Điều hành chính sách tài khóa chủ động, phù hợp
Quyết liệt ngay từ những ngày đầu của năm 2024
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị trực tuyến tổng kết năm 2023 và triển khai kế hoạch năm 2024 của ngành tài chính, diễn ra chiều 27/12, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đề nghị Bộ Tài chính căn cứ Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước năm 2024, cùng các chỉ đạo của Chính phủ, tình hình thực tiễn triển khai thực hiện ngay kế hoạch, chương trình hành động và chỉ đạo thực hiện quyết liệt ngay từ những ngày đầu của năm 2024. Phối hợp chặt chẽ với các bộ, cơ quan ở trung ương, điều hành chính sách tài khóa chủ động, phù hợp. Tập trung thực hiện có hiệu quả các chính sách đã ban hành và dự kiến ban hành để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và hoàn thành cao nhất các mục tiêu của Kế hoạch năm 2024 đã đề ra.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị Bộ Tài chính phối hợp chặt chẽ với các bộ, cơ quan ở trung ương, điều hành chính sách tài khóa chủ động, phù hợp. Ảnh: VGP |
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính tiếp tục tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách tài chính - ngân sách nhà nước, đẩy nhanh xây dựng chính phủ số. Phấn đấu hoàn thành tất cả các đề án, văn bản pháp quy được giao theo Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh của Quốc hội, Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật năm 2024 của Chính phủ. Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung các luật thuế và quy định có liên quan để mở rộng cơ sở thu, các hoạt động thương mại điện tử, khai thác hiệu quả nguồn lực từ đất đai, cơ sở hạ tầng; các giải pháp chính sách thuế, phí, lệ phí phù hợp với tình hình thực tế để tiếp tục hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân, tiết giảm chi phí cho sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Đảm bảo thu đúng, đủ; chi tiết kiệm, hiệu quả
“Tập trung làm tốt công tác quản lý thu ngân sách nhà nước, đảm bảo thu đúng, đủ, kịp thời các khoản thu phát sinh; rà soát, nắm chắc nguồn thu, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý thu, tiếp tục mở rộng cơ sở thuế cả về đối tượng lẫn địa bàn, nhất là đối với dịch vụ ăn uống, giải trí...”, Phó Thủ tướng lưu ý.
Nghiên cứu, áp dụng các giải pháp, công cụ phân tích dữ liệu phù hợp để quản lý rủi ro, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi giả mạo, gian lận về hóa đơn. Giảm bớt phạm vi, tỷ lệ quản lý thuế theo phương pháp khoán; rà soát, xác định lại các mức thuế khoán để phù hợp với tình hình thực tế; chống thất thu thuế, chống chuyển giá. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, hiện đại hóa phương thức quản lý thuế tiết giảm hơn nữa thời gian thực hiện các thủ tục hành chính thuế; quản lý có hiệu quả các nguồn thu mới phát sinh từ các giao dịch thương mại điện tử.
Liên quan đến bức tranh kinh tế năm 2023, theo Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, GDP cả năm ước tăng khoảng 5%, đây là mức tăng trưởng cao so với khu vực và thế giới. Lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng bình quân (CPI) ước tăng khoảng 3,5%. Thặng dư thương mại ở mức kỷ lục, ước xuất siêu cao cả năm khoảng 26 tỷ USD. Thu ngân sách nhà nước vượt 3-4% so với dự toán. Điều đáng phấn khởi nữa là, đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 11 tháng đạt gần 28,85 tỷ USD, tăng 14,8% so cùng kỳ năm 2022. Số doanh nghiệp được thành lập mới và tái gia nhập thị trường 11 tháng là 201,5 nghìn, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm 2022. Tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam được nâng từ mức BB lên BB+, triển vọng "ổn định". |
Quyết liệt xử lý, đôn đốc thu hồi nợ thuế, giảm tỷ lệ nợ đọng thuế; phấn đấu tăng thu ngân sách nhà nước. Để làm tốt việc này, Phó Thủ tướng đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố, lãnh đạo các cấp ở địa phương phải vào cuộc, chỉ đạo sát sao thực hiện các giải pháp về tài chính ngân sách đã được Quốc hội, Chính phủ quyết định và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Phối hợp chặt chẽ với cơ quan Thuế, Hải quan tăng cường quản lý thu, nghiêm túc thực hiện các quy định về sử dụng hóa đơn điện tử, góp phần chống thất thu, chống chuyển giá, đẩy mạnh công tác chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính như yêu cầu tại các công điện gần đây của Thủ tướng Chính phủ.
Liên quan đến tổ chức điều hành chi ngân sách nhà nước năm 2024, Phó Thủ tướng lưu ý phải chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả, trong phạm vi dự toán Quốc hội quyết định. Tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phân công, phân nhiệm đi đôi với tăng cường phối hợp, giám sát, kiểm tra, đánh giá việc thực hiện; linh hoạt, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhất là về thể chế, thủ tục hành chính… Rà soát, sắp xếp các nhiệm vụ chi; cắt giảm tối đa các khoản chi chưa thực sự cần thiết, cấp bách theo đúng quy định. Triển khai thực hiện tốt thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong các cơ quan nhà nước và toàn xã hội. Đảm bảo nguồn thực hiện các nhiệm vụ chi quan trọng, ưu tiên Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, khắc phục hậu quả thiên tai dịch bệnh và các nhiệm vụ đột xuất, cấp bách khác. Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, tạo động lực cho phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Kiểm soát bội chi ngân sách nhà nước trong phạm vi Quốc hội quyết định và phấn đấu thấp hơn. Qua đó giảm nợ công, cải thiện dư địa chính sách tài khóa, tăng cường sức chống chịu của nền tài chính quốc gia để triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững hơn.
Tiếp tục theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường nhất là các mặt hàng quan trọng thiết yếu, nguyên, nhiên phụ liệu đầu vào, kịp thời đề xuất các giải pháp cân đối cung - cầu, bình ổn giá cả thị trường, nhất là giá các mặt hàng thiết yếu, mặt hàng xăng dầu, đặc biệt là trong các dịp Lễ, Tết, nhất là Tết Nguyên đán sắp tới. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện pháp luật về giá để kịp thời phát hiện, xử lý những trường hợp sai phạm.
Bộ Tài chính, cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo giá cần quán triệt tinh thần quyết tâm thực hiện điều hành giá, kiểm soát lạm phát theo đúng mục tiêu đã đề ra (CPI tăng khoảng 4-4,5%), góp phần ổn định kinh tế vĩ mô. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính, ngân sách trong thực thi công vụ; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và công khai, minh bạch trong thu, chi ngân sách nhà nước, quản lý, sử dụng tài sản công, đất đai, tài nguyên...
Phát triển hiệu quả các thị trường tài chính
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chỉ đạo tiếp tục củng cố, phát triển đồng bộ, an toàn, lành mạnh, hiệu quả các thị trường tài chính, chứng khoán, bảo hiểm. Tăng cường quản lý, giám sát thị trường, có giải pháp dự báo và kiểm soát tốt dòng tiền, đảm bảo phát triển ổn định, bền vững thị trường, không để xảy ra rủi ro, mất an toàn. Nâng cao chất lượng hàng hóa trên thị trường, hiệu quả hoạt động của các thành viên thị trường, đa dạng hóa cơ sở nhà đầu tư, hướng tới các nhà đầu tư chuyên nghiệp, nhà đầu tư có tổ chức.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu rà soát, đánh giá kỹ lưỡng, cụ thể khả năng thanh toán, chi trả của các tổ chức phát hành trái phiếu doanh nghiệp, nhất là trái phiếu đến hạn trong năm 2024 |
Chủ động xây dựng kịch bản, đánh giá tác động, có phương án, biện pháp cụ thể, hiệu quả để xử lý, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư, các chủ thể liên quan. Qua đó, góp phần bảo đảm an toàn, an ninh thị trường tài chính, tiền tệ, củng cố, khôi phục, tăng cường niềm tin của nhà đầu tư, thúc đẩy thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển an toàn, minh bạch, lành mạnh, bền vững, phát huy vai trò kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng cho nền kinh tế…/.
Bình luận