CPI năm 2024 tăng 3,63% so với năm trước, đạt mục tiêu Quốc hội đề ra

Báo cáo của Tổng cục Thống kê vừa công bố vào sáng nay (ngày 06/01) cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12/2024 tăng 0,29% so với tháng trước. So với tháng 12/2023, CPI tháng 12 tăng 2,94%. Nguyên nhân tăng là do một số địa phương thực hiện điều chỉnh giá dịch vụ y tế theo Thông tư số 21/2024/TT-BYT, cùng với đó giá nhà ở thuê, giá xăng dầu tăng đã đẩy CPI tháng 12 tăng.

CPI bình quân quý IV/2024 tăng 2,87% so với quý IV/2023. Tính chung cả năm 2024, CPI tăng 3,63% so với năm trước, đạt mục tiêu Quốc hội đề ra (Biểu đồ).

Để hiện thực hóa mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2025
Nguồn: Tổng cục Thống kê

CPI bình quân năm 2024 tăng 3,63% so với năm 2023, dưới mức mục tiêu Quốc hội đề ra. Nguyên nhân theo phân tích của Tổng cục Thống kê, do chỉ số giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 4,03% so với năm trước, tác động làm CPI chung tăng 1,35 điểm phần trăm.

Chỉ số giá nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 5,2% so với năm trước, tác động làm CPI chung tăng 0,98 điểm phần trăm, chủ yếu do chỉ số giá điện sinh hoạt tăng 7,68% do nhu cầu sử dụng điện tăng cùng với việc EVN điều chỉnh mức bán lẻ giá điện bình quân làm CPI chung tăng 0,25 điểm phần trăm; chỉ số giá nhà ở thuê và nhà chủ sở hữu tính quy đổi tăng 4,6% do nhu cầu thuê nhà tăng, tác động làm CPI tăng 0,48 điểm phần trăm. Bên cạnh đó, chỉ số giá nước sinh hoạt năm 2024 tăng 8,33% so với năm trước.

Chỉ số giá nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 7,16%, tác động làm CPI chung tăng 0,39 điểm phần trăm; chỉ số giá nhóm giáo dục tăng 5,37%; chỉ số giá nhóm giao thông tăng 0,76%, tác động làm CPI chung tăng 0,07 điểm phần trăm.

Bên cạnh đó, yếu tố góp phần kiềm chế tốc độ tăng CPI năm 2024 là: Chỉ số giá nhóm bưu chính, viễn thông năm 2024 giảm 1,02% so với năm 2023 do giá điện thoại thế hệ cũ giảm khi các doanh nghiệp áp dụng chương trình giảm giá, kích cầu đối với dòng điện thoại thông minh.

Báo cáo cũng cho thấy, lạm phát cơ bản tháng 12/2024 tăng 0,25% so với tháng trước, tăng 2,85% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân năm 2024, lạm phát cơ bản tăng 2,71% so với năm 2023, thấp hơn mức tăng CPI bình quân chung (3,63%), chủ yếu do giá lương thực, thực phẩm, điện sinh hoạt, dịch vụ giáo dục, dịch vụ y tế là yếu tố tác động làm tăng CPI nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính lạm phát cơ bản.

Để hiện thực hóa mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2025

Quốc hội đã thông qua mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2025 khoảng 4,5% (theo Nghị quyết số 158/2024/QH15, ngày 12/11/2024 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025).

Phân tích về mục tiêu này, TS. Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, năm 2025, mục tiêu kiểm soát lạm phát khoảng 4,5% theo mục tiêu Quốc hội đề ra không quá nặng nề, song không thể chủ quan. Tình hình chính trị, kinh tế thế giới diễn biến mau lẹ, khó lường, các biện pháp trừng phạt và trả đũa ngày càng diễn ra khốc liệt, vì vậy những chính sách và giải pháp phải nhanh, điều chỉnh ngay khi có vấn đề phát sinh.

“Đồng thời, các chính sách, giải pháp cần thiết thực, đảm bảo minh bạch, gắn với đòi hỏi của thực tiễn cuộc sống. Đặc biệt, nghiên cứu “ngưỡng lạm phát” phù hợp với từng giai đoạn phát triển kinh tế để đặt ra mục tiêu lạm phát trung hạn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thay vì mục tiêu lạm phát từng năm”, chuyên gia kinh tế Nguyễn Bích Lâm kiến nghị.

Từ tháng 8/2024, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã hoàn thành cuộc điều tra kỳ vọng lạm phát đối với các chuyên gia kinh tế, kết quả cho thấy bình quân lạm phát các năm 2025 và 2026 sẽ giảm xuống mức thấp hơn so với năm 2024. Theo Ngân hàng Nhà nước, bình quân lạm phát năm 2024 dự báo có thể đạt khoảng 4%. Trong khi đó, bình quân lạm phát năm 2025 dự báo là 3,87% và năm 2026 sẽ là 3,83%. Theo kết quả này, lạm phát sẽ có xu hướng giảm dần trong hơn 2 năm tới, từ năm 2024 đến năm 2026.

Tại buổi Họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội quý IV và năm 2024 vào sáng nay (ngày 06/01), theo TS. Nguyễn Thị Hương, Tổng cục Thống kê cũng đã nêu lên một số giải pháp đối với kiểm soát lạm phát năm 2025. Theo đó, cần chủ động điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ, ổn định tỷ giá, mặt bằng lãi suất; kiểm soát giá cả, thị trường; bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Cụ thể là: Theo dõi sát diễn biến tình hình thế giới, diễn biến chính sách tài khóa, tiền tệ của các nước là đối tác thương mại, đầu tư chủ yếu của Việt Nam; chủ động có phương án ứng phó kịp thời với các tình huống phát sinh. Liên tục cập nhật các kịch bản dự báo về tăng trưởng, lạm phát để có phản ứng kịp thời nhằm duy trì sự ổn định và tăng trưởng của nền kinh tế trong năm tới. Theo dõi chặt chẽ diễn biến giá các mặt hàng thiết yếu nhất là mặt hàng xăng dầu, xây dựng các phương án điều tiết nguồn cung, hạn chế việc tăng giá đột biến nhằm giảm thiểu ảnh hưởng đến lạm phát và đời sống người dân.

Trao đổi với báo chí, PGS, TS. Đinh Trọng Thịnh cho rằng, mục tiêu Quốc hội đưa ra về kiểm soát lạm phát năm 2025 là khá thận trọng và chúng ta hoàn toàn có thể vượt qua được. Nếu không có yếu tố bất ngờ như: thiên tai, chiến tranh, hay tình hình lãi suất thay đổi mạnh mẽ, Việt Nam hoàn toàn có thể đạt được mức tăng trưởng vượt mức mục tiêu.

Ông Đinh Trọng Thịnh dự báo, 2 kịch bản cho nền kinh tế Việt Nam trong năm 2025. Ở kịch bản thận trọng, chúng ta sẽ có mức tăng trưởng GDP từ 6,8%-7,3% với lạm phát ổn định trong khoảng 3,2%-3,5%. Còn trong kịch bản tích cực, GDP có thể đạt từ 7,3%-7,8% và lạm phát nằm trong mức 3,5%-3,8%.

Để hiện thực hóa các mục tiêu này, theo chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh, cần tập trung vào việc duy trì các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, thu hút vốn đầu tư nước ngoài và cải thiện hạ tầng để tối ưu hóa chi phí và thời gian vận chuyển./.