Du lịch staycation: Cơ hội và thách thức trong phát triển du lịch địa phương
Nguyễn Thị Bảo Uyên, Đinh Thị Ngọc Luyến, Nguyễn Thị Bình Nguyên
Trường Đại học Kiến trúc Đà Nẵng
Tác giả liên hệ: Nguyễn Thị Bảo Uyên, Email: uyenntb@dau.edu.vn
Tóm tắt
Staycation (du lịch tại chỗ) không còn đơn thuần là giải pháp thay thế tạm thời trong giai đoạn đại dịch Covid-19, mà còn thể hiện sự thay đổi có tính bền vững trong xu hướng du lịch toàn cầu. Xu hướng này mang đến nhiều cơ hội cho các địa phương, như: thúc đẩy sự phát triển kinh tế địa phương và đa dạng hóa sản phẩm du lịch, đa dạng hóa thị trường khách du lịch, tạo động lực đầu tư cơ sở hạ tầng và phát triển sản phẩm du lịch mới. Tuy nhiên, việc triển khai staycation tại Việt Nam còn gặp phải một số khó khăn, thách thức. Bài viết nhằm đề xuất một số giải pháp nhằm khai thác tối đa tiềm năng của staycation tại Việt Nam.
Từ khóa: du lịch tại chỗ, du lịch địa phương, điểm đến du lịch, du lịch
Summary
Staycation is no longer simply a temporary alternative during the Covid-19 pandemic but also represents a sustainable change in global tourism trends. This trend brings many opportunities for localities, such as: promoting local economic development and diversifying tourism products, diversifying tourist markets, creating incentives for infrastructure investment, and developing new tourism products. However, the implementation of staycation in Vietnam still faces some difficulties and challenges. This article aims to propose some solutions to maximize the potential of staycation in Vietnam.
Keywords: staycation, local tourism, tourist destinations, tourism
ĐẶT VẤN ĐỀ
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự phát triển không ngừng của ngành du lịch, Staycation đã nổi lên như một xu hướng du lịch mới đầy tiềm năng. Thuật ngữ này được ghép từ "stay" (ở lại) và "vacation" (kỳ nghỉ), chỉ hình thức nghỉ dưỡng tại địa phương hoặc các điểm đến gần nơi cư trú (Irfan và Lahlou, 2024). Ra đời như một giải pháp thích ứng trong giai đoạn đại dịch Covid-19, Staycation đã nhanh chóng vượt qua vai trò là một lựa chọn thay thế tạm thời để trở thành xu hướng du lịch bền vững và ngày càng được ưa chuộng.
Trong nhịp sống hiện đại với áp lực công việc và những thách thức về kinh tế, Staycation đã khẳng định vai trò là giải pháp du lịch hiệu quả, đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng và giải trí của người dân. Không chỉ mang lại lợi ích về thời gian và chi phí, hình thức du lịch này còn tạo cơ hội quý giá để người dân tái khám phá và thấu hiểu sâu sắc hơn về giá trị văn hóa, cảnh quan của chính quê hương mình. Đồng thời, sự phát triển của Staycation mở ra cơ hội phát triển kinh tế đáng kể cho các địa phương thông qua việc đa dạng hóa sản phẩm du lịch và tạo việc làm cho người dân.
Tại Việt Nam, Staycation đang ngày càng khẳng định vị thế, đặc biệt tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng - những nơi sở hữu lợi thế về cảnh quan và cơ sở hạ tầng du lịch. Theo số liệu từ Tổng cục Du lịch, trong tổng số 108 triệu lượt khách du lịch nội địa năm 2023, có tới gần 30% là các chuyến du lịch ngắn ngày trong phạm vi tỉnh/thành phố, phản ánh tiềm năng to lớn của thị trường Staycation. Tuy nhiên, để phát triển bền vững, các địa phương cần giải quyết nhiều thách thức về quy hoạch, cơ sở hạ tầng, phát triển sản phẩm du lịch đặc thù, nguồn nhân lực và chiến lược marketing. Đặc biệt quan trọng là việc duy trì sức hấp dẫn lâu dài của các điểm đến và tạo ra những trải nghiệm du lịch có khả năng cạnh tranh với các hình thức du lịch truyền thống.
Nghiên cứu này nhằm phân tích toàn diện hơn về xu hướng Staycation trong bối cảnh Việt Nam, xác định các yếu tố then chốt ảnh hưởng đến sự thành công của mô hình du lịch này, từ đó đề xuất các giải pháp phát triển phù hợp góp phần thúc đẩy ngành du lịch Việt Nam phát triển bền vững và đa dạng hơn trong tương lai.
KHÁI QUÁT VỀ STAYCATION
Xu hướng du lịch staycation được xem như là một sự thích ứng đối với những thay đổi trong điều kiện kinh tế và xã hội, đặc biệt sau khủng hoảng kinh tế toàn cầu và các đại dịch, như đại dịch Covid-19, khi mà việc đi lại bị giới hạn nghiêm ngặt (Richards, 2021). Du lịch staycation là một hình thức du lịch trong đó du khách không di chuyển xa khỏi nơi cư trú mà thay vào đó trải nghiệm những hoạt động giải trí, thư giãn ngay tại địa phương (Molz, J.G, 2010). Theo Heimtun (2012), staycation được coi là một xu hướng du lịch bền vững, vì nó giảm thiểu tác động đến môi trường so với các loại hình du lịch truyền thống, đặc biệt là giảm thiểu khí thải carbon do việc hạn chế sử dụng các phương tiện giao thông đường dài.
Staycation đại diện cho một làn sóng chuyển đổi của du lịch toàn cầu, phản ánh sự thay đổi trong nhận thức và hành vi của du khách hiện đại. Khác với các hình thức du lịch truyền thống với những chuyến đi xa, Staycation tập trung vào việc tận hưởng những trải nghiệm du lịch trong phạm vi bán kính hẹp, thường không cần lưu trú qua đêm hoặc chỉ lưu trú trong thời gian ngắn. Các hoạt động của staycation có thể là những chuyến tham quan một ngày đến các điểm du lịch địa phương hoặc những chương trình ngắn ngày tại các địa điểm gần nơi cư trú. Với đa dạng các hoạt động từ trong nhà đến ngoài trời, có thể là các dịch vụ du lịch hoặc đơn giản là các hoạt động giao lưu, trải nghiệm văn hóa, khám phá thiên nhiên và vui chơi giải trí, hay tận hưởng những hoạt động đơn giản như dạo chơi trong công viên gần nhà, tham quan bảo tàng địa phương hay tham dự các lễ hội trong vùng (Mc Cabe và cộng sự, 2015). Mặc dù diễn ra trong không gian quen thuộc, staycation vẫn đem đến cho người tham gia những trải nghiệm du lịch độc đáo và mới mẻ theo cách riêng của nó. Bên cạnh đó, ưu điểm nổi trội của staycation còn giúp tránh được những bất tiện và áp lực thường gặp khi đi du lịch với khoảng cách di chuyển xa hay sắp xếp lịch trình dài ngày.
Nếu tiếp cận theo phạm vi di chuyển, để phân biệt với du lịch nội địa là hình thức du lịch trong phạm vi một quốc gia, và du lịch quốc tế là đi đến vùng quốc gia lãnh thổ khác ngoài biên giới (UNWTO, 1995), du khách di chuyển từ nơi này đến nơi khác để trải nghiệm những điều mới mẻ và khác biệt so với nơi họ sinh sống, thì staycation là một khái niệm hẹp hơn trong phạm vi du lịch nội địa (Hình). Điểm khác biệt chính giữa 2 hình thức này nằm ở khoảng cách di chuyển - staycation thường chỉ giới hạn trong phạm vi khoảng 80 km tính từ nơi cư trú (Yesawich P., 2010; Theobald WF, 2012).
Hình: Phân biệt hình thức du lịch theo phạm vi di chuyển
Nguồn: Yesawich P. (2010), Theobald WF (2012) |
Đặc điểm nổi bật của Staycation là khả năng tạo ra trải nghiệm du lịch chất lượng cao với chi phí hợp lý (Nuswantoro và cộng sự, 2024). Hình thức du lịch này cho phép du khách tối ưu hóa ngân sách du lịch bằng cách cắt giảm chi phí di chuyển và lưu trú, đồng thời dành nhiều nguồn lực hơn cho các hoạt động trải nghiệm và mua sắm tại điểm đến.
Về bản chất, Staycation được xây dựng dựa trên ba yếu tố cốt lõi: Thứ nhất là tính địa phương (locality), thể hiện qua việc khám phá và trải nghiệm các điểm đến gần nhà (Moon và Chan, 2022). Thứ hai là tính trải nghiệm (experiential), tập trung vào việc tham gia các hoạt động có ý nghĩa và tương tác sâu với văn hóa, con người địa phương (Wong và cộng sự, 2023). Thứ ba là tính linh hoạt (flexibility), cho phép du khách dễ dàng điều chỉnh kế hoạch và thời gian du lịch theo nhu cầu cá nhân (Giannoukou và cộng sự, 2022).
Từ góc độ tâm lý học du lịch, Staycation đáp ứng xu hướng "slow tourism" (du lịch chậm) đang ngày càng được ưa chuộng (Molz, 2009; Saidin và cộng sự, 2024). Hình thức du lịch này khuyến khích du khách dành thời gian khám phá kỹ lưỡng một địa điểm, thay vì vội vàng đi nhiều nơi như du lịch truyền thống. Điều này không chỉ mang lại trải nghiệm sâu sắc hơn, mà còn góp phần giảm áp lực cho du khách và tăng cường sự kết nối với cộng đồng địa phương.
Staycation đã và đang phát triển theo hướng ngày càng đa dạng hóa, với nhiều hình thức độc đáo, đáp ứng chính xác nhu cầu và sở thích của từng nhóm đối tượng khách hàng khác nhau. Du lịch văn hóa tại địa phương cho phép khám phá di tích lịch sử, bảo tàng và làng nghề truyền thống, trong khi du lịch ẩm thực tập trung vào việc thưởng thức các món đặc sản và tìm hiểu văn hóa ẩm thực đặc trưng của địa phương. Đối với những người yêu thiên nhiên, du lịch sinh thái mang đến trải nghiệm tham quan các khu bảo tồn thiên nhiên, và trang trại gần đô thị. Hình thức du lịch nghỉ dưỡng ngắn ngày phục vụ nhu cầu thư giãn thông qua việc sử dụng dịch vụ của các resort, spa và khách sạn cao cấp trong khu vực. Cuối cùng, du lịch thể thao và giải trí đáp ứng nhu cầu vận động và giải trí qua các hoạt động tại các khu vui chơi và công viên địa phương.
CƠ HỘI VÀ THÁCH THỨC KHI PHÁT TRIỂN STAYCATION TẠI VIỆT NAM
Cơ hội đem lại
Sự phát triển của xu hướng staycation mở ra nhiều cơ hội đầy hứa hẹn cho các địa phương trong việc phát triển du lịch. Ngoài hiệu quả của staycation trong việc thúc đẩy nền kinh tế địa phương, sự phát triển của staycation còn có vai trò trong việc thiết kế lại và khám phá lại các nguồn lực địa phương, cũng như góp phần vào sự phát triển của các điểm đến du lịch. Staycation giúp đa dạng hóa thị trường khách du lịch, tạo điều kiện cho địa phương tiếp cận nhóm khách hàng mới - những người có nhu cầu du lịch ngắn ngày và tìm kiếm trải nghiệm gần nhà (Satpute và Bapat, 2024). Thực tế tại Việt Nam cho thấy, nhiều địa phương như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng đã tập trung khai thác thị trường khách nội địa thông qua các chương trình kích cầu du lịch ngắn ngày và ưu đãi cho khách địa phương (Minh Thắm, 2021; Hiểu Minh và Phùng Linh, 2024; Trung tâm Xúc tiến Du lịch Đà Nẵng, 2021). Việc này không chỉ góp phần gia tăng lượng khách du lịch, mà còn giúp địa phương giảm sự phụ thuộc vào khách du lịch quốc tế, đảm bảo sự ổn định của ngành du lịch trong bối cảnh biến động toàn cầu.
Đồng thời, sự phát triển của staycation tạo động lực để địa phương đầu tư và nâng cấp cơ sở hạ tầng, dịch vụ du lịch nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách (Do và cộng sự, 2024). Theo Đức Quang (2021), Thừa Thiên Huế đã tập trung đầu tư nâng cấp cơ sở lưu trú, như: các resort Laguna Lăng Cô, Lapochine Beach Resort, Alba Thanh Tân, Vedana Lagoon..., sẵn sàng đón khách với dịch vụ nghỉ dưỡng chất lượng. Các điểm vui chơi giải trí gắn với tài nguyên tự nhiên, như: suối thác, bãi biển cũng được chú trọng nâng cao chất lượng, đảm bảo an toàn cho du khách. Bên cạnh đó, hệ thống giao thông kết nối các điểm đến trong tỉnh đang được cải thiện để tạo thuận lợi cho việc di chuyển của du khách. Một số địa phương khác như: TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội cũng đã tích cực đầu tư nâng cấp hệ thống giao thông, cơ sở lưu trú, khu vui chơi giải trí để thu hút khách tại chỗ (Viễn Thông, 2021; Toàn Thịnh, 2023).
Bên cạnh đó, việc phát triển staycation cũng thúc đẩy sự hình thành và phát triển của các sản phẩm, dịch vụ du lịch mới dựa trên nền tảng tài nguyên và thế mạnh địa phương (Satpute và Bapat, 2024), tạo điều kiện cho việc khai thác hiệu quả các giá trị văn hóa, lịch sử, thiên nhiên vốn có, đồng thời khuyến khích sự sáng tạo và đổi mới trong việc tạo ra những trải nghiệm du lịch độc đáo.
Tại Hà Nội, nhiều khách sạn, khu nghỉ dưỡng đã tung ra các gói staycation hấp dẫn để thu hút khách địa phương, bao gồm dịch vụ lưu trú cao cấp kết hợp với ẩm thực đặc sắc, spa chăm sóc sức khoẻ, không gian làm việc riêng tư... nhằm mang đến cho khách hàng những trải nghiệm độc đáo ngay tại thành phố (Lan Nhi, 2022). Trong khi đó, tại các điểm du lịch nổi tiếng như: Hạ Long, Sapa, Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc..., các doanh nghiệp cũng đang đẩy mạnh phát triển sản phẩm staycation gắn với thiên nhiên, văn hoá bản địa (Lan Nhi, 2022). Ví dụ như các khu nghỉ dưỡng ở Hạ Long giờ đây không chỉ có dịch vụ lưu trú trên du thuyền, mà còn kết hợp với các hoạt động trải nghiệm như trekking, chèo thuyền kayak, tham quan làng chài, thưởng thức hải sản...
Hay tại Sapa, du khách có thể lựa chọn gói staycation - hình thức du lịch nghỉ dưỡng ngắn ngày dành cho người dân địa phương hoặc du khách ở các tỉnh lân cận muốn tận hưởng kỳ nghỉ ngắn, mà không cần di chuyển quá xa. Ví dụ như: trải nghiệm lưu trú tại các homestay của đồng bào dân tộc H'Mông, Dao, Giáy. Tại đây, du khách không chỉ được nghỉ dưỡng trong không gian mang đậm bản sắc văn hóa bản địa, mà còn được tham gia vào các hoạt động đặc sắc như: đi bộ khám phá những cung đường mòn hoang sơ giữa thung lũng Mường Hoa, học cách dệt vải thổ cẩm truyền thống, trải nghiệm nấu các món ăn đặc trưng, như: thắng cố, hay giao lưu văn nghệ cùng người dân bản địa trong những đêm lửa trại. Đặc biệt, du khách có thể tham gia vào các hoạt động canh tác nông nghiệp trên ruộng bậc thang, tìm hiểu về cách người dân địa phương trồng và chăm sóc những nương chè, hay thưởng thức những sản vật địa phương tươi ngon ngay tại vườn. Điểm chung là các gói staycation này thường được thiết kế linh hoạt từ 1-3 ngày với chi phí hợp lý, giúp người dân địa phương có cơ hội nghỉ ngơi, khám phá vẻ đẹp quê hương mà không tốn quá nhiều thời gian và chi phí cho việc di chuyển.
Việc phát triển du lịch địa phương gắn với staycation mở ra nhiều cơ hội việc làm và tăng thu nhập cho cộng đồng địa phương (Hung và Huan, 2024). Sự gia tăng của lượng khách du lịch nội địa kéo theo nhu cầu lớn về các dịch vụ lưu trú, ẩm thực, vận chuyển, hướng dẫn viên du lịch và các dịch vụ liên quan. Sự phát triển này tạo ra nhiều vị trí việc làm mới, đặc biệt trong lĩnh vực dịch vụ và du lịch, tạo sinh kế ổn định và nâng cao mức sống cho người dân địa phương. Ngoài ra, staycation còn tạo cơ hội cho địa phương quảng bá và xây dựng hình ảnh điểm đến thông qua trải nghiệm tích cực của du khách nội địa (Saidin và cộng sự, 2024). Khi tham gia staycation, du khách có xu hướng chia sẻ những trải nghiệm, hình ảnh và cảm nhận về điểm đến trên các nền tảng mạng xã hội và truyền thông, tạo hiệu ứng lan tỏa, góp phần nâng cao nhận thức và sức hấp dẫn của địa phương đối với cả du khách trong nước và quốc tế.
Những thách thức đặt ra
Bên cạnh những cơ hội đầy hứa hẹn, sự phát triển staycation cũng đặt ra không ít thách thức đối với các điểm đến du lịch địa phương.
Một là, thách thức về nhận thức và sự tham gia của cộng đồng địa phương. Theo nghiên cứu của Perdue và cộng sự (1990), sự ủng hộ và tham gia tích cực của cộng đồng là yếu tố then chốt quyết định sự thành công của các dự án phát triển du lịch. Tại nhiều địa phương ở Việt Nam, người dân vẫn chưa nhận thức đầy đủ về tiềm năng và lợi ích của Staycation trong phát triển kinh tế - xã hội (Tùng Đinh, 2023; Nguyễn Thị Phi và cộng sự, 2023). Điều này dẫn đến sự thiếu chủ động trong việc tham gia phát triển các sản phẩm và dịch vụ du lịch địa phương.
Hai là, thách thức về marketing và xây dựng thương hiệu điểm đến. Các địa phương đang gặp khó khăn trong việc xác định và tiếp cận đúng phân khúc khách hàng mục tiêu, thiết kế nội dung truyền thông phù hợp và lựa chọn kênh marketing hiệu quả (Bảo Thoa, 2023).
Ba là, thách thức về đảm bảo an ninh, an toàn và môi trường. Sự gia tăng của hoạt động du lịch có thể tạo áp lực lên hệ thống an ninh, trật tự và vệ sinh môi trường tại điểm đến (Thạch Long, 2023).
Bốn là, việc đào tạo và phát triển nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao cũng là một thách thức không nhỏ. Staycation đòi hỏi đội ngũ nhân viên có kiến thức, kỹ năng và thái độ phục vụ tốt để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách. Tuy nhiên, nhiều địa phương còn thiếu các cơ sở đào tạo chuyên nghiệp và chương trình đào tạo phù hợp. Việc thu hút, đào tạo và giữ chân nhân tài trong lĩnh vực du lịch cũng gặp nhiều khó khăn do tính chất mùa vụ và mức lương chưa cạnh tranh của ngành.
Năm là, việc huy động và quản lý nguồn lực tài chính để phát triển staycation cũng là một thách thức đáng kể. Việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng, phát triển sản phẩm du lịch và triển khai các hoạt động marketing đòi hỏi nguồn vốn lớn. Tuy nhiên, nhiều địa phương còn hạn chế về ngân sách và khả năng tiếp cận các nguồn vốn đầu tư.
ĐỀ XUẤT GIẢI PHÁP
Staycation đang dần trở thành xu hướng du lịch đầy tiềm năng, mang đến nhiều cơ hội phát triển cho các địa phương tại Việt Nam. Đây không chỉ là cơ hội để khai thác hiệu quả tài nguyên du lịch sẵn có, tạo việc làm và tăng thu nhập cho người dân địa phương, mà còn góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch. Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội, việc phát triển staycation cũng đặt ra nhiều thách thức về nhận thức cộng đồng, nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng, nguồn lực tài chính và chiến lược marketing. Để phát triển staycation bền vững tại các địa phương, cần triển khai đồng bộ các giải pháp sau:
Thứ nhất, nâng cao nhận thức cộng đồng thông qua việc tổ chức các chiến dịch tuyên truyền về lợi ích của staycation trên các phương tiện truyền thông đại chúng và mạng xã hội. Đặc biệt, cần khuyến khích sự tham gia của cộng đồng thông qua các chương trình đào tạo ngắn hạn, giúp người dân địa phương tham gia cung cấp dịch vụ du lịch như homestay, hướng dẫn viên địa phương hay phát triển các sản phẩm thủ công.
Thứ hai, đầu tư và nâng cấp cơ sở hạ tầng theo hướng đồng bộ và bền vững. Các địa phương cần tập trung phát triển hệ thống giao thông kết nối các điểm du lịch, nâng cấp đa dạng cơ sở lưu trú từ homestay đến khách sạn, phát triển hệ thống nhà hàng với thiết kế và ẩm thực đặc trưng địa phương. Song song với đó là việc phát triển không gian công cộng như phố đi bộ, chợ đêm và các khu vui chơi giải trí đáp ứng nhu cầu của cả người dân và du khách.
Thứ ba, phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù dựa trên thế mạnh của từng địa phương. Chẳng hạn như: phát triển tour làng nghề tại Bắc Ninh, Hà Nam…; tour trải nghiệm văn hoá ẩm thực, khám phá di sản văn hoá – lịch sử đô thị tại Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, Hội An, TP. Hồ Chí Minh…; tour sinh thái nông nghiệp tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long; hay thưởng thức các show diễn nghệ thuật tại các thành phố. Các sản phẩm du lịch cần tăng cường tính trải nghiệm thông qua các hoạt động tương tác như workshop thủ công, làm nghề truyền thống, học nấu ăn, hay tham gia các hoạt động văn hóa địa phương. Các hoạt động trên cần được thiết kế linh hoạt, có thể kết hợp thành các gói staycation ngắn ngày (1-2 ngày) hoặc các trải nghiệm độc lập, phù hợp với nhu cầu đa dạng của người dân và tạo điểm nhấn khác biệt so với các hình thức du lịch truyền thống.
Thứ tư, xây dựng chiến lược marketing số đột phá thông qua việc tận dụng các nền tảng công nghệ và mạng xã hội. Đẩy mạnh hợp tác với các cá nhân có chuyên môn, được nhiều người biết đến và được yêu thích (influencer/blogger du lịch) để quảng bá điểm đến, đồng thời phát triển các nền tảng đặt tour trực tuyến tích hợp giúp du khách dễ dàng tiếp cận thông tin và đặt dịch vụ.
Thứ năm, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao thông qua việc liên kết với các cơ sở đào tạo du lịch uy tín. Xây dựng các chương trình đào tạo thực tế, chú trọng kỹ năng chuyên môn và ngoại ngữ. Đồng thời, cải thiện chính sách đãi ngộ, tạo môi trường làm việc chuyên nghiệp để thu hút và giữ chân nhân tài.
Thứ sáu, đảm bảo tính bền vững trong phát triển thông qua việc cân bằng giữa phát triển du lịch với bảo tồn văn hóa và bảo vệ môi trường. Các địa phương cần xây dựng quy chế quản lý môi trường chặt chẽ, đồng thời có các chương trình bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống.
Thứ bảy, tăng cường hợp tác công - tư trong việc huy động nguồn lực phát triển staycation. Các địa phương cần xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi để thu hút đầu tư từ khu vực tư nhân, đồng thời thúc đẩy các mô hình hợp tác trong phát triển hạ tầng và sản phẩm du lịch./.
Tài liệu tham khảo
1. Bảo Thoa (2023), Du lịch Việt Nam đang đối mặt với những khó khăn, thách thức nào?, truy cập từ https://ttdn.vn/nghien-cuu-trao-doi/ly-luan-thuc-tien/du-lich-viet-nam-dang-doi-mat-voi-nhung-kho-khan-thach-thuc-nao-91790
2. Do, D. T., Do, X. S., Nguyen, T. T. T., Huang, J., Vo, D. T., Dinh, T. G. H. (2024). Urban staycation attraction factors: a case study of Ho Chi Minh city, Journal of Asian Architecture and Building Engineering, 23(2), 829-842.
3. Dang Nguyen (2024), Vietnam tourism and the goal of 18 million visitors, Ministry of Culture-Sports and Tourism, retrieved from https://bvhttdl.gov.vn/du-lich-viet-nam-va-muc-tieu-don-18-trieu-luot-khach-quoc-te-bai-1-tao-dong-luc-de-ve-dich-20240313170330762.htm.
4. Đức Quang (2021), Thừa Thiên Huế: Khách nội tỉnh - "cứu cánh" cho du lịch hè, truy cập từ https://vietnamtourism.gov.vn/post/36707.
5. Giannoukou, I., Fafouti, E., Halkiopoulos, C. (2022), Behavior analysis of glamping as a novel tourism marketing trend, International Conference of the International Association of Cultural and Digital Tourism.
6. Hung, N. P., Huan, M. N. (2024), Staycation tourism during the COVID-19 pandemic, Inter-Asia Cultural Studies, 25(1), 139-155, https://doi.org/10.1080/14649373.2024.2293549.
7. Heimtun, B. (2012), The friend, the loner and the independent traveler: Norwegian midlife women’s social identities when on holiday, Tourism Management, 33(5), 1260-1267.
8. Hiểu Minh và Phùng Linh (2024), Du lịch nghỉ dưỡng tại chỗ ‘bùng nổ’ nhờ loạt gói kích cầu hạng sang, truy cập từ https://tienphong.vn/du-lich-nghi-duong-tai-cho-bung-no-nho-loat-goi-kich-cau-hang-sang-post1666675.tpo.
9. Irfan, R., Lahlou, H. (2024), Vacation Into Staycation Covid-19 Pandemic and Connotative Analysis of Staycation, Revista de Gestão Social e Ambiental, 18(4), 1-13.
10. Lan Nhi (2022), Thu hút du lịch tại chỗ bằng những sản phẩm độc đáo, truy cập từ https://laodong.vn/van-hoa/thu-hut-du-lich-tai-cho-bang-nhung-san-pham-doc-dao-1043612.ldo.
11. McCabe, S., Minnaert, L., Diekmann, A. (2015), Social tourism in Europe: Theory and practice, Channel View Publications.
12. Minh Thắm (2021), Thành phố Hồ Chí Minh kích cầu du lịch tại chỗ bằng sản phẩm độc đáo, truy cập từ https://vietnamtourism.gov.vn/post/35728
13. Molz, J. G. (2009), Representing pace in tourism mobilities: Staycations, slow travel and the amazing race, Journal of Tourism and Cultural Change, 7(4), 270-286.
14. Molz, J. G (2010), CouchSurfing and network hospitality: 'It's not just about the furniture', Hospitality & Society, 1(3), 215-235.
15. Moon, H., Chan, H. (2022), Millennials’ staycation experience during the COVID-19 era: mixture of fantasy and realit, International Journal of Contemporary Hospitality Management, 34(7), 2620-2639, https://doi.org/10.1108/IJCHM-07-2021-0932.
16. Nuswantoro, M. B., Rahmiati, F., Goenadhi, F., Madden, K. (2024), Sustainability of The Staycation Trend: Key Influences in The New Normal Era, FIRM Journal of Management Studies, 9(2), 90-101.
17. Nguyễn Thị Phi, Nguyễn Thị Thu Hường và Đinh Thị Tuyết Mai (2024), Đắk Lắk tăng cường khai thác tiềm năng, thế mạnh của du lịch góp phần phát triển kinh tế – xã hội, truy cập từ https://www.quanlynhanuoc.vn/2023/08/15/dak-lak-tang-cuong-khai-thac-tiem-nang-the-manh-cua-du-lich-gop-phan-phat-trien-kinh-te-xa-hoi/
18. Perdue, R. R., Long, P. T., Allen, L. (1990), Resident support for tourism development, Annals of tourism Research, 17(4), 586-599, https://doi.org/10.1016/0160-7383(90)90029-Q
19. Thạch Long (2023), Môi trường trong áp lực của phát triển du lịch, truy cập từ https://baochinhphu.vn/moi-truong-trong-ap-luc-cua-phat-trien-du-lich-10264411.htm.
20. Tùng Đinh (2023), Mù Cang Chải: Phát triển nhân lực du lịch tại chỗ để phát triển kinh tế, truy cập tại: https://nongnghiep.vn/mu-cang-chai-phat-trien-nhan-luc-du-lich-tai-cho-de-phat-trien-kinh-te-d366764.html.
21. Saidin, S. S., Zulkefli, N. S., Mansor, N. A., Hashim, N. A. A. N., Tri, N. D. (2024), Exploring Staycation Experiences Drivers Among Millennials’ Tourists, In The AI Revolution: Driving Business Innovation and Research: Volume 1 (pp. 877-888). Springer.
22. Satpute, P., Bapat, G. (2024). Hotel Staycation–A New Dynamic for Profitability in Tourism, In International Handbook of Skill, Education, Learning, and Research Development in Tourism and Hospitality (pp. 1-9). Springer.
23. Toàn Thịnh (2023), Du lịch "nghỉ dưỡng tại chỗ" được nâng cấp tiện ích, truy cập từ https://dantri.com.vn/du-lich/du-lich-nghi-duong-tai-cho-duoc-nang-cap-tien-ich-20221231095544018.htm.
24. Theobald WF (2012), Global Tourism, London, UK, 03, 23-48.
25. Trung tâm Xúc tiến Du lịch Đà Nẵng (2021). Đà Nẵng: Gần 87% người dân có nhu cầu du lịch tại chỗ sau khi dịch bệnh được khống chế, truy cập tại: https://vietnamtourism.gov.vn/post/37483.
26. Viễn Thông (2021), Khách sạn Sài Gòn gượng dậy bằng 'staycation', truy cập từ https://vnexpress.net/khach-san-sai-gon-guong-day-bang-staycation-4376649.html.
27. UNWTO (1995), UNWTO technical manual: collection of tourism expenditure statistics, Madrid, Spain: World Tourism Organization.
28. Wong, I. A., Lin, Z., Kou, I. E. (2023), Restoring hope and optimism through staycation programs: An application of psychological capital theory, Journal of Sustainable Tourism, 31(1), 91-110, https://doi.org/10.1080/09669582.2021.1970172.
29. Yesawich P. (2010), Are staycations here to stay, Vacation News, 29.
Ngày nhận bài: 06/11/2024; Ngày phản biện: 20/11/2024; Ngày duyệt đăng: 06/12/2024 |
Bình luận