (2025) cho rằng, cải thiện chất lượng quản trị và cởi mở với thương mại quốc tế nổi lên như những yếu tố quyết định quan trọng. Lam và cộng sự (2023) cho rằng, niềm tin xã hội trong tác động của việc áp dụng IFRS đối với quản lý thu nhập và hoạt động doanh nghiệp hiệu quả hơn.
Do đó, việc tổng hợp kinh nghiệm quốc tế về ứng dụng IFRS, đánh giá những mặt đạt được khi ứng dụng IFRS, từ đó đề xuất giải pháp cho doanh nghiệp Việt Nam và khả năng ứng dụng thành công chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế trong thời gian tới.
KINH NGHIỆM QUỐC TẾ
Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, triển khai IFRS là động lực chính của những thay đổi có ý nghĩa thống kê về tài sản, nợ phải trả, EBIT, EBITDA và chi phí tài chính, dẫn đến những thay đổi lớn về cấu trúc và tỷ lệ thanh khoản trong doanh nghiệp. Cụ thể, sử dụng dữ liệu triển khai thực tế không cho thấy phát hiện có ý nghĩa thống kê nào về tỷ lệ này; điều này chỉ ra rằng sự gia tăng EBITDA và chi phí lãi vay có thể ảnh hưởng lẫn nhau, dẫn đến không có tác động nào đến tỷ lệ bao phủ (Lopes và Penela, 2025).
Cụ thể, Klish và cộng sự (2025) nghiên cứu tại các quốc gia trong khu vực Trung Đông và Bắc Phi (MENA) trong việc áp dụng IFRS bằng cách phân tích dữ liệu từ 19 quốc gia trong 2 thập kỷ (1996-2015) và bao gồm 380 quan sát theo năm của quốc gia, nghiên cứu này cho thấy, áp lực thể chế cưỡng chế và bắt chước nội bộ là những yếu tố ảnh hưởng chính đằng sau việc áp dụng IFRS trong khu vực. Cụ thể, cải thiện chất lượng quản trị và cởi mở với thương mại quốc tế nổi lên như những yếu tố quyết định quan trọng. Điều này làm nổi bật vai trò chủ đạo của bối cảnh xã hội và chính trị so với động lực kinh tế trong việc thúc đẩy việc áp dụng IFRS trong khu vực MENA. Hơn nữa, các phát hiện chỉ ra rằng, viện trợ nước ngoài và kế toán nội bộ có tác động tối thiểu đến việc áp dụng IFRS trong khu vực.
Nghiên cứu về tác động của yêu cầu của IFRS đối với chất lượng báo cáo tài chính đã đưa ra những phát hiện trái chiều, như được khảo sát tại Nam Phi. Mohamed Amer và cộng sự (2024) đã chỉ ra rằng, yêu cầu của IFRS làm giảm quản lý thu nhập vì nó cải thiện khả năng so sánh và cách tiếp cận dựa trên nguyên tắc chỉ đưa ra những giải pháp thay thế hạn chế cho các nhà quản lý trong báo cáo. Mohamed Amer và cộng sự (2024) sử dụng mẫu gồm 206 công ty được niêm yết trên Sàn giao dịch chứng khoán Johannesburg (JSE) từ năm 2000 đến năm 2010, đã cho thấy yêu cầu của IFRS làm giảm đáng kể hoạt động quản lý thu nhập. Những phát hiện góp phần vào cuộc thảo luận đang diễn ra về việc các tiêu chuẩn chất lượng cao làm giảm hiệu quả hoạt động quản lý thu nhập và bảo vệ quyền của bên liên quan ở các nước đang phát triển.
Lam và cộng sự (2023) cho rằng, niềm tin xã hội trong tác động của việc áp dụng IFRS đối với quản lý thu nhập, một thuộc tính của chất lượng báo cáo tài chính. Để ứng phó với quá trình toàn cầu hóa thị trường trong nhiều thập kỷ qua, một bộ chuẩn mực kế toán toàn cầu duy nhất, IFRS, đã được đưa ra để mang lại sự minh bạch bằng cách nâng cao khả năng so sánh quốc tế và chất lượng thông tin tài chính, cho phép các nhà đầu tư và những người tham gia thị trường khác đưa ra các quyết định kinh tế sáng suốt. Tuy vậy, chất lượng báo cáo tài chính không chỉ được xác định bởi các chuẩn mực kế toán mà còn bởi các động cơ của nhà quản lý và cơ quan quản lý vốn có trong môi trường kinh tế, pháp lý và văn hóa của một quốc gia.
Lam và cộng sự (2023) sử dụng mẫu gồm 7936 quan sát năm công ty và 922 công ty áp dụng IFRS từ 19 quốc gia bắt buộc áp dụng IFRS vào năm 2005 và 922 công ty chuẩn từ 8 quốc gia không bắt buộc áp dụng IFRS trong giai đoạn mẫu và xem xét vai trò của lòng tin trong tác động của việc áp dụng IFRS đối với quản lý thu nhập. Kết quả cho thấy, tác động tăng quản lý thu nhập của việc áp dụng IFRS rõ rệt hơn ở các quốc gia có lòng tin thấp sau khi kiểm soát các tổ chức cấp quốc gia và việc áp dụng IFRS làm giảm tổng quản lý thu nhập ở các quốc gia có lòng tin cao.
Nghiên cứu tại Ả Rập Xê Út, Nurunnabi và cộng sự (2022) cho rằng, sự hội tụ của nguyên tắc kế toán được chấp nhận chung với IFRS và mang lại thông tin tài chính minh bạch, nhất quán và từ đó giúp cho các nhà đầu tư đưa ra quyết định phân bổ nguồn lực tối ưu. Tại Ả Rập Xê Út, quốc gia này đã áp dụng bắt buộc IFRS đã tạo ra ý nghĩa kinh tế quan trọng và là nơi việc tuân thủ cả luật dân sự nghiêm ngặt và luật Sharia. Nurunnabi và cộng sự (2022) cho rằng, việc áp dụng IFRS của các công ty báo cáo theo khuôn khổ kế toán Hồi giáo có liên quan đến khả năng thay đổi và thích ứng với chuẩn mực chung về kế toán trên quy mô toàn cầu. Sử dụng một mẫu các công ty Ả Rập Xê Út được niêm yết trên Tadawul tại thị trường chứng khoán Ả Rập Xê Út, và khẳng định số vốn chủ sở hữu và thu nhập ròng được báo cáo đã giảm trong quá trình chuyển đổi sang IFRS do các điều chỉnh chủ yếu liên quan đến hợp nhất và đầu tư chiến lược, tài sản, nhà máy và thiết bị, phúc lợi của nhân viên và các khoản nợ phải trả khác. Hơn nữa, việc áp dụng IFRS đã nâng cao tính liên quan được nhận thức của các báo cáo, đồng thời, báo cáo bằng tiếng Anh so với báo cáo bằng tiếng Ả Rập được phát hiện có tác động tích cực đến tính liên quan. Về tính minh bạch, báo cáo theo IFRS cũng tạo ra những cải tiến cho quy trình báo cáo tài chính, và áp dụng IFRS có thể diễn ra trong chế độ kế toán rất khác biệt và có tác động tích cực đến thị trường vốn và môi trường kế toán của thị trường này.
Kinh nghiệm tại Hoa Kỳ cho rằng, hệ thống báo cáo tài chính bao gồm các tiêu chuẩn và thông lệ được thể chế hóa. Do đó, việc áp dụng một hệ thống báo cáo khác, chẳng hạn như IFRS, cấu thành một trường hợp thay đổi về mặt thể (Becker và cộng sự, 2023). Kinh nghiệm của Hoa Kỳ cho thấy, vai trò của chủ tịch ủy ban chưng khoán có ảnh hưởng tới khả năng áp dụng IFRS tại Hoa Kỳ. Cụ thể, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán có khả năng thực hiện các mức độ khác nhau để đạt được đột phá về chính sách trong việc áp dụng IFRS. Từ đó, thực tiễn cho thấy cung cấp thông tin chi tiết về lý do khiến Ủy ban Chứng khoán có nỗ lực đáng kể để giới thiệu IFRS vào thị trường vốn Hoa Kỳ. Qua đó khẳng định vai trò của ủy ban chứng khoán trong việc áp dụng IFRS trong doanh nghiệp niêm yết, làm gia tăng tính minh bạch của báo cáo tài chính và hoạt động của doanh nghiệp.
ĐỀ XUẤT GIẢI PHÁP
Ngày 16/03/2020, Bộ Tài chính Việt Nam đã ban hành Quyết định số 345/QĐ-BTC phê duyệt Đề án áp dụng IFRS tại Việt Nam theo 3 giai đoạn từ năm 2020 đến năm 2025. Cụ thể là: Giai đoạn chuẩn bị: từ năm 2020 đến hết năm 2021; Giai đoạn áp dụng tự nguyện: từ năm 2022 đến hết năm 2025: Áp dụng ở cấp độ báo cáo tài chính hợp nhất đối với một số doanh nghiệp cụ thể như công ty mẹ của tập đoàn kinh tế Nhà nước, Công ty mẹ là công ty niêm yết, Công ty đại chúng quy mô lớn là công ty mẹ chưa niêm yết và công ty mẹ quy mô lớn khác; Giai đoạn bắt buộc áp dụng: từ sau năm 2025: Áp dụng ở cấp độ báo cáo tài chính hợp nhất đối với các doanh nghiệp ở nhóm đối tượng áp dụng tự nguyện như trên.
Tuy nhiên, việc áp dụng IFRS vào các doanh nghiệp Việt Nam cũng đang đặt ra một số thách thức, như: Sự khác biệt về nguyên tắc và cách thức ghi nhận; Nhu cầu đào tạo và nâng cao năng lực nhân viên; Chi phí chuyển đổi lớn; Ảnh hưởng đến các chỉ số tài chính…
Vì vậy, để hoàn thiện khả năng áp dụng IFRS, dựa vào kinh nghiệm quốc tế, cần thực hiện một số giải pháp đến từ sự nỗ lực từ phía Nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp, cụ thể như sau:
Một là, các trường đại học cải thiện quá trình đào tạo kế toán trong bối cảnh mới có khả năng thích ứng tốt hơn với chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế. Quá trình đào tạo giúp nguồn nhân lực vừa đảm bảo chuẩn mực báo cáo tài chính Việt Nam và vừa đảm bảo chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế, và khả năng chuyển đổi giữa các chuẩn mực kế toán.
Hai là, Nhà nước có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp gia tăng ứng dụng chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp. Các doanh nghiệp này có quy mô nhỏ, thị trường nhỏ và điều kiện nguồn lực tài chính, con người còn hạn chế, do đó khả năng ứng dụng chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế là khó khăn và cần thời gian đủ dài để doanh nghiệp có khả năng thích ứng và chuyển đổi từ chuẩn mực báo cáo truyền thống sang chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế, đồng thời, quá trình chuyển đổi này cần nguồn lực con người và tài chính, do đó sự hỗ trợ từ chính quyền đối với hoạt động của doanh nghiệp là rất quan trọng.
Ba là, lộ trình khuyến khích ứng dụng chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế cần tiếp tục thực hiện đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp, đồng thời chuyển sang lộ trình bắt buộc thực hiện đối với doanh nghiệp có quy mô lớn, đặc biệt là các doanh nghiệp niêm yết. Do đó, sự chuyển đổi này không thể thiếu sự hỗ trợ từ chính sách của nhà nước thông qua cơ chế khuyến khích về tài chính, đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực kế toán tại các doanh nghiệp./.
Tài liệu tham khảo
1. Bộ Tài chính (2020), Quyết định số 345/QĐ-BTC, ngày 16/03/2020 phê duyệt Đề án áp dụng IFRS tại Việt Nam.
2. Becker, K., Daske, H., Pelger, C., Zeff, S. A. (2023), IFRS adoption in the United States: An analysis of the role of the SEC’s Chairs, Journal of Accounting and Public Policy, 42(3), 107016, https://doi.org/https://doi.org/10.1016/j.jaccpubpol.2022.107016.
3. Klish, A. A., Shubita, M., Omoteso, K., Wu, J. (2025), Factors influencing the adoption of IFRS in the MENA region: A neo-institutional approach, Journal of International Accounting, Auditing and Taxation, 58, 100674. https://doi.org/https://doi.org/10.1016/j.intaccaudtax.2024.100674
4. Lam, K. C. K., Sami, H., Yao, J., Yao, Y. (2023), Mandatory IFRS adoption and earnings management: The role of culture, Journal of International Accounting, Auditing and Taxation, 50, 100527. https://doi.org/https://doi.org/10.1016/j.intaccaudtax.2023.100527
5. Lopes, A. I., Penela, D. (2025), The impact of IFRS 16 on lessees’ financial information: A single-industry study, Advances in Accounting, 68, 100803. https://doi.org/https://doi.org/10.1016/j.adiac.2024.100803
6. Mohamed Amer, A. M., Azimli, A., Wole Adedokun, M. (2024), Can IFRS adoption mitigate earnings management in an emerging market?, Heliyon, 10(19), e38226. https://doi.org/https://doi.org/10.1016/j.heliyon.2024.e38226
7. Nurunnabi, M., Donker, H., Jermakowicz, E. K. (2022), The impact of mandatory adoption of IFRS in Saudi Arabia, Journal of International Accounting, Auditing and Taxation, 49, 100509. https://doi.org/https://doi.org/10.1016/j.intaccaudtax.2022.100509
Ngày nhận bài: 15/12/2024; Ngày phản biện: 20/1/2025; Ngày duyệt đăng: 26/2/2025 |
Bình luận