Tình trạng mua bán dữ liệu cá nhân ở Việt Nam rất nghiêm trọng
Ý thức của người dân trong việc bảo vệ dữ liệu cá nhân chưa cao
Trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội Nguyễn Tạo tại Kỳ họp thứ 6 của Quốc hội diễn ra hôm nay (ngày 7/11), Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, hiện nay Bộ Công an đã xác định 100% mã số định danh cho công dân trên toàn quốc, đặc biệt là xác định hộ khẩu cùng một số hoạt động để tiếp tục cấp cho công dân các giấy tờ, đặc biệt là căn cước. Trường hợp con lai, người không có quốc tịch hoặc người từ trước đến giờ chưa có một loại giấy tờ gì, thì cần chúng ta phải có cơ sở xác định để đánh giá.
“Đối với những công dân chưa có chỗ ở hợp pháp, ví dụ ở Tây Nguyên, tình hình dân di cư vào Tây Nguyên rất lớn, mà vấn đề đất đai ở Tây Nguyên lại rất phức tạp… Nếu chưa xác định được vị trí, chỗ ở hợp pháp của người dân thì theo quy định của pháp luật chưa có hộ khẩu. Để giải quyết các vấn đề, cần phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các cơ quan, các ngành, để cùng xác định được vấn đề chỗ ở, giải quyết được vấn đề căn cơ về đất đai…”, ông Lâm cho hay.
Theo Bộ trưởng Tô Lâm, tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao cảnh giác, chủ động không cung cấp các thông tin nếu không được pháp luật quy định ban hành… |
Trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội liên quan đến bảo vệ dữ liệu cá nhân, Bộ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh, bảo vệ dữ liệu cá nhân là vấn đề rất quan trọng, đặc biệt là trong quá trình chuyển đổi số. Tuy nhiên, hiện nay, tình trạng mua bán dữ liệu cá nhân ở Việt Nam rất nghiêm trọng.
“Trong năm 2023, Bộ Công an đã phải cảnh báo, xử lý hàng chục triệu vụ việc có liên quan đến xâm phạm cơ sở dữ liệu cá nhân. Ý thức của người dân trong việc bảo vệ dữ liệu cá nhân hiện nay chưa cao. Người dân có thể sẵn sàng cung cấp các thông tin cá nhân cho người khác…”, ông Lâm nói.
Ông cho biết thêm, Bộ Công an đang chỉ đạo thực hiện một số giải pháp. Trong đó, khẩn trương hoàn thiện hành lang pháp lý, đề xuất xây dựng Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân để trình Quốc hội xin cho ý kiến. Bên cạnh đó, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về bảo vệ dữ liệu cá nhân, trọng tâm là tổ chức thực hiện có hiệu quả các quy định của Luật An ninh mạng và Nghị định số 13/2023/NĐ-CP về bảo vệ dữ liệu cá nhân. Đặc biệt, xác định và thực hiện nghiêm trách nhiệm của các chủ thể liên quan trong bảo vệ dữ liệu cá nhân đã được quy định chặt chẽ trong luật và Nghị định này.
Việc điều tra các đối tượng tham nhũng không có vùng cấm…
Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, đấu tranh phòng chống tham nhũng là công tác rất trọng tâm của lực lượng công an triển khai trong thời gian qua. Công tác phát hiện, điều tra, xử lý các vụ án tham nhũng, tiêu cực được ngành công an đẩy mạnh, tích cực, Ban Chỉ đạo Trung ương, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đặc biệt là đồng chí Tổng Bí thư đã đánh giá đây là điểm sáng trong hoạt động phòng, chống tham nhũng.
Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, việc điều tra, quyết định truy tố, xét xử các đối tượng tham nhũng với phương châm không có đặc quyền |
Bộ cũng đã tập trung chống tham nhũng, tiêu cực, làm trong sạch nội bộ, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, nâng cao ý thức cán bộ. Cùng với đó, Bộ cũng đã chú trọng cải cách thủ tục hành chính, quản lý, quản trị xã hội bằng pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân, cho doanh nghiệp. Việc cải cách thủ tục hành chính sẽ giúp giảm hẳn tham nhũng vặt, giải quyết được vấn đề cử tri đang rất bức xúc.
Thực tế, việc điều tra, quyết định truy tố, xét xử các đối tượng tham nhũng với phương châm không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không có đặc quyền đã được thực hiện tốt, góp phần cảnh tỉnh, răn đe, phòng ngừa vi phạm, thu hồi được nhiều tài sản cho nhà nước. Những kết quả trên đã tiếp tục đẩy mạnh phong trào phòng chống tham nhũng, tiêu cực trở thành xu thế không thể đảo ngược.
Không còn vướng mắc trong quá trình tổ chức thiết kế, hoàn thiện hồ sơ để nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy
Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về công tác phòng cháy, chữa cháy, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, Bộ Công an đã chỉ đạo lực lượng công an các đơn vị, địa phương tổ chức hội nghị về các giải pháp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác thẩm duyệt, nghiệm thu phòng cháy, chữa cháy đối với 17 địa phương trọng điểm và cũng đã chỉ đạo Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy ban hành các văn bản hướng dẫn nghiệp vụ để công an các đơn vị, địa phương thực hiện thống nhất…
Bộ trưởng cho biết, cho đến nay, công an các địa phương đã rà soát lại tất cả các cơ sở có khó khăn, vướng mắc và trực tiếp làm việc, hướng dẫn các giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong công tác phòng cháy, chữa cháy; thành lập các tổ công tác trực tiếp đến 100% các cơ sở còn tồn tại, vi phạm để hướng dẫn các giải pháp, biện pháp khắc phục tồn tại, vi phạm về phòng cháy, chữa cháy.
“Trên cơ sở tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tính đến ngày 30/10/2023, 100% các dự án xây dựng mới có khó khăn, vướng mắc đã được hướng dẫn và thống nhất tiếp thu, chỉnh sửa, không còn vướng mắc trong quá trình tổ chức thiết kế, hoàn thiện hồ sơ để thẩm duyệt và nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy…”, ông Lâm khẳng định./.
Bình luận