Điều kiện kinh doanh vận tải ô tô: Vẫn mang tư duy "siết chặt"!
Ngày 23/01, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) phối hợp với Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam (VATA), Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) tổ chức hội thảo về “Điều kiện kinh doanh vận tải ô tô: vấn đề và kiến nghị”. Trong đó, tập trung thảo luận về Dự thảo Nghị định mới, thay thế Nghị định số 86/2014 của Chính phủ quy định điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực vận tải ô tô để tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp trong lĩnh vực này.
Vẫn còn nhiều điều kiện vô lý
Đánh giá về Dự thảo Nghị định mới, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan công nhận, dự thảo Nghị định đã thể hiện một số đổi mới về tư duy và cải thiện về cách thức quản lý nhà nước đối với kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, bằng việc sửa đổi và bãi bỏ một số quy định, như: quy định về quy mô số lượng xe tối thiểu; một số thành phần trong hồ sơ cấp phép theo hướng cải cách thủ tục hành chính; thống nhất niên hạn 12 năm cho xe taxi; quy định về người điều hành vận tải…
Tuy nhiên, bà Lan cũng thẳng thắn nhận định là Nghị định mới vẫn còn nhiều điều kiện vô lý với doanh nghiệp, như: lái xe phải mang theo danh sách hành khách có xác nhận của đơn vị kinh doanh. Trước khi thực hiện vận chuyển phải thông báo tới Sở Giao thông Vận tải là nơi cấp Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô các thông tin của chuyến đi…
Nhiều quy định trong dự thảo nghị định mới vẫn còn vô lý |
Không chỉ vậy, còn thể hiện sự phân biệt, đối xử giữa các thành phần kinh tế như: doanh nghiệp, hợp tác xã, cá thể... Nghị định mới chỉ quan tâm đến lĩnh vực quản lý nhà nước về vận tải, chưa quan tâm người tiêu dùng sẽ chịu tác động như thế nào cũng như định hướng sự phát triển trong tương lai của vận tải. Điều này thể hiện qua việc dự thảo Nghị định chưa nhắc đến điều kiện về Grab, Uber…
Theo đó, bà Lan cho biết, việc xây dựng chính sách của Việt Nam hiện nay không khác gì so với 4-5 năm trước bởi vẫn là yêu cầu chính, "siết chặt" chứ không phải "quản lý" khoa học. Tư duy quản lý hiện nay đã khá lỗi thời.
Ngoài ra, dự thảo Nghị định cũng ít đề cập đến những bất cập, trở ngại đối với doanh nghiệp và người dân. “Nếu việc xây dựng chính sách không thiết kế trên nền tảng phục vụ người tiêu dùng, thì chúng ta mãi mãi lẽo đẽo theo các nước khác”, bà Lan nêu ý kiến.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng CIEM cho biết, dự thảo Nghị định mới có 2 điểm được đánh giá cao, đó là một số nội dung không hợp lý đã được bãi bỏ và đang được tham vấn cộng đồng doanh nghiệp rất cởi mở.
Tuy nhiên, ông Hiếu cũng có điểm lo ngại là vì dự thảo mới chỉ được chỉnh sửa về mặt kỹ thuật, chưa giải quyết được những bất cập trong thực tiễn và chưa có tầm nhìn bao quát được những thay đổi hết sức nhanh chóng của thị trường vận tải hiện nay.
"Ở Việt Nam, thị trường xuất hiện cái mới, đáng lẽ chính sách phải phục vụ để phát triển cái đó lên. Tuy nhiên, chúng ta lại đưa cái mới nhốt vào khung quản lý. Chúng ta thể lấy cái mới để áp vào một phương thức quản lý cũ đã lỗi thời, lạc hậu", ông Hiếu nhấn mạnh.
Đại diện cho các doanh nghiệp logistics, ông Trần Đức Nghĩa, Phó ban Hải quan và Thuận lợi hóa thương mại, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam cũng cho rằng, dự thảo Nghị định còn nhiều điểm bất cập, chưa phù hợp và chưa tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, như: Điều 10 – Giới hạn trách nhiệm vận tải hàng hóa đường bộ; Điều 11 và 29 – Quy định về đảm bảo an toàn giao thông trong hoạt động vận tải và chế tài xử phát vi phạm; Điều 12 về tập huấn người điều hành vận tải, về nơi đỗ xe ô tô, về số lượng xe; Hay điều 19,20,21 về hợp đồng vận tải…
Lấy ví dụ về sự không phù hợp của Điểm a, khoản 5, điều 12 quy định đơn vị kinh doanh vận tải phải có nơi đỗ xe phù hợp với phương án kinh doanh. Ông Nghĩa cho biết, quy định này có thể đúng với vận tải hành khách, nhưng không phù hợp cho vận tải hàng hóa. Trên thực tiễn, tất cả những nơi đõ xe đều phải tuân thủ những quy định tương tự như quy định ở văn bản dự thaornayf và được quản lý bởi chính quyền địa phương.
Cần một chính sách mang tầm nhìn xa
Trước những hạn chế của dự thảo Nghị đinh, ông Phan Đức Hiếu cho rằng, chính sách cần phải có tầm nhìn xa, không thể áp dụng cái mới theo khung của cái cũ.
Chia sẻ kinh nghiệm của một số nước phát triển, như: Anh, Singapore, Canada, ông Hiếu cho biết, các nước này đã xây dựng điều kiện kinh doanh vận tải có tầm nhìn hàng chục năm, thậm chí tính toán đến việc xuất hiện phương tiện bay cá nhân. Theo đó, Việt Nam cũng cần phải có một quy định mang tính tầm nhìn xa hơn.
Về mục tiêu an toàn giao thông, ông Hiếu cho rằng, nếu chưa sửa được Luật Giao thông vận tải đường bộ, thì phải tách bạch yêu cầu kiểm soát an toàn giao thông với hoạt động kinh doanh vận tải.
“Không thể vì muốn đạt được mục tiêu an toàn mà đặt ra những quy định hạn chế hoạt động kinh doanh. Không nên hạn chế một số phương thức kinh doanh mới, cố gắng bó buộc nó trong chiếc áo cũ đã chật”, ông Hiếu nhấn mạnh.
Góp ý cho dự thảo Nghị định, ông Lê Văn Tiến, Chủ tịch Hiệp hội vận tải hàng hoá đường bộ Hải Phòng cũng cho biết, dự thảo Nghị định cần thay đổi một số nội dung cho phù hợp.
Chẳng hạn như Điều 9 quy định Giấy vận tải quy định đơn vị kinh doanh vận tải và lái xe phải cấp và sử dụng Giấy vận tải khi vận chuyển hàng hóa. Đây là quy định không cần thiết, vì tất cả hàng hóa lưu thông trên đường đều phải có một hoặc nhiều loại giấy tờ khác nhau để chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa vận chuyển.
Đó là trách nhiệm giữa người thuê vận chuyển và người vận chuyển. Mặt khác, thực tiễn hoạt động vận tải hàng hóa thường xảy ra là xe và lái xe không về trụ sở doanh nghiệp, thậm chí không về nơi đỗ xe tập trung của doanh nghiệp trong thời gian xe đang khai thác. Việc cấp Giấy vận tải cho từng chuyến hàng là không phù hợp.
“Quy định này làm tăng chi phí cho doanh nghiệp và không có ý nghĩa thực tiễn vì doanh nghiệp thường đối phó bằng việc ký khống nhiều Giấy vận tải cho lái xe sử dụng. Ý nghĩa của quy định này trong thời gian qua chỉ là việc lái xe hay doanh nghiệp vận tải bị phạt, nên tôi đề nghị bỏ quy định này”, ông Tiến nói.
Đồng tình với ý kiến trên, ông Trần Đức Nghĩa cũng cho rằng, đối với các quy định thực sự không cần thiết, chưa phù hợp, thậm chí gây khó khăn cho doanh nghiệp, thì nên loại bỏ để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp vận tải hoạt động./.
Bình luận