Theo dự kiến, Phiên họp thứ 20 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ khai mạc vào hôm nay (ngày 13/2) và bế mạc ngày 15/2 tới.

Về công tác xây dựng pháp luật, tại Phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của các dự án: Luật Phòng thủ dân sự; Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi); Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi).

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ xem xét, cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết về nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu, tổ chức của Ban Thư ký; dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thi đua, khen thưởng đối với đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội và cán bộ, công chức thuộc thẩm quyền quản lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Dự thảo Nghị định bảo vệ dữ liệu cá nhân được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến
Tại Phiên họp thứ 20, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét việc giao danh mục và mức vốn cho nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội (đợt 2)

Đáng chú ý, tại Phiên họp thứ 20, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến về dự thảo Nghị định bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 13/NQ-CP thông qua hồ sơ xây dựng Nghị định bảo vệ dữ liệu cá nhân. Theo đó, Chính phủ quyết nghị đồng ý quy định dữ liệu cá nhân được xử lý không cần sự đồng ý của chủ thể dữ liệu trong trường hợp: (1) Để bảo vệ tính mạng, sức khỏe của chủ thể dữ liệu hoặc người khác trong tình huống khẩn cấp. Bên Kiểm soát dữ liệu cá nhân, Bên Xử lý dữ liệu cá nhân, Bên Kiểm soát và xử lý dữ liệu cá nhân, Bên thứ ba có trách nhiệm chứng minh trường hợp này; (2) Việc công khai dữ liệu cá nhân theo quy định của luật; (3) Việc xử lý dữ liệu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong trường hợp tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, thảm họa lớn, dịch bệnh nguy hiểm; khi có nguy cơ đe dọa an ninh, quốc phòng, nhưng chưa đến mức ban bố tình trạng khẩn cấp; phòng, chống bạo loạn, khủng bố, phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật theo quy định của luật; (4) Để thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng của chủ thể dữ liệu với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan theo quy định của luật; (5) Phục vụ hoạt động của cơ quan nhà nước đã được quy định theo luật chuyên ngành.

Cũng tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, thông qua dự thảo Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước; dự thảo Nghị quyết hướng dẫn thi hành Nội quy kỳ họp Quốc hội.

Tại Phiên họp thứ 20, Ủy ban Thường vụ Quốc hội còn xem xét báo cáo tổng kết Kỳ họp bất thường lần thứ 2 và thứ 3, Quốc hội khóa XV; báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 12/2022 và tháng 1/2023…/.