Chủ nhật 10/11/2024 18:56 | Liên hệ Tòa soạn e-ISSN: 2734-9365

Hỏi - Đáp về đăng ký doanh nghiệp, đăng ký hộ kinh doanh, đăng ký hợp tác xã

Tạp chí Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư

NHÓM NỘI DUNG: QUY ĐỊNH VỀ ĐĂNG KÝ NGÀNH, NGHỀ KINH DOANH CỦA DOANH NGHIỆP

24-11-2023 17:02
Hỏi:Công ty tôi là doanh nghiệp 100% vốn trong nước và đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp năm 2020. Công ty tôi có nhu cầu bổ sung ngành, nghề kinh doanh “Sản xuất con dấu” và đã nộp hồ sơ đăng ký thay đổi ngành, nghề tới Cơ quan đăng ký kinh doanh theo quy định. Tuy nhiên, trong quá trình xử lý hồ sơ, Cơ quan đăng ký kinh doanh yêu cầu công ty chúng tôi phải bổ sung Phiếu lý lịch tư pháp của người đại diện theo pháp luật. Xin hỏi, việc đề nghị bổ sung Phiếu lý lịch tư pháp vào hồ sơ đăng ký thay đổi ngành, nghề kinhh doanh như trên có đúng quy định của pháp luật hay không? Các điều kiện cần đáp ứng để kinh doanh ngành, nghề kinh doanh “Sản xuất con dấu” là gì?
Trả lời:
Tạp chí Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư

I. Về việc bổ sung ngành, nghề kinh doanh và yêu cầu nộp Phiếu lý lịch tư pháp

Hồ sơ, trình tự thông báo thay đổi ngành, nghề kinh doanh quy định tại Điều 56 Nghị định số 01/2021/NĐ-CP ngày 04/01/2021 của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp.

Theo quy định tại điểm e khoản 2 Điều 17 Luật Doanh nghiệp năm 2020 thì trường hợp Cơ quan đăng ký kinh doanh có yêu cầu, người đăng ký thành lập doanh nghiệp phải nộp Phiếu lý lịch tư pháp cho Cơ quan đăng ký kinh doanh. Luật này không có quy định về việc yêu cầu nộp Phiếu lý lịch tư pháp trong các trường hợp khác.

Căn cứ các quy định nêu trên, việc yêu cầu nộp Phiếu lý lịch tư pháp cho Cơ quan đăng ký kinh doanh không áp dụng đối với trường hợp doanh nghiệp thực hiện thủ tục thông báo thay đổi ngành, nghề kinh doanh.

II. Về ngành, nghề kinh doanh “Sản xuất con dấu”

Theo quy định tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Luật Đầu tư năm 2020 thì “Sản xuất con dấu” là ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.

Khoản 7 Điều 7 Luật Đầu tư năm 2020 quy định ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và điều kiện đầu tư kinh doanh đối với ngành, nghề đó phải được đăng tải trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.

Theo thông tin tại Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp nêu trên thì ngành, nghề kinh doanh “Sản xuất con dấu” là ngành, nghề cần đáp ứng điều kiện về an ninh trật tự quy định tại Nghị định số 96/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định điều kiện về an ninh, trật tự đối với một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Theo đó, Điều 7 Nghị định này quy định điều kiện về an ninh, trật tự áp dụng chung cho các ngành, nghề như sau:

“1. Được đăng ký, cấp phép hoặc thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam.

2. Người chịu trách nhiệm về an ninh, trật tự của cơ sở kinh doanh phải không thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Đối với người Việt Nam:

Đã bị khởi tố hình sự mà các cơ quan tố tụng của Việt Nam hoặc của nước ngoài đang tiến hành điều tra, truy tố, xét xử.

Có tiền án về các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc các tội khác do lỗi cố ý bị kết án từ trên 03 năm tù trở lên chưa được xóa án tích; đang trong thời gian được tạm hoãn chấp hành hình phạt tù; đang chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ; đang bị quản chế, cấm cư trú, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự theo quyết định của Tòa án.

Đang bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn; có quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính trong thời gian chờ thi hành quyết định; đang nghiện ma túy; đang được tạm hoãn, tạm đình chỉ chấp hành quyết định đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc hoặc đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; đã bị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính nhưng chưa đủ thời hạn để được coi là chưa bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính;

b) Đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài mang hộ chiếu nước ngoài và người nước ngoài:

Chưa được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp phép cư trú.

3. Đủ điều kiện về an toàn phòng cháy và chữa cháy theo quy định của pháp luật về phòng cháy và chữa cháy”.

Ngoài ra, theo quy định tại khoản 1 Điều 13 Nghị định số 96/2016/NĐ-CP thì ngoài điều kiện quy định tại Điều 7 Nghị định này, chỉ cơ sở kinh doanh thuộc Bộ Công an mới được sản xuất con dấu có hình Quốc huy nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, con dấu có hình Công an hiệu; chỉ cơ sở kinh doanh thuộc Bộ Quốc phòng mới được sản xuất con dấu có hình Quân hiệu, trừ các cơ sở kinh doanh đã hoạt động trước ngày Nghị định này có hiệu lực.

Tạp chí Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư

NHÓM NỘI DUNG: QUY ĐỊNH VỀ ĐĂNG KÝ THAY ĐỔI, THÔNG BÁO THAY ĐỔI NỘI DUNG ĐĂNG KÝ DOANH NGHIỆP

24-11-2023 17:00
Hỏi:Ông X là chủ sở hữu Công ty TNHH một thành viên A. Nay ông X đã qua đời và không có di chúc, vợ và các con của ông X thuộc hàng thừa kế thứ nhất nên được thừa kế tài sản của ông X theo quy định pháp luật, trong đó bao gồm phần vốn góp tại Công ty TNHH một thành viên A. Xin hỏi, thủ tục đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp đối với Công ty TNHH một thành viên A trong trường hợp này như thế nào? Nếu vợ và các con ông X muốn ủy quyền cho một tổ chức thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp thì có được không?
Trả lời:
Tạp chí Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư

1. Về việc đăng ký doanh nghiệp sau khi nhận thừa kế

Khoản 3 Điều 78 Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định:

“3. Trường hợp chủ sở hữu công ty là cá nhân chết thì người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật là chủ sở hữu công ty hoặc thành viên công ty. Công ty phải tổ chức quản lý theo loại hình doanh nghiệp tương ứng và đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày kết thúc việc giải quyết thừa kế. Trường hợp chủ sở hữu công ty là cá nhân chết mà không có người thừa kế, người thừa kế từ chối nhận thừa kế hoặc bị truất quyền thừa kế thì phần vốn góp của chủ sở hữu được giải quyết theo quy định của pháp luật về dân sự”.

Căn cứ quy định nêu trên, trường hợp ông X chết và vợ, con của ông X nhận thừa kế theo pháp luật thì vợ, con của ông X trở thành các thành viên của Công ty TNHH A. Công ty TNHH A phải tổ chức quản lý theo loại hình doanh nghiệp tương ứng (công ty TNHH hai thành viên trở lên hoặc công ty cổ phần) và đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày kết thúc việc giải quyết thừa kế.

Việc đăng ký doanh nghiệp trong trường hợp này thực hiện theo quy định tại khoản 2, khoản 4 Điều 26 Nghị định số 01/2021/NĐ-CP ngày 04/01/2021 của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp. Theo đó, hồ sơ đăng ký chuyển đổi bao gồm:

- Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp;

- Điều lệ công ty;

- Danh sách thành viên trong trường hợp tổ chức lại theo loại hình công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên/Danh sách cổ đông sáng lập trong trường hợp tổ chức lại theo loại hình công ty cổ phần.

- Bản sao các giấy tờ sau đây: a) Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp; b) Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với thành viên công ty/cổ đông sáng lập.

Kèm theo hồ sơ phải có bản sao văn bản xác nhận quyền thừa kế hợp pháp của người thừa kế theo quy định của pháp luật và văn bản của Cơ quan đăng ký đầu tư chấp thuận về việc góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đối với trường hợp phải thực hiện thủ tục đăng ký góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp theo quy định của Luật Đầu tư.

Người nộp hồ sơ đăng ký doanh nghiệp nộp hồ sơ tại Phòng Đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính.

Sau khi tiếp nhận hồ sơ đăng ký doanh nghiệp, Phòng Đăng ký kinh doanh trao Giấy biên nhận, kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ và cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho doanh nghiệp theo quy định.

2. Về việc ủy quyền thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp

Người có thẩm quyền ký văn bản đề nghị đăng ký doanh nghiệp có thể ủy quyền cho tổ chức khác thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp theo quy định tại Điều 12 Nghị định số 01/2021/NĐ-CP. Cụ thể như sau:

Trường hợp ủy quyền cho tổ chức thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp, kèm theo hồ sơ đăng ký doanh nghiệp phải có bản sao hợp đồng cung cấp dịch vụ với tổ chức làm dịch vụ thực hiện thủ tục liên quan đến đăng ký doanh nghiệp, giấy giới thiệu của tổ chức đó cho cá nhân trực tiếp thực hiện thủ tục liên quan đến đăng ký doanh nghiệp và bản sao giấy tờ pháp lý của cá nhân người được giới thiệu.

Tạp chí Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư

NHÓM NỘI DUNG: QUY ĐỊNH VỀ GIẢI THỂ DOANH NGHIỆP; CHẤM DỨT HOẠT ĐỘNG CHI NHÁNH, VĂN PHÒNG ĐẠI DIỆN, ĐỊA ĐIỂM KINH DOANH CỦA DOANH NGHIỆP

13-11-2023 21:39
Hỏi:Thời hạn hoạt động quy định tại Điều lệ của công ty chúng tôi là 10 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Tính đến ngày 20/10/2023, thời hạn hoạt động của công ty chúng tôi đã kết thúc nhưng đến nay công ty vẫn chưa có quyết định gia hạn. Xin hỏi, khi kết thúc thời hạn hoạt động mà không có quyết định gia hạn thì công ty của chúng tôi có bắt buộc phải giải thể hay không? Trường hợp công ty không thực hiện giải thể và vẫn hoạt động kinh doanh từ 20/10/2023 thì có bị xử phạt vi phạm hành chính không? Hiện nay, công ty chúng tôi có chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh đặt tại một số tỉnh, thành phố trên cả nước và cả ở nước ngoài. Xin hỏi, trường hợp công ty của chúng tôi phải giải thể thì chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của công ty chúng tôi có phải thực hiện thủ tục chấm dứt hoạt động không? Hồ sơ, trình tự, thủ tục chấm dứt hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh được quy định như thế nào và phải nộp ở cơ quan nào?
Trả lời:
Tạp chí Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Điểm a khoản 1 Điều 207 Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định một trong những trường hợp doanh nghiệp bị giải thể là kết thúc thời hạn hoạt động đã ghi trong Điều lệ công ty mà không có quyết định gia hạn.

Theo quy định tại điểm a khoản 1 và điểm a khoản 2 Điều 58 Nghị định số 122/2021/NĐ-CP ngày 28/12/2021 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư thì hành vi không thực hiện thủ tục giải thể khi kết thúc thời hạn hoạt động đã ghi trong Điều lệ công ty mà không có quyết định gia hạn bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng. Biện pháp khắc phục hậu quả là buộc thực hiện thủ tục giải thể doanh nghiệp.

Khoản 4 Điều 70 Nghị định số 01/2021/NĐ-CP ngày 04/01/2021 của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp quy định: “Trước khi nộp hồ sơ đăng ký giải thể doanh nghiệp, doanh nghiệp phải thực hiện thủ tục chấm dứt hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp tại Phòng Đăng ký kinh doanh nơi đặt chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh”.

Điều 72 Nghị định số 01/2021/NĐ-CP quy định về việc chấm dứt hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh ở trong nước và nước ngoài như sau:

1. Trước khi thông báo chấm dứt hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh thì doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện phải đăng ký với Cơ quan thuế để hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế theo quy định của pháp luật về thuế.

2. Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày quyết định chấm dứt hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh, doanh nghiệp gửi Thông báo về việc chấm dứt hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh đến Phòng Đăng ký kinh doanh nơi đặt chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh. Trường hợp chấm dứt hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện, kèm theo thông báo phải có nghị quyết, quyết định và bản sao biên bản họp của Hội đồng thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, công ty hợp danh, của Hội đồng quản trị đối với công ty cổ phần; nghị quyết, quyết định của chủ sở hữu công ty đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên về việc chấm dứt hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện.

3. Sau khi tiếp nhận hồ sơ chấm dứt hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh, Phòng Đăng ký kinh doanh gửi thông tin về việc chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh chấm dứt hoạt động cho Cơ quan thuế. Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông tin của Phòng Đăng ký kinh doanh, Cơ quan thuế gửi ý kiến về việc hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế của chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh đến Phòng đăng ký kinh doanh. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ chấm dứt hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh, Phòng Đăng ký kinh doanh thực hiện chấm dứt hoạt động của chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp nếu không nhận được ý kiến từ chối của Cơ quan thuế, đồng thời ra thông báo về việc chấm dứt hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh.

4. Việc chấm dứt hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp ở nước ngoài thực hiện theo quy định của pháp luật nước đó. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày chính thức chấm dứt hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện ở nước ngoài, doanh nghiệp gửi thông báo bằng văn bản về việc chấm dứt hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp ở nước ngoài đến Phòng Đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính. Phòng Đăng ký kinh doanh cập nhật thông tin của doanh nghiệp trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo.

Tạp chí Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư

NHÓM NỘI DUNG: QUY ĐỊNH VỀ ĐĂNG KÝ THAY ĐỔI, THÔNG BÁO THAY ĐỔI NỘI DUNG ĐĂNG KÝ DOANH NGHIỆP

13-11-2023 21:38
Hỏi:Công ty chúng tôi là công ty TNHH, hiện có 03 thành viên. Chúng tôi dự kiến cùng lúc kết nạp thành viên mới để tăng vốn điều lệ và bổ sung ngành nghề kinh doanh mặt hàng xăng dầu. Trong trường hợp này, xin hỏi công ty cần thực hiện thủ tục gì với Cơ quan đăng ký kinh doanh và có phải chỉ cần hoàn thành thủ tục với Cơ quan đăng ký kinh doanh là chúng tôi đã đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu hay không?
Trả lời:
Tạp chí Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Trường hợp tiếp nhận thành viên mới, tăng vốn điều lệ và bổ sung ngành, nghề kinh doanh mới, công ty phải thực hiện thủ tục đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp với Cơ quan đăng ký kinh doanh để cập nhật các thay đổi của mình trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày có thay đổi.

Hồ sơ, trình tự, thủ tục đăng ký thay đổi vốn điều lệ, thay đổi thành viên công ty TNHH hai thành viên trở lên và thay đổi ngành, nghề kinh doanh quy định tại các Điều 51, Điều 52 và Điều 56 Nghị định số 01/2021/NĐ-CP ngày 04/01/2021 của Chính phủ về đăng ký doanh nghiêp. Theo đó, công ty gửi hồ sơ đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp đến Phòng Đăng ký kinh doanh nơi công ty đặt trụ sở chính. Hồ sơ bao gồm:

a) Thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp do người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp ký;

b) Danh sách thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên. Danh sách thành viên phải bao gồm chữ ký của thành viên mới và thành viên có phần vốn góp thay đổi, không bắt buộc phải có chữ ký của thành viên có phần vốn góp không thay đổi;

c) Nghị quyết, quyết định và bản sao biên bản họp Hội đồng thành viên về việc thay đổi vốn điều lệ, tiếp nhận thành viên mới và thay đổi ngành, nghề kinh doanh;

d) Giấy tờ xác nhận việc góp vốn của thành viên mới của công ty;

đ) Bản sao giấy tờ pháp lý của cá nhân trong trường hợp thành viên mới là cá nhân hoặc bản sao giấy tờ pháp lý của tổ chức, bản sao giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người đại diện theo ủy quyền và bản sao văn bản cử người đại diện theo ủy quyền trong trường hợp thành viên mới là tổ chức.

Đối với thành viên là tổ chức nước ngoài thì bản sao giấy tờ pháp lý của tổ chức phải được hợp pháp hóa lãnh sự;

e) Văn bản của Cơ quan đăng ký đầu tư chấp thuận về việc góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đối với trường hợp phải thực hiện thủ tục đăng ký góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp theo quy định của Luật Đầu tư.

Sau khi nhận hồ sơ đăng ký doanh nghiệp, Phòng Đăng ký kinh doanh trao Giấy biên nhận, kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ và cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy xác nhận thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp cho doanh nghiệp.

“Kinh doanh xăng dầu” là một ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện quy định tại Phụ lục IV Luật Đầu tư năm 2020. Điều kiện đầu tư kinh doanh đối với ngành, nghề “kinh doanh xăng dầu” được quy định tại các văn bản pháp luật chuyên ngành.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 6 Nghị định số 01/2021/NĐ-CP, Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp được cấp cho doanh nghiệp trên cơ sở thông tin trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp, không phải là giấy phép kinh doanh. Cũng theo quy định tại khoản 2 Điều 34 Nghị định này thì doanh nghiệp có quyền hoạt động kinh doanh kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, trừ trường hợp kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 8 Luật Doanh nghiệp năm 2020, một trong các nghĩa vụ của doanh nghiệp là đáp ứng đủ điều kiện đầu tư kinh doanh khi kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện theo quy định của pháp luật và bảo đảm duy trì đủ điều kiện đó trong suốt quá trình hoạt động kinh doanh. Theo quy định tại khoản 6 Điều 16 Luật Doanh nghiệp năm 2020, một trong những hành vi bị nghiêm cấm là kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện khi chưa đủ điều kiện kinh doanh theo quy định của pháp luật hoặc không bảo đảm duy trì đủ điều kiện đầu tư kinh doanh trong quá trình hoạt động. Do đó, công ty chỉ được phép kinh doanh xăng dầu khi đã đáp ứng đầy đủ các điều kiện kinh doanh theo quy định của pháp luật và phải bảo đảm duy trì đủ điều kiện đầu tư kinh doanh trong quá trình hoạt động.

Tạp chí Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư

NHÓM NỘI DUNG: TỔ CHỨC LẠI DOANH NGHIỆP

30-10-2023 20:46
Hỏi:Công ty chúng tôi là công ty TNHH hai thành viên trở lên. Hiện nay, công ty chúng tôi muốn tổ chức lại bằng cách chia thành hai công ty TNHH một thành viên. Xin hỏi, hồ sơ, trình tự, thủ tục chia công ty trong trường hợp này được quy định như thế nào? Sau khi chia công ty, trường hợp còn một khoản nợ chưa thanh toán hết thì trách nhiệm và nghĩa vụ thanh toán khoản nợ đó được quy định như thế nào?
Trả lời:
Tạp chí Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Khoản 1 Điều 198 Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định công ty trách nhiệm hữu hạn có thể chia các tài sản, quyền và nghĩa vụ, thành viên của công ty hiện có (sau đây gọi là công ty bị chia) để thành lập hai hoặc nhiều công ty mới.

Theo quy định tại khoản 2 Điều 198 Luật Doanh nghiệp năm 2020, thủ tục chia công ty TNHH hai thành viên trở lên thành hai công ty TNHH một thành viên được quy định như sau:

a) Hội đồng thành viên của công ty bị chia thông qua nghị quyết, quyết định chia công ty theo quy định của Luật này và Điều lệ công ty. Nghị quyết, quyết định chia công ty phải gồm các nội dung chủ yếu sau: tên, địa chỉ trụ sở chính của công ty bị chia, tên các công ty sẽ thành lập; nguyên tắc, cách thức và thủ tục chia tài sản công ty; phương án sử dụng lao động; cách thức phân chia, thời hạn và thủ tục chuyển đổi phần vốn góp, trái phiếu của công ty bị chia sang các công ty mới thành lập; nguyên tắc giải quyết nghĩa vụ của công ty bị chia; thời hạn thực hiện chia công ty. Nghị quyết, quyết định chia công ty phải được gửi đến tất cả chủ nợ và thông báo cho người lao động biết trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày ra quyết định hoặc thông qua nghị quyết;

b) Chủ sở hữu công ty của công ty mới được thành lập thông qua Điều lệ, bầu hoặc bổ nhiệm Chủ tịch Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và tiến hành đăng ký doanh nghiệp theo quy định của Luật này. Trong trường hợp này, hồ sơ đăng ký doanh nghiệp đối với công ty mới phải kèm theo nghị quyết, quyết định chia công ty quy định tại điểm a khoản này.

Hồ sơ đăng ký doanh nghiệp đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên quy định tại Điều 24 Nghị định số 01/2021/NĐ-CP, theo đó bao gồm các giấy tờ sau:

1. Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp.

2. Điều lệ công ty.

3. Bản sao các giấy tờ sau đây:

a) Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp;

b) Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với chủ sở hữu công ty là cá nhân; Giấy tờ pháp lý của tổ chức đối với chủ sở hữu công ty là tổ chức (trừ trường hợp chủ sở hữu công ty là Nhà nước); Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người đại diện theo ủy quyền và văn bản cử người đại diện theo ủy quyền.

Đối với chủ sở hữu công ty là tổ chức nước ngoài thì bản sao giấy tờ pháp lý của tổ chức phải được hợp pháp hóa lãnh sự;

c) Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với trường hợp doanh nghiệp được thành lập bởi nhà đầu tư nước ngoài hoặc tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài theo quy định tại Luật Đầu tư và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 25 Nghị định số 01/2021/NĐ-CP ngày 04/01/2021 của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp thì ngoài giấy tờ quy định tại Điều 24 Nghị định này, hồ sơ đăng ký doanh nghiệp đối với công ty TNHH một thành viên được thành lập trên cơ sở chia công ty TNHH hai thành viên trở lên phải có nghị quyết, quyết định về việc chia công ty theo quy định tại Điều 198 Luật Doanh nghiệp và bản sao biên bản họp Hội đồng thành viên đối với công TNHH hai thành viên trở lên về việc chia công ty.

Ngoài ra, khoản 4 Điều 198 Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định công ty bị chia chấm dứt tồn tại sau khi các công ty mới được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Các công ty mới phải cùng liên đới chịu trách nhiệm về nghĩa vụ, các khoản nợ chưa thanh toán, hợp đồng lao động và nghĩa vụ tài sản khác của công ty bị chia hoặc thỏa thuận với chủ nợ, khách hàng và người lao động để một trong số các công ty đó thực hiện nghĩa vụ này. Các công ty mới đương nhiên kế thừa toàn bộ quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp được phân chia theo nghị quyết, quyết định chia công ty.

Tạp chí Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư

NHÓM NỘI DUNG: ĐĂNG KÝ NGÀNH, NGHỀ KINH DOANH CỦA DOANH NGHIỆP

30-10-2023 20:45
Hỏi:Công ty tôi là doanh nghiệp 100% vốn trong nước, hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ, đã đăng ký và được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp với ngành, nghề kinh doanh là “Kinh doanh dịch vụ lữ hành”. Vừa qua, công ty tôi được Cơ quan đăng ký kinh doanh thông báo yêu cầu tạm ngừng kinh doanh ngành, nghề nêu trên với lý do là “doanh nghiệp chưa đáp ứng các điều kiện để kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện (cụ thể: ngành, nghề “Kinh doanh dịch vụ lữ hành”)”. Xin hỏi, ngành, nghề “Kinh doanh dịch vụ lữ hành” có phải là ngành, nghề kinh doanh có điều kiện hay không? Công ty tôi phải tham khảo thông tin ở đâu để biết được điều kiện để kinh doanh các ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện nói chung, ngành, nghề “Kinh doanh dịch vụ lữ hành” nói riêng? Cơ quan đăng ký kinh doanh có thẩm quyền đề nghị doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện hay không?
Trả lời:
Tạp chí Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư

I. Về ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và điều kiện đầu tư kinh doanh

Theo quy định tại khoản 1 Điều 7 Luật Đầu tư năm 2020 thì ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện là ngành, nghề mà việc thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh trong ngành, nghề đó phải đáp ứng điều kiện cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng.

Theo quy định tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Luật Đầu tư năm 2020 thì “Kinh doanh dịch vụ lữ hành” là ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.

Khoản 7 Điều 7 Luật Đầu tư năm 2020 quy định ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và điều kiện đầu tư kinh doanh đối với ngành, nghề đó phải được đăng tải trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.

Căn cứ các quy định nêu trên, doanh nghiệp, người thành lập doanh nghiệp có thể tra cứu thông tin về ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và điều kiện đầu tư kinh doanh đối với ngành, nghề đó tại địa chỉ: https://dangkykinhdoanh.gov.vn/vn/Pages/Nganhnghedautukinhdoanh.aspx

Theo thông tin tại Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp nêu trên thì điều kiện kinh doanh “Dịch vụ lữ hành” được quy định tại Điều 31 Luật Du lịch năm 2017, theo đó:

1. Điều kiện kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa bao gồm:

a) Là doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp;

b) Ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa tại ngân hàng;

c) Người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành phải tốt nghiệp trung cấp trở lên chuyên ngành về lữ hành; trường hợp tốt nghiệp trung cấp trở lên chuyên ngành khác phải có chứng chỉ nghiệp vụ điều hành du lịch nội địa.

2. Điều kiện kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế bao gồm:

a) Là doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp;

b) Ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế tại ngân hàng;

c) Người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành phải tốt nghiệp cao đẳng trở lên chuyên ngành về lữ hành; trường hợp tốt nghiệp cao đẳng trở lên chuyên ngành khác phải có chứng chỉ nghiệp vụ điều hành du lịch quốc tế.

Một trong những nghĩa vụ của doanh nghiệp theo quy định tại khoản 1 Điều 8 Luật Doanh nghiệp năm 2020 là đáp ứng đủ điều kiện đầu tư kinh doanh khi kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và bảo đảm duy trì đủ điều kiện đó trong suốt quá trình hoạt động kinh doanh.

Khoản 8 Điều 7 Nghị định số 01/2021/NĐ-CP ngày 04/01/2021 của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp quy định việc quản lý nhà nước đối với ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài và kiểm tra việc chấp hành điều kiện kinh doanh của doanh nghiệp thuộc thẩm quyền của cơ quan chuyên ngành theo quy định của pháp luật chuyên ngành.

II. Về thẩm quyền yêu cầu doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh ngành, nghề kinh doanh có điều kiện

Theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 206 Luật Doanh nghiệp năm 2020 thì Cơ quan đăng ký kinh doanh, cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu doanh nghiệp tạm ngừng hoặc chấm dứt kinh doanh ngành, nghề kinh doanh có điều kiện khi phát hiện doanh nghiệp không có đủ điều kiện tương ứng theo quy định của pháp luật.

Khoản 1 Điều 67 Nghị định số 01/2021/NĐ-CP quy định trường hợp Phòng Đăng ký kinh doanh nhận được văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc doanh nghiệp kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện nhưng không đáp ứng điều kiện theo quy định của pháp luật, Phòng Đăng ký kinh doanh ra thông báo yêu cầu doanh nghiệp tạm ngừng, chấm dứt kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.

Tạp chí Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư

NHÓM NỘI DUNG: THÔNG BÁO THAY ĐỔI NỘI DUNG ĐĂNG KÝ DOANH NGHIỆP

30-10-2023 20:44
Hỏi:Công ty chúng tôi là công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, được Phòng Đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hà Nội cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp năm 2016 và đã hoạt động ổn định liên tục kể từ đó đến nay. Hội đồng thành viên công ty chúng tôi dự định hoàn trả một phần vốn góp cho các thành viên. Xin hỏi, khi thực hiện hoàn trả vốn góp cho thành viên, chúng tôi phải thực hiện thủ tục gì với Cơ quan đăng ký kinh doanh? Ngoài ra, trường hợp thay đổi địa chỉ nhận thông báo thuế thì chúng tôi phải nộp hồ sơ ở cơ quan nào? Trình tự, thủ tục được quy định như thế nào?
Trả lời:
Tạp chí Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư

1. Về việc hoàn trả một phần vốn góp cho các thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên

Điểm a khoản 3 Điều 68 Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định một trong những trường hợp công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên có thể giảm vốn điều lệ là hoàn trả một phần vốn góp cho thành viên theo tỷ lệ phần vốn góp của họ trong vốn điều lệ của công ty nếu đã hoạt động kinh doanh liên tục từ 02 năm trở lên kể từ ngày đăng ký thành lập doanh nghiệp và bảo đảm thanh toán đủ các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác sau khi đã hoàn trả cho thành viên.

Căn cứ quy định nêu trên, công ty có thể hoàn trả một phần vốn góp cho thành viên theo tỷ lệ phần vốn góp của họ trong vốn điều lệ của công ty nếu đã hoạt động kinh doanh liên tục từ 02 năm trở lên kể từ ngày đăng ký thành lập doanh nghiệp. Trường hợp thực hiện hoàn trả, công ty phải đăng ký giảm vốn điều lệ và phải cam kết bảo đảm thanh toán đủ các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác sau khi đã hoàn trả cho thành viên.

Theo quy định tại khoản 4, khoản 5 và khoản 6 Điều 68 Luật Doanh nghiệp năm 2020 thì trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày việc giảm vốn điều lệ đã được thanh toán xong, công ty phải thông báo bằng văn bản về việc giảm vốn điều lệ đến Cơ quan đăng ký kinh doanh. Thông báo phải bao gồm các nội dung chủ yếu sau đây:

a) Tên, địa chỉ trụ sở chính và mã số doanh nghiệp;

b) Vốn điều lệ sau khi giảm và số vốn đã giảm;

c) Thời điểm và hình thức giảm vốn điều lệ;

d) Họ, tên và chữ ký của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.

Kèm theo thông báo của công ty phải có nghị quyết, quyết định, biên bản họp của Hội đồng thành viên công ty về việc hoàn trả phần vốn góp, giảm vốn điều lệ và báo cáo tài chính gần nhất của công ty với thời điểm giảm vốn điều lệ.

Cơ quan đăng ký kinh doanh cập nhật thông tin về việc giảm vốn điều lệ của công ty trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ.

2. Về việc thay đổi địa chỉ nhận thông báo thuế

Điều 59 Nghị định số 01/2021/NĐ-CP ngày 04/01/2021 của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp quy định:

“1. Trường hợp doanh nghiệp thay đổi nội dung đăng ký thuế mà không thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh, trừ thay đổi phương pháp tính thuế, doanh nghiệp gửi thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp do người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp ký đến Phòng Đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính.

2. Sau khi tiếp nhận thông báo, Phòng Đăng ký kinh doanh trao Giấy biên nhận, kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ, nhập dữ liệu vào Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp và truyền thông tin sang Hệ thống thông tin đăng ký thuế. Trường hợp doanh nghiệp có nhu cầu, Phòng Đăng ký kinh doanh cấp Giấy xác nhận về việc thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp cho doanh nghiệp”.

Căn cứ quy định nêu trên, trường hợp thay đổi địa chỉ nhận thông báo thuế, doanh nghiệp gửi thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp do người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp ký đến Phòng Đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hà Nội. Trên cơ sở hồ sơ hợp lệ, Phòng Đăng ký kinh doanh trao Giấy biên nhận, kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ, nhập dữ liệu vào Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp và truyền thông tin sang Hệ thống thông tin đăng ký thuế.

Tạp chí Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư

NHÓM NỘI DUNG: QUY ĐỊNH VỀ ĐĂNG KÝ THÀNH LẬP DOANH NGHIỆP

30-10-2023 20:43
Hỏi:Hiện tại, tôi đang là chủ một doanh nghiệp tư nhân và có dự định thành lập thêm một công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên. Xin hỏi, tôi hoặc doanh nghiệp tư nhân của tôi có thể thành lập và là chủ sở hữu của công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên không? Hồ sơ, trình tự, thủ tục đăng ký thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên có chủ sở hữu là cá nhân có quốc tịch Việt Nam được pháp luật quy định như thế nào? Tôi có thể uỷ quyền cho cá nhân, tổ chức khác thực hiện thủ tục đăng ký thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên không? Nếu có thì hồ sơ đăng ký doanh nghiệp trong trường hợp này gồm những giấy tờ gì?
Trả lời:
Tạp chí Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư

I. Về quyền thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên

Khoản 4 Điều 188 Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định: “Doanh nghiệp tư nhân không được quyền góp vốn thành lập hoặc mua cổ phần, phần vốn góp trong công ty trách nhiệm hữu hạn”.

Luật Doanh nghiệp không có quy định cấm chủ doanh nghiệp tư nhân thành lập và là chủ sở hữu công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên.

II. Về hồ sơ, trình tự, thủ tục đăng ký thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên

Theo quy định tại Điều 24 Nghị định số 01/2021/NĐ-CP ngày 04/01/2021 của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp thì hồ sơ đăng ký doanh nghiệp đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên có chủ sở hữu là cá nhân có quốc tịch Việt Nam bao gồm những giấy tờ sau đây:

1. Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp.

2. Điều lệ công ty.

3. Bản sao các giấy tờ sau đây:

a) Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp;

b) Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với chủ sở hữu công ty là cá nhân;

Theo quy định tại khoản 5 Điều 26 Luật Doanh nghiệp năm 2020, trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ, Cơ quan đăng ký kinh doanh có trách nhiệm xem xét tính hợp lệ của hồ sơ đăng ký doanh nghiệp và cấp đăng ký doanh nghiệp; trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ, Cơ quan đăng ký kinh doanh phải thông báo bằng văn bản nội dung cần sửa đổi, bổ sung cho người thành lập doanh nghiệp. Trường hợp từ chối đăng ký doanh nghiệp thì phải thông báo bằng văn bản cho người thành lập doanh nghiệp và nêu rõ lý do.

III. Về việc ủy quyền thực hiện thủ tục đăng ký thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên

Theo quy định tại Phụ lục I-2 ban hành kèm theo Thông tư số 01/2021/TT-BKHĐT ngày 16/3/2021 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn về đăng ký doanh nghiệp thì người có thẩm quyền ký Giấy đề nghị đăng ký công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên là người đại diện theo pháp luật của công ty.

Điều 12 Nghị định số 01/2021/NĐ-CP thì người có thẩm quyền ký văn bản đề nghị đăng ký doanh nghiệp có thể ủy quyền cho tổ chức, cá nhân khác thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp.

Căn cứ các quy định nêu trên, người đại diện theo pháp luật của công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên có thể ủy quyền cho tổ chức, cá nhân khác thực hiện thủ tục đăng ký thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên.

Trường hợp ủy quyền thực hiện thủ tục đăng ký thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên thì hồ sơ đăng ký doanh nghiệp được quy định như sau:

- Trường hợp ủy quyền cho cá nhân thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp, kèm theo hồ sơ đăng ký doanh nghiệp phải có văn bản ủy quyền cho cá nhân thực hiện thủ tục liên quan đến đăng ký doanh nghiệp và bản sao giấy tờ pháp lý của cá nhân được ủy quyền. Văn bản ủy quyền này không bắt buộc phải công chứng, chứng thực.

- Trường hợp ủy quyền cho đơn vị cung cấp dịch vụ bưu chính công ích thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp thì khi thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp, nhân viên bưu chính phải nộp bản sao phiếu gửi hồ sơ theo mẫu do doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính công ích phát hành có chữ ký xác nhận của nhân viên bưu chính và người có thẩm quyền ký văn bản đề nghị đăng ký doanh nghiệp.

- Trường hợp ủy quyền cho tổ chức hoặc đơn vị cung cấp dịch vụ bưu chính không phải là bưu chính công ích thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp, kèm theo hồ sơ đăng ký doanh nghiệp phải có bản sao hợp đồng cung cấp dịch vụ với tổ chức làm dịch vụ thực hiện thủ tục liên quan đến đăng ký doanh nghiệp, giấy giới thiệu của tổ chức đó cho cá nhân trực tiếp thực hiện thủ tục liên quan đến đăng ký doanh nghiệp và bản sao giấy tờ pháp lý của cá nhân người được giới thiệu.

Tạp chí Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư

NHÓM NỘI DUNG: QUY ĐỊNH VỀ CHUYỂN ĐỔI HỘ KINH DOANH THÀNH DOANH NGHIỆP

11-10-2023 22:05
Hỏi:Nhằm mục đích mở rộng quy mô hoạt động, hộ kinh doanh của chúng tôi muốn chuyển đổi thành công ty TNHH hai thành viên trở lên. Xin hỏi, việc chuyển đổi từ hộ kinh doanh thành công ty TNHH hai thành viên trở lên thực hiện ở cơ quan nào? Hồ sơ, trình tự, thủ tục chuyển đổi được quy định như thế nào? Sau khi chuyển đổi từ hộ kinh doanh thành công ty TNHH hai thành viên trở lên, chúng tôi dự kiến bổ sung ngành, nghề “kinh doanh thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi”. Xin hỏi, ngành, nghề này có phải là ngành, nghề kinh doanh có điều kiện hay không? Hồ sơ, trình tự, thủ tục để thông báo bổ sung ngành, nghề này quy định như thế nào?
Trả lời:
Tạp chí Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư

I. Đăng ký chuyển đổi từ hộ kinh doanh thành công ty TNHH hai thành viên trở lên

Khoản 1 Điều 27 Nghị định số 01/2021/NĐ-CP ngày 04/01/2021 của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp quy định: “Việc đăng ký thành lập doanh nghiệp trên cơ sở chuyển đổi từ hộ kinh doanh thực hiện tại Phòng Đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp dự định đặt trụ sở chính”.

Theo quy định tại Điều 23 và khoản 2 Điều 27 Nghị định số 01/2021/NĐ-CP thì hồ sơ đăng ký thành lập công ty TNHH hai thành viên trở lên trên cơ sở chuyển đổi từ hộ kinh doanh bao gồm:

a) Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp;

b) Điều lệ công ty;

c) Danh sách thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên;

d) Bản chính Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh;

e) Bản sao các giấy tờ sau đây:

- Giấy chứng nhận đăng ký thuế;

- Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp;

- Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với thành viên công ty là cá nhân; Giấy tờ pháp lý của tổ chức đối với thành viên là tổ chức; Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người đại diện theo ủy quyền của thành viên là tổ chức và văn bản cử người đại diện theo ủy quyền. Đối với thành viên là tổ chức nước ngoài thì bản sao giấy tờ pháp lý của tổ chức phải được hợp pháp hóa lãnh sự.

Trường hợp doanh nghiệp được chuyển đổi từ hộ kinh doanh có nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tham gia góp vốn thuộc trường hợp phải thực hiện thủ tục đăng ký góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp theo quy định của Luật Đầu tư thì hồ sơ phải có văn bản của Cơ quan đăng ký đầu tư chấp thuận về việc góp vốn của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài.

Trình tự thực hiện thủ tục đăng ký chuyển đổi từ hộ kinh doanh thành công ty TNHH hai thành viên trở lên quy định tại khoản 1, khoản 3 Điều 32 Nghị định số 01/2021/NĐ-CP. Theo đó, người nộp hồ sơ nộp hồ sơ tại Phòng Đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính. Sau khi tiếp nhận hồ sơ đăng ký doanh nghiệp, Phòng Đăng ký kinh doanh trao Giấy biên nhận về việc nhận hồ sơ cho người nộp hồ sơ.

Khoản 1, khoản 2 Điều 33 Nghị định số 01/2021/NĐ-CP quy định Phòng Đăng ký kinh doanh cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ. Trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ hoặc tên doanh nghiệp yêu cầu đăng ký không đúng theo quy định, Phòng Đăng ký kinh doanh phải thông báo bằng văn bản nội dung cần sửa đổi, bổ sung cho người thành lập doanh nghiệp hoặc doanh nghiệp trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ. Phòng Đăng ký kinh doanh ghi toàn bộ yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ đăng ký doanh nghiệp đối với mỗi một bộ hồ sơ do doanh nghiệp nộp trong một Thông báo yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ đăng ký doanh nghiệp.

II. Thông báo bổ sung ngành, nghề “kinh doanh thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi”

Khoản 1 Điều 7 Luật Đầu tư năm 2020 quy định: “Ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện là ngành, nghề mà việc thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh trong ngành, nghề đó phải đáp ứng điều kiện cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”.

Theo quy định tại Phụ lục IV về Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện ban hành kèm theo Luật Đầu tư năm 2020 thì “kinh doanh thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi” là ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 8 Luật Doanh nghiệp năm 2020 thì nghĩa vụ của doanh nghiệp là đáp ứng đủ điều kiện đầu tư kinh doanh khi kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của pháp luật và bảo đảm duy trì đủ điều kiện đó trong suốt quá trình hoạt động kinh doanh.

Khoản 8 Điều 7 Nghị định số 01/2021/NĐ-CP quy định: “Việc quản lý nhà nước đối với ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài và kiểm tra việc chấp hành điều kiện kinh doanh của doanh nghiệp thuộc thẩm quyền của cơ quan chuyên ngành theo quy định của pháp luật chuyên ngành”.

Hồ sơ, trình tự, thủ tục thông báo thay đổi ngành, nghề kinh doanh quy định tại Điều 56 Nghị định số 01/2021/NĐ-CP ngày 04/01/2021 của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp.

Tạp chí Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư

NHÓM NỘI DUNG: QUY ĐỊNH VỀ ĐĂNG KÝ NGÀNH, NGHỀ KINH DOANH CỦA DOANH NGHIỆP

11-10-2023 22:04
Hỏi:Chúng tôi dự định thành lập công ty TNHH hai thành viên trở lên có 100% vốn trong nước để kinh doanh ngành, nghề “Kinh doanh dịch vụ cầm đồ”. Xin hỏi, cách ghi ngành, nghề kinh doanh này khi thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp như thế nào? Ngành, nghề “Kinh doanh dịch vụ cầm đồ” có phải là ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện hay không? Chúng tôi có thể tiến hành hoạt động kinh doanh ngành, nghề “Kính doanh dịch vụ cầm đồ” ngay khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp không?
Trả lời:
Tạp chí Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư

1. Về việc ghi ngành, nghề kinh doanh trong đăng ký doanh nghiệp

Việc ghi ngành, nghề kinh doanh quy định tại Điều 7 Nghị định số 01/2021/NĐ-CP ngày 04/01/2021 của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp. Theo đó, khi đăng ký thành lập doanh nghiệp, người thành lập doanh nghiệp hoặc doanh nghiệp lựa chọn ngành kinh tế cấp bốn trong Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam để ghi ngành, nghề kinh doanh trong Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp. Cơ quan đăng ký kinh doanh hướng dẫn, đối chiếu và ghi nhận ngành, nghề kinh doanh của doanh nghiệp vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. Nội dung cụ thể của ngành kinh tế cấp bốn quy định tại khoản 1 Điều này thực hiện theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam. Trường hợp doanh nghiệp có nhu cầu ghi ngành, nghề kinh doanh chi tiết hơn ngành kinh tế cấp bốn thì doanh nghiệp lựa chọn một ngành kinh tế cấp bốn trong Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam, sau đó ghi chi tiết ngành, nghề kinh doanh của doanh nghiệp dưới ngành cấp bốn nhưng phải đảm bảo ngành, nghề kinh doanh chi tiết của doanh nghiệp phù hợp với ngành cấp bốn đã chọn. Trong trường hợp này, ngành, nghề kinh doanh của doanh nghiệp là ngành, nghề kinh doanh chi tiết doanh nghiệp đã ghi.

Theo quy định tại Phụ lục II về nội dung Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định số 27/2018/QĐ-TTg ngày 06/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam thì “dịch vụ cầm đồ” được phân vào nhóm 6492 – Hoạt động cấp tín dụng khác.

Căn cứ các quy định nêu trên, khi đăng ký kinh doanh ngành, nghề “Kinh doanh dịch vụ cầm đồ”, người thành lập doanh nghiệp ghi tên ngành kinh tế cấp bốn là “Hoạt động cấp tín dụng khác”, mã ngành là “6492” và ghi ngành, nghề chi tiết là “Kinh doanh dịch vụ cầm đồ” dưới ngành kinh tế cấp bốn nêu trên trên Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp.

Mẫu Giấy đề nghị đăng ký công ty TNHH hai thành viên trở lên quy định tại Phụ lục I-3 ban hành kèm theo Thông tư số 01/2021/TT-BKHĐT ngày 16/3/2021 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn về đăng ký doanh nghiệp.

2. Về ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện

Khoản 1 Điều 7 Luật Đầu tư năm 2020 quy định ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện là ngành, nghề mà việc thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh trong ngành, nghề đó phải đáp ứng điều kiện cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng.

Theo quy định tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Luật Đầu tư năm 2020 thì “Kinh doanh dịch vụ cầm đồ” là ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.

Theo quy định tại khoản 2 Điều 34 Nghị định số 01/2021/NĐ-CP thì doanh nghiệp có quyền hoạt động kinh doanh kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, trừ trường hợp kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.

Khoản 1 Điều 8 Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định một trong những nghĩa vụ của doanh nghiệp là đáp ứng đủ điều kiện đầu tư kinh doanh khi kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện; ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của pháp luật và bảo đảm duy trì đủ điều kiện đó trong suốt quá trình hoạt động kinh doanh.

Căn cứ các quy định nêu trên, doanh nghiệp có quyền hoạt động kinh doanh ngành, nghề “Kinh doanh dịch vụ cầm đồ” kể từ khi đáp ứng đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ cầm đồ và bảo đảm duy trì đủ điều kiện đó trong suốt quá trình hoạt động kinh doanh.

( 20 Q&A ) 1 2
Based on MasterCMS Ultimate Edition v2.9 2024