Cải thiện môi trường kinh doanh, trụ cột quan trọng của cải cách thế chế

Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xác định 3 đột phá chiến lược, trong đó có đột phá về cải cách thể chế. Theo đó, Nghị quyết nhấn mạnh: “Tập trung ưu tiên hoàn thiện đồng bộ, có chất lượng và tổ chức thực hiện tốt hệ thống luật pháp, cơ chế, chính sách, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, lành mạnh, công bằng cho mọi thành phần kinh tế, thúc đẩy đổi mới sáng tạo…”. Như vậy, môi trường kinh doanh là một trụ cột quan trọng của cải cách thể chế, để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế phát triển; đóng góp có ý nghĩa đối với phát triển kinh tế của ngành, địa phương và của quốc gia.

Phục hồi đẩy mạnh cải cách tạo điểm tựa thúc đẩy phát triển doanh nghiệp
Hội nghị triển khai Nghị quyết số 02/NQ-CP: Cải cách tạo điểm tựa thúc đẩy phát triển doanh nghiệp

Với tầm quan trọng đó, Chính phủ xác định cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh là một nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên; được thực thi xuyên suốt từ Trung ương tới địa phương. Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao là cơ quan tham mưu cho Chính phủ ban hành các cơ chế, chính sách về thúc đẩy cải cách thể chế, tạo lập môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận lợi, an toàn, phù hợp với thông lệ quốc tế và thích ứng với xu hướng phát triển cho nhà đầu tư và doanh nghiệp; đồng thời thực hiện vai trò đôn đốc, theo dõi, giám sát và đánh giá tình hình và kết quả thực thi của các bộ, ngành, địa phương.

Nghị quyết 02 khôi phục niềm tin và động lực cho doanh nghiệp

Phát biểu khai mạc Hội nghị, TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, từ năm 2014, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu cho Chính phủ hàng năm ban hành Nghị quyết về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia (Nghị quyết số 19/NQ-CP và Nghị quyết số 02/NQ-CP). Năm 2023, Chính phủ gộp nhiệm vụ cải cách môi trường kinh doanh vào thành một nội dung của Nghị quyết số 01, nhằm khẳng định môi trường kinh doanh là nhiệm vụ trong điều hành và phát triển kinh tế - xã hội. Tuy vậy, do chỉ là một trong các nhiệm vụ của Nghị quyết số 01, nên mức độ quan tâm, động lực cải cách của các bộ, ngành, địa phương "mờ" hơn.

Trong khi đó, năm 2023, doanh nghiệp tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức cả từ bên ngoài cũng như lực cản trong nước. Với nhiều lĩnh vực, rào cản đầu tư, kinh doanh trở nên nặng nề hơn; môi trường kinh doanh chạm đến những vấn đề khó, mang tính liên ngành. Điều này tác động không nhỏ tới niềm tin và động lực của nhà đầu tư, doanh nghiệp. Vì thế, nguồn lực doanh nghiệp chưa được khơi thông hiệu quả.

Phục hồi đẩy mạnh cải cách tạo điểm tựa thúc đẩy phát triển doanh nghiệp
TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng CIEM phát biểu khai mạc Hội nghị

Trong bối cảnh đó, để hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp phục hồi và phát triển, năm 2023, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời chỉ đạo, sửa đổi, bổ sung, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách theo thẩm quyền và quyết liệt triển khai nhiều giải pháp để tháo gỡ khó khăn, khơi thông các điểm nghẽn thể chế cho doanh nghiệp. Nhờ đó, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, giải ngân vốn đầu tư công đạt kết quả tích cực. Kết quả này tạo đà phục hồi và phát triển cho khu vực tư nhân, đồng thời xếp hạng tín nhiệm quốc gia được cải thiện. Trên các bảng xếp hạng quốc tế, hiệu quả thị trường tăng hạng đáng kể, từ thứ hạng 105 (năm 2020) lên thứ hạng 90 (năm 2021), 84 (năm 2022) và đạt thứ hạng 72 (năm 2023). Chỉ số Phát triển bền vững (SDG) tăng điểm liên tục qua các năm, hiện xếp thứ 55 (năm 2022). Đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) năm 2023 ở vị trí thứ 46, tăng 2 bậc so với năm 2022. Hiệu quả logistics của nước ta cũng được ghi nhận cải thiện về chất lượng.

Tuy nhiên, theo Viện trưởng CIEM, tình hình hoạt động của doanh nghiệp năm 2023 cho thấy, cộng đồng doanh nghiệp gặp khó khăn hơn so với các năm trước. Tăng trưởng về số doanh nghiệp thành lập mới, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, vốn đăng ký và lao động đều giảm so với cùng kỳ năm 2022. Trong khi đó, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường cao hơn nhiều so với cùng kỳ. Năng lực hấp thụ vốn sụt giảm khiến tăng trưởng tín dụng chậm mặc dù Ngân hàng Nhà nước liên tục hạ lãi suất điều hành. Xuất khẩu vẫn gặp nhiều khó khăn, chậm phục hồi. “Dự báo năm 2024, các thuận lợi, khó khăn vẫn tiếp tục đan xen, nhưng khó khăn nhiều hơn. Riêng trong tháng 1/2024, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường gấp gần 2 lần số doanh nghiệp gia nhập thị trường. Thực tế này cho thấy, doanh nghiệp đang đối mặt với rất nhiều thách thức, khó khăn. Hơn lúc nào hết nỗ lực cải cách môi trường kinh doanh cần tăng tốc và thực thi thực chất, để củng cố niềm tin và tạo động lực kinh doanh cho doanh nghiệp”, TS. Trần Thị Hồng Minh nhấn mạnh.

Với các lý do nêu trên, Chính phủ đã khôi phục lại Chương trình cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh bằng việc ban hành Nghị quyết số 02/NQ-CP, ngày 05/01/2024 nhằm tạo áp lực, đồng thời khơi dậy động lực, tinh thần cải cách của các bộ, ngành, địa phương. Sự trở lại của Nghị quyết mang theo thông điệp rằng, cải thiện môi trường kinh doanh là nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên, thể hiện mức độ quan tâm và đồng hành của Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp. Qua đó, Nghị quyết số 02/NQ-CP được kỳ vọng góp phần củng cố niềm tin của nhà đầu tư, doanh nghiệp; khơi dậy động lực, tinh thần kinh doanh; từ đó thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế.

Theo bà Minh, tại Nghị quyết số 02/NQ-CP, Chính phủ tiếp tục xác định các mục tiêu cải cách theo thông lệ quốc tế, có chọn lọc trọng tâm để phù hợp với vấn đề, bất cập, tồn tại của từng năm. Theo đó, đặt ra cụ thể một số mục tiêu nâng hạng các chỉ số quốc tế như: Phát triển bền vững thuộc Nhóm 50 nước đứng đầu; Năng lực Đổi mới sáng tạo toàn cầu tăng ít nhất 3 bậc; Chính phủ điện tử tăng ít nhất 5 bậc; Quyền tài sản tăng ít nhất 2 bậc; Hiệu quả logistics tăng ít nhất 4 bậc; Năng lực phát triển du lịch và lữ hành tăng ít nhất 2 bậc; và An toàn an ninh mạng thuộc nhóm 30 nước đứng đầu. Đồng thời, Chính phủ cũng xác định mục tiêu cụ thể về số doanh nghiệp gia nhập thị trường năm 2024 tăng ít nhất 10% so với năm 2023; số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường năm 2024 tăng dưới 10% so với năm 2023. Mục tiêu cuối cùng là để doanh nghiệp thành lập nhiều hơn, hoạt động thuận lợi hơn, hiệu quả hơn và số doanh nghiệp dừng, tạm dừng hoạt động, đóng cửa giảm đi, tăng số lượng doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số.

Để thực hiện các mục tiêu này, Chính phủ xác định 7 nhóm nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2024, đồng thời gắn với trách nhiệm cụ thể của các bộ, ngành, cơ quan, địa phương. Những nhóm giải pháp này hướng tới giải quyết các vướng mắc, bất cập cụ thể và đang gây cản trở hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp. “Có những giải pháp có thể thực hiện ngay; có những giải pháp cần có sự phối hợp và hoàn thiện trong dài hạn hơn”, bà Minh cho biết.

Cần chuyển biến thành hành động thực tiễn

Tại Hội nghị, các ý kiến từ chuyên gia, đại diện hiệp hội doanh nghiệp và doanh nghiệp đều ghi nhận sự chỉ đạo thường xuyên, rốt ráo của Chính phủ về cải cách môi trường kinh doanh. Tuy nhiên, điều đáng quan ngại là vẫn còn khoảng cách rất lớn và ngày càng gia tăng giữa các chỉ đạo về cải cách môi trường kinh doanh và chuyển biến trên thực tế. “Các phiên họp Chính phủ hàng tháng luôn nhấn mạnh tới yêu cầu này; nhiều văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng đã được ban hành nhằm thúc đẩy việc thực thi. Điều này cho thấy chủ trương đẩy mạnh cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh của Chính phủ là thường xuyên, xuyên suốt và nhất quán. Tuy nhiên, thực tế việc triển khai thực thi cải cách môi trường kinh doanh còn chậm hoặc chưa chuyển biến; thậm chí có lĩnh vực, rào cản nặng nề hơn. Báo cáo của các Ủy ban của Quốc hội cũng phản ánh tình trạng này. Tại nhiều diễn đàn và ở nhiều nơi, doanh nghiệp chia sẻ ngày càng nhiều vướng mắc, bất cập. Tuy vậy, rất ít khó khăn được giải quyết, từ đó khiến sức khỏe của doanh nghiệp bị bào mòn và niềm tin sụt giảm”, TS. Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Ban Nghiên cứu Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh CIEM nêu thực trạng.

Phục hồi đẩy mạnh cải cách tạo điểm tựa thúc đẩy phát triển doanh nghiệp
TS. Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Ban Nghiên cứu Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh CIEM giới thiệu về Nghị quyết 02/NQ-CP

Cụ thể, theo bà Thảo, thực tế thời gian qua cho thấy, môi trường kinh doanh còn tồn tại rất nhiều thách thức. Điều này thế hiện ở sự duy trì một cách đáng lo ngại các rào cản về ngành nghề và điều kiện kinh doanh, đây vẫn là trở ngại lớn, làm tăng chi phí tuân thủ và giảm động lực đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp. Đáng chú ý, tiến trình cải cách công tác quản lý, kiểm tra chuyên ngành vốn được nhiều cơ quan chức năng triển khai hết sức quyết liệt và rốt ráo trước đây theo chỉ đạo của Chính phủ, song cũng đã chững lại từ năm 2019 mặc dù nội dung này có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với hoạt động xuất nhập khẩu và khai thác lợi thế của các hiệp định Thương mại tự do. Bên cạnh đó, theo báo cáo của các bộ, ngành, địa phương, số lượng dịch vụ công trực tuyến có sự cải thiện mạnh mẽ, nhưng thực tế thực thi vẫn còn hình thức. Nỗ lực cải cách ở một số địa phương chưa rõ nét, còn hình thức, chưa thực sự bám sát với thực tiễn doanh nghiệp. Cùng với đó, những bất cập về chất lượng quy định pháp luật, rào cản về thể chế thúc đẩy đổi mới sáng tạo vẫn là những trở ngại rất lớn thách thức các nỗ lực cải cách trên phương diện thực thi.

Từ góc nhìn của đại diện cộng đồng doanh nghiệp. Phó Tổng thư ký, Trưởng Ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), ông Đậu Anh Tuấn cũng cho rằng, bên cạnh những mặt đã được cải thiện theo hướng thuận lợi hơn, như tài liệu được đơn giản hóa, thời gian giải quyết thủ tục rút ngắn, phương thức thực hiện qua điện tử phổ biến hơn, nhiều quy định vướng mắc liên quan đến điều kiện kinh doanh được kịp thời sửa đổi…, thì một số phương án cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh còn hình thức; đề xuất cắt giảm còn thiếu tính đột phá. “Nhiều vướng mắc mà doanh nghiệp phản ánh chưa được xem xét. Đặc biệt, trong quá trình rà soát cắt giảm các văn bản hiện hành. Có hiện tượng các văn bản đang soạn thảo lại bổ sung rào cản mới”, ông Tuấn nêu và dẫn chứng Nghị định số 10/2020/NĐ-CP yêu cầu doanh nghiệp vận tải hành khách hợp đồng phải cung cấp tối thiểu nội dung hợp đồng vận chuyển đến Sở Giao thông vận tải bằng email trước mỗi chuyến đi, trong khi đó doanh nghiệp có hàng trăm chuyến đi mỗi ngày, việc yêu cầu cung cấp thông tin như trên tạo nên chi phí tuân thủ rất lớn. Điều này gây khó khăn cả cho cơ quan quản lý, khi mỗi ngày nhận được hàng trăm email.

Hay một ví dụ thực tế khác về vướng mắc, tồn tại mà doanh nghiệp đã phản ánh từ lâu này nhưng chưa sửa, đó là Nghị định số 09/2016/NĐ-CP yêu cầu tăng cường iốt vào muối dùng để ăn trực tiếp, chế biến thực phẩm; bột mỳ dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường sắt và kẽm. “Doanh nghiệp trong lĩnh vực thực phẩm phản đối rất mạnh mẽ quy định này vì gây rất nhiều khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tăng chi phí và giảm năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, thiếu hiệu quả và không phù hợp với quốc tế. Nghị quyết số 19/2018/NQ-CP đã yêu cầu sửa đổi quy định này, song đến nay vẫn chưa có nghị định sửa đổi”, ông Tuấn cho biết.

Chính vì vậy, nhận thức rõ trực trạng và các hệ lụy kéo theo từ sự chững lại này của tiến trình cải cách, Chính phủ đã khôi phục lại chương trình cải thiện môi trường kinh doanh với sự trở lại của Nghị quyết 02/NQ-CP năm 2024 trên cơ sở kế thừa và phát triển cách tiếp cận đã thực hiện trước đây tại các Nghị quyết số 19/NQ-CP và Nghị quyết số 02/NQ-CP. Theo TS. Nguyễn Minh Thảo, sự trở lại của Nghị quyết số 02/NQ-CP khẳng định rõ quan điểm chỉ đạo của Chính phủ là đảm bảo quyền tự do kinh doanh; tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho hoạt động đầu tư, kinh doanh và phát triển các ý tưởng kinh doanh mới, sáng tạo; Nâng cao chất lượng xây dựng chính sách; Thực hiện đánh giá tác động, tham vấn thực chất, đối thoại công khai; Nâng cao chất lượng thực thi pháp luật; Duy trì và nhân rộng các kinh nghiệm chính sách tốt; Kịp thời tạo lập và hoàn thiện thể chế, chính sách để thích ứng linh hoạt, phù hợp với những xu thế phát triển mới như: đổi mới sáng tại, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh. Nghị quyết số 02/NQ-CP cũng dựa vào các nhận định, đánh giá quốc tế để tạo động lực cải cách trong nước, góp phần khôi phục niềm tin và động lực sản xuất kinh doanh cho cộng đồng doanh nghiệp và cải thiện năng lực cạnh tranh quốc gia.

Bà Thảo cũng cho biết, theo Nghị quyết số 02/NQ-CP, trước ngày 20/01/2024, các bộ, ngành, địa phương phải ban hành Chương trình, Kế hoạch hành động. Tuy nhiên, đến hết ngày 28/02/2024, Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới nhận được Kế hoạch hành động của 16/26 bộ, cơ quan và 48/63 địa phương. “Sự trở lại của Chương trình cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh đưa ra thông điệp mạnh mẽ của Chính phủ, cải thiện môi trường kinh doanh để củng cố niềm tin, tạo điểm tựa cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, thách thức lớn là cần khơi dậy động lực, tạo áp lực thường xuyên, liên tục và cần sự đồng hành của nhiều bên. Do đó, việc tổ chức thực thi hiệu quả Nghị quyết để biến mục tiêu thành hành động thực tế là điều cộng đồng doanh nghiệp đang hết sức mong chờ”, bà Thảo nhấn mạnh.

Phối hợp chặt chẽ, đồng bộ tạo chuyển biến mạnh mẽ trong thực thi

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông nhận định, bước sang năm 2024, nhiều tổ chức dự báo kinh tế nước ta bên cạnh những thuận lợi thì vẫn tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức. “Vì vậy, những giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, đảm bảo môi trường chính sách an toàn, thuận lợi cho doanh nghiệp cần được coi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của các bộ, ngành, địa phương và nỗ lực thực thi cần mạnh mẽ hơn”, Thứ trưởng Trần Duy Đông nhấn mạnh.

Phục hồi đẩy mạnh cải cách tạo điểm tựa thúc đẩy phát triển doanh nghiệp
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông phát biểu kết luận Hội nghị

Theo đó, Thứ trưởng đề nghị lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương cần coi việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh là nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên, trực tiếp chỉ đạo thực hiện Nghị quyết. Đối với các bộ, ngành, địa phương chưa ban hành Chương trình, Kế hoạch hành động, đề nghị khẩn trương ban hành ngay và gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Chính phủ để tổng hợp, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, Kế hoạch hành động cần xác định cụ thể mục tiêu, nhiệm vụ và lộ trình thực hiện; đồng thời phân công trách nhiệm rõ ràng… Việc triển khai thực hiện cần nghiêm túc, đầy đủ các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết. Đồng thời, xây dựng cơ chế theo dõi, đôn đốc, đánh giá, giám sát quá trình triển khai thực hiện để tạo áp lực chuyển động cải cách thực chất; xác định rõ trách nhiệm của từng cá nhân, tổ chức, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong thực hiện nhiệm vụ được phân giao; kịp thời nhận diện các vướng mắc trong quá trình thực thi để tháo gỡ khó khăn hoặc đề xuất hướng xử lý những vướng mắc thuộc chức năng của các cấp có thẩm quyền.

Cần có cơ chế tạo động lực khuyến khích các nỗ lực và sáng kiến cải cách hiệu quả; đảm bảo kỷ luật, kỷ cương đối với cán bộ, công chức trong thực thi công vụ. Các bên cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Chính phủ để kịp thời cập nhật và báo cáo tình hình và kết quả thực hiện Nghị quyết.

Cũng theo Thứ trưởng, hoạt động đối thoại, trao đổi với người dân và doanh nghiệp cần thực chất hơn, thường xuyên hơn; trong phạm vi thẩm quyền, giải quyết ngay các khó khăn, vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp chứ không chỉ là lắng nghe vấn đề. Đồng thời, việc quan tâm tới hoạt động thanh tra, kiểm tra để đảm bảo áp dụng đúng các nguyên tắc hậu kiểm.

Đối với các hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng và cộng đồng doanh nghiệp, Thứ trưởng Trần Duy Đông đề nghị chủ động, tích cực tham gia phản biện, đóng góp chính sách; đồng thời, chia sẻ và phản ánh các vấn đề, vướng mắc, khó khăn; đề xuất các kiến nghị liên quan đến chính sách và thực thi chính sách để đảm bảo hiệu quả quản lý nhà nước, đồng thời tạo thuận lợi, an toàn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Các hiệp hội doanh nghiệp cần phối hợp, trao đổi, chia sẻ các mối quan tâm của nhau, ủng hộ lẫn nhau trong đề xuất các sáng kiến, kiến nghị cụ thể về cải thiện môi trường kinh doanh. Đồng thời, chia sẻ các thực tiễn tốt từ kinh nghiệm hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trên thị trường toàn cầu.

Trên cơ sở các báo cáo, phản ánh và kiến nghị của các bộ, ngành, địa phương, chuyên gia và doanh nghiệp, Thứ trưởng đề nghị Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế) tiếp tục hoàn thiện chính sách thuế để đảm bảo tính minh bạch, ổn định, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính thuế; đồng thời đảm bảo hoạt động thu thuế hiệu quả. Các bộ quản lý chuyên ngành tham khảo cách tiếp cận tiên tiến về quản lý nhà nước tại Nghị định số 15/2018/NĐ-CP (về quản lý an toàn thực phẩm); không khôi phục các thủ tục, giấy phép, điều kiện đã bãi bỏ, đơn giản hóa hoặc mở rộng thêm các điều kiện, thủ tục không cần thiết. Đề nghị các địa phương tham khảo thực tiễn tốt trong triển khai các chỉ số cấp địa phương và các sáng kiến cải cách về thu hút đầu tư, kinh doanh để nâng cao hiệu quả của chính quyền trong điều hành và phục vụ người dân, doanh nghiệp.

“Về phần mình, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và các bên liên quan thúc đẩy các nỗ lực cải cách thể chế, tạo lập môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận lợi, an toàn nhằm tạo sự chuyển biến nhanh trong phục hồi và phát triển kinh tế”, Thứ trưởng Trần Duy Đông nhấn mạnh./.